Thứ Ba, 13 tháng 5, 2008

Hai nhà báo bị khởi tố và góc nhìn từ quy định của điều 281 - BLHS

“Trong quá trình điều tra vụ án: “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng động bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ; Tham ô tài sản tại Ban Quản lý dự án 18đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến cán bộ tiêu cực, tham nhũng, tham gia chạy án, hối lộ… trong đó có bài “Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng”. Xét tính chất nghiêm trọng của các việc nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các thông tin trên để xử lý theo pháp luật. Kết quả điều tra đã xác định có những tin đưa lên báo không đúng sự thật, trong đó có những tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án; việc đăng tải những thông tin trên đây trên các phương tiện thông tin là rất nghiêm trọng, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngày 23/7/2007, cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự với các tội danh: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo điều 258 Bộ luật hình sự) và “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” (điều 263 Bộ luật hình sự). Quá trình điều tra cơ quan An ninh xác định việc đưa tin sai sự thật của vụ án là do một số cán bộ cảnh sát điều tra và một số phóng viên thực hiện, hành vi của họ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngày 12/5/2008, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can với tội danh “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật hình sự) để tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm và xử lý theo pháp luật đối với những người có tên sau đây:

  1. Ông Phạm Xuân Quắc, sinh năm 1946 tại Hải Dương, nguyên Cục trưởng Cục C14
  2. Ông Đinh Văn Huynh, sinh năm 1958 tại Thái Bình, nguyên trưởng phòng 9, cục C14.
  3. Ông Nguyễn Việt Chiến, sinh năm 1952 tại Hà Nội, phóng vien báo Thanh Niên.
  4. Ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1975 tại Thái Nguyên, phóng viên Báo Tuổi trẻ.”
    (Trích Thông báo Bộ Công an)

(Nguồn: Báo điện tử Dân Trí)

Bây giờ hãy xem điều 281 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định cụ thể:

Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Đi vào phân tích cụ thể điều luật này thì khả năng phạm tội có tổ chức giữa cả 04 người với nhau hoặc với những người khác từ bên ngoài là rất ít vì vậy có thể tạm thời bỏ qua khoản 2 và khoản 3 của điều này. Nếu tội phạm được cấu thành thì đương nhiên các cá nhân trên sẽ bị áp dụng khoản 4 của điều luật này.

Trước tiên hãy thử tập trung xem xét đến các dấu hiệu cơ bản của tội phạm đối với tội danh này:

  • Chủ thể của tội phạm: Là những người có chức vụ và quyền hạn

(Trong vụ việc cụ thể này thì rõ ràng 02 nhà báo và 02 nguyên cán bộ công an đều là người có chức vụ và quyền hạn. Nếu không phải nhà báo thì những thông tin mà 02 nhà báo này có được sẽ không được đăng tải trên báo chí. Nếu không phải là cán bộ công an điều tra vụ án thì 02 nguyên cán bộ công an sẽ không có thông tin cung cấp cho 02 nhà báo).

  • Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Mặc dù tội phạm gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.

(Với những thông tin đưa lên báo không đúng sự thật, trong đó có những tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án thì rõ ràng thiệt hại gây ra cho Nhà nước là có. Những thông tin này đã gây ra tâm lý trong quần chúng nhân dân rằng Nhà nước đã không nghiêm minh trong việc xử lý các quan chức phạm tội).

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm:

    • Hành vi khách quan: Lợi dụng chức vụ quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích.

(Hành vi này thể hiện ở việc: 02 nhà báo và 02 nguyên cán bộ công an đã sử dụng quyền hạn và chức vụ của họ để cung cấp thông tin và đăng thông tin sai sự thật lên báo. Hai cán bộ công an đã sử dụng quyền hạn và chức vụ một cách trái phép để cung cấp thông tin vụ án cho 02 nhà báo; 02 nhà báo đã sử dụng quyền hạn và chức vụ nhà báo của mình để đăng tải thông tin sai sự thật đó lên báo chí).

    • Hậu quả: Người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn phải gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

(Hậu quả gây ra là làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước vì những thông tin không chính xác và sai sự thật. Ví dụ cụ thể như việc thông tin 40 quan chức cao cấp nhận hối lộ là thông tin không chính xác đã gây nên mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào nhà nước) .

  • Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của dấu hiệu này là xác định động cơ của người phạm tội bởi theo quy định của điều luật thì động cơ là dấu hiệu bắt buộc (Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác). Động cơ vụ lợi là vì lợi ích vật chất của mình, của đơn vị mình hoặc của một tổ chức mà mình tham gia...Động cơ cá nhân khác là vì lợi lợi ích phi vật chất của mình, của người khác mà mình quan tâm như vì nể nang, vì tình cảm cá nhân, vì danh vọng, địa vị xã hội...

(Ở đây có nhiều khả năng CQĐT và VKS sẽ xem xét dưới quan điểm động cơ cá nhân khác, có thể là vì tin tưởng vào nguồn tin, vì nóng vội chạy theo áp lực tin bài của tòa soạn đối với vụ án...).

Update 14/5/2008: Để cho dễ hiểu hơn, tớ sẽ bổ sung những ý kiến của cá nhân theo quan điểm của bên giữ quyền công tố ở ngay dưới những dấu hiệu cơ bản của tội phạm để có thể hình dung vụ việc này dễ hơn.

1 nhận xét: