"...Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những "kênh truyền thông" kiểu cá nhân (thật ra chỉ là một địa chỉ blog nhưng được chủ nhân của nó mạnh dạn tuyên bố như vậy) thì những thông tin kiểu này luôn được săn tìm và đưa tin một cách chi tiết. Chưa kể, những thông tin như teen vi phạm pháp luật, teen ăn chơi...đều được miêu tả cực kỳ "hoành tráng". Có lẽ hiên nay, mọi chuyện liên quan đến teen bị xem là "lạ" và đôi khi bị "thổi phồng" với hết biên độ của nó...." (Bài viết "Sống với thông tin bị thổi phồng" đăng trên báo Mực tím).
"...Sự cũ kỹ dễ đem đến cho người ta cảm giác nhàm chán, đặc biệt là với show truyền hình. Trong cuộc chuyện phiếm gần đây, MC nọ than thở rất nhiều về việc thực hiện một chương trình với format cũ rích gần 10 năm trời. Vẫn ngần ấy câu thoại, tình huống, cái mặt trường kỳ hàng tuần xuất hiện, không ngao ngán mới là chuyện lạ. MC còn có nhu cầu đổi mới, thì việc cần làm mới lại một chương trình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng là một trong những vấn đề khiến các nhà sản xuất chương trình đau đầu. Sao Mai Điểm Hẹn cũng không phải trường hợp ngoại lệ...." (Bài viết "Sao mai điểm hẹn: Cũ nhiều, mới ít!" đăng trên báo Gia đình & Trẻ em).
"...Bi kịch không tạo ra nhân cách và nhân cách cũng không tạo ra bi kịch. Bi kịch đứng về mặt khách quan mà nói, ít nhiều đều có tính chất bất hạnh. Bi kịch có thể tôi luyện một tính cách nhưng cũng có thể huỷ diệt một tính cách. Tôi chưa bao giờ coi bi kịch là một chất dinh dưỡng cho tâm hồn. Bi kịch không phải là phép thể dục dưỡng sinh. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo sáo mòn tuyệt đối không nên đến khách sạn 5 sao, cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch. Và càng không nên tự bịa ra một bi kịch để tập dượt. Muốn tránh khỏi nhạt nhẽo và sáo mòn nhà thơ phải tha thiết với nghiệp thơ của mình, luôn nuôi dưỡng tình chữ bằng một lao động chữ cần mẫn, khổ luyện, và một quá trình học hỏi (nên học thêm một hai ngoại ngữ để có thể đọc được nguyên bản vì đọc thơ dịch là một việc vạn bất đắc dĩ). Mayakovski khuyên nhà thơ phải luôn sẵn sàng ở tư thế người làm thơ, nẩy được một ý hay, chụp được một hình ảnh đẹp, một tập hợp từ đắt phải ghi ngay vào sổ coi như một kho hậu cần dồi dào thường xuyên cho thơ. Một trong những khuyết điểm của các nhà thơ trẻ là còn làm thơ chơi bời quá, chưa coi nó là một việc nghiêm túc nhất của đời mình. Các nhà thơ trẻ còn quá quen với cách làm thơ ngẫu hứng. Ai cũng biết cảm hứng là cần nhưng cảm hứng chỉ là khởi đầu, sau đó là mồ hôi và sự vật lộn với từng con chữ. Một nhà thơ đã nói đùa: “thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi.”....Và các bạn trẻ cũng chẳng phải đi tìm bi kịch ở đâu xa. Nó ở ngay trước mặt các bạn khi các bạn đã chọn nghiệp làm thơ. Hai chục thế kỷ đã có bao nhà thơ có tài, tưởng họ đã tiêu thụ hết kho chữ, mình là kẻ sinh sau đến muộn lại nhặt chiếc găng thách đấu lên tay, kiên quyết tìm cho ra một góc nhìn mới lạ, một cách nói lạ, một ngôn ngữ của riêng mình, bản thân nó đã là một bi kịch hết sức to lớn...." (Bài phỏng vấn Nhà thơ Lê Đạt đăng trên Website BBC Việt ngữ).
"...trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL mới đây tại Huế về công tác chuẩn bị cho Festival Huế 2008, một vị lãnh đạo TT-Huế - đã "kiến nghị cho phép quy hoạch phủ Nội vụ để xây khách sạn Cung đình với quy mô dự kiến khoảng 50 phòng, phù hợp với cảnh quan môi trường di tích mang đặc trưng nét cung đình VN nhằm thu hút du lịch, bảo tồn và phát triển di sản vốn có của đất cố đô"....trong buổi làm việc trên, vị lãnh đạo Bộ VHTTDL cho rằng, đề xuất quy hoạch lại phủ Nội vụ để xây dựng khách sạn "là một ý tưởng hay". Và, ông "nhất trí hoàn toàn" với đề xuất trên, đồng thời, giao trách nhiệm cho Cục Di sản vào khảo sát để phối hợp với tỉnh TT-Huế xây dựng dự án...." (Bài viết "Xây dựng khách sạn "là một ý tưởng hay"? đăng trên báo Lao Động).
"....Sách giả bây giờ công khai bày bán tràn ngập trong các cửa hiệu, trên đường phố Hà Nội. Liệu người ta có thể làm vậy với rượu giả, thuốc giả, hay các loại hàng khác được không? Tại sao lại có thể làm với sách? Tệ nạn sách giả thể hiện chỉ số thấp của nền văn minh. Chỉ mới hoạt động hơn 3 năm, Nhã Nam đã bị làm giả 20 đầu sách - đều là sách bán chạy, có khả năng "bù" lại cho những cuốn khác. Có lẽ lượng sách giả còn lớn hơn cả sách thật. Người trong giới vẫn nói rằng Hà Nội đang có "Nhà xuất bản Sách Giả" hoạt động rất khỏe, rất hiệu quả. Tệ hơn là một đầu sách thật có thể bị tới hai, ba nơi cùng làm giả. Nhiều người nghĩ rằng sách giả có thể khiến bạn đọc được hưởng lợi. Nhưng điều này không đúng. Lợi nhuận chỉ rơi vào tay kẻ sản xuất, buôn bán sách giả, còn bạn đọc vẫn phải mua sách giả với giá của sách thật. Về đối sách, chúng tôi nghĩ chẳng còn cách nào khác là nâng cao ý thức của độc giả. Hãy ủng hộ những cuốn sách thật bằng cách không mua sản phẩm của những kẻ làm giả chúng...." (Bài viết "Xin đừng ủng hộ kẻ làm sách giả!" đăng trên báo Thanh Niên).
"...Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn rất nhiều bộ phim được các nhà sản xuất và đạo diễn "nhặt" nhạc cho vào và thậm chí họ còn ẩu tới mức lấy nhạc được giải Oscar cho vào nữa. Tôi chưa thấy có một bộ phim nào ở ta có kịch bản về âm thanh hoặc nhạc sĩ được làm việc với trước với sound Designer cả. Nhạc sĩ cứ sáng tác rồi mang nhạc đến, rồi thích to nhỏ, cắt xé thế nào cũng được....Âm nhạc trong phim, ngoài yêu cầu về chất lượng ra còn cần nhiều màu sắc và cá tính khác nhau. Mà điều này chỉ có được khi có một đội ngũ đông đảo các nhạc sĩ viết nhạc cho phim để nhà sản xuất và đạo diễn phim có cơ hội lựa chọn người nào có phong cách, cá tính phù hợp nhất với bộ phim của mình. Tuy nhiên, số nhạc sĩ viết nhạc cho phim ở ta có lẽ đếm được trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, họ còn thiếu chuyên nghiệp...." (Bài phỏng vấn "Nhạc sỹ Quốc Trung: Xin đừng "nhặt" nhạc vào phim!" đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét