Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Bảy lần vấn đáp giữa Phật và Ananda - 2

Lần thứ 2

Ananda: Nếu tâm không ở trong thân thể thì phải ở ngoài thân thể. Vì tâm ở ngoài thân thể nên không thể thấy được phủ tạng bên trong mà chỉ thấy được cảnh vật bên ngoài.

Phật: Cái tâm của ông, nếu ở ngoài thân thể thì tâm và thân độc lập với nhau. Vậy khi tâm biết thì thân thể sẽ không biết; còn khi thân thể biết thì tâm phải không biết. Như tôi và các ông thân thể khác nhau, khi tôi ăn, các ông không biết no. Khi tôi giơ tay lên, mắt ông (thuộc thân thể) vừa thấy, tâm ông có biết ngay không ?

Ananda: Thưa, trong lúc mắt tôi vừa thấy thì tâm tôi liền phân biệt.

Phật: Nếu mắt ông vừa thấy, tâm ông lập tức phân biệt thì thân và tâm không rời nhau được. Ông nói tâm ở ngoài thân là không đúng.

Lần thứ ba

Ananda: - Nếu tâm không ở trong thân, cũng không ở ngoài thân mà lại không rời nhau thì tâm nấp trong đôi mắt, giống như người mang kính vậy.

Phật: Khi người mang kính để nhìn cảnh vật, họ có thấy được chính đôi kính đó không ?

Ananda: Thưa, thấy được.

Phật: Vậy sao tâm ông không thấy được mắt ông ? Nói tâm ẩn ở trong mắt là không đúng.

Lần thứ tư

Ananda: Bây giờ tôi nghĩ: Nhắm mắt thấy tối tức là tâm đang thấy phủ tạng. Nhờ các giác quan mở ra mà tâm thấy được bên ngoài. Như vậy có đúng không ?

Phật: Nếu nhắm mắt thấy tối thì có nghĩa là (vị trí tương đối) cái tối đó (so với vị trí của mắt) phải ở phía trước mắt. Như thế không thể nói là thấy ngược vào trong. Còn nếu cho rằng cái tối là phủ tạng, vậy khi không có ánh sáng, cả phòng này đều tối, chẳng lẽ mọi vật trong phòng này cũng là phủ tạng cả hay sao ? Lại nữa, nếu nói nhắm mắt thấy tối là thấy phủ tạng còn mở mắt thấy bên ngoài thân thể thì tại sao lúc mở mắt lại không thấy (bề mặt của) khuôn mặt mình. Khuôn mặt mình khi mở mắt còn không thấy, sao dám khẳng định rằng nhắm mắt là thấy bên trong thân thể ? Nếu tự thấy được khuôn mặt mình thì tâm và mắt đã ở ngoài thân thể mình rồi, đâu còn là tâm của mình nữa. Vậy nói nhắm mắt thấy tôi là tâm đáng thấy trong thân là không đúng.

Lần thứ năm

Ananda: Tôi nghe Phật dạy: "do Tâm sinh nên Pháp mới sinh, do Pháp sinh nên Tâm mới sinh". Nay tôi suy nghĩ, thì cái suy nghĩ đó là tâm của tôi; tùy hòa hợp nơi nào thì tâm liên theo đó mà có.
(ghi chú: Pháp - Dharma: Đối tượng, là bất cứ cái gì được đề cập đến.)

Phật: Ông nói "tùy hòa hợp chỗ nài thì tâm liền theo đó mà có". Như thế tâm ông không có thực thế. Nếu tâm không có thực thể thì lấy gì mà hòa hợp? Còn nếu tâm có thực thể thì ông thử lấy tay phải đánh vào tay trái, lập tức ông biết đâu. Vậy cái tâm biết đau này từ trong thân ra hay từ ngoài vào ? Nếu từ trong thân ra thì nó phải thấy phủ tạng, nếu từ ngoài vào thì nó phải thấy khuôn mặt của mình.

Ananda: Tôi nói rằng mắt thì thấy, còn tâm thì biết. Nói cái tâm thấy thì không đúng với ý này.

Phật: Nếu mắt thấy thì sao người ta vừa chết vẫn còn con mắt mà không thấy. Nếu chết mà còn thấy thì sao gọi là chết ? Ngoài ra, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thực thể, thì là một thực thể hay nhiều thực thể ? Có khắp trong thân hay không khắp cả trong thân. Nếu chỉ là một thực thể và ở khắp cả thân thì khi ông đánh vào một chỗ, toàn thân phải đồng thời biết đau. Còn nếu nói tâm gồm nhiều thực thể, thành ra có nhiều người (trong một thân), người nào mới đích thực là ông ? Nếu tâm ông không ở khắp thân thể vậy khi đồng thời va chạm vào hai nơi, như ở đầu gối và ở chân, thì tâm chỉ nhận biết được ở một nơi. Thực ra ông nhận biết đồng thời sự va chạm ở cả hai nơi. Nên nói tùy vào hòa hợp chỗ nào tâm liền theo đó mà có, là không đúng.


Lần thứ sáu

Ananda: Tôi có nghe Phật và ông Manjusri (Văn Thù Bồ Tát) luận bàn về thực tướng, khi đó Phật dạy rằng: Tâm không ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vậy tôi suy rằng: tâm có thể ở chính giữa.

Phật: Ông nói tâm ở chính giữa, vậy (vị trí) chính giữa đó phải nói chính xác ở chỗ nào, giữa thân hay giữa cảnh ? Nếu nói giữa thân thì là trong thân như đã đề cập. Nếu chính giữa cảnh thì cảnh ngoài mênh mông biết đâu là chính giữa?

Ananda: Tôi không nói theo ý nghĩa đó. Như Phật thường nói con mắt đối với sắc trần sinh ra nhãn thức. Một bên là con mắt biết phân biệt, một bên là sắc trần không biết phân biệt, cái thức sinh ra ở chính giữa. Đó chắc là chỗ của tâm.
(Ghi chú: Sắc - Rupa: Sự hiện hữu có tính vật chất)

Phật: Ông nói tâm ở giữa căn (giác quan, trong trường hợp này là mắt) và cảnh trần. Vậy thực thể của tâm gồm cả các giác quan và sắc trần hay không gồm cả hai ? Nếu gồm cả hai thì căn và cảnh trần lẫn lộn. Nhưng cảnh trần không có tri giác còn giác quan có tri giác, hai bên đối lập khác biệt, lấy chỗ nào làm vị trí giữa. Còn nếu tâm không gồm cả giác quan và cảnh trần thì tâm không có thực thể, vậy lấy cái gì làm chính giữa ? Nói tâm ở chính giữa là không đúng.

Lần thứ 7

Ananda: Tôi nghe Phật dạy rằng: "Cái tâm hiểu biết phân biệt không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chỗ nào cả, không liên hệ với mọi thứ". Vậy có phải cái không liên hệ đó là tâm không?

Phật: Tôi hỏi ông: Tất cả mọi đối tượng trong thế gian này, nào là hư không, nào là thế giới...có đối tượng nào mà ông không liên hệ hay không ? Nếu đối tượng không có, ví dụ như lông rùa hoặc sừng thỏ...thì làm gì có sự liên hệ. Còn nếu có một cái gọi là không liên hệ thì không thể nói rằng không liên hệ được. Vì cái gì không có hình thái mới gọi là không, cái có hình thái tức là có, tất phải bị liên hệ. Vậy nói cái không liên hệ là tâm cũng không đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét