Thứ Tư, 13 tháng 12, 2006

Chuyện Tử Tế (tiếp theo)


Đồ hủi.

Xấu như hủi.

Bẩn như hủi.

Lười như hủi.

Không dây với hủi.

Cũng là để hiểu những người mắc bệnh phong - mà người đời vẫn gọi là người hủi – ăn ở với nhau ra sao, chúng tôi đã gặp vài ba cảnh đời thiết nghĩ cũng nên kể lại.

Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá, mình thì người nhà quê, bố cháu là Chiện, bà gọi cháu là Chiền. Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng mẹ nó là người hủi. Mẹ nó là người hủi thì bố nó bỏ đi luôn. Mẹ nó – chị Nguyễn Thị Hằng - phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền bát gạo, đêm đêm chị lần mò mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định – phải tự vẫn. Nhưng còn thằng Chiền ? Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là, đêm chị lần về và bằng hai bàn tay cùi cụt co quắp không đủ ngón đốt, đã đóng 18.000 viên gạch. Hỡi những người lành mạnh và tử tế! 18.000 viên gạch, đêm, lạnh buốt và đau đớn. Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền – một người hủi – còn có một ước vọng rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng thơ tâm sự. Sổ thơ của “người hủi” có cả ảnh và thơ của Alexander Bloch, chữ viết của người hủi có bao giờ thẳng hàng:

“Túp lều nát rùng mình trong gió rét

Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm đông

Ôi cái rét giá của đêm dài cô quạnh

Của những phần xương thịt rất đau

Bố bỏ đi biệt xứ chẳng một lời

Thế là hết chẳng còn ai chăm sóc con ư ?

Tội nghiệp cho Tú Anh cái tên trong sáng

Như chim non bé bỏng mồ côi.

Mẹ nghĩ phải gắng sống, sống vì con

Gắng làm cho con một nếp nhà xinh

Đó là nếp nhà mẹ chịu nắng sương

Chịu cái rét giá của đêm dài cô quạnh.”

Tạo hóa bao giờ cũng có nhân có quả. Mẹ thằng Chiền đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa và đã qua khỏi. Nhiều lần dắt con đi bên bờ sông Trà Lý, nhắc đến tên các thầy thuốc đã chạy chữa cho mình, chị đã khóc.

Nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi nghĩ ngợi: Thế là mình đã dành gần toàn bộ cuộc đời cho nghề thầy thuốc. Trải qua một thời gian dài, rất dài chúng tôi mới chiêm nghiệm được một điều rằng: “Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì”. Lần tìm truyện về những người phong, cũng nên đến trại điều trị phong Quy Hòa. Ở đây chúng tôi gặp mặt đông đảo các thầy thuốc, câu hỏi của chúng tôi: “Thưa các thầy thuốc, ai là người tận tân chạy chữa, chia sẻ với người phong ạ ?”

- Các bà xơ, chuyện đó phải kể đến các bà xơ. Các thầy thuốc, trong đó có các thầy thuốc từ khi rời ghế Trường Y cho đến bây giờ đã hai thứ tóc làm việc ở các trại phong đều trả lời chúng tôi như vậy. Các xơ cao tuổi rất biết về Hàn Mặc Tử - một thi sĩ thời tiền chiến lâm bệnh hủi đã qua đời tại đây gần nửa thế kỷ trước. Các xơ kể rằng, thời Hàn có hai điều các xơ để tâm: thứ nhất là thời ấy, do thiếu hiểu biết người ta thật tàn bạo với người phong; thứ hai là khi Hàn lâm bệnh rất nhiều người xa kẻ gần kiếm thuốc tìm thầy chạy chữa cho Hàn rất công phu, tốn kém. Nhưng điều đáng nghĩ ngợi là phần lớn họ đều giấu tên để Hàn khỏi mang ơn. Xem vậy thì thời Hàn cũng có những người ăn ở với nhau đến là TỬ TẾ. Gặp các xơ, chúng tôi chợt nhớ lại lời thề Hypocrate treo ở giảng đường Viện Da Liễu: “Tôi xin hứa và thế nhất luật tuân theo những ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình.Tôi chỉ mong mọi người dạy cho lòng quý mến nếu tôi làm đúng lời thề....”. Lời thề Hypocrate là một lời thề TỬ TẾ. Từ lâu lắm, loài người đã cố tìm những lời đích thật để thề, thề vì con người, vì lòng tin và sự đau khổ của con người dần xa lánh những lời thề vu vơ. Chúng tôi hỏi: “Thưa, đâu là nơi bắt đầu để các xơ yên tâm, tận tụy phục vụ người mắc bệnh phong ạ ?”.“Dạ, chỗ bắt đầu của chúng tôi và đồng nghiệp là lòng tin”. Vâng, nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến với lòng tin có chứng cứ. Tin vào những cái đích thật.

“Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt. Lòng tin vốn không thể vay mượn, áp đặt hoặc tước đoạt. Mất lòng tin là mất tất cả. Bi kịch lớn nhất chưa hẳn là do nghèo túng mà là do mất lòng tin. Khi con người không tìm ra cái đích thật để mà tin. Khi giữa cuộc đời và thuyết giáo lại là một khoảng cách quá xa”.

Có muôn vàn ví dụ. Trước ngưỡng cửa cuộc đời những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng: “Các em yêu quý, các em là những đứa trẻ hạnh phúc, vì các em là con Hồng cháu Lạc. Giang sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giầu có, tiền rừng, bạc biển.”. Cũng ở một lớp học như vậy ở nước Nhật thì người ta dạy con em người ta rằng: “Các bạn nhỏ yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi, một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn.” . Giá như một lần chúng ta dạy con em rằng: “Các em ạ, cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền, vì các em ạ, bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.

- (Phỏng vấn một nhóm học sinh đang dán băng rôn có chữ “Vĩ Đại”): Chào các em, theo các em thì xung quanh chúng ta cái gì là vĩ đại ?

- Cháu chịu.

- Nào em ?

- Vĩ đại thì cháu nói thật là cháu chỉ được nghe chứ cháu chưa bao giờ được nhìn thấy.

- Thế thì theo các chú cái gì là vĩ đại cơ ạ ?

- (Một thầy giáo trả lời): Theo tôi, thì vĩ đại, vĩ đại nhất đã được tạo dựng nên trên trái đất này là con người. Chính là con người.

- (Một cô giáo già trả lời phỏng vấn): Nhưng tạo hóa đã không sinh ra một loài sinh vật nào chịu nhiều đau khổ hơn con người và khát khao sự TỬ TÊ hơn con người.

Thật vậy ! Một nhà văn từng viết : "Con người là một sinh vật không bao giờ chịu sống thúc thủ. Nó luôn luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mà mãi mãi không bao giờ đạt tới".


Còn cuộc đời thì biến động, chẳng bao giờ chờ đợi ... con người.

(Còn tiếp một phần nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét