"...sân khấu Việt và sân khấu phương Tây chưa bao giờ khước từ cảnh nóng đẹp. Thập kỷ cuối thế kỷ XX, Dạ cổ hoài lang đã chẳng là một ví dụ tốt đẹp đấy ư? Đạo diễn Công Ninh ém cảnh ái ân của đôi trẻ Việt sau tấm màn gió, diễn viên ném quần áo từ trong tấm màn ra ngoài. Điều chủ yếu khán giả muốn xem là thái độ của người ông trước cảnh "Mỹ hóa" của cháu mình, đã tái tê đau đớn đến... chết vào cuối vở. Biện minh cho cảnh ấy đích thị là lý do thẩm mỹ. Cũng vậy, cảnh đêm tân hôn của vợ chồng cùi trong 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Lê Hùng đã dựng như một giấc mơ lộng lẫy màu hoàng hoa. Thật lãng mạn và trong trẻo. Sân khấu kịch hôm nay quá hiếm những cảnh nóng được xử lý tương tự, mà xuất hiện quá nhiều cảnh "nóng lấy được", bất chấp sự phát triển biện chứng của hành động kịch trong tính cách nhân vật, bất chấp thẩm mỹ sân khấu, bất chấp luôn cả mỹ cảm người xem Việt còn quá nặng lòng với sự tiết chế, tế nhị của tâm hồn Việt, khi thưởng thức sân khấu. Suy cho cùng, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về bản lĩnh và tài năng của người đạo diễn, biết "cảm giác tinh tế" đâu là ngưỡng dừng đúng lúc, đúng chỗ - đôi khi chỉ mảnh như sợi tóc - giữa "đỉnh cao" cảnh nóng đẹp và "vực sâu" cảnh nóng xấu". (Bài viết "Nóng" và lạnh trên sân khấu!" đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM).
"...Vừa quay vừa chờ kịch bản, đạo diễn không nắm rõ đường dây câu chuyện, diễn viên không rõ tính cách nhân vật... là những tồn tại trong công nghệ làm phim truyền hình Việt hiện nay....Hậu quả của việc thiếu chuyên nghiệp trong từng khâu nhưng lại vội vã chạy theo thời gian để kịp phát sóng đã tạo nên những "thợ diễn" trên màn ảnh nhỏ. Một đạo diễn giấu tên chia sẻ: "Bây giờ ai cũng muốn làm nhanh. Cả hãng phim nhà nước cũng vậy, khi thấy tư nhân sản xuất phim ồ ạt liền thúc ép chúng tôi phải chạy theo như vậy. Họ không nghĩ rằng làm ẩu, làm dối sẽ dẫn đến chất lượng kém"...Thói quen vội vã và triết lý "tàm tạm" đã dẫn đến hàng loạt "sạn to sạn nhỏ" cho phim từ chi tiết kịch bản đến diễn xuất của diễn viên và công tác chỉ đạo của đạo diễn...." (Bài viết "Công nghệ phim truyền hình Việt: Chắp vá và gấp gáp" đăng trên báo Thanh Niên).
"Làm thế nào để trở thành ca sĩ? "Chẳng cần có bằng đại học, chỉ cần chút thanh sắc, có tiền đi luyện giọng và chịu chi cho các phương tiện truyền thông, rồi kiếm một cái tên na ná giống nghệ sĩ Hồng Kông, Đài Loan, là thành ca sĩ, cũng rẻ mà", đó là câu trả lời được chọn là hay nhất trên mục Hỏi & Đáp của Yahoo VN mới đây. Chính vì "đầu vào" quá dễ như vậy, cộng với sức hấp dẫn từ ánh đèn sân khấu nên không ít bạn trẻ đã chọn nghề này và cứ lao theo mà không cần biết ra sao ngày sau... " (Bài viết "Người người làm ca sĩ!" đăng trên báo Thanh Niên).
"Chưa bao giờ mật độ các từ nước ngoài xen vào tiếng Việt lại dầy đặc đến vậy. Suốt một thời gian dài, những từ nước ngoài từ len lỏi đến ngang nhiên đứng trên các trang báo như thách thức. Mãi tới gần đây, trước những cảnh báo của các nhà ngôn ngữ học, những người có tâm với việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, không ít người mới giật mình....đáng lo ngại là giới trẻ ngày càng lạm dụng từ nước ngoài trong giao tiếp hàng ngày. Với nhiều thanh thiếu niên, việc xen vào các từ nước ngoài là một thứ mốt, khiến họ thể hiện “cái ta đây sành điệu”. Họ không hiểu và cũng ít được giải thích cho hiểu rằng ngôn ngữ là công cụ của tư duy, do đó, rèn luyện năng lực ngôn ngữ chính là rèn luyện kỹ năng tư duy. Đáng lo ngại hơn là thói quen xấu đó của giới trẻ lại được các phương tiện truyền thông cổ suý. Không ít tờ báo đã hạ mình ngang tầm trình độ ngôn ngữ của giới trẻ với lý do “không viết thế, teen không đọc”...." (Bài viết "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt: Đừng để tiếng Việt “nhiễm bẩn” đăng trên báo Tin tức Online).
"Thị trường truyện tranh Việt Nam sau một thời gian xao động về vấn đề nội dung lại vừa gặp một chấn động khi hai NXB chuyên về truyện tranh lớn nhất nước cùng đồng loạt tung ra loại truyện tranh đọc ngược (phải qua trái)....Năm 2004, NXB Kim Đồng đã gây bất ngờ khi bộ truyện tranh đang ăn khách Ninja loạn thị đột ngột được xuất bản với kiểu đọc ngược. Lúc đó, sự kiện này đã gây xôn xao dư luận nhưng sau khi bộ truyện kết thúc, mọi việc cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng khi không có tác phẩm nào lặp lại. Tháng 3-2008, trong Hội sách TPHCM lần thứ 5, việc công ty kinh doanh truyện tranh TVM Comics dự kiến tung ra một loạt tựa truyện tranh mới theo kiểu đọc ngược lại gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, nhiều độc giả vẫn cho rằng đó chỉ là hành động cá biệt của một doanh nghiệp nhằm tạo ấn tượng. Bất ngờ, ngay sau đó, cả hai đại gia trong lĩnh vực truyện tranh là NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đồng loạt tung ra một loạt tựa truyện tranh mới theo kiểu in ngược. Rất nhiều bạn đọc đã ngạc nhiên tự hỏi vì lý do gì các NXB này lại ủng hộ kiểu in sách đi ngược lại truyền thống đọc sách của người dân Việt Nam như vậy?..." (Bài viết "Truyện tranh đọc ngược: Cuộc thử nghiệm phiêu lưu" đăng trên báo SGGP).
"Hiện nay, nhạc teen dường như đang được tầng lớn khán giả nhí hết lời ca ngợi, tôn thờ và khoác lên mình một chiếc áo bóng bẩy, đầy màu sắc từ trang phục, vẻ bề ngoài của ca sĩ, nhưng chiếc áo ấy dù có rực rỡ bao nhiêu thì nó vẫn là không làm biến mất sự chắp vá từ nhiều mảnh, lai tạp từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Nhạc teen hôm nay ngày càng đơn giản, dễ hiểu, không kén chọn người hát, người nghe và cũng chẳng cần những ca từ hoa mỹ, nội dung, chủ đề truyền tải quá cao siêu: “tình yêu ngọt ngào như kem dâu”, “hoàng tử trong câu chuyện cổ tích” (như phim truyền hình “Được làm hoàng hậu” mà dân tình teen đang xôn xao) hay “Hamters yêu” (cũng tương tự hình ảnh “rùa con” trong phim “Tình cờ” – một thời từng hot ở Việt Nam)... Và chỉ cần dạo một vòng quanh các sân khấu, hay xem một số video clip, sẽ bắt gặp đâu đó lại cú hất ngực, điệu nhảy, nụ cười của BoA, Bi (Rain) …Sự ngô nghê và bắt chước này cứ thế tấn công vào thị trường teen, cho ra đời những sản phẩm “lai” phong cách Hàn-Hoa. Bài hát chỉ cần có giai điệu ổn, ca từ dễ thương và vui nhộn là đủ để chấp nhận, được liệt vào hàng “được yêu thích nhất”. Chính việc dễ dãi trong sáng tác cũng dần đưa thế giới V-pop trở thành một thế giới của…máy photocopy cẩu thả và sau khi khai thác hết kem, bong bóng, chuột, mèo…và bao nhiêu vật dụng, thức ăn mà teen yêu thích đều được hô biến thành những ca từ, có thể rồi sẽ có cả những ca khúc mang tên: “bánh mì phá lấu”, hay “súp nóng”...?! Dòng nhạc teen đã nhanh chóng làm dấy lên làn sóng mới cho thị trường âm nhạc nhưng nếu đi chệch hướng thì “không chóng thì chầy” nó cũng sẽ bế tắc và dần dần tắt lịm...." (Bài viết "Nhạc teen: Sao cứ mãi "ngô nghê"? đăng trên website Giai điệu xanh).
"...Bằng chứng rõ nét về điều này là nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam, có hiệu ứng hình ảnh nhưng chỉ mang tính chiếu lệ, không có tính tượng trưng sâu sắc hay nội dung ẩn dụ. Các nghệ sĩ lấy một chủ đề hay nội dung chủ đạo cho cái tư tưởng thể hiện sự không hiểu biết của họ trong nghệ thuật sắp đặt. Điều này có thể giải thích được nếu bạn xem xét đến tình trạng thiếu thông tin và kiến thức cũng như trình độ học vấn có hạn trong giới nghệ thuật Việt Nam. Thực tế này được nhấn mạnh bởi Phạm Cẩm Thượng và Lương Xuân Đoàn, trong một bài viết rất hay trong cuốn sách Các họa sĩ trẻ Việt Nam. "Nhìn từ một góc độ rộng hơn, các họa sĩ trẻ Việt Nam rất khác so với các nhà văn cùng thời với họ theo nghĩa là họ không có trình độ tri thức ngang hàng và đặt ít tư tưởng trong tác phẩm của mình hơn. Họ thiếu khả năng sắc sảo của các nhà văn trong việc nhận thức triết lý". Tôi biết rằng rằng cụm từ này cũng như một số cụm từ khác trong cuốn sách khiến một số họa sĩ rất giận dữ, song đây lại là một sự thật cay đắng. Những người ở độ tuổi 50, 60 hay 70 thường có trình độ học vấn và mức độ tu dưỡng tốt hơn, chứ không phải những người quyết định đến tương lai của nghệ thuật hiện đại..." (Bài viết "Nghệ thuật Việt Nam: Cái nhìn của nhà buôn tranh nước ngoài (Phần I)" đăng trên website Vietimes).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét