… Hai hôm nay đi một cách khó nhọc. Hành kinh. Người mình nặng trĩu, mình thường lấy lúc các anh nghỉ giải lao để mình đi vượt lên. Mình đi chậm nhích từng bước một, nghỉ rất ít. Cứ thế, một mình lững thững đi giữa rừng bạt ngàn, chân nứt, lội xuống suối lại buốt và xót thấu ruột. Mà hai hôm nay lại lội suối khá nhiều, những con suối rộng mông mênh đáy vàng sỏi đá và bên bờ là những rặng cây rủ bóng mát xuống những tảng đá đen trùi trũi trồi lên. Đi trong rừng nghe suối hát và ngồi nghỉ ăn cơm trên những tảng đá ven suối sao mà thích thế. Thỉnh thoảng những con đường rắc đầy hoa lại hiện ra. Hoa 4 cánh trắng hồng như sáp, hoa 4 cánh đỏ trắng và nhụy là một chùm đỏ nhô hẳn lên. Hoa rừng mọc li ti đỏ chót bám vào rễ cây. Hoa, hoa… và lá rừng xạc xào…
… Hôm nay có 2 cậu ở bệnh viện Quân khu 5 đi cùng với mình một đoạn. Các cậu ấy cùng cơ quan với vợ Thu Bồn. Các cậu ấy bảo Thu Bồn mới về thăm vợ cách đây một tháng, nói chuyện thời sự…
22-6-1968, trạm 9, đường dây Giải phóng
Hoang mang và khó hiểu tột độ. Chả biết ngày mai mình sẽ đi đâu. Nghe nói phải lộn ra 5 trạm nữa. Mệt.
23-6-1968, trạm 10, đường dây Giải phóng
Quay ra. Lại quay ra 4 trạm nữa. Cực khổ. Không biết ngày hôm nay nên vui hay nên buồn. Hai hôm rồi, nghe người ta nhắc đến anh nhiều quá. Hôm qua vào trạm 7, trên đường gặp 3 cậu gùi mắm cái. Mình và anh Nhật, và Thọ, Oách, anh Ngũ đến nghỉ ở đó. Nói chuyện ba loăng quăng, hoá ra ba cậu đó biết anh. Các cậu bảo anh nghe tin mình vào nên từ Quảng Đà về 5 hôm rồi.Vào trạm 9, lại gặp một số anh biết Dương Hương Ly. Sáng nay đi ra, mình đi trước, có mấy cô gùi hàng đi với mấy cậu. Họ hỏi anh Sắc: Vợ BMQ đấy phải không? Dương Hương Ly phải không? Và họ đuổi kịp mình:
- Tôi cùng nhà với anh Quốc đây, anh ấy đi Quảng Đà gặp anh Phát nói chị đang vào, anh ấy về đợi chị 5 hôm rồi.
Và họ dặn mình ngồi đợi bên suối dọc đường. Anh ấy bảo: - Tôi vào gọi, anh ấy ra bây giờ. Mình, anh Nhật, anh Sắc, anh Hữu ngồi lại đợi. Ôi chao, không ngờ mình 2 lần đi qua cơ quan anh mà không biết. Cơ quan Anh chỉ cách đường mình đi 15 phút đường. Thế mà mình không ngờ được. Một lát, một ông già lông mày rậm và đen đi ra. Mình hỏi luôn:
- Anh Quang phải không?
- Đúng. Sao tài thế.
Thế là gặp anh Phan Huỳnh Điểu. Mừng quá. Anh Điểu bảo: anh mới đi Quảng Đà về đợi mình 5 hôm. Bây giờ anh đi “có việc”, ngày kia mới về. Khổ quá. Anh Điểu nói là cơ quan đang làm nhà. Anh em bảo dành cho Quốc một phòng ở đầu hè nhưng Quốc không chịu. Quốc bảo đợi từ nay đến cuối tháng vợ không vào thì nó lại đi công tác. Anh Điểu bảo Quốc không biết đường mà đi đón đâu. Mình gửi anh Điểu mang vào gần hết ba lô bọc trong chiếc túi ni lông xanh. Mình chỉ còn mang theo 2 bộ quần áo, võng, tăng, bi đông, hăng-gô và mấy thứ cần dùng hàng ngày. Đời mình vất vả quá. Mình biết rằng mình chẳng bao giờ gặp may mắn cả. Nhưng dù sao như vậy là anh cũng đã biết mình vào tới nơi rồi. Tạm yên tâm. Chỉ lo anh theo thư mình viết tìm đi đón mình rồi gặp nguy hiểm thì phiền. Nhưng mình đã dặn anh Điểu là đừng đi đón rồi mà. Tình hình trong này linh tinh quá. Trạm giao liên đưa bọn mình đi sai, phải quay ra 4 trạm nữa mới tới khu tập kết, đợi phân công công tác có khi hàng tuần lễ. Chắc phải lâu nữa mình mới gặp anh. Nhưng không sao, mình sẽ dùng số thì giờ rảnh để suy nghĩ và bắt đầu viết một cái gì đó. Trạm giao liên lờ không chịu phát gạo. Thế là phải ăn đói, ăn cháo để đi ra khu tập kết.
29-6-1968, trạm đón tiếp của Khu
Hai mái nhà dột nát. Nửa đêm mưa, 10 người bị ngã tất vì hai cây then ngang buộc võng do cột nhà gẫy. Lục đục chống mãi, lúc lên võng chưa dám nằm ngay vì sợ lại ngã. Nằm không dám cựa vì sợ cột gẫy. Chật như nêm. Chưa hôm nào phải ở chật như vậy. Võng mình chỉ cách võng anh Hữu hơn gang tay, chỉ cựa mình là chạm vào nhau rồi. Bọn chi 2 phải ở ngoài tăng. Trạm có ông Châu và một ông nữa làm nhiệm vụ coi kho gạo và đón người vào. Các ông chả có việc gì, chỉ đi câu cá suốt ngày. Đấy, nơi tập kết của mình là như vậy. Chỗ này cách trạm 14 một giờ đường. Bọn mình đến đây từ 8g sáng hôm qua. Không biết còn phải chờ đợi bao nhiêu ngày nữa? Xẩm tối hôm qua, sau khi ăn cơm, mưa đổ xuống như thác. Mình nằm võng nhẩm thơ Anh và nhẩm lại bài thơ mình làm cho Ly, mình òa khóc.
*
* *
Hôm ở trạm 13 gặp Trần Thế Dân, Y Văng, Huệ trên đường đi Kông Tum, Gia Lai quay phim về Tây Nguyên. Dân là bạn học cũ trường Chu Văn An của Anh. Cả 3 người cùng chỗ anh, và Huệ với Y Văng lại chính là mấy tay điện ảnh sơ tán ở Nhổn với mình hồi năm ngoái. Mấy tháng nay mới lại trở lại với những bạn bè nghề nghiệp. Bọn mình quý nhau ngay. Vì bọn họ có vẻ quý Anh lắm. Huệ thuộc bài “Cánh chim” và khen hay. Sổ thơ của Dân chép khá nhiều thơ anh, có cả “Đà Nẵng ơi mùa xuân”, “Em là đất liền của anh”… Mình chạy đi nấu cơm cho 3 người ăn. Lúc đong gạo, Y Văng nhắc: “Huệ ơi, nhớ không? ”. Huệ gật: “Nhớ”. Chả là bọn họ bàn nhau hôm nay bỏ ra một lon gạo cho mình ăn no một chút. Mình xúc động quá vì nó đúng cảnh chiến trường không tưởng được... Đói. Lúc nào cũng đói. Đi công tác như bọn mình cứ là 2 lon rưỡi một ngày (7 lạng). Y Văng trèo cây hái cho mình một bọc xoan rừng vàng thắm và chín mọng, bỏ vào mồm ăn ngọt lịm và có mùi thơm của xoài. Buổi tối, Dân nằm cạnh võng mình, hai đứa nói chuyện đến 10g đêm. Dân bảo mình không nên vào thì phải. Vào đây nhếch nhác lắm, cực lắm, con gái đừng có vào. Đi đồng bằng thì chết như chơi. Khi mình hỏi:
- Anh Văn Cận có nhà không?
Dân trả lời:
- Anh ấy hy sinh rồi. Hy sinh dạo Tết trong lúc duyệt tiết mục văn nghệ của Quảng Đà. Cả đoàn văn công Quảng Đà chết mất cả vì chúng nó thả bom “đứt gióng” - 9 người chết, trong đó có 3 nữ, 3 bị thương. Sau đó vợ anh Văn Cận được thư chồng báo tin vào, lên tìm thì anh ấy đã hy sinh.
Mình lặng đi vì sửng sốt. Anh Văn Cận, người đã đổi cho anh chiếc áo len dài tay lấy nửa lạng sâm, người đi cùng với anh, người đã đến nhà mình chơi và Anh rất quý anh Văn Cận. “Anh ấy tội lắm, anh ấy đi tập kết, chị ở lại Đà Nẵng 14 năm rồi, nhưng anh ấy rất tình cảm với vợ”. Thế mà bây giờ anh ấy vào, mới chỉ làm mấy bài hát ký tên Tân Nam mình đã nghe, trong đó có bài “Mẹ ơi con đã về”. Và anh đã ngã xuống. Khổ biết bao cho người vợ ngần ấy năm vò võ đợi chồng, lúc lên gặp chồng lại là lúc nhận tin chồng đã hy sinh. Bi kịch quá. Văn học nào tả nổi nỗi đau ghê gớm như vậy đây?
… Thế Dân chặc lưỡi:
- Cũng bình thường thôi. Cách mạng miền Nam, thế là thường. Xuống đồng bằng mà xem, mỗi người đều có mấy cái tang trên đầu. Quốc hôm nọ bị một mảnh ca-nông vạt đúng cái chóp nón, nếu không cũng chết rồi. Đi cõng gạo cũng có thể chết. Mình bị bom mất hết cả máy quay phim, ba lô nữa… Sổ bị xém đây này. Cách mạng miền Nam mà, Quý phải làm quen với tất cả đi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét