Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Ở quê, tôi có bầm!


Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới về thăm bầm. Tin tức của người thân thì tháng nào tôi cũng nhận qua điện thoại và cứ theo định kỳ ba tháng một lần tôi lại gửi tiền về. Cho đến một ngày tự nhiên lòng dạ như lửa đốt, cảm giác nhớ quê, nhớ bầm dội lên thế là đùng đùng tôi phóng xe ra khỏi thành phố...

“Bầm ơi! Con đã về!” - tôi đã không quên thói quen reo to mỗi khi đặt chân vào con ngõ nhỏ thân thuộc. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chơ vơ nằm giữa khu vườn rậm rạp, lá khô rụng đầy và ải mục trên nền đất. Bầm đi ra từ phía bếp. Tôi sững người, giật mình, ngờ ngợ như người đang đứng trước mặt không phải là bầm tôi. Có đâu bầm tôi lại thế kia! Mái tóc thì lốm đốm bạc, rụng chỉ còn lưa thưa. Bầm nhìn tôi và cười. Không, hình như là bầm đang khóc. Những nếp nhăn nơi đuôi mắt co lại, xếp chồng lên nhau, đến khi hết cười vẫn còn hằn lên những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má. Hàm răng bầm đã khuyết từ mấy năm nay nên chẳng bao giờ bầm cười được tròn trịa. Bữa chiều hôm ấy, hai bầm con quây quanh chiếc mâm đồng, nhìn tôi trộn cơm với mắm tép ăn ngon lành, đôi mắt bầm rưng rưng. Đã mấy năm rồi, kể từ khi vết thương cũ của bố tái phát phải nằm viện điều dưỡng, anh em tôi thì công tác xa, bầm ở có một mình, tự tay phải chăm lo mọi việc. Bận rộn mấy thì bầm cũng không quên làm mắm tép để gửi cho chồng, cho con. Bố con tôi đã nghiện món mắm tép ấy từ bao giờ không biết? Ngày còn bé, cứ vào độ đầu thu, khi những trận mưa cuối hạ đã đủ lạnh để làm da thịt gai gai, cha tôi thường vác giậm ra đồng. Và bao giờ khi bố trở về, cái giỏ đựng tép đeo ở bên sườn cũng nặng chịch. Đêm ấy, bầm và chị lại thắp đèn dầu, cặm cụi vừa đãi, vừa nhặt những con ốc vặn, vỏ hến, rơm, rác lẫn trong rổ tép, sau đó giã giập, cho vào hũ sành, rắc thính để làm mắm tép. Hũ mắm được nút chặt bằng lá chuối khô, đặt sát ngay cạnh bếp, nhờ hơi ấm tro than chờ ngày ngấu. Suốt cả mấy tháng mùa thu, anh em tôi cứ háo hức chờ đợi giây phút bầm cho thử mắm. Mấy gian nhà luôn phảng phất hương thơm đến lạ lùng. Chiều muộn, dong trâu về chuồng, tôi chạy ù vào bếp. Bữa tối dọn ra, cả nhà quây quần đầm ấm, chỉ có bát mắm tép cùng bát canh dưa đặt trên cái mâm gỗ đã tróc sơn từng mảng. Bầm sới lưng cơm nóng hôi hổi, rưới đều từng thìa mắm tươi hồng, đặc sánh. Nhìn chồng, con ăn ngon lành, bầm mỉm cười, mắt rưng rưng...

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người và trong những truyện kể về thời thơ ấu, không bao giờ tôi quên nhắc đến bầm. Tôi nhớ như in bàn chân bầm với những ngón khum lại, lúc nào cũng như bám chặt vào đất để khỏi trượt ngã. Ngoại tôi thường bảo: “Đấy là bàn chân vất vả”. Gan bàn chân bao giờ cũng chai sần và lỗ rỗ chứ không đầy đặn như chân các cô, các mợ tôi. Mu bàn chân bầm mốc trắng, da nứt toác bong từng lớp loang lổ, bùn đất đã làm hằn đen những vết thương không gì tẩy được. Mùa lạnh thì nẻ, mùa mưa thì sâu nước ăn, chúng cứ luôn phiên hành hạ bầm. Đêm nào bầm tôi cũng ngâm nước muối ấm, hay dùng lá trầu không sát lấy sát để. Khi ngủ, có những lúc tôi nghe thấy bầm rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì chân nhức buốt. Thế mà tinh mơ hôm sau đã thấy bầm dậy để lo toan công việc của một ngày mới. Tôi biết bầm tôi hay đi chân đất. Những lúc vui bầm thường đùa: “Đi như tao thì tiền đâu mua giày, mua dép cho xuể...”. Bầm tất bật đi từ sáng sớm, đến khi trở về cũng là lúc sương đêm xuống đẫm cây cỏ. Cái nón mê và đôi quang gánh đã làm bạn với bầm từ thuở còn là thôn nữ.

Tôi chia tay tuổi thơ, rời xa mái nhà cấp bốn cũ kỹ nơi có hương vị mắm tép quê nghèo để vào giảng đường đại học, rồi lại tất bật cùng bao lo toan của cuộc sống chốn thị thành. Của ngon vật lạ, đặc sản nhà hàng tôi đều đã thử qua, nhưng mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng, tự nhiên tôi lại nhớ quê, nhớ bầm da diết, lòng lại cồn cào nhớ vị mắm tép cùng bát canh dưa bầm nấu thuở nào.

Bao nhiêu năm mải mê kiếm sống, nay về đứng trước mái nhà xưa, chợt nhận ra mình không còn trẻ nữa. Tự sâu thẳm lòng tôi như muốn kêu lên: “Bầm ơi! Con đã về!”...

Nguyễn Minh Trường

(Trích từ cuốn "Quà tặng Mẹ" do NXB Văn học xuất bản 8/2007).

Đọc thêm các bài viết khác trong cuốn sách "Quà tặng Mẹ"

2 nhận xét:

  1. Tem!
    Cứ tưởng cậu viết về bầm cậu! Lo m� kiếm qu� tặng mẹ cậu v� tặng mẹ con cậu đi

    Trả lờiXóa
  2. Bầm bạn, sao giống mẹ t�i!

    Trả lờiXóa