Từ trạm 13 sang trạm 14, mình đi cùng với Dân, Y Văng và Huệ. Họ đi công tác tội quá. Trong ba lô là một chiếc máy quay phim, một nghìn thước phim, 10 ngày gạo và tất cả đồ dùng, nghĩa là không để ở cơ quan chút gì. Vì đang đi công tác mà cơ quan di chuyển thì ai gùi đồ đạc cho? Thế là mang đi tất. Dân còn trẻ, mới 27 tuổi, da dẻ hồng hào, dáng cao lớn và nhanh nhẹn. Thế mà đeo ba lô vào, mồ hôi đổ ra như tắm. Trên đường, nom cậu ta lúc nào cũng như vừa lặn ở dưới nước ngoi lên. Y Vang khoẻ hơn, nhưng khi nghỉ họ vẫn phải tìm hòn đá hoặc cây đổ để tựa đặt ba lô. Nếu đặt thẳng xuống đất thì không tự nâng ba lô lên nổi. Huệ đã 2 con, từ một giáo viên văn học cấp 2 chuyển sang quay phim. Anh ta có mái tóc xoăn tự nhiên và rất yêu thơ. Huệ yếu hơn hai người kia, chuyên môn đi tụt lại sau cùng, lại rất sợ vắt nên mỗi lần nghỉ thường không dám ngồi. Có lần vắt bò vào chân, anh ta quăng cả máy quay phim trong ba lô xuống đất. Họ đi chậm như bò ra đường, độ 20-30 phút lại nghỉ. Nom họ đi công tác tội quá. Ấy là chưa kể những nguy hiểm xảy ra ở dọc đường. Mình nói đi nói lại mãi:
- Ở miền Bắc, khi xem phim về miền Nam có hiểu cho không, giá trị từng thước phim của những người quay phim miền Nam?
Không! Họ không thể hình dung nổi những vất vả, khó nhọc thế này đâu. Vai đeo nặng, đường xa, một chuyến công tác kéo tới 6, 7, 8 tháng liền, thế mà lại ăn đói, ba người một hăng-gô cơm. Cứ đến lúc đong gạo là ba đôi mắt lại nhìn nhau:
- Thôi, đừng đầy vun quá, sau đói chết đấy.
- Đâu, đưa hăng-gô xem nào? Chưa, chưa đủ 2 lon rưỡi đâu, tớ nhìn hăng-gô tớ biết…
Đang đi đường, thấy soan rừng là Y Văng nhảy tót lên hái. Dân bảo: “Y Văng có nhiều tài lắm, Y Văng bắt được cá dưới suối bằng tay không, thò tay vào hang bắt.Y Văng bắt được cá chình to bằng cổ tay mà chỉ với hai bàn tay không thôi đấy”.
(...) Họ thật đáng yêu. Vất vả thế, nặng thế nhưng trong ba lô vẫn có sổ chép thơ. Dân không nghỉ, ngồi bật dậy mượn quyển thơ Tố Hữu của mình chép vội mấy bài. Mình cũng chép cho Dân bài “Núi Đôi”. Huệ thích “Gửi sông La” của Minh Khanh. Sớm hôm sau, trước phút mình vào trạm đón tiếp Dân còn vội vàng chép bài Việt Bắc của Tố Hữu. Mình đọc cho Dân ghi mà ghi không hết thì đoàn đã đi rồi. Phải chia tay tiếc quá. Mình bảo: “Tết về ăn Tết nhé”.
- Chưa chắc đã về đủ đâu - Dân trả lời.
- Không được nghĩ thế.
- Cách mạng miền Nam phải luôn luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng như thế Quý ạ.
Nghĩ mà thương họ quá. Nhớ chiều đợi đò qua sông Tranh, chi mình và ba người nấu vội mấy hăng-gô cơm bên suối, vừa ăn xong thì trời đổ mưa. Tất cả đeo ba lô khoác ni lông vào rồi đứng chúi vào nhau ở cuối rừng. Mình bỗng nhìn ra cái khuôn mặt dữ tợn của bão rừng. Mưa quất mạnh vào ngọn cây. Ngọn cây như xoắn lại, vặn người đi trong gió mạnh. Không ai bảo ai, mọi người đều đứng xích lại gần nhau. Lạnh run lên. Nhưng mưa không lâu. Bầu trời lại quang đãng và một chiếc cầu vồng bỗng vụt hiện lên ở bên kia sông. Một chiếc cầu vồng rất trọn vẹn, hai mỏm đầu cầu đặt lên những phiến đá nổi lô nhô giữa sông. Cầu in giữa những ngọn cây rừng những vệt màu lộng lẫy mà êm dịu. Mình cứ nhìn mãi những giọt mưa rơi trắng lấp lánh như những giọt nước nhảy nhót trên tầng không. Dân đến sau, cậu ta kêu lên:
- Đẹp quá, có phim màu mà quay thì tuyệt. Có một phim thần thoại trẻ con nào mà quay chỗ chân cầu đặt giữa những hòn đá kia thì tuyệt quá…
*
* *
Bắt đầu ăn gạo rẫy, gạo đỏ từ bữa chiều. Anh Châu xuất kho. Tiêu chuẩn đi đường mới được 2 lon rưỡi, còn ở lại thì chỉ 2 lon một ngày. Chiếc lon gỉ sắt, nhỏ hơn lon sữa bò, đong không được đầy vun mà chỉ gạt lon. Chỉ có cách ăn thật nhiều rau vào. 8 người ăn mỗi bữa 3 hăng-gô chặt rau luộc, 2 nắp hăng-gô cá kho lại một nồi canh lá lốt nấu với muối và mì chính. Hôm qua ăn cả môn khoai nấu nhừ và hôm nay ăn thêm cà ghém muối, anh Sắc, anh Nhật xin ở rẫy. Mới ăn xong thì no, nhưng chỉ một lát đã thấy bụng vơi nhẹ đi. Gạo đỏ chỉ xay mà không giã, anh Châu nói đây là gạo sản xuất cách đây 3 năm. Đun sôi sình sịch mãi mới cạn. Mở vung ra là từng hạt khô rời, ăn sậm sịt như gạo xay thổi làm mốc tương, ngọt và bùi. So với gạo Đà Nẵng hôm mình ăn với Dân thì kém xa. Gạo Đà Nẵng trắng, hạt to, nấu dẻo như xôi và thơm ngào ngạt. Buổi tối hôm chia tay, Dân và Y Văng nấu 3 hăng-gô cháo đậu xanh đặc, bỏ mì chính và hạt tiêu vào, cháo nấu bằng gạo Đà Nẵng rất sánh, rất thơm. Mình định không ăn, Dân gắt lên:
- Sao lại không? Không được thế. Bọn mình quyết định chiêu đãi mà không ăn à? Phải ăn hết đi. Chả lẽ lại không ăn hết.
Dân múc cho mình một nắp hăng-gô cháo đầy. Mình định sẻ bớt, Dân nhất định gạt đi. Mình ăn ngắc ngứ mãi. Dân nhìn mình ngạc nhiên:
- Mặn quá hả? Mặn hay sao mà ngắc ngứ thế?
Đến đây mình mới hiểu mấy chữ “miếng khi đói bằng gói khi no”. Có lẽ trong đời mình không bao giờ quên những sự chăm sóc chân thực ấy. Dân có vẻ phớt đời và bướng. Cậu ta vừa được kết nạp vào Đảng hồi Tết. Cậu ta là con cả trong một gia đình đông em gái và bố mẹ hết sức chiều chuộng... Trên đường đi công tác, cậu ta luôn mang theo một tổ ấm, hình ảnh dịu ngọt của một gia đình hạnh phúc giữa thủ đô. Người con trai Hà Nội ấy xông pha trong lửa đạn một cách dũng cảm và ngang nhiên nhưng rất Hà Nội trong tình cảm: “Em gái mình nó lo cho mình lắm… Em gái mình không thích ăn ruốc bông nhiều đâu, nó thích ăn ruốc không bông lắm mới có nhiều thịt cơ… Con bé láu thật… Hồi ở Hà Nội mình hay đi chợ với bố mẹ mình lắm. Nhớ Hà Nội không thể tả…”.
7-7-1968, trạm 11
Hôm nay đi chậm như sên. Chân mình nứt ra đau nhói. Sao mà khổ thế. Vừa đi vừa lo cho đoạn đường cuối cùng. Trạm giao liên 11 và 10 này đã bỏ. Giao liên không đi đường bọn mình đang đi nữa vì chúng nó đánh chỗ đường 16 ác liệt quá. Hai lần vượt đường 16 trước chúng nó chỉ thả bom B52 còn tránh được bằng cách đi đêm, bây giờ nghe anh em nói nó lại pháo kích nữa. Thế là anh em quyết định 12g trưa mai mới đi để sớm ngày kia vượt đường. Lẽ ra thì 12g trưa mai mình có thể tới Anh được nhưng thế này thì ngày kia 9-7 mới tới. Mà những nguy hiểm gì đang chờ mình? Kể cũng run thật. Giá đi với đoàn K185 của mình thì mình lại yên tâm hơn đi với mấy ông lạ lẫm và hay sợ này. Khổ cho mình quá, hết khó khăn này đến khó khăn khác. Đi bây giờ là đi tự do, chẳng còn giao liên nữa vì đi theo đường giao liên thì phải mất thêm 2 ngày nữa nên bọn mình đi đường này gần hơn. Thôi liều vậy, biết làm sao.
Đến ở lại mái nhà giữa bãi trú quân hôm xưa 8 anh em đã ở. Có mấy ông ra nằn nì bọn mình đổi gạo lấy muối:
- Chúng tôi đi công tác, 15 hôm nay toàn ăn sắn, chưa có hột gạo vào bụng. Các đồng chí đổi cho tôi về nấu cháo cho anh em ốm.
Chả ai nhúc nhích. Mình thấy thương quá liền đánh liều trút ra một lon gạo. Họ trút cho mình một lon muối. Tội quá. Một lon gạo có 5đ, một lon muối những 25đ, thế mà họ còn nằn nì mình đổi cho nửa lon nữa (...). Gạo, muối… Càng ở đây càng thấy giá trị của hột gạo thật ghê gớm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét