“...Người dẫn chương gọi tắt là M.C (viết tắt của cụm từ Master of Ceremonies) theo từ điển Bách khoa tòan thư mở Wikipedia định nghĩa thì MC là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng. Có kiến thức rộng rãi, khôi hài, thanh lịch và có uy tín với công chúng. Rộng hơn, MC là bộ phận không thể thiếu trong kết cấu của một chương trình nào đó (Đặc biệt là các chương trình truyền hình). Thế nên, việc chương trình có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng làm cầu nối với khán giả của MC. Tuy nhiên, điểm lại những gương mặt thường xuyên xuất hiện trên những chương trình truyền hình với vai trò là MC mới thấy lực lượng MC chuyên nghiệp tại nước ta đang rất mỏng và yếu.... Thay vì có một chiến lược đào tạo MC hợp lý, thì các đài truyền hình lại chạy đua mời những người nổi tiếng về dẫn dắt chương trình. Và cũng chính những người nổi tiếng này, đã khiến khán giả được dịp “cười ra nước mắt” vì khả năng chuyên môn của họ khi dẫn chương trình...” ( Bài viết “Cười cùng MC truyền hình” đăng trên báo CAND).
“...Hiện trên các sân khấu tấu hài có rất ít tiểu phẩm hài mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, sâu sắc, mà phần lớn chỉ là tiếng cười dễ dãi, ngôn ngữ tùy tiện và những lời nói, cách so sánh hết sức dung tục. Các diễn viên tấu hài thường lấy cách ăn mặc kỳ dị hoặc khơi những khuyết điểm của các nhân vật là người đồng tính, khuyết tật... để chọc cười khán giả- một kiểu chọc cười vô tâm đến tàn nhẫn....” (Bài viết “Trong, đục tiếng cười trên sân khấu kịch” đăng trên báo Người Lao Động).
“...Chiến tranh đã kết thúc 33 năm. Cho đến lúc này, một cảm giác cho thấy nền văn học viết về chiến tranh đã và đang trở nên mờ nhạt cho dù vẫn có những nhà văn viết về cuộc chiến tranh đó và có những nhà xuất bản vẫn cho ra mắt những tác phẩm mới và tái bản một số tác phẩm cũ đã viết về chiến tranh. Nhưng trong đời sống văn học Việt Nam, những tác phẩm này không tạo ra được dư luận trong bạn đọc nữa và không còn được bàn đến như trước kia. Tại sao vậy? Có phải vì chiến tranh đã chìm sâu vào ký ức của người Việt Nam hay những tác phẩm viết về chiến tranh không tìm được vị trí của nó nữa?.... Các nhà văn tham gia cuộc chiến bây giờ chỉ còn đủ sức lực, trí tuệ và thời gian tổng kết sự nghiệp sáng tạo của mình mà thôi. Còn các nhà văn trẻ đang cầm bút thì chưa đủ yếu tố để tạo ra bất cứ cơn “địa chấn” nào khi viết về chiến tranh. Họ đang rơi vào trạng thái của những kẻ ghét chiến tranh và yêu hòa bình đầy cảm tính. Và đôi khi những điều đó đối với họ như là Mốt. Họ đang bị quá nhiều khuynh hướng và quá nhiều quan niệm làm cho rối loạn. Như một nhà văn đã viết: họ đang chống lại cái cũ của những nhà văn thế hệ trước nhưng lại không chống được cái cũ của chính mình. Dù chúng ta có tổ chức hay vận động bằng cách nào đó và với một khả năng tài chính khổng lồ đến đâu để các nhà văn viết về cuộc chiến tranh vừa qua thì kết quả chúng ta thu được cũng hầu như là những tác phẩm cũ mòn và cảm tính. Chúng ta không thể sốt ruột được. Và không còn cách nào tốt hơn là cách chúng ta phải chờ đợi. Bởi cuối cùng cũng sẽ phải có ít nhất một nhà văn cầm bút để lý giải một cách đầy đủ và công bằng nhất về cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng cũng rất kỳ vĩ của thế kỷ XX ấy....” (Bài viết “Văn học chiến tranh: Cả bạn đọc lẫn nhà văn đều... kiệt sức?” đăng trên Viettimes).
“....Trong Luật Điện ảnh VN có những điều quy định về phân loại phim theo độ tuổi. Thế nhưng, khi xem phim Việt trên sóng VTV, những điều luật đó đã không được chú ý. Trong Luật Báo chí - Xuất bản VN cũng có những điều luật quy định về ngôn ngữ sử dụng đúng với thuần phong mỹ tục Việt... và nhiều quy định khác của Nhà nước về văn minh, văn hoá công cộng. Gần đây, xem phim Việt giờ vàng trên VTV, từ những phim nằm trong series phim "Cảnh sát hình sự", "Ma làng", "Luật đời",... "Chàng trai đa cảm", cho đến những phim đang phát sóng của thể loại sitcom, tiểu thuyết truyền hình như: "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", có vấn đề trong ngôn ngữ lời thoại của phim, nhiều đoạn đang rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, gây phản cảm với khán giả.... VTV là kênh truyền hình quốc gia, ở ta chưa có quy định những giờ phát sóng riêng cấm trẻ em các độ tuổi như ở nước ngoài, mà là "tứ đại đồng đường" cùng xem. Người lớn nghe ngôn ngữ thoại của phim đã thấy khó nghe, nhưng trẻ em thì sao? Chưa kể những hình ảnh của phim không phù hợp lứa tuổi, mà ngôn ngữ đã làm xấu đi cảm thụ nghệ thuật. Không thể đổ lỗi cho nhân vật hay cho diễn viên, mà các nhà biên kịch, đạo diễn và cả khâu kiểm duyệt phim. Các nhà làm phim truyền hình của ta không biết sẽ đẩy ngôn ngữ Việt đi về đâu, khi mà trong phim đầy rẫy những từ ngữ "không thuần Việt" và không cho tiếng Việt trong sáng hơn. Đã làm phim phát trên sóng truyền hình quốc gia dành cho mọi lứa tuổi xem, việc sử dụng ngôn ngữ lời thoại trong phim không thể tuỳ tiện. Không thể nói phim là cuộc đời, phải phản ánh như hiện thực cuộc sống, như thế là rơi vào tự nhiên chủ nghĩa sống sượng, không phải là hình tượng điển hình, hình tượng nghệ thuật....” (Bài viết “Ngôn ngữ của phim Việt giờ vàng có tự nhiên chủ nghĩa?” đăng trên báo Lao Động).
“...Ở thời buổi này, album ca nhạc được khuyến mãi cùng hàng loạt tặng phẩm theo kiểu vé đi xem live show của Minh Hằng ở MTV, vé spa miễn phí hay vé mua quần áo thời trang. Theo Minh Hằng, sở dĩ giá album cao là do thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ HD và 10 clip, kèm CD và DVD karaoke. Nhưng xem ra, chất lượng album không có gì nổi bật, giọng hát đã được tút kỹ trong phòng thu....” (Bài viết “Quảng bá album: Càng gây sốc, càng nhạt” đăng trên báo Lao Động).
“...Di sản quan họ hiện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VH-TT-DL lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tháng 9.2009, UNESCO sẽ có thông báo chính thức về việc công nhận hay không loại hình di sản này. Nhưng làm gì để loại hình nghệ thuật này vẫn giữ nguyên tinh hoa của nó?.... Thật ra, từ trước đến nay, việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm cả quan họ, đã được Nhà nước quan tâm. Nhưng không phải cứ rót thật nhiều tiền là giải quyết được mọi khúc mắc. Bởi lẽ, cần phải có sự hiểu biết để bảo tồn đúng cách, đúng bài bản. Đã có rất nhiều cách bảo tồn được đặt ra đối với di sản quan họ. Thậm chí, "sân khấu hóa", chuyên nghiệp hóa cũng được coi là một xu hướng, mặc cho các nhà nghiên cứu tâm huyết ra sức phản đối. Mô hình bảo tồn tốt nhất mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian đó. Và, hơn ai hết, chính cộng đồng sở hữu di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình, để rồi gìn giữ nó, phát huy nhân rộng nó...” (Bài viết “Chắp những "mảnh vỡ " của quan họ cổ” đăng trên báo Thanh Niên).
“... Bãi đá cổ Sapa được một số nhà khoa học quốc tế đánh giá là một trong số ít những bãi đá có hình khắc đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Nhưng, kể từ khi du lịch về bản, có tour thăm bãi đá cổ, chỉ vài năm qua, các hình khắc trên bãi đá đã bị tàn phá rất nghiêm trọng. Nếu không có phương án bảo vệ, bãi đá cổ có thể sẽ biến mất bởi sự vô ý thức của con người và sự thờ ơ của cơ quan chức năng...Thời gian bãi đá bị phá hoại mạnh nhất chính là hồi làm con đường đi thẳng từ Sapa xuyên qua đây lên Pò Lùng Chải. Để mở được đường, người ta đã phải đập đi 18 hòn đá có hình khắc. 18 hòn đá đó đều nằm ở trung tâm bãi đá vừa lớn, vừa có nhiều hình khắc đẹp. Con đường này đã mở ra tour du lịch về bản làng, về bãi đá và cũng bắt đầu cho cuộc phá hoại bãi đá một cách khủng khiếp hơn.Hòn đá khá lớn và có nhiều hình khắc nằm ngay cạnh đường liên xã được rào bằng hệ thống cọc bêtông được nhiều du khách ghé thăm nhất. Mang tiếng hòn đá được quây bởi hàng rào bêtông, song thực tế hàng rào này không có tác dụng gì. Hàng rào chỉ cao chừng 1m, nên một đứa trẻ cũng có thể trèo vào được. Du khách tham quan bãi đá cổ, hoặc chỉ đi qua con đường này, cũng đều dừng chân chụp ảnh với hòn đá cổ. Tuy nhiên, không ai muốn đứng ngoài hàng rào chụp, mà họ đều trèo qua hàng rào, đứng lố nhố trên tảng đá, giẫm đạp cả vào các hình khắc để chụp ảnh...” (Bài viết “Bãi đá cổ Sapa kêu cứu” đăng trên báo An ninh thế giới”).
“....Văn chương, nhất là văn chương mạng, tạo cho con người ta thật nhiều ảo tưởng. Sống đối diện với màn hình máy tính lâu ngày, nhiều khi con người ta đánh mất nhu cầu được sống thật, thích bay theo những trò vui phù phiếm thông qua những phím gõ máy tính. Hơn thế, cảm giác yêu bản thân mình một cách thái quá, gào thét những tiếng nói lạc lõng trên mạng Internet đã biến họ thành những con người xa lạ, đôi khi độc ác và không biết tha thứ. Tất cả chỉ vì sự ảo tưởng về "quyền phép" của mình.... Nói tóm lại, họ là những người có quyền năng rất hữu hạn. Quyền năng lớn nhất của họ là lòng tốt, cái nhìn bác ái và gieo lòng thiện ở con người trên những con chữ mà thôi. Mà những cái đó không đo đếm được. Nghĩa là quyền lực nhà văn cũng có, nhưng vô hình và dù có muốn ác độc, nhà văn cũng không có quyền hành trong tay để... giết chết một ai đó. Nhưng những "nhà văn" trên mạng thì đang sử dụng quyền năng của mình ra sao? Họ đang biến mình thành những tiểu hành tinh mà bất cứ ai chạm đến sẽ có ngay một vụ nổ. Nổ lẹt đẹt thôi. Nhưng họ đang muốn thực hành "quyền được phẫn nộ"....” (Bài viết “Văn chương và... những "cô nàng ảo tưởng" đăng trên báo ANTG Cuối tháng).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét