Nhu cầu tìm người giúp việc thì quá lớn mà số người có thể tin tưởng được thì không nhiều (chứ không phải thiếu người tìm việc làm) nên xảy ra tình trạng “sốt” ô-sin, kéo theo đó là giá thuê ô-sin cũng tăng chóng mặt.
Nếu như trước đây, một ô-sin kiêm trông trẻ, làm việc nhà giá khoảng 700.000 – 800.000 đồng/tháng thì theo đà “bão giá” đã tăng lên đến 1 triệu, thậm chí hơn 1 triệu mà nhiều gia đình vẫn chưa tìm được…Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.
Nhất cùng họ – Nhì cùng quê
Hầu hết các gia đình đều muốn tìm ô-sin phải là người tin tưởng vì toàn bộ nhà cửa, con cái đều giao cả vào tay ô-sin. Ai cũng thích ô-sin phải thật thà trung thực và khỏe mạnh, chăm chỉ bởi với những đức tính ấy, ô-sin sẽ là người giúp việc hoàn hảo.
Tất nhiên là chẳng bao giờ có ô-sin nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ấy, không sứt chỗ nọ thì cũng méo chỗ kia.
Ở thời kỳ đầu hầu hết người ta tuyển ô-sin từ những người họ hàng ở quê vì đảm bảo tương đối chắc được sự tin tưởng (họ hàng mà chả tin thì còn tin ai – các cụ nhà ta vẫn thường nói thế). Sang đến cấp độ cao hơn thì ô-sin có thể là họ hàng xa hơn (bắn mấy phát đại bác cũng chưa tới) hay cũng vẫn phải là ở quê nhưng phát triển hơn ở mức có thể là người được người quen giới thiệu.
Thị trường có “cung” tất có “cầu”. Đã xuất hiện một số công ty chuyên nghiệp tuyển dụng và đào tạo ô-sin, gia đình nào có nhu cầu chỉ cần điện thoại cho họ biết, lập tức sẽ có ngay. Đây có thể nói là cấp độ cao nhất của ô-sin hiện nay, sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của "thị trường" như: giúp việc theo giờ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc trẻ nhỏ, giúp việc nhà trong ngày hay ở lại luôn cùng nhà chủ. Với những công ty như vậy đương nhiên số tiền mà gia chủ bỏ ra cũng phải "cao cao" và nghe nói ô-sin ở những công ty này cũng được đóng Bảo hiểm xã hội, nghỉ phép theo chế độ....(?). Tuy nhiên loại hình này chỉ dành cho tầng lớp trên vì giá cả của nó khiến giới công chức bình dân "lác mắt", nếu muốn thử thì chắc cũng phải hết cả tháng lương. Vì thế hầu hết các gia đình hiện nay vẫn chọn phương án "người ở quê".
Chị Thương, nhà ở dốc Đoàn Kết, kể rằng, đã từng bị ô-sin lừa rất nhiều tiền rồi trốn biệt tăm. Nguyên nhân là “Lúc đầu, thấy con bé ngoan hiền, chân chất, chị thường đưa tiền cho nó đi chợ giùm. Dần dà, thấy nó có biểu hiện không bình thường, mua đồ đắt hơn mọi người, nhưng chị nghĩ đó chỉ là tiền nhỏ, chẳng để ý, lâu dần quen thói, và nhu cầu cất tiền đi của con bé ô-sin đó càng cao. Đấy, thế nên, cứ tìm người nhà, họ hàng xa hoặc làng xóm ở quê, có mất thì cũng còn đỡ tiếc”.
Khi dòng đời thay đổi…
Người ở quê cũng thường được nghĩ đến với quan niệm là người chăm chỉ, khỏe mạnh và thật thà. Ô-sin ở quê thì tuy có hơi "chậm tiến" trong việc tiếp thu các công nghệ hiện đại của gia đình ở thành phố nhưng "trăm hay không bằng tay quen", việc ấy dạy được hết, chỉ vài bữa là "nhoay nhoáy" bật ti vi, máy giặt, nấu cơm hay phức tạp hơn như lò vi ba...
Ô-sin ở quê có "quê" cỡ nào đi nữa thì lên thành phố vài năm giúp việc gia đình cũng "biến thành" người thành phố. Nào thì trắng ra này, nào thì béo lên này, rồi cũng tập tọe son phấn tí chút, quần áo điệu đà hơn và thời bây giờ thì tung tẩy cả điện thoại di động nhé! Có thể không ngoa khi nói rằng sau chừng 5 năm thì chưa chắc đã phân biệt được ai là ô-sin ai là bà chủ. Làm lâu rồi thì ô-sin cũng sẽ muốn về thăm quê thường xuyên hơn, tăng lương cao hơn, tị nạnh so bì với ô-sin nhà bên cạnh và càng ngày càng lười hơn....
Mà tâm lý người thuê ô-sin thì bao giờ cũng vẫn chỉ là ở lâu dài, làm việc chăm chỉ, cho gì được nấy, không đòi hỏi quá đáng...Cũng có gia đình chiều chuộng ô-sin, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", thấy ô-sin có ý muốn tăng lương mà hoàn cảnh gia đình ô-sin cũng nhiều khó khăn nên "chậc lưỡi" tăng lương. Nhưng họ đâu nghĩ rằng cái cách họ tăng lương như vậy rất dễ gây "nghiện" và rằng chính vì được chiều sinh "quen thói".
Tăng lương được lần này thì cũng sẽ tăng lương được lần tới với thời gian ngắn hơn, "chiều" được việc này thì chắc gia chủ cũng sẽ dễ dàng "chiều" theo việc kia, bỏ qua việc nọ...Và thế là ô-sin được đà lấn tới, gia đình thấy thế cũng hết chịu nổi đành cho nghỉ việc. Một vòng tròn mới lại bắt đầu: Nhờ bạn bè người thân tìm giúp ô-sin.
Chị Hà, nhà ở Lê Trọng Tấn than thở: “4 cô giúp việc rồi đấy, mà vẫn chưa tìm được đứa nào. Đứa thì hư, cãi chủ bem bẻm; đứa thì lười, bảo nó làm gì thì mình cố làm một chút có khi còn nhanh hơn, suốt ngày bảo: đợi cháu tý; đứa ngoan ngoãn thì được mấy hôm lại bảo, thôi cháu về quê, mẹ cháu bảo về. Chán lắm. Cái con bé tôi vừa cho nghỉ đấy, lúc đầu cũng ngoan lắm, chẳng hiểu nghe ô-sin nhà hàng xóm xúi bẩy thế nào, tự nhiên thích ăn diện, đòi mua quần áo liên tục. Còn biết xin phép đi chat ở ngoài hàng internet, bảo để nói chuyện với bạn nữa chứ. Dần dà nó là chủ còn mình là ô-sin”.
Nói đi cũng phải nói lại
Phải thừa nhận, các bà các cô cứ ngồi với nhau mà nói chuyện về người giúp việc của nhà mình là kể không hết chuyện. Đa phần đều ngán ngẩm, lắc đầu vì thói hư, tật xấu của người giúp việc. Nhưng trên thực tế, ô-sin cũng có rất nhiều người tử tế, thật thà và chăm chỉ như bất cứ một nghề kiếm cơm nào khác. Nhưng những gì họ nhận được bao giờ cũng là sự đòi hỏi, sự nghi ngờ và mong muốn quá nhiều từ phía chủ nhà.
Cũng không hiếm những người giúp việc đã sống yên ấm, cơm lành canh ngọt với chủ nhà, và có những người sau khi không còn làm cho gia chủ nữa thì được họ tiếp tục giới thiệu cho người thân hoặc bạn bè của họ.
Những câu chuyện "mâu thuẫn" giữa ô-sin và chủ nhà vẫn còn và đó luôn là câu chuyện muôn thuở. Nhưng nếu chủ nhà tin tưởng, người giúp việc chăm chỉ thật thà, thì có lẽ, đôi bên sẽ cùng có lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét