Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Entry for April 30, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“Ngày 28.4 ông Lê Ái Siêm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận 8,5kg trong số hàng chục kilôgram tiền cổ được phát hiện ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Người dân ở đây khi đào kinh mương đã tình cờ phát hiện 1 cái lu, trong đó chứa hàng chục kilôgram tiền cổ. Kết quả phân tích cho thấy, có hơn 40 loại tiền chất liệu đồng pha kẽm thuộc các triều đại từ Trị Bình Nguyên Bảo (1205-1210), Nguyên Phong Thông Bảo (1251-1258)... đến đời Quang Trung Thông Bảo (1788-1792). Có một số loại tiền của Trung Quốc như: Sùng Trinh Thông Bảo, Khang Hy Thông Bảo, Càn Long Thông Bảo...” (Tin “Tiền Giang: Phát hiện nhiều tiền cổ quí hiếm” - Báo Lao Động ngày 29/4/2008).

"Chúng ta xây nhà hát không phải cho hôm nay mà xây cho 10-15, 50 năm sau, vì vậy, không thể không xây. Nếu không tính đến việc xây nhà hát ngay từ bây giờ thì trong quy hoạch đất đai sẽ không còn một địa điểm nào cho nhà hát nữa. Cũng không thể vì lý do các nhà hát không sử dụng hết công suất thì không xây mới các nhà hát khác. Trên thế giới, nhiều nhà hát cũng có quán cà phê, đi kèm các loại hình dịch vụ văn hóa giải trí cần thiết khác, vì vậy nếu kiên quyết không cho các đơn vị tận dụng diện tích cho thuê, mà để bỏ hoang thì cũng là một hình thức lãng phí. Tới đây, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để có quan điểm thống nhất về việc sử dụng đất công trong các nhà hát. Tóm lại, quan điểm của chúng tôi là ai có tiền, có đất thì cứ xây nhà hát, khuyến khích thôi". (Phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng trong bài viết Xây mới hàng loạt nhà hát: coi chừng lãng phí!” đăng trên báo Thanh Niên ngày 30/4/2008)

“...Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tin về dự án phim Song long anh hùng như một phim nội "được chờ đợi nhất năm 2008" bởi nhiều yếu tố: phim dã sử hiếm hoi, có diễn viên Hồng Kông nổi tiếng Chung Lệ Đề đóng, có đạo diễn Mỹ và Trung Quốc tham gia... Trong nhiều cuộc phỏng vấn, đạo diễn Thạch Nguyên không ngần ngại tiết lộ về dự án phim này. Theo đó, Song long anh hùng do Công ty TNHH giải trí Nam Phương, Công ty sản xuất phim Huỳnh Lê Nguyên phối hợp cùng DEL Production (Hồng Kông) sản xuất, được quay ở nhiều nơi: Việt Nam, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc (Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành, các thắng cảnh ở Triết Giang, Tô Châu, Vân Nam...); có bối cảnh vào triều đại Vua Lê Long Đĩnh, có những đại cảnh chiến tranh quy tụ mấy trăm diễn viên, ngựa và voi... Đặc biệt, anh cho biết, nữ diễn viên Hồng Kông gốc Việt Chung Lệ Đề sẽ sang Việt Nam đóng phim. Đồng thời ngoài anh là đạo diễn của Việt Nam, thì ông Lương Bình (từng là trợ lý hiện trường của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu trong các phim Anh hùng, Hoàng Kim Giáp) đã nhận lời tham gia công tác đạo diễn và John Dravermen (người Mỹ) sẽ phụ trách đạo diễn hình ảnh cho phim... Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết động tĩnh của phim thế nào, ngoài những "kế hoạch" xôm tụ mà đạo diễn Thạch Nguyên công bố trên báo....” (Bài viết “Song long anh hùng "quả bom xì" của làng điện ảnh” đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/4/2008).

“Theo dự kiến có trên 80 thí sinh sẽ tham dự cuộc thi Miss Iniverse - Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với ba tiêu chí gồm ba chữ B. Đó là Brains - trí tuệ, Behaviour - ứng xử khéo léo và Beauty - sắc đẹp. Các thí sinh phải có mặt tại Việt Nam để tham gia hoạt động của cuộc thi diễn ra liên tục trong vòng 28 ngày (từ 17/6 đến 14/7)....” (Bài viết “Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với tiêu chí 3B” đăng trên báo CAND ngày 30/4/2008)

“....Nhiều năm qua, các tác giả viết kịch bản vẫn đi theo lối mòn, viết theo dạng truyền thống các tuyến nhân vật, sự kiện phát triển theo một hệ thống chung nhất đó là đi từ giao dãi đến thắt nút, phát triển, cao trào rồi giải quyết vấn đề. Trong khi đó, ở thế giới có rất nhiều trường phái viết kịch như chủ nghĩa vị lai, đa đa, siêu thực, phi lý, biểu hiện... Sự nghèo nàn trong cách viết, sự nỗ lực đi tìm chiếc áo mới cho vở diễn của đạo diễn đã dẫ́n đến độ chênh của tác phẩm, khiến cho nhiều tác phẩm nghiêng về chủ nghĩa hình thức. Giống như một người gầy mặc chiếc áo của người mập....Thể nghiệm để tạo nên cái mới cho sân khấu là điều rất cần thiết và cần phải được phát huy. Tuy nhiên, sự thể nghiệm phải được thực hiện đồng bộ, từ khâu biên kịch, nghệ thuật diễn xuất của diễn viên đến ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn... Khi có sự thể nghiệm đồng bộ như thế chúng ta mới hy vọng tạo nên một sự đột biến cho sân khấu thành phố. Còn không, chỉ là chiếc áo mới được khoác lên thân thể cũ mà thôi...” (Bài viết “Sân khấu: Đừng khoác áo mới lên thân thể cũ” đăng trên báo Thế giới Nghệ sỹ)

“Tỷ lệ phim Việt đang phát sóng đạt gần một nửa so với phim nước ngoài. Nhiều hãng phim, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim... bắt đầu chuyển sang làm phim truyền hình dù trước đó họ gắn bó với màn ảnh rộng..... Chính vì "hệ số an toàn" cao hơn điện ảnh nên phim truyền hình Việt đang nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều hãng phim tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự để đầu tư phim truyền hình. Các hãng như Thiên Ngân, Lasta, BHD, HK, M&T Pictures, Á châu, Hành tinh xanh, Vifa... đang chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành phim lên sóng.... Nhiều ý kiến cho rằng sự dịch chuyển này là tín hiệu vui vì người làm phim điện ảnh có cơ hội để làm nghề, trong tình hình mỗi năm cả nước chỉ sản xuất được trên dưới 10 đầu phim nhựa. Cuộc sống của đạo diễn, diễn viên, biên kịch và cả ê-kíp làm phim cũng sẽ "dễ thở" hơn.... Tuy nhiên, cũng có một số khác cho rằng đây là điều đáng lo hơn. Tình trạng nhiều người từ điện ảnh chuyển sang làm phim truyền hình kéo dài sẽ khiến lực lượng làm phim nhựa bị "bào mòn", đã mỏng sẽ càng mỏng hơn, kỹ năng làm điện ảnh sẽ bị mai một....” (Bài viết “Cuộc dịch chuyển sang màn ảnh nhỏ” đăng trên báo Thanh Niên ngày 29/4/2008)

“....Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ tiếng Việt mà từ cách phá tâm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt. Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó hiểu cho người dân bình thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những Việt kiều thực sự, vì người Việt ta vốn có lòng vị tha, lại rất coi trọng những người nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là khó học. Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu, không những thế, cái thứ tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất là trong sáng nhất - đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng....” (Bài viết Bệnh dịch" ngôn ngữ: Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt” đăng trên báo Tri thức Trẻ)

“...Sự vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài luôn luôn xảy ra đối với mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với nhiều ngôn ngữ, sự vay mượn đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức xã hội mà đại diện là những cơ quan hay tổ chức có đủ quyền lực để quyết định về những trường hợp vay mượn cụ thể. Mục đích của sự kiểm soát này trước mắt là nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói của dân tộc, nhưng về lâu dài là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc khỏi sự diệt vong. Hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới đang mất đi với nhịp độ rất nhanh trước sự truyền bá rộng rãi của một vài ngôn ngữ lớn. Báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung được coi là công cụ vừa để phổ biến tiếng chuẩn của ngôn ngữ dân tộc vừa để bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố ngoại lai. Ấy thế nhưng ở ta, nhiều người đang nắm giữ các phương tiện thông tin đại chúng lại không thấy được vai trò xã hội của mình. Không những thế, chính các phương tiện thông tin đại chúng lại đang góp phần đáng kể, nếu không muốn nói là chủ yếu, vào việc làm cho tiếng mẹ đẻ bị méo mó đi, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng thiếu nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài. Nhờ vào sức mạnh tác động của mình, một số phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, và hơn thế nữa, đang làm cho nhiều người Việt Nam trở nên mù chữ từng phần...” (Bài viết Bệnh dịch" ngôn ngữ: Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt” đăng trên báo Tri thức Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét