“...Những cuộc thi ca nhạc trên truyền hình ngày nay, theo thiển ý của tôi, hiện đang phần nhiều chạy theo các tiêu chí của lợi nhuận, tài trợ, thương mại... Do đó thường rầm rộ trước, tẻ nhạt sau. Con người được phát hiện từ những cuộc thi, chỏng chơ giữa thị trường và dần dần một với nỗi chán chường và hoài nghi của xã hội.... Tôi cho rằng xã hội Việt Nam đang bị huyễn hoặc về sự nói dối của các chương trình truyền hình, hễ ai có mặt trên đó mới gọi là đương thời. Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng. Sự huyễn hoặc này, tôi cho rằng chỉ có tính giai đoạn của một xã hội văn hóa chưa có tính mở hoàn toàn....” (Nhạc sỹ Tuấn Khanh phát biểu trong bài “Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng” đăng trên báo Công An Nhân Dân).
“Đề án quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 vừa được Chính phủ phê duyệt. Đích nhắm của đề án này là cắt giảm tối đa việc bao cấp cho nghệ thuật và "đại phẫu" guồng máy tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu quả, tránh tình trạng bao cấp tràn lan, bình quân chủ nghĩa. Sự cần thiết của cuộc "đại phẫu" có lẽ ai cũng thấy rõ. Chỉ có điều, việc tách, nhập các đơn vị nghệ thuật (từ cấp trung ương đến địa phương) không đơn thuần chỉ là một thủ tục hành chính.... Những ngày này, tâm lý của nhiều diễn viên, nhất là các diễn viên các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh đều bị xáo trộn. Nếu đoàn bị giải thể, họ sẽ thất nghiệp, chẳng biết làm gì để sống, nhất là những người đã ở tuổi "quá lứa nhỡ thì", đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghệ thuật. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp, họ buộc phải học sang một nghề khác, hoặc học tiếng Anh, vi tính... Với nghệ sĩ trẻ, điều này có lẽ dễ dàng hơn....(Bài viết “Sân khấu nín thở trước cuộc "đại phẫu" đăng trên báo Thanh Niên).
“...Tài năng nghệ thuật là món quà số phận ban tặng, không phải cứ chăm chỉ mà nên. Song có năng khiếu mà thiếu rèn luyện thì cũng chỉ là thứ quặng thô sơ. So với lớp nghệ sĩ thế hệ trước, nhiều diễn viên trẻ ngày nay hơn hẳn về sắc vóc. Thế nhưng vì sao họ vẫn chỉ là trai đẹp mà chưa thể là kép tài? Có người rõ ràng không có cái duyên sân khấu dù đã rất nỗ lực, song phần đông còn lại là do họ chưa được trang bị kỹ năng đủ để hành nghề. Với sự bùng nổ của việc làm phim truyền hình hiện nay, nhiều sinh viên mới vào năm nhất đã bỏ lớp đi sô và sấp ngửa chạy theo tiến độ tốc hành của các đoàn phim. Phim này nối tiếp phim kia và hơn nữa, kiếm được tiền rồi việc học ở trường trở thành thứ yếu. Có được chút danh ở sân quay, họ trở về làm “sao” ở sàn diễn sân khấu mới hay mọi thứ không dễ dàng. Sân khấu đòi hỏi một sự hóa thân tuyệt đối, một bản lĩnh làm chủ tình huống thông minh và một khả năng quăng bắt nhạy bén, hoàn toàn không có chỗ cho cách diễn hời hợt, nhợt nhạt hoặc trông chờ vào các công cụ kỹ thuật hỗ trợ....(Bài viết “Sân khấu: Thừa trai đẹp, thiếu kép tài” đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM).
“...Thực chất, Vietnam Idol là chương trình truyền hình do Tập đoàn Unilever mua bản quyền từ nước ngoài đưa vào Việt Nam, nhằm quảng bá cho các nhãn hàng thuộc tập đoàn này, thông qua cuộc thi. Đài Truyền hình TPHCM đứng danh nghĩa tổ chức, còn Công ty Đông Tây là đơn vị được Unilever thuê sản xuất chương trình. Với kinh phí đầu tư lớn, Vietnam Idol 2007 đã thật sự thành công về mặt quảng cáo khi chương trình thu hút hàng triệu người xem ở Việt Nam. Mùa giải 2008, Unilever quyết định đầu tư lớn hơn cho Vietnam Idol, ngoài Công ty Đông Tây chịu trách nhiệm sản xuất còn có một công ty hoạt động PR hàng đầu được ký hợp đồng thực hiện công việc PR cho chương trình này.... Mặt khác, Vietnam Idol, với danh nghĩa là cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, cũng không khác gì về mục đích so với Ngôi sao tiếng hát truyền hình TPHCM, giải Sao Mai hay Sao Mai- Điểm hẹn của Đài Truyền hình Việt Nam. Việc thêm một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, dù hình thức có khác nhau, cũng không quá cấp thiết. Đó là chưa nói đến thực trạng hiện nay, các cuộc thi âm nhạc trong nước đang vô cùng khan hiếm thí sinh có năng lực ca hát dự thi...” (Bài viết “Hoãn tổ chức Vietnam Idol là hợp lẽ” đăng trên báo Người Lao Động).
“...các đối tác liên kết (ban đầu được coi là “đầu nậu”) chen chân mỗi ngày một mạnh hơn vào nghề sách, bắt đầu từ việc nắm khâu phát hành để dần dần chiếm lĩnh và phân chia nhau thị trường sách. Đồng thời, do thiếu tư cách pháp nhân (không được phép lập NXB) các đối tác liên kết, từ chỗ phải phụ thuộc các NXB, đã dần dần trở thành nguồn sống chính của các NXB, do vậy, trên thực tế đã biến các NXB chính ngạch trở thành một khâu trong chu trình sản xuất và kinh doanh sách của mình. Chỉ có vài NXB, nhờ lợi thế độc quyền, trở nên tương đối có thế lực trên thị trường sách; số còn lại, do bị làm yếu từ đầu vì quy chế “chức năng” hẹp của mỗi NXB, do không có vốn, do trì trệ, giữ nếp sống bao cấp, do tự thu mình lại, ít dám chấp nhận cạnh tranh, v.v…, rốt cuộc đều đành lòng chấp nhận vai trò “làm thủ tục” cho các xuất bản phẩm, thực chất là “bán giấy phép” cho các đối tác liên kết và đành lòng sống bám vào hoạt động kinh doanh của các đối tác liên kết ấy. Các thành viên ban giám đốc, giữ phần quyền lực cho hay không cho in đối với một ấn phẩm nhất định (đây là cái phần độc quyền duy nhất mà Nhà nước còn giữ lại cho NXB “quốc doanh”), thì đóng vai trò chủ chốt trong việc cấp giấy phép; nhưng để xem xét từng bản thảo có thể cho in thành sách hay không, cần phải có thợ chuyên môn: đó là các biên tập viên. Nên nhớ: không đối tác liên kết xuất bản nào thuỷ chung như nhất với “một và chỉ một” NXB nào, nên rốt cuộc, rất ít đối tác liên kết tạo được gương mặt riêng; trong khi hầu hết các NXB đều tự đánh mất diện mạo riêng, do gắn nhãn hiệu nhà mình vào đủ loại ấn phẩm thượng vàng hạ cám khác nhau!...(Bài viết “Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất” đăng trên Tạp chí Tia sáng).
“...Ai cũng nói phim dành cho thiếu nhi thiếu, rằng các hãng nhập phim chỉ chạy theo lợi nhuận, nhập các phim bạo lực, kinh dị. Trong khi đó, hàng năm không ít phim hoạt hình đã bị một số chủ rạp phim từ chối trình chiếu với lý do phim không có khách! Kể cả những phim hoạt hình thắng đậm về doanh thu trên thế giới. Khán giả nhí không có tiền để tự ra rạp mà chỉ có thể xem những gì phụ huynh các em xem, phụ huynh thì không thích xem phim hoạt hình, nhiều người chỉ thích xem các phim tình cảm, bạo lực. Kết quả: trẻ em vào rạp xem phim người lớn, còn phim thiếu nhi thì vắng người xem.... Chừng nào người lớn không hiểu rõ bản chất của việc phân loại độ tuổi không phải để cấm người xem, mà việc dán nhãn chính là để giúp phụ huynh có những chọn lựa phù hợp cho con em; cũng như chưa có ý thức tự nguyện bảo vệ con em mình thì sẽ không có công cụ cấm đoán nào hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em với các sản phẩm văn hóa không phù hợp lứa tuổi....” (Bài viết “Tản mạn chuyện "phim cấm trẻ em" đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét