Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Sức mạnh ma thuật của từ ngữ và công thức

...Khi nghiên cứu trí tưởng tượng của đám đông chúng ta đã thấy rằng nó đặc biệt bị những hình ảnh gây ấn tượng. Không phải bao giờ ta cũng có những hình ảnh ấy, nhưng có thể gợi lên chúng bằng việc sử dụng đúng đắn từ ngữ và công thức (formule). Khi được sử dụng một cách nghệ thuật, chúng thực sự có sức mạnh bí ẩn mà ngày xưa những môn đồ của ma thuật vẫn gán cho chúng. Chúng làm nảy sinh trong tâm hồn đám đông những cơn bão khủng khiếp nhất, và cũng biết làm lắng dịu những cơn bão ấy. Người ta sẽ xây được một kim tự tháp cao hơn nhiều so với kim tự tháp cổ Khéops với chỉ bằng xương nạn nhân của sức mạnh từ ngữ và công thức.

Sức mạnh của từ ngữ được gắn liền với những hình ảnh mà chúng gợi lên, và hoàn toàn độc lập với ý nghĩa thực của chúng. Đó thường là những từ mà ý nghĩa kém xác định nhất và chi phối nhiều hành động nhất. Ví dụ như những từ như dân chủ, chủ nghĩa xã hội*, bình đẳng, tự do v.v..., nghĩa của chúng thì mơ hồ đến nỗi những cuốn sách dày cộp cũng chẳng đủ để nói chính xác về chúng. Và tuy nhiên, chắc chắn có một sức mạnh thực sự ma thuật gắn kết với những âm tiết ngắn của chúng, cứ như thể chúng chứa đựng những giải pháp cho mọi vấn đề. Chúng tổng hợp những khát vọng vô thức khác nhau nhất và niềm hi vọng thức hiện những khát vọng ấy.

Lí trí và những luận chứng cũng không thể chống lại một số từ ngữ và một số công thức. Người ta trầm tĩnh công bố chúng trước đám đông; và ngay khi chúng được phát âm, những gương mặt trở nên kính cẩn và những vầng trán cúi xuống. Nhiều người coi chúng như những lực lượng của thiên nhiên, những sức mạnh siêu nhiên. Chúng gợi lên trong tâm hồn những hình ảnh lớn lao và mơ hồ, nhưng chính cái mơ hồ đã làm mờ nhạt chúng và làm tăng sức mạnh huyền bí của chúng. Ta có thể so sánh chúng với những thần linh đáng sợ giấu mình sau chiếc khám thờ và kẻ sùng đạo run rẩy đến gần.

Những hình ảnh mà từ ngữ gợi lên độc lập với nghĩa của chúng, thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác, dưới căn cước là những công thức. Còn một số từ lại tạm thời được gắn với một vài hình ảnh: từ ngữ chỉ là cái nút bấm điều khiển làm cho những hình ảnh hiện lên...

* Xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng, đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

(Trích chương 2 “Những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới ý kiến của đám đông” của cuốn sách “Tâm lý học đám đông” do Gustave le Bon viết năm 1895, được NXB Tri thức xuất bản năm 2008)

2 nhận xét:

  1. H�m trước định hỏi rồi nhưng sợ đọc chưa kỹ. ;)) Đọc lại vẫn thấy cần hỏi: C�i ch� th�ch (dấu sao đỏ) l� của NXB hay của b�c?

    Trả lờiXóa
  2. Hi hi...C�i ch� th�ch (dấu sao đỏ)l� của NXB trong phần Lời giới thiệu của cuốn s�ch chứ kh�ng phải của tớ. Cuốn s�ch viết năm 1895, khi m� CNXH Khoa học vẫn c�n chưa ra đời!

    Trả lờiXóa