Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2006

"Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế"


Hồi tôi còn đang học lớp 6 được nghe mọi người kháo nhau đi xem phim "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm dạy Văn của tôi đi xem về cũng khen và cho rằng đây là một bộ phim mang tính giáo dục cao. Nghe là nghe vậy, nhưng tôi đã được xem đâu. Từ đó, tôi vẫn để ý để tìm kiếm để xem hai bộ phim này. Vì công tác ở Tp.HCM nên tôi đã dò hỏi Fafilm Tp.HCM, Viện Tư liệu phim tại Tp.HCM nhưng câu trả lời là "không có". Một người chị trong giới điện ảnh nói với tôi: "Chị nghe nói là tất cả những phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy thì Nhật Bản đã mua toàn bộ bản quyền và lưu giữ rồi!". Tôi không tin lắm nên vẫn thỉnh thoảng khi có cơ hội vẫn cứ nhờ vả bạn bè và người quen tìm giúp. Và rồi tình cờ, tôi tìm thấy phim "Hà Nội trong mắt ai" ở trên trang web phim trực tuyến www.phim24g.net. Tất nhiên là vội vã tải về máy và ghi sang đĩa CD. Hình như sự may mắn bao giờ cũng rủ nhau đến một lượt: Một người bạn lớn tuổi cho biết là ông có đĩa DVD phim "Chuyện tử tế" được mang từ Mỹ về. Quá tuyệt vời ! Tôi vội vàng hỏi mượn và cũng ngay lập tức sang 01 đĩa copy DVD.

Trong 02 phim trên thì mỗi phim đều có cái hay của riêng nó:
* "Hà Nội trong mắt ai" là tên bản nhạc của Văn Vượng (một nghệ sỹ ghi ta mù mà ở HN gần như ai cũng biết tiếng) được Trần Văn Thủy lấy làm tên của phim. Theo tôi thì điểm nhấn của phim chính là những cái hay, cái đẹp của Hà Nội cổ xưa. Trần Văn Thủy khám phá vẻ đẹp của Hà Nội bằng cách bóc tách những lớp vỏ bên ngoài, đào sâu lịch sử và với cách thực hiện như vậy thì bất cứ ở đâu trên phố phường Hà Nội bạn cũng có thể thấy lịch sử hào hùng và văn hóa của Hà Nội và người Hà Nội, thấy được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong mỗi góc phố, con đường. Không dừng lại với việc khám phá vẻ đẹp của Hà Nội, với mỗi góc của lịch sử Hà Nội ta dường như có thể soi thấy hiện tại: Từ chuyện xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám, sự đối xử của dòng họ Lê với Nguyễn Trãi, chuyện Tô Hiến Thành tiến cử người thay chức quan của mình cho đến chuyện Hồ Xuân Hương ở đền Quan Thánh hay Bà Huyện Thanh Quan thay chồng phê án...Có lẽ nếu ai đó nặng lòng với Hà Nội, muốn hiểu biết sâu về Hà Nội thì xem thật kỹ bộ phim này là điều không thể thiếu.
* Tôi rất thích bộ phim "Chuyện tử tế" bởi nó ẩn chứa bên trong rất nhiều lớp nghĩa. Bắt đầu với chuyện ghi lại hình ảnh và lời nói của một đồng nghiệp - Đồng Xuân Thuyết - trước khi chết: "Tớ cứ nghĩ các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy, một cái gì đấy bắt đầu từ tình yêu thương con người, đi từ nỗi đau của con người...Không có gì thành thật bằng lời nói của người sắp qua đời. Từ đấy chúng tôi định bụng rủ nhau đi làm một bộ phim tử tế, tử tế dù là tương đối..." và bộ phim "Chuyện tử tế đã ra đời. Điều tôi thích nhất chính là lời bình trong phim. Bộ phim được bắt đầu và cũng kết thúc bằng câu danh ngôn:
“Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Dù có viết như thế nào đi nữa, theo tôi, cũng sẽ vẫn là không đủ, bởi "sự tử tế" giữa mỗi con người với nhau có đôi lúc bị mờ nhạt nhưng không bao giờ biến mất!

Tp.HCM ngày 04/12/2006.

1 nhận xét:

  1. Ch�! c� lẽ em cũng phải t�m xem phim n�y th�i! thanks anh nh�! :)

    Trả lờiXóa