Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

Entry for April 25, 2008 - Đọc báo - văn hóa

“...Nhạc Việt thiếu diva, cần diva, loanh quanh đi tìm diva nhưng lại đang vùi dập nỗi khát khao, hy vọng lên tầm diva của những nữ ca sĩ trẻ. Trong khi những diva đàn chị đang miệt mài cố gắng để giữ được 2 chữ đẳng cấp cho danh hiệu diva thì ở phía bên kia, lớp nữ ca sĩ trẻ lại "tỏ vẻ" thờ ơ trước cái mác được cho là danh giá này...” (Bài viết “Loanh quanh thương hiệu diva Việt” đăng trên Tạp chí Truyền hình Hà Nội).

“....Thật buồn cười, nhiều người không phân biệt được đâu là thật và hư cấu. Chúng tôi làm phim truyện chứ có làm phim tài liệu đâu mà nhiều người cứ tưởng chúng tôi đang nói về họ. Ở phần 1, tôi đã nhận được không biết bao nhiêu cuộc điện thoại chất vấn của những người cho rằng mình là nguyên mẫu. Có cả một đại gia cũng gọi điện đề nghị mua lại bộ phim để chúng tôi không phát sóng. Khi phần 2 phát sóng, mong khán giả đừng hiểu chúng tôi đang ám chỉ một ai đó. Đây là sự tổng hợp của nhiều câu chuyện có thật xung quanh chúng ta...”. (Trả lời phỏng vấn của Đạo diễn Vũ Hồng Sơn về bộ phim Chạy án: Có đại gia đòi mua đứt bộ phim để khỏi phát sóng! – Báo Người Lao Động ngày 25/4/2008).


"Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2006 - điều 1 quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng đĩa nhạc; điều 10 quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh..., chúng tôi đề nghị Công ty Nhạc Xanh chấm dứt sản xuất và phát hành bài hát thuộc quyền sở hữu của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng..." (Bài viết “Đàm Vĩnh Hưng sẽ kiện Công ty Nhạc Xanh” đăng trên báo Thanh Niên ngày 25/4/2008)


“...Ðến thời điểm này, một số công trình văn hóa lớn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm so với tiến độ đề ra. Cửa ô phía nam chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án kiến trúc, khu di tích Cổ Loa chưa xong thủ tục phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án lập qui hoạch, đền Lý Thái Tổ chưa xác định địa điểm. Ngoài nguyên nhân chính là năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và một số nhà thầu còn yếu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ; một điểm đáng lưu ý là hầu như các dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa, trong quá trình triển khai đều phải tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, thẩm định của các nhà khoa học nhiều lần. Các công trình văn hóa còn đòi hỏi yêu cầu cao về thiết kế kiến trúc nên đều phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn, do vậy thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài. Cơ chế quản lý giá thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ đấu thầu triển khai các dự án....nhiều chuyên gia đã cho rằng: với số lượng các công trình văn hóa khá nhiều, nên đầu tư có chọn lọc, tập trung cho những công trình nào thật sự cần thiết; còn lại mạnh dạn xã hội hóa, kêu gọi người dân vào cuộc, tạo nên những giá trị văn hóa thiết thực, hữu dụng cho thời đại mình đang sống, đó cũng là một cách kỷ niệm..”. (Bài viết “Công trình mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vừa chờ vừa... run” đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM ngày 25/4/2008).


“...Ở những bộ môn khoa học thuần tuý, mọi chuyện đều rất rõ ràng, Nếu vì không hiểu biết, mà viết bài báo ca ngợi, tán dương lầm những công trình kém hoặc rởm thì lộ ra trình độ khoa học của người viết báo ngay. Hiển nhiên là như vậy rồi. Không ai có thể lái cả một nền khoa học đi theo ý mình được. Thế nhưng để lái cả một nền nghệ thuật, cụ thể hơn là âm nhạc, theo tầm hiểu biết của các nhà báo thì hoàn toàn có thể. Thật dễ dàng khi viết những bài báo ca ngợi những “thành tích” âm nhạc tưong đương với 1 cộng 1 bằng 2 của bên toán học, báo chí có thể lăng xê những “tác phẩm” đó, để nó trở thành thần tượng của công chúng một cách dễ dàng. Ở Việt Nam ta hiện nay, tầng lớp công chúng có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp ngày càng ít dần, ít dần. Thẩm mỹ bình dân, gắn với nghệ thuật thưng mại rẻ tiền ngày càng lấn lướt. Một nghịch lý trong âm nhạc Việt Nam hiện nay là: những thứ “nhạc” càng rẻ tiền, thì càng bán được nhiều tiền. Và ngược lại....” (Bài viết “Nền âm nhạc của các nhà báo?” đăng trên Viet Nam Net ngày 24/4/2008) .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét