"...Lạnh lùng, phi lý, tàn nhẫn và kích động, đó là những gì người xem cảm nhận về bộ phim. Vẫn biết, xã hội cũng có những kẻ điên khùng cá biệt như thế, song không thể khai thác như sự giới thiệu, cổ vũ cái ác. Việc nhập, duyệt và cho chiếu một bộ phim như thế trách nhiệm phải chăng thuộc về chính hãng phim, Hội đồng duyệt phim quốc gia? Đây không phải là bộ phim kích động bạo lực duy nhất mà Báo SGGP lên tiếng. Một số bộ phim trước, sau khi bị phê phán đều ngưng chiếu. Việc để lọt lưới những bộ phim như thế này, hết lần này tới lần khác, không chỉ cứ ngưng chiếu là xong, mà có lẽ phải quy trách nhiệm đối với người cấp phép đã để những sản phẩm phi nhân tính đến công chúng. Một trong những mục tiêu chủ yếu của nghệ thuật là đề cao cái thiện, tôn vinh những giá trị nhân văn, cổ vũ tình người trong cộng đồng xã hội, phê phán và chống lại cái ác. “Kẻ săn đêm” có nội dung bạo lực một cách bệnh hoạn, tàn nhẫn, không thể cho phép phát hành rộng rãi." (Bài viết “Kẻ săn đêm” - Bộ phim cần cấm đăng trên báo SGGP ngày 15/9)
* Nên chăng đã đến lúc Bộ VH-TT&DL đưa vào áp dụng các quy định, tiêu chuẩn phân loại đối với phim theo lứa tuổi và theo mức độ bạo lực, sex – một việc làm mà gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
"Nói về đề án dàn dựng và tổ chức biểu diễn kịch lịch sử Việt Nam phục vụ khán giả thiếu nhi., ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương, đơn vị tổ chức Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết: ... Chỉ với 6.000 đồng tài trợ dành cho một học sinh, chúng tôi sẽ mang kịch lịch sử về đến tận sân trường phục vụ các em. Đề án này chỉ xin Nhà nước tài trợ 200 triệu đồng, còn lại toàn bộ chi phí khác, như: dàn dựng, biểu diễn, trang phục, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc... chúng tôi sẽ lo. Vậy mà tâm huyết của chúng tôi cứ bị thử thách...". Trả lời về đề án dàn dựng và tổ chức kịch lịch sử phục vụ học sinh của Sân khấu Kịch IDECAF đã gửi Sở VH-TT-DL TPHCM, bà Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc sở, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ đề án này và đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ của đề án gửi sang UBND TPHCM. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”....(Bài viết "Tài trợ học sinh xem kịch lịch sử: Chuyện trên giấy? đăng trên báo Người Lao Động ngày 16/9/2008).
* Tư nhân hỏi, quản lý Nhà nước trả lời! Không biết đến bao giờ mới có câu trả lời chính thức???
"Ước tính mỗi năm có đến hàng chục cuộc thi hoa hậu, từ cấp quốc gia, vùng miền đến hoa hậu ngành, nghề nghiệp. Chỉ riêng trong tháng 8-2008, theo thống kê, đã có tới 4 cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra vòng chung kết. Với mật độ dày đặc như thế, làm sao có thể tìm kiếm được người đẹp xứng đáng? Càng ngày, nhan sắc của thí sinh dự thi hoa hậu càng giảm. Đó là một thực tế của nhiều cuộc thi hoa hậu. Khán giả càng gặp nhiều thí sinh “tự tin” có thừa nhưng nhan sắc khiêm tốn và trí tuệ hạn chế trên các đấu trường sắc đẹp trong nước.... Bê bối, thiếu trung thực và không tôn trọng các thí sinh là thực trạng trong công tác tổ chức của các cuộc thi hoa hậu thời gian qua. Ngoài chuyện gạ tình, tiền thí sinh, tình trạng ban tổ chức tìm mọi cách quỵt giải thưởng của thí sinh cũng trở nên phổ biến qua các cuộc thi người đẹp...".(Bài viết "Hoa Hậu không còn đẹp trong mắt công chúng: Thi hoa hậu ngày càng mất giá" đăng trên báo Người Lao Động ngày 17/9/2008)
* Với thực trạng như thế mà công chúng không quanh lưng lại với các cuộc thi Hoa hậu thì mới là điều kỳ lạ!
"...Việc ca sĩ sang nước ngoài biểu diễn theo đường du lịch hay chữa bệnh thì không ai quản được là lẽ dĩ nhiên, làm sao lại đòi hỏi "đi diễn ở nước ngoài phải xin phép"? Nhân sự, ở đây là nghệ sĩ vuột ra khỏi tầm quản lý, lẽ dĩ nhiên, sản phẩm của họ về VN càng khó kiểm soát được. Nhiều khi cả năm trời, nhà quản lý mới phát hiện ra có chuyện! Thực sự, nên có quy định thông thoáng hơn trong quy chế biểu diễn. Nghệ sĩ có trách nhiệm đối với hình ảnh, tên tuổi và uy tín của chính mình trước công luận, và họ cũng có quyền chọn lựa đối tác của mình. Nếu vi phạm pháp luật về nội dung hay bản quyền thì nhà quản lý có thể đưa ra quyết định thu hồi sản phẩm đó trong nước. Còn nếu cứ họp mãi mà không đưa ra một lý do để phạt hay không phạt thì chỉ cho thấy sự bất lực của người quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt nghệ sĩ vi phạm khi diễn ở nước ngoài còn nhẹ (5-30 triệu đồng/trường hợp), nên người ta không sợ. Nhưng trên thực tế, ngay cả việc đưa ra quyết định phạt mà phải hơn cả năm trời còn chưa thống nhất xong, thì thử hỏi, lẽ nào luật định không rõ, hay chính nhà quản lý còn nghi ngại việc mình làm có đúng không? Sở làm văn bản gửi bộ vì vụ việc ngoài tầm của sở, còn bộ thì họp mãi mà vẫn chưa gút lại được điều gì rõ ràng, hẳn là quy chế chưa thông rồi! Xem ra, việc "hù dọa" thu hồi băng đĩa, cấm biểu diễn không còn đáng sợ như trước đây nữa, thì không nên sử dụng "chiêu" cũ. Tốt nhất là có những quy định rõ ràng; còn nếu có quy định rồi mà người ta không tuân thủ thì có lẽ, đôi khi chính quy định còn chưa hợp lý, hoặc giả hình thức phạt hành chính không ăn thua." (Bài viết "Quản được đâu mà cấm?" đăng trên báo Lao Động ngày 18/9/2008).
* Các ca sỹ ra nước ngoài biểu diễn bằng đường du lịch hay chữa bệnh thì tức là rõ ràng họ đã có ý thức trốn tránh việc xin phép biểu diễn. Việc chần chừ, chậm trễ trong xử lý của các cơ quan quản lý lại càng làm cho những quy định của Nhà nước trở nên "vô hiệu". Thiết nghĩ, chỉ cần các cơ quan quản lý Nhà nước thôi "hù dọa" và hãy cấm biểu diễn có thời hạn (tùy theo mức độ sai phạm) đối với những ca sỹ cố tình phạm luật ắt hẳn chuyện "nhờn thuốc" của các ca sỹ sẽ dứt. Tất nhiên để làm được điều này thì trước tiên rất cần đến sự công khai minh bạch và công tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
...Tôi xin khẳng định là tôi đang giữ bản gốc Lưu Hương ký. Vì chân đau nên tôi chưa thể lên gác lấy cho các anh xem được. Tôi không nhớ chính xác nhưng vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi đã ký mượn bản gốc Lưu Hương ký ở thư viện Viện Văn học... Trước sau tôi cũng sẽ trả lại nhưng thời điểm tôi đang nghiên cứu văn bản thì không thể trả lại ngay. Tôi đã phiên âm hết từ năm 1977 rồi, nhỡ ông nào “cướp” mất của tôi thì sao? Viện Văn học giờ có gọi tôi ra Công an, tôi cũng không trả... (Bài viết "Việc thất lạc "báu vật" Lưu Hương ký: Đã tìm được bản gốc" đăng trên báo Gia đình & Xã hội ngày 19/9/2008).
* Thật bất ngờ cho văn hóa của một nhà nghiên cứu. Ông PGS.TS Đào Thái quyết tâm giữ lại bản gốc Lưu Hương Ký mà ông đã mượn của Viện Văn học cho đến khi hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Lưu Hương Ký mà ông đang xin kinh phí 300 triệu để thực hiện. Ông chỉ muốn muốn độc quyền nghiên cứu.
"...Trong đời sống xã hội của mọi con người có chung các hành động như ăn, uống, bài tiết, tình dục vv…Nhưng dù cho ở một cộng đồng có một nền dân chủ cao nhất thì tự do của mỗi cá nhân cũng phải được thực thi trong một hành lang chung của hai Bộ luật. Bộ luật thứ nhất mà chúng ta gọi là Luật pháp và Bộ luật thứ hai chính là văn hóa. Một kẻ đái bậy ở nơi công cộng hay ngang nhiên truyền bá clip sex của anh ta (chị ta) sẽ bị một trong hai hoặc cả hai Bộ luật này lên án và trừng phạt. Chính vì có hai Bộ luật này mà con người qua hàng ngàn năm lịch sử mới tạo dựng lên thế giới của Cái đẹp và Chủ nghĩa nhân văn.... Không có tự do thì không có sáng tạo. Chỉ có Cái tôi được thăng hoa mới làm lên phong cách của nhà thơ. Việc dạy học sinh với những bài văn mẫu mà chúng ta đang lên tiếng là một sai lầm nghiêm trọng. Phương pháp giáo dục đó sẽ giết chết cá tính sáng tạo của một con người. Cá tính sáng tạo biểu lộ kết quả của sự khám phá những vẻ đẹp khác biệt trong sự sâu thẳm của tâm hồn con người. Sự áp đặt một tư tưởng, một phương pháp sáng tạo…sẽ giết chết nghệ thuật. Và một Cái tôi ích kỷ, tùy tiện, kém cỏi và vô lối cũng sẽ giết chết nghệ thuật hay nói cách khác nó giết chết văn hoá. Những Cái tôi như thế sẽ sinh ra những phần nuông thú và gieo rắc những phần nuông thú ấy vào tâm hồn con người. Dù Cái tôi được tự do đến đâu và có ý nghĩa gì thì các nhà thơ phải hiểu một điều như là chân lý: bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng chỉ để làm cho đời sống này hiện ra những sự thật, những vẻ đẹp và đức tin về thế giới con người chứ không phải làm “bẩn” hay làm “tăm tối” đời sống đó. (Bài viết "Tự do sáng tạo không phải là một Cái tôi tùy tiện…" đăng trên báo điện tử Viet Nam Net ngày 22/9/2008).
“Việc số lượng phim truyền hình phát sóng tăng cho thấy nỗ lực của những người làm truyền hình đang cố gắng tăng tỉ lệ phim Việt trên sóng truyền hình. Và thực tế cho thấy dòng phim này đã được khán giả chờ đón, quan tâm, làm giảm dần những làn sóng hâm mộ phim Hàn, phim Trung Quốc như trước đây. Tuy nhiên, số lượng không phải bao giờ cũng đi kèm chất lượng, nhiều bộ phim đã bộc lộ cách làm cẩu thả, nội dung dễ dãi. Nguyên nhân có lẽ là do chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự bùng nổ về việc tham gia sản xuất phim của nhiều đơn vị. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị truyền thông, quảng cáo tham gia làm phim, nhưng về bản chất là họ đi tìm nguồn tiền đầu tư, trao đổi quảng cáo và sau đó liên kết, hoặc bán hợp đồng sản xuất phim lại cho một đơn vị hoặc một nhóm làm phim.Nếu phát triển đúng quy luật của các nước phát triển, tư nhân phải lựa chọn nhân lực, mời họ cùng tham gia lâu dài và thành lập các hãng phim tư nhân, các nhà sản xuất…Như hiện nay nhà nước đang chịu thiệt: Bỏ kinh phí để đào tạo, trả lương cho người làm nghề suốt một thời gian dài nhưng khi họ có kinh nghiệm thì không toàn tâm phục vụ cho nhà nước, mà quay ra làm cho tư nhân. Loay hoay, lúng túng, tiến, lùi đều đụng những bất cập… nên tình trạng phim chất lượng chưa cao chiếu trong “giờ vàng” chắc vẫn tái diễn dài dài....(Bài viết “Tại sao "giờ vàng" chưa phải là "vàng"? của đăng trên báo Văn nghệ Công an ngày 22/9/2008) Thiết nghĩ, nếu những người chịu trách nhiệm ký các hợp đồng sản xuất phim với các Đài Truyền hình chỉ có tiền (do khả năng kêu gọi quảng cáo) mà lại không biết nghề làm phim, chưa đủ khả năng để thẩm định chất lượng các kịch bản tham gia sản xuất sẽ không thể đặt chất lượng các bộ phim lên hàng đầu....
* Trong tất cả những vấn đề nêu trên thì trách nhiệm của Đài truyền hình ở đâu khi mà chất lượng của các phim truyền hình liên kết với tư nhân thì ngày càng đi xuống nhưng vẫn được ký kết hợp đồng để phát sóng?
“...Rất nhiều ca sỹ, điển hình như một số người hát trẻ đang tham gia cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2008, lên sân khấu giao lưu nhảy đùng đùng hú hét, cứ nghĩ như thế mới hay, mới “máu”; vui hơn là cướp lời Hội đồng nghệ thuật để phản biện, cho rằng vậy mới chứng tỏ cá tính, mà không hề biết rằng họ bị đánh giá: thiếu văn minh! Một số nữ ca sỹ ảnh hưởng phong cách ca sỹ Âu Mỹ, có lẽ do đi biểu diễn ở hải ngoại quá nhiều chăng, mà trang phục cả đời thường lẫn trình diễn thiếu vải đến không thể thiếu hơn, ưỡn ẹo điệu bộ đến lố bịch, tất nhiên họ phù hợp với một bộ phận người xem, nhưng bên cạnh đó, họ bị đánh giá là rẻ tiền, và thiếu văn minh! Còn có những ca sỹ chuyên lên báo khoe... hàng hiệu, rằng áo tôi hiệu này, quần tôi hiệu kia, thắt lưng mũ giày hiệu nọ, toàn hiệu đỉnh cao thế giới...; hoặc nay phát biểu yêu người này, mai lại thích người khác... Dĩ nhiên có những bạn đọc rất thích, nhưng những độc giả khó tính một chút lại lắc đầu phán xét: thiếu văn minh! Thiếu văn minh ở sự hợm hĩnh....Văn minh thụt lùi. Đấy chính là điều đáng sợ nhất đối với một xã hội, một tập thể, một cá nhân, và càng đáng sợ hơn nếu cá nhân đó là một... ca sỹ! Nếu anh là người bình thường, anh không văn minh, sẽ chỉ có một ít người bị anh tác động. Nhưng nếu anh là một ca sỹ, lại nổi tiếng, và anh thiếu văn minh, thì sẽ có ít nhất từ 10 người cho đến hàng triệu người bị anh tác động, ảnh hưởng, mà là ảnh hưởng xấu....” (Bài viết “Ca sỹ vs. văn minh” đăng trên Tạp chí Đẹp số ra ngày 22/9/2008)
“Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra văn bản xử phạt hành chính đối với 2 bộ truyện tranh của NXB Văn hoá Thông tin, 6 bộ của NXB Thanh Hoá và đình chỉ phát hành 2 bộ truyện tranh cũng của NXB Thanh Hoá vì có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến tính giáo dục, thẩm mỹ của thanh thiếu niên. Đây là một trong những biện pháp của cơ quan chức năng, trước phản ứng bức xúc của dư luận về các bộ truyện tranh này. Vấn đề là không phải bây giờ, mà vài năm nay trên thị trường đã xuất hiện những sản phẩm phản giáo dục này... Có giấy phép trong tay, các nhà xuất bản được hưởng khoản quản lý phí. Trong cơ chế tự hạch toán kinh doanh, chính các nhà xuất bản đã thoả hiệp với đối tác, chạy theo lợi nhuận, để phát hành những cuốn truyện tranh bạo lực, sex với độc giả chủ yếu là các em tuổi mới lớn, mà NXB gọi là tuổi teen, 15, 16+. Khâu thẩm định, phát hành như vậy. Còn việc hậu kiểm trước khi sách đưa ra thị trường, theo ông Lý Bá Toàn - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, hiện nay, rất nhiều NXB không nộp lưu chiểu mà vẫn phát hành sách nên việc kiểm soát rất khó khăn. Còn nếu có nộp thì kiểm soát cũng không dễ. Các nhà quản lý thì lúc nào cũng có lý do để biện hộ cho khó khăn của mình, mà điều đó thì dư luận khó lòng đồng cảm. Về phần các nhà xuất bản, vẫn biết trong cơ chế thị trường, rất khó cân bằng giữa lợi nhuận kinh tế và nhiệm vụ tư tưởng, nhưng không phải vì thế mà vin vào lý do ấy để tiếp tục cho ra những sản phẩm làm sai lạc nhận thức và phẩm cách của cả một thế hệ!” (Bài viết “Quản lý truyện tranh: Ai chịu trách nhiệm?” đăng trên báo điện tử VTV ngày 23/9/2008)
“...Tầm vóc tinh thần, sự sắc sảo của trí tuệ nhà văn thể hiện chủ yếu và trước hết qua việc anh ta rút ra được ý tưởng gì về cuộc sống, về vấn đề anh ta quan tâm. Từ khảo nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy ở Việt Nam có quá nhiều người viết đã lầm lẫn một cách khó tin giữa việc thiết kế tác phẩm từ ý tưởng với thiết kế tác phẩm từ đề tài.... Nếu ý tưởng là kết quả của một trí tuệ sắc sảo và sâu sắc của tầm vóc tinh thần nhà văn thì chi tiết lại là kết quả của sự trải nghiệm. Dù hư cấu, tưởng tượng đến như thế nào thì tốt nhất vẫn là người viết dựa trên tiền đề của các quan sát, tiếp xúc, cảm nhận… mà bản thân họ đã trải nghiệm (tuy nhiên các tiếp xúc, cảm nhận cũng có thể hình thành từ việc khai thác sách vở, tài liệu, từ sự hình dung về một logic nghệ thuật… như tác giả viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết lịch sử thường tiến hành). Đọc nhiều, đọc như là khảo sát và khái quát, đọc trong tâm thế phản biện... càng ngày tôi càng nhận ra sự dễ dãi và cẩu thả, sự thiếu thốn tri thức theo cả chiều rộng và chiều sâu… đang là một trong những vấn nạn lớn nhất đối với nhiều người viết văn xuôi ở Việt Nam hiện tại, nhất là với một số cây bút trẻ....” (Bài viết “Tác phẩm, chỉ cần đọc ba dòng” đăng trên báo An ninh Thế giới ngày 26/9/2008)
Hời hợt với cuộc sống, không có rung cảm phong phú và trong sáng về cuộc sống, nhà văn khó có thể phát hiện các chi tiết hay và đắt. Một "phông" văn hóa cạn hẹp càng không thể giúp nhà văn hư cấu từ những chuyện có thật...Nếu so sánh về đội ngũ, chắc chắn số nhà văn Việt Nam hôm nay đông đảo hơn số nhà văn vài chục năm trước. Nếu so sánh về đầu sách, số đầu sách được xuất bản ngày nay hẳn là lớn hơn ngày trước rất nhiều. Vậy tại sao câu hỏi về "tác phẩm lớn" vẫn được đặt ra? Tại sao lời kêu gọi thiết tha cùng tiền bạc đầu tư của Nhà nước cho văn chương vẫn chưa đưa tới kết quả như chúng ta mong muốn?... Nhìn vào đời sống văn học, ít nhất trong mười năm trở lại đây, nếu chỉ căn cứ vào một số bài điểm sách, bài phê bình thì xem ra tác phẩm "để đời" đã xuất hiện. Song rồi mấy lời tán dương dễ dãi nhanh chóng rơi vào dĩ vãng và tác phẩm tưởng chừng đã "đóng dấu" vào nền văn chương cũng nhanh chóng bị lãng quên, lãng quên cả trong bạn đọc ngỡ là "đặc tuyển". Và tôi thấy e ngại thay cho một vài nhà lý luận - phê bình đã tốn giấy mực để euréka năm bảy phẩm chất chưa hội đủ khả năng xuyên thời gian. Dù nói ra hay không nói ra, mọi người đều nhận thấy văn học đã và đang vận hành trong một bối cảnh lịch sử xã hội - con người đã khác trước, đều biết văn học phải đổi mới để phát triển, và hình như điều đáng quan ngại nhất lại là: không phải người nào cũng có thể trả lời được câu hỏi cần phải làm gì đây để văn học phát triển?....Hôm nay, câu hỏi về "tác phẩm lớn" vẫn đang được đặt ra, một câu hỏi quả là khó có thể trả lời trong một sớm một chiều khi nhìn vào thực tế sáng tác. Có thể là bi quan, tôi vẫn đồ rằng điều chúng ta mong muốn vẫn lấp ló đâu đó ở phía chân trời chứ không phải đang nằm trong thực lực của các nhà văn chỉ chờ ngày phát lộ. Vì thế, đôi khi tôi thấy khôi hài vì nhiều nhà báo xứ ta có vẻ khoái chí khi đặt câu hỏi bao giờ Việt Nam sẽ có giải Nobel. Ước mơ thì tốt thôi, song hãy là ước mơ có nguồn gốc hiện thực, đừng ước mơ viển vông để khi thất vọng lại quay sang trách móc các nhà văn. Đối với văn chương nước nhà, nếu có mơ, xin hãy mơ một giải thưởng nào đó nho nhỏ và xinh xinh ở châu Á này là may lắm rồi, đừng mơ về một cái gì đó ngoài tầm tay, ít nhất là trong thời gian trước mắt.” (Bài viết “Tác phẩm đỉnh cao: Ước mơ còn ở phía chân trời?” đăng trên báo Công an nhân dân ngày 28/9/2008)
“Yêu cầu đính chính lại SGK Lịch sử trên cơ sở đánh giá lại “công và tội” của vương triều Nguyễn một cách công minh và toàn diện, điều này không thể để chậm trễ hơn được nữa... Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, cần thiết phải khẳng định công lao của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, phát triển giáo dục, văn hóa. Những gì được coi là “tội” của các vua chúa Nguyễn cũng phải được xem xét lại cho thật công bằng.Các nhà khoa học mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong số đó, và tại cuộc hội thảo này, sẽ tiếp tục có những khai phá mới từ nguồn sử liệu...” (Bài viết “"Đánh giá lại "công và tội" của vương triều Nguyễn" đăng trên báo điện tử Viet Nam Net ngày 01/10/2008) Chẳng hạn, việc Nguyễn Ánh “diệt” Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc, Quang Toản có phải là phản tiến bộ hay không, khi mà những chính quyền này đã suy yếu và mất lòng dân? GS Phan Huy Lê cũng khẳng định, chưa có thời kỳ lịch sử nào có nguồn sử liệu “khổng lồ” đến thế, với những bộ sử, tùng thư, văn bia, địa bạ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng...
“....thời hiện đại cũng có một kiểu “cầu danh” khác chẳng biết lợi hay hại, mục đích và hiệu quả của nó có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới có thể diễn giải rành rẽ. Trong những quán nước, buổi nhậu, hay hội thảo diễn đàn, người ta rất hay nghe được những câu giới thiệu kiểu: “Đây là anh Lê Văn A, con của đồng chí Lê Văn B, em của đồng chí Lê Văn C, chồng của chị Trần Thị X…”...Với những người có tự trọng, việc “được” biết đến chỉ vì là chồng vợ của một ai đó là một sự hạ thấp, xúc phạm ghê ghớm. Vô hình trung, những người xung quanh đã biến một con người thực với những giá trị thực của họ thành cái bóng mờ, biến cá nhân xuất sắc thành vật trang điểm của một người khác. Thế nhưng chuyện này vẫn xảy ra hằng ngày, với cả sự vui vẻ hay khổ sở từ những người trong cuộc, vì nhiều lý do khác nhau...” (Bài viết "Trang điểm giá trị", văn hóa hay căn bệnh?" đăng trên báo điện tử Viet Nam Net ngày 01/10/2008)
“…Tôi hình dung với số lượng tiến sĩ đã có – và sẽ còn có theo kế hoạch đào tạo vài trăm ngàn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo -, hẳn số lượng các bia đá phải nhiều gấp chục lần số bia đá ở Văn miếu Hà Nội (chẳng chơi, một kỷ lục ghi-nét mới của Việt Nam, chắc hẳn thế giới không sao theo kịp!). Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ. Vậy nên chuyện văn miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh, dễ thở hơn, văn minh hơn đôi chút. Lưu giữ, bảo tồn tri thức ư? Tất nhiên là cần quá đi chứ. Nhưng cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá không bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức! (Bài viết “Xin can” đăng trên Tạp chí Tia sáng số 19 ra ngày 05/10/2008)
“...Một cô gái đi thi hoa hậu không có nổi tấm bằng tốt nghiệp trung học, cũng không biết nói một câu tiếng Anh đủ chủ ngữ, vị ngữ, tên bố mẹ đặt cho cô cũng rất giản dị, dễ thương. Nhưng cô không thích như vậy. Ngay sau khi dự thi một cuộc thi sắc đẹp, có chút vị trí, cô lên báo với cái tên mới: Margarite Trương. Bạn bè chợt giật mình, không biết cô người mẫu này từ bao giờ có tên… Việt kiều. Một nhân viên văn phòng, công ty của anh toàn làm việc với các… đối tác dưới tỉnh. Nghĩa là anh chẳng liên quan gì tới người nước ngoài cả. Anh cũng chẳng phải là người có nick name gì đó nổi tiếng cỡ… Cô gái Đồ Long trên blog. Anh cũng chưa bao giờ được đặt chân ra ngoài biên giới. Nghĩa là anh bình thường như khoảng 80 triệu dân Việt Nam thôi, tên cha mẹ đặt cho nền nã, đệm Văn ở giữa để chỉ giới tính nam. Nhưng cardvisit của anh rất sốc, tên anh là Tommy Trần.... Những cái tên không nói lên bản chất con người và không ai bị kết tội bởi có cái tên… xấu. Nhưng muốn trở nên sang trọng bằng một cái tên nửa Tây nửa Việt thì có lẽ chúng ta đang tự lùi mình khoảng gần một thế kỷ, thời kỳ những cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Khi ấy, những người thân Tây cũng đã ghép tên mình vào một cái tên xa lạ. Và đến tận bây giờ, những chi tiết ấy vẫn khiến thiên hạ bật cười vì sự lố bịch và phản cảm...” (Bài viết “Những cú sốc văn hóa: Ngớ ngẩn tên Tây hay sự sao chép vụng về” đăng trên báo An ninh thế giới ngày 08/10/2008)
“...Gần đây, các cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay diễn ra liên tục. Dù mỗi cuộc thi có tiêu chí, cách thức khác nhau, nhưng hầu như cũng chỉ ngần ấy gương mặt thi thố. Nếu trước đây, từng rộ lên phong trào ca sĩ trẻ đi thi hát, thì nay lại là thí sinh của cuộc thi này (đã ít nhiều có vị trí đáng kể, dù thứ hạng không cao) sang tham dự cuộc thi khác. Theo dõi các cuộc thi: Sao Mai - Điểm hẹn (SMĐH), Tiếng ca học đường (TCHĐ), Vietnam Idol, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình (NSTHTH) dạo gần đây, hẳn khán giả sẽ dễ dàng nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc trong số thí sinh vào chung kết... Không còn hào hứng, gay cấn nhiều như trước, việc thi đi thi lại của các bạn trẻ "đam mê ca hát" bây giờ khiến cho khán giả - từ người xem trực tiếp đến xem qua màn ảnh nhỏ - giảm hứng thú. Chính vì biết năng lực người này thế nào, người kia ra sao, nên không khó để họ "chấm điểm" và định giải cho thí sinh ngay từ đầu cuộc thi...” (Bài viết “Thi rất nhiều nhưng "được chẳng bao nhiêu" đăng trên báo Thanh Niên ngày 10/10/2008).
“Viết tự truyện hay hồi ký là một nhu cầu chính đáng của mỗi con người nhằm kể lại cuộc đời của con người đó hoặc một giai đoạn lịch sử mà con người đó tham gia như một nhân chứng. Khoảng mươi năm trở lại đây, việc viết hồi ký hay tự truyện đã bắt đầu có xu hướng phát triển. Có người viết để tái hiện một thời đại với lịch sử và những nhân vật của thời đại đó. Có người viết để suy ngẫm hay độc thoại với chính mình. Có người viết như một sự sám hối, một sự tự kiểm điểm nhưng có người viết để tôn vinh cá nhân mình hoặc trả thù một hay những người khác.... Sự thật là điều vô cùng cần thiết cho mọi con người. Việc nói lên sự thật luôn luôn làm cho cơ thể của xã hội mạnh khỏe. Nhưng thực tế cũng cho thấy có những cuốn hồi ký và tự truyện đã trút vào đó những tư thù trong quá khứ của người viết và các nhân vật liên quan. Khi đó, những câu chuyện mà tác giả viết về hay kể về một số người trong cùng cơ quan, cùng nghề nghiệp vv…đã bị bóp méo, bị xuyên tạc với ý đồ không thiện chí. Khi người này viết hồi ký hay tự truyện nói xấu người khác và người khác lại viết hồi ký hay tự truyện nói xấu lại thì mọi chuyện trở lên rối loạn. Nó sẽ trở thành một cuộc mắng chửi nhau “sang trọng” bằng sách hay có thể gọi bằng tác phẩm. Và người đọc là những nạn nhân đầy tính tò mò sẽ phải chịu hậu quả của những cuộc mắng chửi nhau này. Nguy hiểm hơn và tác hại hơn khi những người mắng chửi nhau bằng sách hay bằng tác phẩm lại là những người ít nhiều có danh tiếng và có vị trí trong xã hội.” (Bài viết “Viết hồi ký và hai mặt đen - trắng” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net ngày 14/10/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét