“Nếu coi sắc đẹp cũng là một loại tài nguyên (có thể sinh lời) thì VN đang phung phí tài nguyên sắc đẹp. Có người sẽ căn vặn: chúng ta đang tôn vinh, đang tìm kiếm, đưa sắc đẹp ra ánh sáng đấy chứ? Đúng là chúng ta đang mải mê "khai thác", nhưng tôn vinh thì e rằng chưa. Sau những lễ đăng quang (tức là tôn vinh trên sân khấu) thì các danh hiệu mà bao người đẹp có được lại trôi nổi giữa "chợ" các cuộc thi sắc đẹp ào ạt khác không ngừng nối tiếp ra đời. Người đẹp thời "bùng nổ" hoa hậu của đêm trước chưa kịp tỏa sắc khoe hương, thực hiện nghĩa vụ từ danh hiệu cao quý thì đêm sau họ đã thành người cũ: nhà tổ chức đang ráo riết đi tìm gương mặt của cuộc thi kế tiếp! "Lượng" nhiều mà "chất" ít thì "lượng" đó khó có thể tồn tại lâu hoặc phải thu gọn lại để chuyển hóa thành "chất"....Đáng lý với kiểu "kinh doanh sắc đẹp" (ở mức độ sơ khai) như hiện nay thì khi nhà tổ chức gật đầu chọn tôi đi thi thì phải trả một số tiền nhất định cho người thi hoặc ít nhất cũng có đài thọ chi phí. Dù gì thì mỗi thí sinh cũng phải trình diễn (như một người mẫu) cho cuộc thi mà anh đang kinh doanh suốt nhiều ngày, nhiều đêm (mà đa số phải về tay trắng).... Nếu chỉ một hoặc một vài cuộc thi hoa hậu mỗi năm, với sự tập trung, có tôn chỉ rõ ràng như thế thì hẳn sẽ không "loạn" danh hiệu hoa hậu như bây giờ (sau sự thông thoáng đến không thể "thoáng" hơn của Quy chế tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT & DL ban hành)....(Bài viết “Sau "bùng nổ" hoa hậu là gì...?” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).
“...Phim về giới văn nghệ sĩ, thế hệ cây viết trẻ 8X, có tài năng, dễ sa ngã, bị ảo tưởng... Nhưng trong phim, yếu tố phi thực tế rất nhiều trường đoạn, dù phim mới phát sóng mấy tập. Khó tin việc công an cho người bị bắt làm thơ để chứng minh là nhà thơ rồi tha cho về? Có tác phẩm thơ trẻ nào mà tiền nhuận bút tập thơ mỏng dính lên tới 11 triệu đồng? Thực tế ở VN có nhiều cây viết trẻ 8X nổi tiếng, đâu chỉ có "2 người 1 chợ"...? Chưa kể tính cách nhân vật được xây dựng, là những người sống quá tự do, buông thả, không cần biết đến ai..., kể cả "điểm" sáng nhất là nhân vật trẻ tên Quang, cũng chưa phải là mẫu điển hình của một doanh nhân bản lĩnh, mạnh mẽ, xông xáo trong thương trường. Người xem phim chắc chắn không thể là mấy cây viết trẻ 8X, "để rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân", như đạo diễn Mai Hồng Phong khi nói về phim của mình, vì trong phim không đúng "hình hài" của họ. Cũng không thể là văn nghệ sĩ, giới xuất bản, làm sách, vì những gì thể hiện trên phim không phải là hình ảnh thật của họ. Còn khán giả truyền hình, không biết sẽ nghĩ gì về giới văn nghệ sĩ, những "kỹ sư của tâm hồn" lên phim hầu hết là giả dối, tham lam, thủ đoạn, sống gấp...” (Bài viết “Vòng nguyệt quế": Phim làm cho ai xem?” đăng trên báo Lao Động).
“...Kinh tế lúc nào cũng lao tới phía trước, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, nhanh hơn mãi, bao nhiêu cũng không vừa, nhất là đối với những đất nước như đất nước chúng ta, đang phải cố đuổi kịp năm châu bốn biển cũng đang lao tới rất dữ dội, phải cố tăng tốc tối đa có thể để đuổi cho kịp. Và lại phải qua cua, liên tục qua cua. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần giữ thật chắc chân thắng. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần văn hóa. Nếu không thì cuộc xông tới có rất nhiều nguy cơ lao luôn xuống vực. Tôi cho rằng ở những đất nước như đất nước chúng ta hình như người ta đang hiểu rất lầm về văn hóa, người ta cho rằng khi đất nước đang phải lao tới trong cuộc đuổi bắt lớn này thì văn hóa cũng phải lao theo, văn hóa phải ra sức cổ vũ, reo hò cho cuộc đuổi bắt say mê ấy. Văn hóa phải ra sức cổ vũ kinh tế và chính trị, chính các nhà chính trị và kinh tế cũng thường xuyên đòi hỏi, thúc giục văn hóa như vậy… Không phải đâu, hoàn toàn ngược lại. Chính khi kinh tế lao tới thì văn hóa, công việc của văn hóa là phải giữ thắng, chính lúc này mới càng thấy vô cùng cần văn hóa, cần phải có văn hóa để nắm chắc cái thắng của xã hội.... Những gì gọi là văn hóa chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hóa thật thì lại không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hóa. Có phải thật thế không? Tôi rất mong được thử trao đổi, để cùng suy nghĩ tiếp. Và để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay, và cả ngày mai nữa, nhanh mà vững, mà bền, và nói cho cùng, để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay thật sự đưa đến sự trong lành cho xã hội và hạnh phúc cho con người....” (Bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc: Văn hóa… để làm gì?” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).
“...Dạo này, các ca sĩ trẻ đua nhau tung ra thị trường những bài hát có chữ "tình". Hết "Tình đơn phương" đến "Tình quay gót", "Tình phai", "Tình yêu mắt nai", lại "Tình ba chấm", "Tình khúc vàng" rồi "Tình ca hồng", "Tình một đêm"...Đặc biệt, bạn sẽ không khỏi giật mình khi nghe các ca khúc này bởi từ ngữ thể hiện các cung bậc cảm xúc của nó quá nghèo nàn, đơn điệu, lặp lại, bắt chước của nhau đến phát nhàm. Hễ yêu là phải thất tình, mà đã thất tình là phải "đau đớn", "rã rời", "buông lơi", "buồn"..., nghe nhiều thành sáo rỗng, nhạt nhẽo. Không những thế, trong bài hát còn đệm một số chữ rất vô nghĩa và "chối tai" như "nà nà nà ná na nà na", "ồ lêu", "ô la, ô la ế"... Hoặc vài ba câu tiếng Việt lại đệm một câu tiếng Anh, tiếng Trung cũng khá phổ biến giống như kiểu "Nếu thích em rồi anh hãy nói ủa ái nỉ". "và em không yêu anh nữa đâu am sò ry (I'm Sory - em xin lỗi)"... nghe cứ như lạc vào một thế giới nào khác chứ không phải là người Việt hát cho người Việt nghe nữa....(Bài viết “Ca nhạc: Hội chứng chữ "tình" đăng trên báo Tuổi Trẻ Thủ Đô).
“....Nhiều ca sỹ trẻ khi thực hiện album cố gắng chen vào các yếu tố lạ để thu hút công chúng. Ca sỹ L. gần đây khi thực hiện album với ý tưởng là một bộ phim, đã đầu tư vài trăm triệu cho một cảnh quay với các pha mạo hiểm cháy nổ long trời lở đất do chính mình thủ diễn. Anh cũng mạnh miệng bảo rằng công nghiệp quay phim trong album của mình hiện đại nhất Việt Nam, nước ngoài nhập về chỉ duy nhất một máy quay như thế… Tuy nhiên, dù đầu tư rất hoành tráng và PR rầm rộ nhưng sau khi album phát hành, lượng người mua album cũng không đủ nhiều để L. vững tin về vị trí của mình trên thị trường ca nhạc hiện nay. H. một công tử con đại gia nổi tiếng miền Tây đã chọn cách vừa “tặng vừa biếu” album của mình để quảng bá tên tuổi. H. đã bỏ tiền ra in hàng ngàn album đầu tay của mình, khán giả mua vé vào xem H. hát thì được tặng 1 album. Tặng hoài mà vẫn chưa hết đĩa, H. bèn nảy ra một chiêu rất độc đáo, bất kỳ ai tới mua 1kg gạo ở nhà H sẽ được khuyến mãi 1 album. Với cách “phát hành rộng rãi” thế này, chỉ sau vài tháng tên tuổi H. nổi khắp miền Tây, quán sá, nhà nhà thi nhau mở nhạc H. giúp anh trở thành ca sỹ ăn khách trong các đại nhạc hội, chương trình tạp kỹ ở các tỉnh miền Tây.... (Bài viết Nghệ sỹ và những kiểu "làm lạ" đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam).
“...Nếu tấm bảng khuyến cáo những người bị bệnh tim không nên vào xem hai vở Người vợ ma (Kịch Phú Nhuận) và Quỷ (Kịch Sài Gòn) đã góp phần tạo nên hiệu quả doanh thu cho hai sàn diễn này thì tấm bảng đề “Cấm trẻ em dưới 14 tuổi” xem vở Trinh nữ (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn Ngọc Tưởng – Kịch Sài Gòn) cũng gây tò mò đối với người xem. Trinh nữ kể về nỗi khổ của những cô gái không thể vượt qua quan niệm khắt khe về trinh tiết của những ông chồng cổ lỗ. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, họ phải nhờ đến sự can thiệp của y khoa... Đêm động phòng được dàn dựng quá chi tiết: cảnh cởi áo tắm dưới vòi sen, rồi cùng âu yếm, làm tình... gây phản cảm. Có suất diễn không ngăn được những tiếng la lối, huýt sáo hoặc những trận cười “đắc ý” của một bộ phận khán giả quá khích.... Lâu nay, trong dàn dựng tác phẩm sân khấu, một nguyên tắc đòi hỏi đạo diễn phải tuân thủ đó là sự hợp lý của tình huống. Cảnh mặc trang phục quá mát mẻ, thậm chí cởi áo, hôn môi, làm tình vẫn có thể xảy ra nhưng với liều lượng hợp lý, trong hoàn cảnh hợp lý và nhất là tìm được sự đồng cảm của khán giả. Khi đạo diễn cố tình lờ đi ngôn ngữ ước lệ vốn độc đáo và giàu cảm xúc của sân khấu để mô tả cảnh yêu đương thì yếu tố nghệ thuật của vở diễn không còn được coi trọng.... Nếu biết cách dừng lại và kiểm soát được những tình huống kịch có cảnh gợi tình hợp lý ở mức cần và đủ, nhằm phục vụ tư tưởng chủ đề của vở kịch thì đó là làm nghệ thuật đích thực. Sân khấu, ngoài mục đích giải trí, còn mang nhiệm vụ nâng cao thẩm mỹ, giáo dục. Vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có văn bản nhắc nhở các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương theo dõi và chấn chỉnh kịp thời những tác phẩm nghệ thuật khai thác quá đậm yếu tố sex. Nhưng xem ra lời nhắc nhở này chưa đủ sức ngăn cản được xu hướng khai thác sex đang nảy nở trên các sàn diễn kịch. (Bài viết “Sàn kịch ê chề cảnh gợi dục” đăng trên báo Người Lao Động).
“Đến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách. Trước một quyển sách mới, người ta phải xem xét kỹ nếu không muốn lâm vào cảnh mua lấy sự bực mình, vì rất dễ vớ phải một ấn phẩm chỉ đẹp đẽ ngoài bìa mà văn bản bên trong ruột lại là thứ không dùng được hoặc không mấy tin cậy.... Trong hoạt động làm sách hiện giờ, các viên chức NXB biết chắc rằng: chỉ khi sách làm ra bị coi là vi phạm những những vấn đề nghiêm trọng về nội dung thì mới đáng lo ngại (tức là có thể đe dọa cái ghế chánh phó giám đốc, tổng biên tập). Còn lại, những thứ khác, ví dụ những va chạm rắc rối về tác quyền, những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, v.v… đều không đáng ngại, đều có thể biện minh. Người ta biết chắc sách sẽ bị xử phạt hay thu hồi nếu bị kết luận là ”có sai lầm về nội dung” chứ chưa khi nào vì có quá nhiều lỗi in, nói chi đến những kém cỏi về biên tập!...(Bài viết “Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất” đăng trên Tạp chí Tia sáng).
“Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và dễ hơn phát triển văn hoá nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giàu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật. Hình như họ không có nhu cầu tự nâng mình lên. Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hoá thì ít người biết đến. Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội... Nếu muốn nhìn rõ sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá thì đơn giản nhất là bạn hãy để ý một chút, trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan mỗi buổi sáng. Chen lấn xô đẩy không ai chịu nhường ai, còi bóp, khói xả, bụi bặm, rác đổ, nước thải tràn lan, kênh rạch ô nhiễm, đường xá xuống cấp, tình trạng đào bới công trình ngầm vô tổ chức, các loại dây điện, điện thoại chằng chịt, các loại biển quảng cáo dọc ngang lộn xộn, kẹt xe, chửi bới, đánh lộn v.v rồi thì bằng giả, thuốc giả và còn nhiều thứ tưởng rằng không thể giả được cũng là đồ giả, trinh tiết giả, tiến sỹ giáo sư giả, chùa giả, đám cưới giả, mộ (liệt sỹ) giả. Tất cả những điều nêu trên là sự mất mát nhìn thấy nhưng đằng sau đó là sự mất mát lớn nhất, khó nhìn thấy hơn là mất đạo đức, mất nhân cách, mất lương tâm, mất danh dự, mất đạo, mất văn hoá. Hiện nay đô thị thì ngày càng nông thôn hoá còn nông thôn thì ngày càng bị đô thị hoá nhưng rất tiếc là hai khu vực này chỉ nhiễm thói hư tật xấu của nhau... Đời sống văn minh không chỉ tạo ra bởi luật mà chính là văn hoá của mỗi công dân tạo nên sự tự giác, tự nguyện cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Nếu chỉ chăm chăm phát triển kinh tế, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không phát triển văn hoá, không thấy lợi ích lâu dài thì phát triển làm gì. Nếu chỉ chạy theo tiền, chạy theo chỉ số kinh tế để đến mức như thế thì phát triển làm gì. Nếu chỉ cần được tiền thì đó chính là được mà mất. Nên chăng trước khi quyết định phát triển kinh tế thì nên học bài học đầu tiên là bài văn hoá của sự phát triển...(Bài viết “Chưa muộn” đăng trên Tạp chí Tia sáng).
“...Làng quê tôi vốn rất thuần hậu tươi đẹp. Lũy tre xanh bao phủ xóm làng. Đồng ruộng rập rờn cánh cò bay. Bãi ngô ven sông xanh xa tắp. Cua cá, chim thú đầy đồng ruộng bụi cây, sống hài hòa với con người, thỉnh thoảng bắt ăn không mất tiền. Trong làng có ngôi đình mái cong duyên dáng, có việc làng các cụ và hội đồng kỳ mục kỳ lão tới họp, ngày hội trai gái tới vui chơi. Có ngôi chùa nhiều tượng Phật đẹp, thập phương xa xôi cũng đến hương khói. Có nghề in tranh khắc gỗ dân gian, nghề làm tương, làm bún, làm đậu phụ. Mùa đông có mía ngọt ăn không hết thì kéo mật. Mùa thu có bưởi và hồng. Mùa hạ có nhãn, vải và chuối. Mùa xuân thì đủ các thức bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh giò, bánh gio, chè lam, chè bà cốt. Rượu nấu bằng lá men lá thơm và nồng, có thể ngâm thuốc chữa bệnh. Tất cả những thứ giản dị ấy dần dà chìm vào trong giấc. E rằng mươi năm nữa không biết có còn cái làng cổ truyền từ ngàn đời nữa không? Có còn ai là người nông dân không?... Làng dần thành phố. Thuần phong mĩ tục chẳng còn ý nghĩa gì. Chẳng còn lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn hàng xóm có nhau. Tôi nhớ lắm những ngày chạy ra cánh đồng, triền đê hứng gió thả diều. Những ông đồ cẩn thận điền từng nét chữ Nho vào tờ sớ. Những bà già váy đụp quần chùng gánh nồi đất ra giếng khơi. Nhớ những ngày năm ba đứa trẻ vít dây đạp cối giã gạo. Nhớ hình ảnh mẹ và chị buông mái tóc dài gội nước hoa bưởi và quay tóc nước tung bay như mưa phùn. Nhớ ông già làng đóng dại cửa, đan thuyền thúng, cẩn trọng chuốt từng cật tre quây rổ rá. Nhớ con giẻ cùi màu lông sặc sỡ chuyên ăn cứt chó, nhớ tiếng ễnh ương lộng trong đêm mưa rào. Nhớ căn nhà lá vách đất trộn rơm hăng mùi bùn, mẹ già tựa liếp khóc ngày chúng tôi ra trận. Nhớ những cây đa, cây đề đầu làng, ven đường treo cái bình vôi, cạnh những miếu hoang, không thấy thần linh mà thấy rờn rợn thế nào. Mọi người thường bảo trước đây quê hương nghèo nàn lạc hậu, nay ai nấy đều khá giả, có xe máy ti vi, thóc gạo dồi dào. Thế nhưng để đổi lấy những cái như thế mà thay đổi cả làng cổ xưa thì thật đắt giá. Người nông dân trước thì phụ thuộc vào thiên nhiên, giờ thì phụ thuộc vào biến động xã hội. Văn hóa đất Việt sinh ra từ nông thôn và nông dân. Khi hai cái đó mất đi hoặc biến đổi thì ta sẽ có thứ văn hóa gì....(Bài viết “Thư của một người nông dân” đăng trên Tạp chí Tia sáng).
C�i b�i s�ch kia, họ nhận x�t ch�nh x�c thật.
Trả lờiXóaB�y giờ muốn t�m lại tr�ch nhiệm của NXB với t�c phẩm thấy kh� kh� l�. T�c phẩm n�o được giới thiệu đến nơi đến chốn chủ yếu l� những best seller. Ch�n gh�!
�, em c� tham khảo b�i tổng hợp của anh cho nhiều việc đấy ạ. Em cảm ơn anh. ;)
Trả lờiXóaĐiểm b�o kiểu n�y cũng hay đấy, h� h�, tự nhi�n c� cảm gi�c m�nh được l�m l�nh đạo, s�ng s�ng đọc b�o c�o của thư k� trẻ đẹp (giai), h� h�, thanks a lot.
Trả lờiXóa@Diepvi: D�ng cho nhiều việc th� tốt qu� rồi.
Trả lờiXóa@Chaien: Ối giời anh ơi! Trước th� 1 tuần 2 lần nhưng dạo n�y bận rộn chỉ duy tr� 1 tuần/1 lần th�i ạ.