Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt (Phần 3)

10-7-1968, Chi hội Văn Nghệ Trung Trung Bộ, 1g chiều



2g chiều qua, 9-7, ngày Ly đầy 19 tháng, mình đã tới và gặp Anh. Mới một ngày trôi qua mà mình đã cảm thấy muốn ra đi và đôi lúc lặng buồn. Anh nói đúng, “sống giữa một tập thể toàn những người độc thân và cô đơn thì sự đoàn tụ của những cặp vợ chồng lại trở nên cô độc”. Mình cảm thấy mất hết cả tự nhiên và thoải mái. Cái cảm giác cứ ngấm dần vào người. Sang báo Cờ Giải phóng ngay đi, làm việc ngay đi, đi sản xuất ngay đi… Ôi, khổ quá. Chắc không ai hiểu nổi sự thay đổi đột ngột này. Bằng giờ hôm qua mình còn nguyên vẹn sự hăm hở đến với Anh. 7g sáng đi, đến 10g nghỉ lại, đi, và lạc 2g liền. May gặp anh Chất (họa sĩ) đi công tác về, mình và anh ấy lần theo dấu đi của anh Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu) hôm nọ và 20 phút sau thì nghe thấy tiếng chặt cây. Leo lên, hóa ra căn nhà của Anh đã lù lù trước mặt. Anh cởi trần, mặc quần đùi chạy ra đón : “Anh vừa đi đón em xong mà không gặp”. Trần Tiến (nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong, tác giả truyện ký Mặt biển, mặt trận, Rét tháng giêng và Nhật ký Chu Cẩm Phong - BT) mới đi Hội An về được ít phút. Anh Chất đi vẽ Kông Tum 3 tháng lại về cùng với mình.

Căn nhà của Văn Nghệ ồn lên. Anh Phan Huỳnh Điểu xanh và gầy đang hì hục đào hầm. Chiếc hầm hình chữ nhật nằm giữa nhà, cạnh chiếc bàn ghép bằng que để mấy tờ báo và bi đông nước, bát, cốc, thìa. Bên trên bàn (chỗ đầu gian) là chiếc giường ngắn và hẹp nối với chiếc bàn nhỏ ghép bằng cây rừng của anh Phan Huỳnh Điểu. Bên dưới bàn (phía gian cuối) là bếp Hoàng Cầm, là giàn củi, là hăng-gô, là chậu nấu canh… Một chiếc giàn để ba lô nằm song song với chiếc hầm. Đấy, tất cả cái nhà Văn Nghệ chỉ có thế. Tổng cộng chưa được một gian nhà to. Ấy là còn khá hơn những lần ở cơ quan (chỗ cũ) trước đấy. Trước thì chỉ là “lều” Văn Nghệ thôi. Buổi tối Chu Cẩm Phong mắc võng một đầu nhà. Anh Điểu mắc võng chéo hầm (cái hầm chưa đào xong, mới chỉ sâu quá đầu gối). Trên võng anh Điểu là võng của anh Trần Hữu Chất. Rồi một đầu nhà là võng của Anh. Bên cạnh võng Anh, mình nằm giường. Nhìn anh Điểu xanh và gầy chui tọt xuống hầm nằm võng dưới những khúc cây dát ngang, mình thấy tội quá. Hầm chật và nóng. Bên trên lại có võng anh Chất án ngữ, quá ngột ngạt. Mình thấy lòng nặng trĩu khi “phải” nằm bên anh. Thật là một hình phạt. Chắc anh cũng cảm thấy thế nhưng anh sợ mình buồn, anh không dám nói.
Anh em rất tốt.

“Quốc lên giường mà ngủ. Vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau, nói chuyện nói trò chứ. Chúng mình thông cảm”.

Khổ quá. Họ là ai ? Anh Phan Huỳnh Điểu xa vợ từ 3 năm nay. Trần Hữu Chất vừa vào được nửa năm, đi Tây Nguyên vẽ 3 tháng. Tưởng về nhà có thư vợ, anh bảo : “Thế nào tôi cũng có thư, và đây là niềm vui duy nhất sau chuyến đi này”. Nhưng thư không có. Còn Chu Cẩm Phong - Ôi, sao mà khổ thế, người yêu của Phong là Phương Thảo mới hy sinh. Phong vào đã hơn 3 năm rồi mới được về Hội An quê hương nhưng “Tao vẫn không được gặp mẹ mày ạ. Nhớ mẹ quá chừng. Mẹ tao có gửi tiền ra cho tao, tao mua một cái Sony bấm… Sau đợt hoạt động vừa rồi, mẹ tao bị bắt rồi. Chị tao không có tin tức. Tao lo thằng em tao bị bắt lính quá (năm nay nó 15 tuổi)…” (Thư Phong viết cho Anh). Mình thương cậu ta quá. Cậu ta bằng tuổi Anh, vui tính và hay chuyện tào lao. Trước họ, mình chẳng biết nói gì cả. Vào đây, mình thấy nhiều bi kịch quá. Anh Thu, người đi cùng với mình đoạn đường hôm qua cười thản nhiên :

- Con gái tôi năm nay lên 9, vợ tôi bị địch giết từ năm 1963 rồi…

Đấy, xung quanh mình toàn những người như thế. Mình cảm thấy lạc điệu quá. Mặc dù sự “lạc điệu” đó chẳng do mình gây ra. Chưa bao giờ mình thấy lạ lùng như lần gặp Anh kỳ này. Như thế là vừa chẵn 14 tháng chúng mình mới lại nằm bên nhau. Nhưng ngay cả những giây phút ấy, mình và Anh đều cảm thấy ngại ngùng và khó chịu quá, mặc dù chẳng ai nói với ai. Nhớ vô cùng 195 (tức số nhà 195 Hàng Bông, Hà Nội, gia đình của Dương Thị Xuân Quý - BT) thân yêu. Kể với anh những nỗi khổ ở “nhà tù 47HC”. Mừng nhất là anh đã thấy việc mình ra đi là hết sức đúng. Lo nhất là cái “gu” văn nghệ trong này xem chừng khuôn phép và lên gân lắm. Đọc truyện ngắn “Cô bé” của anh đăng trong Văn Nghệ Giải Phóng miền Trung số 2. Đó là một ghi chép tốt chứ không phải một truyện ngắn. Anh chưa viết thêm được gì ngoài những cái đó. Những bữa ăn, gùi gạo, gùi mắm, chuyển cơ quan, đào hầm lấn chiếm thì giờ của Anh. Cấp dưỡng cơ quan đi sản xuất, thế là phải nấu lấy.

17-7-1968

Có tiếng bên Điện Ảnh nhốn nháo:

- Nó bỏ ngay đầu mình rồi, nên tránh đi thôi.

- Anh Sơn ơi, thế nào đây ?

- Trần Tiến ơi, thế nào ?

- Làm sao bây giờ ?

Giọng ông Đống cuống quýt. Rồi các ông ấy kéo nhau đi ngược suối vào trạm 9. Lúc ấy là 2g30 sáng. Mấy anh em Văn Nghệ cũng định vào. Tất cả đã xếp tăng võng, mang ba lô để sẵn miệng hầm. Bên Điện Ảnh đi nên mấy anh em có hầm cả. Mình và anh cùng lên một cái hố hình chữ nhật độ quá đầu gối, có một lớp mui mỏng dính và ngắn ngủn. Thực ra chả biết đi đâu giữa đêm thế này. Có khi đi lại hóa ra là đi đến chỗ chết. Thế là chui xuống hầm ngủ (...). Lì ra rồi. Căng thẳng quá rồi, con người trơ ra và chẳng còn nghĩ đến cái chết. Thế là 4 đợt với 12 lần B52 giã xuống trong một đêm. Kinh khủng quá (...). Xuống suối mới thấy là mấy anh em đã thoát chết trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Dưới suối, cách tăng võng của bọn mình chừng 30m là hố bom, là đá, là đất và lòng suối chiều qua còn trong vắt nay đục ngầu lên. Nước xám ngoét đầy đất. Bắt đầu từ đó, một bãi bom B52 với những hố sâu như những cái đìa lớn liên tiếp hiện ra. Đường tắc. Chúng nó ném trúng con đường mòn giao liên mới ghê chứ. Cây đổ, đất vàng trơ ra từng bãi rộng (...). Phản lực rít réo trên đầu với những luồng bom man rợ trút xuống. OV10 vè vè ong ong. Thỉnh thoảng bọn mình phải ngồi thụp xuống giữa bãi trống và ngay bên miệng hố bom đợi OV10 đi qua. Mình ngước lên thấy rõ cái hình thù xám ngoét với hai thân song song của nó đang lừ lừ đi như một con mụ giám thị trường học thời thực dân. Cứ thế mà đi suốt 2 giờ mới hết bãi bom B52 (...). Có đi qua mới thấy lạ, không hiểu sao luồng bom tới đúng bãi trú quân của bọn mình nó lại chệch từ sườn núi xuống suối. Nếu nó nhích một chút xíu thôi thì tất cả bọn mình đã ngỏm hết rồi. Mà cũng không hiểu sao đến đúng chỗ mình là hết hố bom. Tuy vậy, dẫu sao bọn mình cũng đã nằm gọn trong tọa độ bom B52 rồi. Qua khỏi, nghĩ lại mới thấy hãi hùng. Anh em ở trong này đã 2, 3, 4 năm nhưng cũng chưa mấy ai trải qua một trận B52 dữ dội như thế. Hôm nay anh Phan Huỳnh Điểu từ Ban về A7 (A7, A8, A10 ... là mật danh của các cơ quan khu 5 - BT). Anh Điểu nói ở bên ấy tuy rất xa mà ông P.H tỏ ra rất sợ hãi, cứ hỏi : Ở trong này các anh có bị thế mấy khi không ? Ở đồng bằng có thế không ?

Mình thì cũng sợ. Nhưng nỗi lo sợ thường tan biến rất nhanh. Lạ thế. Trận B52 ghê gớm ấy tuyệt nhiên không để lại trong lòng mình một dư âm gì khiến mình chùn bước. Mình vẫn còn nguyên vẹn cái hăm hở khi bước vào tiền tuyến. Vẫn còn nguyên vẹn tấm lòng thiết tha đi đồng bằng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét