Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2006

Chuyện Tử Tế


Tôi đã xem "Chuyện tử tế" đến 3,4 lần nhưng không hiểu sao vẫn cứ bị ám ảnh bởi những lời bình trong phim, con người sống với nhau cho "tử tế" mà sao khó đến vậy ? Khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến dài nhưng dường như cái đối nhân xử thế giữa con người với con người vẫn chẳng chịu nhấc chân. Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh và gấp gáp làm cho con người ta quên đi những ứng xử của con người. Chép lại lời bình của bộ phim tài liệu này, tôi chỉ muốn tự nhắc nhở mình hãy sống chậm lại, hãy nhìn con người với đôi mắt và tình cảm của một con người.

Lời đầu phim:

Có lần tranh luận về việc làm phim, bạn tôi bực mình mắng tôi một câu nghe rất lạ tai: “Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Chữ nghĩa đến là nóng nảy và táo tợn. Tôi ngờ rằng lời lẽ ấy, bạn tôi đã vay mượn ở đâu đó.

Người biên tập bộ phim này cho hay, từ rất xa xưa cha bác có dạy rằng: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn, đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế. Trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.”

Hôm nay, 20/4 âm lịch, ngày giỗ đầu một bạn đồng nghiệp của chúng tôi. Cũng không hiểu sao, đồng nghiệp của chúng tôi qua đời trong những năm qua phần đông đều do một căn bệnh hiểm nghèo – bệnh ung thư. Nhà quay phim Nguyễn Quý Nghĩa, Nguyễn Quang Trịnh, nhà biên kịch Quang Minh, đạo diễn Tô Cương, nhà quay phim Phan Trọng Quỳ, đạo diễn Trần Thịnh, đạo diễn Xuân Thành và bây giờ là Đồng Xuân Thuyết nữa.

Chúng tôi đã theo Thuyết gần 02 năm trước khi anh qua đời. Vào những giờ phút cuối, anh bình thản nói: Tớ mắc căn bệnh khá là hiểm nghèo,sau những cơn đau xé ruột những lúc tỉnh táo mình đọc và cảm thấy rất thích cuốn sách này. Tớ đọc các cậu nghe một đoạn nhé: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”. Các cậu thấy có lạ không ?

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”

Nếu khỏe mà về với các cậu thì vui như Tết, còn nếu có điều gì bất hạnh thì cũng chẳng có điều gì đáng ân hận lắm, vì khi còn sống chúng mình ăn ở với nhau rất là TỬ TẾ đấy chứ !

- Thế lỡ chẳng may thì cậu có giối giăng gì không ?

- Giối giăng thì có lẽ nhiều việc quá rồi thì cũng quên hết thôi. À này, mình cứ nghĩ là các cậu nên làm với nhau một điều gì đó. Nó có thể bắt đầu từ tình thương yêu con người chăng ? Hoặc là đi từ nỗi đau của con người ?

- Khó đấy.

- Khó cũng phải làm. Còn nếu không làm, các cậu mà vô tích sự, tớ đi trước tớ sẽ kéo các cậu theo sau đấy.

Cũng chẳng có điều gì đáng ân hận lắm, vì khi còn sống chúng mình ăn ở với nhau rất là TỬ TẾ. Tớ cứ nghĩ các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy, một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người.

Không có gì thành thật bằng lời nói của người sắp qua đời. Từ đấy chúng tôi định bụng rủ nhau đi làm một "bộ phim tử tế", tử tế dù là tương đối.

Nhưng việc có lẽ không thành bởi một hôm chẳng rõ vì đâu người làm gạch bất bình săm săm chạy ra xua đuổi chúng tôi té tát. “Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ, không có quay quắt gì ở cái lò gạch của tôi sất cả. Chán cái đám phim ảnh các ông lắm rồi. Có giỏi thì cứ chụp cái cảnh chúng tôi sống thật như thế nào đi. Cứ bày đặt ra mãi thế mà không thấy ngượng hả ? Không thấy ngượng hả ?”. Cũng có lúc ngượng lắm chứ hỡi cái ông có cái lò gạch. Người xưa từng nói: “Lập thân tối hạ kỵ văn chương”, nghĩa là lập thân bằng cái nghề văn chương nghệ thuật là cái nghề thấp kém, hèn mọn nhất. Ừ, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra; Mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến. Ông có cái lò gạch đâu có biết, bấy lâu nay chúng tôi mắc phải một thói quen cố hữu, chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên. Một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim ra đời đâu có mấy phụ thuộc vào sự hữu hiệu của nó với cuộc đời, lại chẳng mấy phụ thuộc vào mong muốn của những người lam lũ như ông mà thường nhất nhất trông đợi ở sự xem xét của bề trên chúng tôi. Bề trên chúng tôi bằng lòng thì được, không bằng lòng ắt phải bỏ. Bề trên của chúng tôi khen thì chúng tôi sung sướng. Bề trên chúng tôi chê thì chúng tôi buồn rầu.

Ngay cái chuyện vào nghề của người quay phim bộ phim này tuy cũ nhưng cũng còn là một thí dụ hay đấy. Thời niên thiếu, anh ta ở nhà quê đi chăn vịt. Cái nghề chăn vịt nào có hứng thú gì. Một trưa hè, mệt quá, anh ta chui bừa vào một cái lều để ngủ. Lũ vịt vô kỷ luật đã sục vào ruộng của Hợp tác. Các bác ở Ủy ban xã giận lắm liền ghi chuyện đó vào lý lịch. Bên cạnh 04 chữ ký của các bác ở Ủy ban xã có cả xác nhận của Huyện và hai chữ “TỐI MẬT”. Thế là đằng đẵng nhiều năm không thể thi vào bất kỳ một trường nào, một ngành nào mà anh ta vẫn mộng mơ. Mãi sau tình cờ có 01 lớp quay phim, anh ta thi đại vào. Vậy là, nghề chăn vịt với nghề làm phim như chúng tôi cũng chỉ cách nhau có gang tấc.

“Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ, không có quay quắt gì ở cái lò gạch của tôi cả”. Gã có cái lò gạch xua đuổi chúng tôi là hắn bậy rồi, chúng tôi ít ra cũng là người của Nhà nước. “Có giỏi thì cứ chụp cái cảnh chúng tôi sống thật như thế nào đi. Cứ bày đặt ra mãi thế mà các ông không thấy ngượng hả ? Hình như hắn có cái lý của hắn. Đến như bọn trẻ con đã có lần toét miệng cười và bảo chúng tôi rằng: “À, các chú quay cái loại phim này, chúng cháu xem là chúng cháu hay buồn ngủ lắm đấy!” . Đâu phải thế ! Chúng tôi từng làm hàng trăm bộ phim nhân dân chiến đấu anh hùng như thế nào, nhân dân quyết tâm sản xuất như thế nào, nhân dân phấn khởi tin tưởng như thế nào....Những bộ phim đó đã đi vào lịch sử và một thời đã mang lại vinh quang cho chúng tôi.

Nhưng phải nhận rằng: Chẳng có mấy bộ phim miêu tả nhân dân ăn ra sao, nhân dân ở ra sao, nhân dân đi lại sinh sống như thế nào và nhất là nhân dân nghĩ ngợi bàn tán những gì. NHÂN DÂN, hai tiếng thật thiêng liêng. Chẳng thế mà NHÂN DÂN có mặt ở khắp nơi, về văn hóa thì có: Nghệ sỹ Nhân dân, hiệu sách Nhân dân, giáo viên Nhân dân, nhà hát Nhân dân, báo Nhân dân; Ở những cơ quan nghiêm mật thì có: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân....Một thời chúng ta đã có những lời ca về nhân dân thực sự xúc động lòng người: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, “Anh em ơi vì nhân dân quên mình”...nhiều khẩu hiệu đã trở thành tâm niệm của một lớp người “Phục vụ nhân dân”, “Đầy tớ nhân dân” và cao hơn nữa là “Hiếu với dân”.

- Trung với Đảng với nước thì đã rõ, còn nội dung cụ thể của “Hiếu với dân” theo anh là gì? (Hỏi một chiến sỹ bộ đội trẻ).

- Cái này, tôi phải nghĩ một tí. Nhưng anh hỏi để làm gì ?

Cứ nghĩ như “Con có hiếu với cha” chẳng hạn, chăm sóc cha lúc tuổi gia, phụng dưỡng cha lúc ốm đau, thờ phụng cha khi qua đời, kế tục những hoài bão mong mỏi của cha còn dang dở. ..Hiếu phải đi đôi với thảo, không thể đẩy cha mẹ ra lề đường kiếm sống mà lại cứ tự xưng rằng “tôi là đứa con có hiếu”. Còn như đạt tới sự hiếu thảo với nhân dân thì ý nghĩa và nhân quả của nó còn to lớn hơn nhiều. Cụ Hồ có căn dặn rằng: “Bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Người có lương tâm đều hiểu, không phải lúc nào và ở đâu nhân dân cũng đã được đền bù xứng đàng. Có thể vì vậy mà ông lò gạch đã đối xử với chúng tôi – những người của Nhà nước – chưa được mặn mà, tử tế cho lắm.

(Phỏng vấn 1 nam người trẻ tuổi): - Chào anh. Theo anh thế nào là sự tử tế ?

- Chịu. Thế nào là sự tử tế bây giờ là khó lắm đấy!

(Phỏng vấn một nữ trung niên): - Ý chị thế nào ạ ?

- Có được phép nói thật không ạ ?

- Xin mời.

- Vâng. Người được mình coi là tử tế thì theo tôi trên thực tế mình nhờ vả một cái gì đó về quyền lực hay là vật chất. Chữ “tử tế” thì thường ở miệng những người có tuổi hoặc những người hơi xưa. Bây giờ thì bận lắm, mấy ai có thì giờ để luận bàn những chuyện xa xôi ấy.

- (Một người bố trẻ tuổi trả lời phỏng vấn): Xung quanh ta có nhiều người tử tế lắm chứ. Những người tử tế là người nhân hậu, thương yêu con người, ham làm điều thiện, lo việc công ích chứ không vì chức vụ hay bổng lộc. Theo tôi, những người bất hạnh, người cô đơn, người nghèo khó và nhất là người trung thực họ chính là người mong mỏi có sự tử tế hơn ai cả.

- (Một anh lái xe trung niên trả lời phỏng vấn): Đây là một câu hỏi lẩm cẩm. Tử tế à ? Các ông thử nghĩ mà xem, người cần sự cứu giúp thì gặp kẻ muốn ban ơn thế là thành sự tử tế. Người sa cơ lỡ vận gặp kẻ cần tiếng thơm để toan tính những việc xa hơn cũng thành người tử tế. Tử tế là một cái gì đó tế nhị, có đi có lại

- (Một cụ già trả lời phỏng vấn): Tử tế các đồng chí làm phim thân mến ạ. Hai cái chữ đó là gốc từ chữ Hán, chữ “Tử” là việc nhỏ nhất, mà “Tế” là cái điều nhỏ nhất. Hai chữ tử tế cộng chung lại nó có nghĩa là “cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất”. Vì chữ tử tế chúng ta hiểu lâu ngày nó sai đi, nó khác đi. Cái tử tế thật sự không thể có tiền mà mua được, không thể mong ước mà có được. Nó phải qua cái học hành, cái rèn luyện, cái giữ gìn, cái kế thừa mà có. Tử tế là bông hoa thơm, bông hoa đẹp của tình người.

- (Một cô gái trẻ trả lời phỏng vấn): Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, là niềm an ủi của người đời. Chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì.

(Còn tiếp)



1 nhận xét: