Người quay phim của bộ phim này, một lần đi tìm cảnh ở phố chợ đầu ô, tình cờ gặp lại một người mà thời ngồi trên ghế nhà trường, anh ta hằng kính trọng.
Đó là thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu.
Cũng phải nói ngay rằng : Thầy Chiêu không bằng lòng cho quay những cảnh thầy bán rau. Lòng thầy trong sáng, thầy cho rằng như vậy là bôi bác chế độ.
Do vậy, những cảnh này, trò của thầy không dám bấm máy, mà nhờ một người khác quay lén. Thầy Chiêu đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường này, trường phổ thông Tô Hiệu, huyện Thường Tín. Ở đây, thầy là giáo viên dạy toán giỏi, chuyện luyện cho các em ở cuối cấp đi thi.
Người học trò, cậu bé chăn vịt đểnh đoảng năm xưa, thì trở thành người quay phim.
Người thầy chủ nhiệm, giáo viên dạy toán giỏi, chẳng hiểu đã đi bán rau tự bao giờ.
Bây giờ thầy hiểu rau quả, thời vụ chẳng kém gì hiểu môn toán mà thầy đã yêu. Mùa rau rút, thầy bán rau rút – Mùa cà chua, thầy bán cà chua – Mùa rau muống, thầy bán rau muống.
Chuyện tình cờ, anh xích lô này được mời lên màn ảnh – Cùng một thời với người đạo diễn và biên kịch của bộ phim này, vào những năm đánh Mỹ ác liệt nhất ở miền Nam, vợ chồng anh có mặt ở chiến trường khu 5. Chị là bác sĩ – anh là chiến sĩ an ninh của khu ủy – Năm 1973, anh chuyển sang phái đoàn quân sự bốn bên – Và cuối cùng là vào chiến trường tây Nam.
Anh tên là Trần Thanh Hoài.
Ừ ! Con người ta, sau khi làm tròn bổn phận với Tổ Quốc thì cần phải kiếm sống. Đừng có công thần và mặc cảm. Kiếm sống bằng chính sức lao động của mình là điều trong sạch lắm chứ. Hoài cởi mở và tự tin vào nghề nghiệp hiện tại của mình.
Khác với thầy giáo Chiêu, có lần anh đã hồn nhiên hỏi chúng tôi :
- Này ! Tại sao phim ảnh, văn nghệ các ông không mấy khi lấy đám xích lô chúng mình nhỉ ?
- Thì chúng tôi đang quay phim ông đấy thôi !
Nói thế cho qua chuyện chứ, nghĩ ra cũng lạ.
Lạ vì, khi chúng ta chưa có chính quyền trong tay, thì nhân vật của văn nghệ chủ yếu là những người nghèo khổ : một bác phu xe, một bé bán báo, một bé đi ở, một bà mẹ nghèo, một tiếng rao đêm...
Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dưng biến mất. Y như đồng bào của chúng ta bây giờ rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc giả những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia cả rồi. Ăn ở với nhau như vậy thì, không những chưa được tử tế cho lắm mà còn ... đáng sợ.
(Một người nói):Theo tôi, đáng sợ hơn chính là sự dốt nát. Loài người chưa có bộ luật nào xử lý tội dốt nát – Cũng chưa có một cơ quan thống kê nào tính đến những hậu quả do bệnh dốt nát gây ra – Mà suy cho đến cùng, thì mọi chuyện đau lòng của xã hội nếu có, to nhỏ đều bắt đầu từ sự dốt và nát. Tôi thấy không ai định nghĩa chuẩn hơn người sáng lập ra chủ nghĩa Cộng Sản khoa học :" Dốt nát là sức mạnh của ma quỷ "
(Một ông cao tuổi): - Nếu sa đà vào việc luận bàn về sự dốt nát và sự thông thái, tôi e rằng đó là chuyện muôn thuở. Người đời thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, Bần hàn sinh đạo tặc”. Có thể đó là vấn đề gần với chúng ta hơn – Khi đời sống vật chất tồi tệ, bất công, thì nhân tính bị xói mòn, thiện ác lẫn lộn.
Chống sự suy thoái trong đời sống, chính là chống sự xói mòn nhân tính.
Nếu nhân tính bị xói mòn, con người phải nói thật rằng : không phải trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống tử tế và nghĩ ngợi những điều nghiêm chỉnh được đâu.
Bạn nghĩ gì về chữ "Hạnh Phúc" bán la liệt ở phố Hàng Mã ? Con người đã viết một tỷ cuốn sách để định nghĩa thế nào là Hạnh Phúc và tìm kiếm hạnh phúc.
Sinh thời Mác viết : "Hạnh phúc của một người là làm cho nhiều người được hạnh phúc". Trên lề đường của chúng ta, có rất nhiều người một thời đã hồn nhiên ý thức như vậy - Người chữa xe đạp bình thường này chẳng hạn.
Hãy theo ông ta, ông Trần Xuân Tiến về nhà tìm lại những kỷ niệm quý giá nhất của thời trai trẻ.
- Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
- Vào giải phóng thủ đô năm 1954.
- Có mặt trong đại đội chủ công sư 308 tiến công đầu tiên vào cứ điểm Khe Sanh.
- Được tặng danh hiệu Dũng Sĩ diệt xe cơ giới – Tám lần bị thương.
Dũng sĩ Trần Xuân Tiến đã về già, có cháu nội, cháu ngoại – ông vẫn là người rất mực thật thà và tử tế. Một con người trên mình tám lần mang thương tích, không thể không nói đến nỗi đau thể xác. Nỗi đau thể xác, mối lo về miếng cơm manh áo hàng ngày – Có đấy ! Nhưng thật là nhỏ bé so với nỗi đau tâm hồn, những hiểu biết, nghĩ suy về họ mạc, đất nước, đồng bào.
Từ xa xưa, con người đã luân bàn về Hạnh Phúc. Héraclite, một triết gia cổ Hy Lạp (500 năm, trước Công nguyên) viết : " Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn vật chất thì chúng ta có thể coi con bò là Hạnh Phúc".
(Một bà cao niên): Hạnh phúc của một loài bò sát : Con kỳ nhông – là khi nằm trên lá khô, nó có màu nâu – Khi trườn trên lá tươi, nó có màu lục – Và nhất là biết cách băng qua đám lửa cháy mà không hề bị xây xát. Có những con người giống như loài kỳ nhông : họ vòng vo tinh khôn và chẳng bao giờ bộc lộ cái gì có thể phương hại đến bản thân mình.Chúng ta còn khốn đốn, nếu nhiều người không thật, nhiều điều không thật, nhiều sự việc không được gọi bằng đúng cái tên của nó.
(Một ông cao niên): Cũng chẳng thể khốn đốn mãi được - rất nhiều người và tôi – chúng tôi tin tưỏng một cách sâu sắc, chắc chắn rằng : Dù đông tây, kim cổ thì đạo lý, sự tử tế bao giờ cũng trường tồn, bất biến. Nó luôn luôn có mặt trong đời sống của chúng ta - thiếu hẳn nó thì chúng ta không còn là con người nữa. Một dân tộc, một xã hội dù ở bước vong nô thì sự tử tế, sự hoàn thiện vẫn là cái đích để tập hợp, là tia sáng để vươn tới.
(Cụ già):- Tôi cũng tâm niệm như vậy, nhưng tôi e rằng : khi vươn tới một sự hoàn thiện, sự tử tế như mong muốn, thì tiếc thay, cánh già chúng ta đã rủ nhau sang thế giới bên kia cả rồi. Và cuối cùng thì sau một cuộc đời tử tế hoặc không tử tế, dài lâu hoặc ngắn ngủi, mọi người đều được tạo hoá cho một cái quyền bình đẳng là : Trở về với Đất.
Có người cứ nói bừa rằng : Chết là hết. Nhưng thực ra, chết và con đường đi đến cái chết cũng nhiều chuyện lắm. Ví như trong đám có giọng thành kính xót thương : "Tiếc thay, ông ta là một người ăn ở tử tế" hoặc bật ra "Hừm, cái lão chúa xu thời".
Có lẽ chẳng mấy ai biết lắm chuyện về những người chết bằng người đào mồ. Âu cũng là một dịp để làm quen. Cái công việc nắng mưa, nặng nhọc này, đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội, lại cần cho bất cứ ai. Cho ông, cho bà, cho tôi và cho tất cả". Và không hiểu, bởi một lý do gì, chúng ta thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.
Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại – Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau.
Nhân đây cũng nói thêm rằng : người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.
Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời. Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.
Cùng với người đào mồ có nên nghĩ ngợi rằng : Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.
Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.
Khi bấm những cảnh cuối cùng của bộ phim này, người trông coi mồ mả, giám đốc các nghĩa trang Hà-Nội – cháu gọi nhà văn Ngô Tất Tố là bác, đã chép miệng bảo chúng tôi rằng : "Rõ chán, chuyện các anh cũ như trái đất. Tôi ở với người chết đã lâu, tôi thấy có cái hay là họ chẳng thèm tranh cãi với ai bao giờ. Dĩ nhiên, nếu họ có thể tham gia tranh cãi, thì ối điều phải bác bỏ - kể cả tôi là người quản lý họ và cả cái phim mà các anh đang làm".
Vâng !
Thì có gì mới đâu và có dám tranh cãi gì đâu – khi mà ở đây, trong cái nghĩa trang bình dân này, có mặt rất đông những người giỏi chữ nghĩa : Cụ Nguyễn Huy Tưởng, cụ Vũ Ngọc Phan, cụ Xuân Diệu, cụ Nguyễn Tuân....và nhiều cụ khác.
Có dám tranh cãi với ai đâu và có gì mới đâu, chỉ thương người bạn đồng nghiệp xấu số, lúc sống và lúc chết đều vui lòng để chúng tôi quay phim - Nỗi bất hạnh to lớn trong quá khứ của gia đình cậu ta kể ra ở đây, không tiện - Vậy mà, vẫn đùa bỡn cho đến lời cuối. Cậu ta bảo rằng : " Tớ rất muốn sống, để xem các phim của các cậu làm về cái chết của tớ như thế nào ?"
" Trải qua một thời gian dài, rất dài. Chúng tôi mới nghiệm ra rằng : Để thấu hiểu nỗi đau của người khác, không phải là một việc dễ dàng gì". Vâng ! Không thể là một việc dễ dàng gì, nhất là, khi ta không sống cuộc sống của người đời. Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui của người đời thì may ra tìm được, hiểu được, nghĩ được và làm đúng được đôi điều.
Nhưng, cũng như chuyện, ít có mấy ai lại lẩm cẩm từ chối một cuộc sống đầy đủ hơn, quyền thế hơn để sống cuộc sống như mọi người – Cái nghịch lý là ở chỗ đó và, cuối cùng, dù nhọc lòng, mất công, những điều chúng tôi, những người làm phim biết được chỉ bằng giọt nước ; còn những điều chưa biết lại là biển cả.
Đến đây mới nhận ra rằng, ở bộ phim này quá lạm dụng lời các danh nhân. Lời bình do những người làm phim viết ra, rất có thể là những điều vớ vẩn, tầm phào, làm mệt lòng người duyệt kỹ tính.
Còn lời các danh nhân thì thực yên tâm. Đó là chân lý, là danh ngôn – Vì vậy, trộm nghĩ cũng nên thay chữ "Hết" của bộ phim nhỏ bé này bằng việc nói thêm rằng, cái câu nói nóng nảy, táo tợn : “Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình...”
May thay là của Các Mác tôn kính, chứ không phải là của bạn tôi.
Trần Văn Thủy
Hay thật. Em hiện đang ng�m cứu bộ s�ch "RICH DAD POOR DAD" của Robert T. Kiyosaki v� Sharon L.Lechter. Em rất kho�i b�i học n�y: Người cha ngh�o của t�i lu�n dạy t�i: "Ham m� tiền bạc l� nguồn gốc của mọi điều xấu." C�n người cha nu�i gi�u c� th� lại dạy: "Thiếu thốn tiền bạc l� nguồn gốc của mọi điều xấu." Người cha ngh�o thường n�i: "T�i kh�ng c� đủ tiền để mua thứ ấy". C�n người cha gi�u lại n�i: "L�m sao để t�i c� thể mua thứ ấy nhỉ?". Một b�n l� c�u tho�i th�c tr�ch nhiệm, một b�n l� c�u n�i gợi cho người ta tư duy.
Trả lờiXóaH� h�! Anh cũng đ� lướt qua cuốn đ� rồi! Hay phết! Nhưng hơi nhiều tập th� phải. Anh nhớ đọc trong cuốn đ� c� truyện người cha gi�u dạy rằng: "Đừng bao giờ mua những g� m� n� kh�ng c� khả năng sinh lời !...".
Trả lờiXóa12 tập b�c ạ!
Trả lờiXóa