Chủ nhật 21-4-1968, Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Suốt cả ngày hôm qua, bọn mình đi trong mưa. Mưa tầm tã, cả đoàn 108 người đã bỏ lại trạm 13 đồng chí. Cái Tý bị sụt hố bong gân từ lúc mới xuống ô tô, anh em đeo cho cả, ba lô san ra, Tý chống gậy đi không với một bi đông nước. Nhưng chỉ cố được đến trạm 13. Cái Đê bị liệt cả ngực cả vai, 11g đêm cấp cứu, thế là ở lại. Và một cậu nữa ở chi 4 mệt. Thế là nữ chỉ còn mình và 8 đứa nữa. Trông đoàn quân đi như một sợi dây dài màu xám mà những chiếc ba lô to là những chiếc móc xích nối vào nhau. Tất cả đều khoác ni lông xám đội mũ áo mưa xám và chậm chạp bước. Đầu cúi về đằng trước, lưng gập về đằng trước và cái lưng cong lên. Nom ai cũng giống con lạc đà. Riêng mình thì giống hơn cả, anh em bảo thế, vì mình bé nhỏ quá, chiếc ba lô che lấp mất cả người. Anh em bảo : bà Quý đi chân nọ đá chân kia, chân cứ run lẩy bẩy. Chẳng qua là bà cố gắng bằng tinh thần thôi, chứ chân bà không thể chịu nổi sức nặng của chiếc ba lô trút xuống. Tại sao bà hay ngã nhất ? Đấy là do bà không chịu nổi mà bà cố gắng… Anh em đều quan tâm đến mình, khi mình trượt chân hai ba anh kéo lên (...)
… Mình vẫn còn đi nhanh và đi khỏe hơn nhiều anh em khác. Lại vui vẻ, luôn luôn vui vẻ, ca hát và tươi cười. Thực sự mình sung sướng tới mức khó hiểu. Được sống giữa tình thương của anh em, được khám phá ra một “thế giới” hoàn toàn mới lạ, lòng mình luôn luôn sảng khoái. Dĩ nhiên là mình mệt nhoài… Lắm lúc lên dốc, tất cả như nín thở. Không một tiếng nói, một tiếng cười, chỉ có những chiếc dép miết xuống bùn nhớp nháp. Anh Hữu đi sau mình, đột nhiên bảo :
- Làm sao mà cứ cúi mãi lưng xuống thế ?
Một lát anh ấy lại nói :
- Quý phải rút dép lại đi, dép rộng quá, chân cứ trật ra ngoài.
Có lúc cùng đi, anh ấy bảo :
- Bây giờ phải tập đi nhé, đi dài bước, đi cho thật vững. Đừng bước ngắn, bước ngắn hay phải chạy, chạy một lúc là liệt người mà luôn luôn phải vội.
26-4-1968, Trường Sơn, trạm 18, Quảng Bình.
Anh Sắc, người Hải Dương, bảo Oách cũng người Hải Dương
- Cậu có gặp đồng hương Hải Dương cậu nhớ nhắc chúng nó đừng có đào ngũ, xấu mặt quê hương.
Oách trả lời :
- Có, em có bảo chúng nó rồi. Em nói gợi ý khéo : “Cố mà đi. Có về bây giờ cũng chả biết đường về đâu…”.
Anh Sắc :
- Có hai cậu người Ninh Giang vừa đào ngũ đấy, về được 2 trạm thì bắt lại được.
Mình rất thương họ. Họ rất trẻ, tính xốc nổi của tuổi trẻ có lúc dìm họ xuống. Hố bom và tiếng gầm rít của phản lực Mỹ khiến họ run sợ. Từ trạm 16 trở đi, tình hình căng một cách ghê gớm. Tuyệt đối không được bật đèn pin và thắp đèn dầu, nhân dân cũng thế. Máy bay Mỹ hoạt động suốt đêm, thường là nó bay rất thấp như muốn lao xuống đè bẹp người ta. Nửa đêm ở trạm 17, mình thấy sáng bừng cả lán, mình bảo : - Ô cái gì sáng quá.
- Pháo sáng đấy - các anh nằm bên nhắc.
Có tập thể, người ta thấy bạo dạn hẳn lên. Tối nay mưa và mù, được thắp đèn tự do, sướng quá. Ông Thăng, ông Chức tìm lên trạm để ngủ giường. Bọn mình ăn một bữa cơm chớp nhoáng. Cơm gói từ sáng chấm với mắm kem. Xong mình đi dóm bếp cho Kiều nấu cơm. Bếp đặt dưới một tảng đá nghiêng để tránh mưa. Trạm cho mỗi chi 2 thanh củi to. Lấy dao găm chẻ ra. Mình phải đốt cả một cuốn “Hoà Vang” của Nguyễn Khải mới dóm được bếp vì củi tươi quá.
29-4-1968, 6g45 tối, Trường Sơn, trạm 20
Mưa lâm thâm, mình nằm trong một cái lán giữa rừng và viết nhật ký dưới ánh đèn pin đây. Hôm nay mình đã qua một chặng đường ghê gớm nhất trong chiến trường A. “Ai qua được chặng này mới là sinh viên trường đại học thực tế”, đồng chí Nờ trưởng trạm nói thế. Mình hình dung nó ghê gớm lắm vì qua cả “Cổng trời”. Quả thực nó khác hẳn những chặng đường khác. 9 giờ liền từ 8g sáng đến 5g chiều đoàn mình đi liên tục. Những dốc đá tai mèo lởm chởm hiện ra. Dốc đứng, hoàn toàn đạp trên đá. Trông lên và trông xuống đoàn 108 người chúng mình như một sợi dây kéo thẳng xuống một vệt sẫm. Đá nhọn hoắt, nhớp nháp những vết chân tha đất sét bao bọc. Mình đeo ba lô và bò lên dốc. Tay vịn những thân cây cụt và những mẩu đá nhọn nhẵn thín vì bao nhiêu bàn tay vịn nó. Có những khúc cây bóng lên. Khi lên còn vịn được, nhưng khi xuống sao mà căng thẳng đầu óc. Theo những mỏm đá tai mèo, mình bước ngang chân, đi dần xuống vực sâu. Chỉ cần trượt một tí là ngã ngay, là gãy chân ngay, và thế là không đi nữa. Mình thận trọng từng bước, cố gắng từng bước, có những lúc mắt mờ đi vì mây trắng và vực sâu. Qua dốc Nguyễn Văn Trỗi, dốc Nguyễn Văn Bé, dốc Nguyễn Thị Định và dốc Nguyễn Chí Thanh, 4 cái dốc lớn chọc trời, mình đã không bị ngã một cái nào. Anh Hữu bảo :
- Chị Quý hôm nay cố gắng lắm đấy, không ngã cái nào, giỏi đấy. Hôm nay khá lắm rồi, chân vững gấp rưỡi hôm đầu rồi.
Hôm nay các chi đều ngã oanh oách cả. Riêng mình thấy khỏe lắm, không mệt mỏi gì. Ăn rất khỏe. Chiếc ba lô không còn đè nặng lên vai mình nữa. Chỉ có một nỗi khổ là nhớ Ly. Thèm hôn lên má con và nói chuyện với con quá. Mình thì thầm hát bài Ru con và mình bật khóc. Ly ơi, chắc hôm nay Ly đã quên mẹ rồi. Mẹ chưa gặp bố Ly nhưng chắc bố Ly sẽ trách mẹ. Anh ơi, anh sẽ trách, sẽ mắng em vì em bỏ Ly mà đi, nhưng em không ân hận về chuyến đi này. Càng đi em càng thấy em quyết định đi là đúng. Mong sao chóng gặp anh để nói chuyện với anh. Chỉ có anh mới thương em nhất và hiểu em nhất thôi, anh ơi. Anh bây giờ ở đâu ? Có khỏe không ? Ly biết làm gì rồi ? Ly có khỏe không ? Trời ơi, chưa bao giờ mình phải chịu đựng ghê gớm như thế này. Càng nghĩ, càng thấy muốn lao vào làm việc để quên đi tất cả, để bù đắp cho Ly và cho Anh. Phải tranh thủ sống và viết. Mình lan man nghĩ và nhắc Ly với anh em trong đoàn thì trông thấy một chữ Ly khắc trên thân một cây to giữa đường mình đi. Cảm động quá, lòng mình run lên. Nhưng phải tự hạ lệnh cho mình quên đi thôi.
Ngày hôm nay mình đã qua một chặng đường nguy hiểm. Vừa đi được 15 phút thì máy bay đến, chặng đường mình đi bị chúng thả bom bi. Bom bi vào đúng trạm trú quân mình vừa ra khỏi và bom bi đánh vào đội hình đoàn bộ đội đi trước mình. Máu chảy đỏ lòm đường đi, những chiếc cáng đè lên vai anh em bộ đội. Nhìn vào cáng, thấy anh em máu đẫm chân tay, kinh quá. Một đồng chí đại đội phó hy sinh, cáng đi ngay rồi. Một đồng chí trung đội phó bị thương nặng có thể hôm nay hy sinh và 6 đồng chí khác bị thương. Ôi, cái chết đến sao đột ngột và dễ dàng thế. Bọn mình vẫn đi một cách thản nhiên mà chẳng lo lắng gì cả. Thật kỳ lạ. Nếu đoàn mình hôm nay đi chậm một chút, hoặc nhanh một chút thì thương vong nhiều lắm. Sao may mắn lạ lùng. “Máu thắm đường ta đi đẫm mồ hôi rơi…”, thật đúng. Hoàn toàn lúc đó chả ai lo sợ gì cho bước đường mình đi cả. Tất nhiên vẫn có những kẻ chạy trốn. Sáng nay đơn vị bộ đội đi trước mình cũng có một cậu người Hải Dương đào ngũ. 3g30 sáng cậu ta còn lấy phần cơm. Rồi cậu ta bỏ ba lô lại và đi. Đơn vị tìm mãi, loay hoay mãi, sau phải cử 7 đồng chí ở lại tìm nên mới chậm xuất phát và mới xảy ra thương vong. Nếu đơn vị ấy không có kẻ chạy trốn thì thương vong sẽ đến với đoàn của trường 105 mình.
Lác đác đơn vị nào cũng có người đào ngũ. Số anh em ngã gãy chân cũng có. Thỉnh thoảng bọn mình lại thấy một cái cáng, trong đó thường là một khuôn mặt trẻ măng bị gãy chân vì ngã.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét