Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

Lảm nhảm vì sách

Mịa cái thằng Tien Long ác quá! Nó giục mình đi mua sách cho vợ chồng nó bởi sắp tới có người ra. Thì đã hứa với nó rồi, phải làm thôi. Cũng biết thân là thể nào cũng “tốn tiền” sách đây, găm sẵn 500 nghìn ra hàng sách, thế mà ra về chỉ còn có 100 nghìn. Chả biết từ giờ đến cuối tháng sống thế nào đây, lại “cấu vợ” thôi...hê hê.

Mua được mấy cuốn sách ghi lại ở đây.

1. Thế kỷ XX nhìn về Trương Vĩnh Ký. Cuốn này “bắt buộc phải mua” vì thằng Tien Long đặt hàng.

2. Khảo luận thứ hai về chính quyền. Cuốn này mua là vì nó có liên quan đến cuốn “Bàn về tự do” mới đọc xong, với cả nó nói về “Chính quyền dân sự”.

3. Từ điển Chính tả Tiếng Việt. Cuốn này mua là vì ấm ức từ hồi thằng Nguoilangbat hỏi mà mình không có. Cuốn này giá bìa 55.000, bán 45.000.

4. Thơ Hồ Xuân Hương. Không định mua cuốn này nhưng mà nhìn ở trang trong thấy có ghi “Cửu Long đi nhà trẻ 1 tuần sụt 1 kg” nên quyết định mua vì cho rằng anh (chị) này chắc là yêu con như yêu sách. Không ngờ khi mua cuốn này là quá rẻ, có 05 nghìn.

5. Đời viết văn của tôi (của Nguyễn Công Hoan). Mua cuốn này là vì mình thích đọc thể loại hồi ký, ở đó có nhiều dữ liệu cũng như góc nhìn của người viết – tất nhiên là hồi ký của mấy người “lổi tiếng” cơ.

6. Thơ và Từ Đào Tấn. Mua cuốn này là vì tò mò, thế thôi.

7. Đại Việt Sử ký Toàn Thư – Bản in năm 1983 của NXB KHXH Hà Nội. Cuốn này tìm mua gần cả năm nay rồi. Từ hồi “lấy trộm” của thằng Văn tập 2 mà không có tập 1 nên vẫn rất ấm ức. Cái nhà sách đòi 250, mặc cả mãi cuối cùng đành móc ví trả 230...hí hí. Kinh nghiệm rút ra là: Mặc cả không phải là khả năng của mình.

Khiếp, sao hôm nay rảnh thía nhỉ ? Một ngày post những 03 entry, kiểu này khối thằng ném đá.

Thay cho "Đọc báo - Văn hóa" tuần này.

Tuần này lướt qua các mục về văn hóa trên báo thấy oải quá, chẳng có gì hay ho để tiếp tục làm “đọc báo – văn hóa” cả. Thôi thì gửi đến mọi người một cái feedback của một đứa em về cái entry “đọc báo – văn hóa” lần trước.


A: (7/9/2008 1:28:28 AM): em vừa đọc

A: (7/9/2008 1:28:31 AM): ngán

B: (7/9/2008 1:28:41 AM): ngán gì cơ ?

A: (7/9/2008 1:28:59 AM): ngán bài viết lẫn văn hoá

A: (7/9/2008 1:29:12 AM): mấy cái chuyện văn hoá xưa nay vẫn thế í mà

B: (7/9/2008 1:29:24 AM): hê hê

A: (7/9/2008 1:29:26 AM): quanh đi ngoảnh lại cũng thế thôi

B: (7/9/2008 1:29:49 AM): ơ

B: (7/9/2008 1:29:58 AM): Thế mới có chuyện để báo chí nói

A: (7/9/2008 1:30:04 AM): hihi

B: (7/9/2008 1:30:09 AM): Và đấy cũng mới là đề tài của báo chí chứ

B: (7/9/2008 1:30:17 AM): Nó mà thay đổi tốt thì lấy gì mà viết

A: (7/9/2008 1:30:44 AM): mà cứ viết kiểu đấy thì báo đi đường báo văn đường văn

B: (7/9/2008 1:31:38 AM): Nên thế

A: (7/9/2008 1:31:44 AM): cứ nói cho có cái để nói thôi chứ có tác động được gì cho văn hoá đâu

B: (7/9/2008 1:32:21 AM): ơ, có chứ

A: (7/9/2008 1:32:40 AM): nên cái bài Hội chứng chữ tình cũng chẳng hơn hội chứng chữ tình

B: (7/9/2008 1:32:43 AM): nói thế chứ báo chí cũng có chức năng giáo dục mà

A: (7/9/2008 1:33:06 AM): thì em biết chứ

B: (7/9/2008 1:33:13 AM): Tất nhiên là phải giáo dục báo chí trước

A: (7/9/2008 1:33:34 AM): vâng

A: (7/9/2008 1:33:34 AM): giờ này còn nhắc tình phai

A: (7/9/2008 1:33:35 AM): tình quay gót

A: (7/9/2008 1:33:50 AM): đấy chỉ là cái cớ để có cái mà viết

A: (7/9/2008 1:34:07 AM): bài viết nhạt nhẽo

A: (7/9/2008 1:34:09 AM): nghèo nàn

B: (7/9/2008 1:34:28 AM): Thì đấy cũng là một góc nhìn về văn hóa của PV

B: (7/9/2008 1:34:33 AM): hê hê

A: (7/9/2008 1:34:44 AM): em thấy đứa đó nó bí quá

A: (7/9/2008 1:34:52 AM): viết đại

A: (7/9/2008 1:35:18 AM): lâu các vị lại hội chứng này

A: (7/9/2008 1:35:21 AM): hội chứng nọ

A: (7/9/2008 1:35:25 AM): mà có ai có nghe

A: (7/9/2008 1:35:35 AM): hội chứng vẫn đẻ hội chứng

..................

A: (7/9/2008 1:39:03 AM): sao em buồn cười cái vụ Idol quá

B: (7/9/2008 1:39:11 AM): hì

B: (7/9/2008 1:39:26 AM): Mấy bữa đó anh nghỉ nên k đưa vào đọc báo

B: (7/9/2008 1:39:37 AM): qua lâu rồi lấy lại thì kỳ

A: (7/9/2008 1:39:38 AM): sao người ta quản lý văn hoá vui vẻ thế anh!

B: (7/9/2008 1:39:46 AM): Bởi trước anh có đưa vụ hoãn

A: (7/9/2008 1:40:16 AM): cứ như tếu hài í

B: (7/9/2008 1:40:25 AM): Hì, quản lý làm mình làm mẩy tí thôi

A: (7/9/2008 1:40:27 AM): hê hê

B: (7/9/2008 1:40:53 AM): chán thế đấy!

A: (7/9/2008 1:41:21 AM): thế em mới nói báo chí chỉ nói cho vui

A: (7/9/2008 1:41:23 AM): hehe

A: (7/9/2008 1:41:37 AM): quản lý còn vui hơn báo chí

B: (7/9/2008 1:41:56 AM): uh, quản lý văn hóa nhưng k có văn hóa

B: (7/9/2008 1:42:13 AM): chẳng thà k làm gì XH còn phát triển

B: (7/9/2008 1:42:17 AM): híc híc

A: (7/9/2008 1:42:27 AM): dạ

A: (7/9/2008 1:42:30 AM): em thấy thế

A: (7/9/2008 1:42:32 AM): hic hic

A: (7/9/2008 1:42:34 AM): đừng thi

A: (7/9/2008 1:42:37 AM): đừng thố

A: (7/9/2008 1:42:42 AM): đừng tôn vinh

A: (7/9/2008 1:42:56 AM): đừng gì cả thì hay hơn nhiều

A: (7/9/2008 1:43:05 AM): thi gì mà lắm thế

A: (7/9/2008 1:43:17 AM): vàng bạc bạch kim

A: (7/9/2008 1:43:23 AM): giời ơi

A: (7/9/2008 1:43:24 AM): hehe

B: (7/9/2008 1:43:31 AM): hì

B: (7/9/2008 1:43:51 AM): vấn đề theo anh là

B: (7/9/2008 1:44:09 AM): Sự đổ bộ quá lớn của phương tây hiện đại

B: (7/9/2008 1:44:25 AM): trong khi trang bị kiến thức và giáo dục lại chưa theo kịp

A: (7/9/2008 1:44:29 AM): vâng!

A: (7/9/2008 1:44:42 AM): dân ta, quan ta cũng đua đòi quá anh ạ

A: (7/9/2008 1:44:52 AM): chẳng biết gìn giữ văn hoá thế nào

B: (7/9/2008 1:44:56 AM): Tất tật

B: (7/9/2008 1:45:13 AM): nhiều lúc cũng chả chừa cả anh và em

B: (7/9/2008 1:45:26 AM): hì

B: (7/9/2008 1:45:32 AM): Em thì k dám chắc

A: (7/9/2008 1:45:39 AM):

A: (7/9/2008 1:45:43 AM): có chứ

B: (7/9/2008 1:45:44 AM): nhưng anh thì chắc cũng có nhiều lúc ngu

B: (7/9/2008 1:45:47 AM): hơ hơ

A: (7/9/2008 1:46:07 AM): có cả em

A: (7/9/2008 1:46:17 AM): chỉ dám nhận là đỡ hơn

B: (7/9/2008 1:46:23 AM): thì vậy

B: (7/9/2008 1:46:38 AM): Thật sự là nhiều lúc bị ngợp

B: (7/9/2008 1:46:51 AM): Phải thả lỏng mình ra mới thấy

B: (7/9/2008 1:47:01 AM): nhiều thứ vớ vẩn

B: (7/9/2008 1:47:14 AM): nhiều thứ hào nhoáng

B: (7/9/2008 1:47:22 AM): nhưng chả có gì ở trong cả

A: (7/9/2008 1:47:27 AM): hì hì

B: (7/9/2008 1:47:28 AM): rỗng tuếch

A: (7/9/2008 1:47:35 AM): em cũng thấy thế ạ

A: (7/9/2008 1:49:11 AM): em cũng bị cuốn theo cái vòng luẩn quẩn ấy

A: (7/9/2008 1:49:22 AM): nhiều lúc tin rằng vẫn còn văn hoá thật

A: (7/9/2008 1:49:36 AM): từ những người mình đặt niềm tin

A: (7/9/2008 1:49:40 AM): hehe

B: (7/9/2008 1:49:42 AM): thực sự thì anh vẫn tin rằng là nó có

B: (7/9/2008 1:50:02 AM): nhưng có lẽ phải đào sâu, tìm kỹ

A: (7/9/2008 1:50:46 AM): khổ là nếu cứ làm văn hoá thế này

A: (7/9/2008 1:50:58 AM): thì rất khó tìm ra các giá trị thật

A: (7/9/2008 1:51:09 AM): trước một giá trị thật

A: (7/9/2008 1:51:15 AM): mình cũng phải phân vân

A: (7/9/2008 1:51:18 AM): băn khoăn

B: (7/9/2008 1:51:23 AM): thì càng tốt chứ sao

A: (7/9/2008 1:51:25 AM): nó rối hết cả lên

B: (7/9/2008 1:51:32 AM): lửa thử vàng mà

B: (7/9/2008 1:51:49 AM): thật ra anh nghĩ văn hóa nó nằm ở trong mỗi người

B: (7/9/2008 1:52:06 AM): chứ k hẳn là cái gì to lớn

B: (7/9/2008 1:52:25 AM): có lẽ thế

A: (7/9/2008 1:52:27 AM): hihi

A: (7/9/2008 1:52:37 AM): chỉ cần nhìn mấy đám học sinh thi đại học

A: (7/9/2008 1:52:43 AM): lên ở nhà em

A: (7/9/2008 1:52:47 AM): mà em đã lo lắm

B: (7/9/2008 1:52:53 AM): chả phải lo đâu

B: (7/9/2008 1:53:01 AM): đâu sẽ vào đấy cả thôi

A: (7/9/2008 1:53:27 AM): hihi

A: (7/9/2008 1:53:44 AM): em cũng hy vọng thế

* Note: A là em nó còn B là tớ.

Giả danh nhà báo

Chiều qua về nhà thấy đã mất điện, hỏi ra mới biết ông “nhà đèn” đã cắt điện từ 09h sáng. Vợ cũng đã gọi điện hỏi thì thấy bảo do không đủ công suất nên phải cắt điện, khoảng 9h tối mới có. Mất điện thì mọi hoạt động “văn minh” cũng đi đời. Cả nhà ăn cơm trong ánh sáng của hành lang Chung cư. Đã thế hôm qua ông giời cũng lại lặng gió, chỉ khổ mấy đứa nhỏ bị nóng khiến cho ông bà, bố mẹ phải thay nhau mà quạt. Đến 09h00 vẫn chẳng thấy điện đâu, tớ gọi cho Điện lực Chợ Lớn, sau gần 20 cuộc máy bận thì mới thấy có người thưa máy. Câu trả lời vẫn là do không đủ công suất nên phải cắt điện nhưng thời gian mở điện lại thì là “chưa biết đến thời gian nào”. Tớ vặn, đồng ý là cắt điện nhưng phải cắt điện luân phiên chứ tại sao lại mất từ sáng đến giờ, khu này mất điện nhưng cái phường bên cạnh điện đóm vẫn sáng choang. Anh trực ban “nhà đèn” bảo cái này em không biết. Ơ, không biết mà được à, anh phải phản ánh lên cấp trên chứ ? Dạ dạ vâng vâng rồi cúp máy. Lại chờ. Lúc này thì lòng kiên nhẫn có thời gian giới hạn hơn. 30 phút sau tớ gọi lại, và cũng sau khoảng gần chục lần máy bận thì câu trả lời vẫn không có gì thay đổi. Phải nghĩ mẹo thôi. Khoảng 11h tớ lại gọi ông “nhà đèn”, tất nhiên là sau khoảng chục lần máy bận nữa, tớ gặp được một anh giai giọng khá trẻ. Tớ giả giọng nghiêm trọng:

- Chào anh, tôi là phóng viên XT ở báo Tuổi Trẻ, chúng tôi nhận được rất nhiều điện thoại của bà con là người dân ở khu vực Phường 16 – Quận 8 gọi về báo phản ánh về tình hình mất điện ở khu vực do Điện lực Chợ Lớn quản lý, anh làm ơn cho biết lý do cụ thể ? Tại sao khu vực Phường 16 – Quận 8 lại liên tục cắt điện 3-4 lần trong thời gian 01 tháng gần đây ?

Anh trực ban “nhà đèn” trả lời với rất nhiều ngôn ngữ chuyên môn kỹ thuật, tất nhiên là tớ chả hiểu gì cả. Nhưng mà vòng vèo thế nào đi nữa thì cả cái câu trả lời của anh ấy vẫn chưa có được sự thuyết phục với tớ. Anh trực ban lại chuyển máy cho anh phụ trách kỹ thuật. Nhưng tình hình cũng chẳng có gì sáng sủa hơn.

- Anh có thể ngắn gọn và cho biết ai chịu trách nhiệm của việc này và tôi phải hỏi ai để có câu trả lời cho bạn đọc của báo ?

“Quả bóng trách nhiệm” được chuyển lên “điện lực thành phố” và “điện lực Miền Nam”. Tớ đành cúp máy.

Ngồi ngẫm lại thấy mình vẫn dốt. Thứ nhất là chưa hỏi tên anh trực ban và anh phụ trách kỹ thuật của “nhà đèn” ở Chợ Lớn. Giả sử mà có lên báo thật thì rõ ràng là chưa đủ 5 cái W (What, Where, Who, When, Why). Và đáng nhẽ phải hỏi tiếp xem “điện lực thành phố” hay “điện lực miền Nam” ấy cụ thể là ai, số điện thoại nào?

Tiếp tục nghĩ mẹo, định gọi 1080 để hỏi số đt đường dây nóng của “điện lực thành phố” để tìm kiếm người “chịu trách nhiệm”. Nhưng nếu “quả bóng trách nhiệm” lại được trả về điện lực Chợ Lớn thì sao ? Vậy tức là phải hỏi rõ ai phát ngôn, nói rõ cho người ta biết là tôi đang ghi âm, những gì anh (chị) đang nói sẽ được chúng tôi phản ánh lại với người dân. Nếu trách nhiệm quay về với “điện lực Chợ Lớn” thì lại phải thêm một lần nữa gọi điện thoại và ghi đích danh người trả lời. Nếu cần thì xin số đt di động của lãnh đạo để hỏi trực tiếp.

Đang chuẩn bị “làm tới” thì....đèn điện bật sáng. Lạy giời, “văn minh” đã về. Hú hồn, nhỡ lúc đang điện thoại hỏi mà có điện thì tiếng hô hào ầm ĩ của bà con vì có điện sẽ làm lộ tẩy hết cả nhể!

Và đến tận bây giờ thì tớ cũng chả cần quan tâm là có điện do đã cân đối được công suất hay là “nhà đèn” sợ báo chí nữa. Chỉ có một điều rõ ràng: Tớ đã giả danh nhà báo.

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Nhà cũ

Trong trí nhớ của tôi thì căn nhà mà tôi lớn lên lớn lên khá rộng rãi, là một căn nhà cấp 4 lợp mái ngói ở trong một khu tập thể cơ quan ngay trung tâm Hà Nội. Sau này mới biết nó chỉ có 17 mét vuông, 9 mét vuông chính thức được cơ quan phân cho, còn 8 mét vuông kia là cơi nới từ một cái giếng cũ lấp đi. Kể ra thì rất oai vì nhà tôi ngày đó ở ngay đối diện Rạp xiếc TW, cạnh công viên Lê Nin (giờ là công viên Thống Nhất) và bến xe Kim Liên (mà nay đã xây khách sạn Nikko). Nhưng thực tế thì nhà là căn cuối cùng của dãy nhà cấp 4 trong một cái ngõ cụt, đường vào khá khó khăn. Nếu có 1 người dắt xe máy đi vào thì người đi ngược chiều phải nép sang một bên để tránh. Sau nhiều năm khó khăn bố mẹ mới có điều kiện làm thêm cái gác xép, năm đó hình như là năm tôi học lớp 8.

Nhìn tổng thể thì Khu tập thể nhà tôi có 03 dãy nhà cấp 4, một dãy nhà 02 tầng và 02 nhà 5 tầng. Có một nhà 5 tầng là khu nhà ở còn một nhà 3 tầng có toàn bộ tầng 1 (tầng trệt) làm nhà ở, các tầng trên là phòng làm việc. Dãy nhà cấp 4 nơi tôi ở nằm kẹp giữa dãy nhà 2 tầng và tường ngăn của khu tập thể với Bến xe Kim Liên. Toàn bộ dãy nhà 2 tầng là dành cho cán bộ chưa có gia đình.

Nhà tôi ở ngay cạnh 02 cái nhà tắm chung cho cả dãy nhà cấp 4 và 02 phòng tập thể của những cán bộ chưa lập gia đình. Nói là nhà tắm chung nhưng thực tế thì nó cũng kiêm luôn cả chức năng của nhà vệ sinh (tiểu tiện) vì khu vệ sinh chung rất xa, nếu ai mà bị "tào tháo đuổi" thì chắc chắn sẽ ra quần.

Nhà bác ruột (chị bố) tôi ở bên khu 3 tầng, bác ở trên tầng 3. Khu bên này tiện nghi và hiện đại hơn hẳn so với dãy nhà cấp 4. Mỗi tầng hình như có 10 căn hộ, cầu thang giữa, mỗi bên cầu thang là 5 nhà. Mỗi bên cầu thang có 1 khu vệ sinh (bao gồm cả tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng và WC) riêng. Nhà bác tôi có cửa sổ nhìn ra mặt đường Trần Nhân Tông với diện tích khoảng 2o mét vuông. Tầng 1 của khu có 1 cái nhà trẻ dành riêng cho toàn bộ trẻ con của cán bộ, tôi và ngay cả thằng út nhà tôi cũng được gửi ở đây lúc nhỏ. Lớn hơn một chút thì đi nhà trẻ ở phố Đỗ Hành rồi chuyển về phố Thuyền Quang. Học cấp và cấp 2 thì đi bộ qua Hồ Thuyền Quang đến trường Tây Sơn, nhưng tôi nhớ hồi đó chúng tôi học lớp một ở ngay góc ngã tư Trần Bình Trọng và Nguyễn Du, giờ hình như cái Trường học của tôi đã là Chi nhánh ngân hàng.

Quay lại với cái nhà tôi ngày đó. Không dừng ở việc cơi nới thêm 6 mét, bố mẹ tôi còn làm thêm cái chuồng lợn ở trước cửa, tất nhiên là để nuôi lợn rồi. Và mấy cái chuồng gà ở góc cạnh khu nhà tắm chung. Hồi đó tôi cũng có một nhiệm vụ nho nhỏ mà bây giờ vẫn có thể "đấm ngực" tự hào là đi vào Công viên vớt bèo về nấu cám cho lợn. Thật ra thì sáng học chiều về đi chơi là chính thôi, vớt bèo là nhiệm vụ bố giao nhưng chắc là ông chỉ muốn tôi liệu giờ mà về chứ không quá mải chơi thôi.

Cả gia đình đã ở căn nhà này đến tận năm đầu tiên tôi vào Đại học (1994), giờ thì bác gái (chị thứ 2 của bố) vẫn còn đang ở đây.

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

Entry for July 10, 2008 - Gánh tạp kỹ

Hai tuần trước hơi bất ngờ khi đi làm về phát hiện ra một gánh tạp kỹ đang gấp rút dựng rạp, dựng nhà tạm ở ngay bãi trống gần cái rạch gần nhà. Chỉ trong 01 ngày đã có sân khấu ca nhạc dựng lên, cạnh đó là các căn nhà bán hàng và đặc biệt là kính thưa các kiểu loại trò chơi có thưởng (đến khuya khi kết thúc chương trình thì đây cũng là chỗ ngủ luôn). Tối đó, khu phố đang yên tĩnh được một phen ồn ào với sân khấu ca nhạc và các trò chơi có thưởng. Dân ở xung quanh kéo về khá đông. Ồn ào được 2 tuần, đến hôm qua cả gánh tạp kỹ lại rút đi.

Kể cũng lạ. Có lẽ chỉ có cái văn hóa phương Nam mới có thể làm nên những gánh tạp kỹ kiểu như vậy. Một gánh tạp kỹ như vậy có gần chục gia đình (có khi hơn) bao gồm cả con cái, vợ chồng lôi kéo nhau lếch thếch đi. Thấy chỗ nào hợp thì hạ trại. Kiếm ăn vài bữa rồi lại đi. Những gánh tạp kỹ như vậy chỉ sáng đèn vào buổi tối, ban ngày chẳng làm gì chỉ thấy lai rai nhậu chơi. Có cái gì đó rất phong cách Nam Bộ, có cái gì đó giống như gánh "Sơn đông mải võ" ngày xưa. Cũng có khi là một sự "biến hóa" để thích nghi với hiện đại ?


Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

Entry for July 09, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

Nếu coi sắc đẹp cũng là một loại tài nguyên (có thể sinh lời) thì VN đang phung phí tài nguyên sắc đẹp. Có người sẽ căn vặn: chúng ta đang tôn vinh, đang tìm kiếm, đưa sắc đẹp ra ánh sáng đấy chứ? Đúng là chúng ta đang mải mê "khai thác", nhưng tôn vinh thì e rằng chưa. Sau những lễ đăng quang (tức là tôn vinh trên sân khấu) thì các danh hiệu mà bao người đẹp có được lại trôi nổi giữa "chợ" các cuộc thi sắc đẹp ào ạt khác không ngừng nối tiếp ra đời. Người đẹp thời "bùng nổ" hoa hậu của đêm trước chưa kịp tỏa sắc khoe hương, thực hiện nghĩa vụ từ danh hiệu cao quý thì đêm sau họ đã thành người cũ: nhà tổ chức đang ráo riết đi tìm gương mặt của cuộc thi kế tiếp! "Lượng" nhiều mà "chất" ít thì "lượng" đó khó có thể tồn tại lâu hoặc phải thu gọn lại để chuyển hóa thành "chất"....Đáng lý với kiểu "kinh doanh sắc đẹp" (ở mức độ sơ khai) như hiện nay thì khi nhà tổ chức gật đầu chọn tôi đi thi thì phải trả một số tiền nhất định cho người thi hoặc ít nhất cũng có đài thọ chi phí. Dù gì thì mỗi thí sinh cũng phải trình diễn (như một người mẫu) cho cuộc thi mà anh đang kinh doanh suốt nhiều ngày, nhiều đêm (mà đa số phải về tay trắng).... Nếu chỉ một hoặc một vài cuộc thi hoa hậu mỗi năm, với sự tập trung, có tôn chỉ rõ ràng như thế thì hẳn sẽ không "loạn" danh hiệu hoa hậu như bây giờ (sau sự thông thoáng đến không thể "thoáng" hơn của Quy chế tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT & DL ban hành)....(Bài viết “Sau "bùng nổ" hoa hậu là gì...?” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).

“...Phim về giới văn nghệ sĩ, thế hệ cây viết trẻ 8X, có tài năng, dễ sa ngã, bị ảo tưởng... Nhưng trong phim, yếu tố phi thực tế rất nhiều trường đoạn, dù phim mới phát sóng mấy tập. Khó tin việc công an cho người bị bắt làm thơ để chứng minh là nhà thơ rồi tha cho về? Có tác phẩm thơ trẻ nào mà tiền nhuận bút tập thơ mỏng dính lên tới 11 triệu đồng? Thực tế ở VN có nhiều cây viết trẻ 8X nổi tiếng, đâu chỉ có "2 người 1 chợ"...? Chưa kể tính cách nhân vật được xây dựng, là những người sống quá tự do, buông thả, không cần biết đến ai..., kể cả "điểm" sáng nhất là nhân vật trẻ tên Quang, cũng chưa phải là mẫu điển hình của một doanh nhân bản lĩnh, mạnh mẽ, xông xáo trong thương trường. Người xem phim chắc chắn không thể là mấy cây viết trẻ 8X, "để rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân", như đạo diễn Mai Hồng Phong khi nói về phim của mình, vì trong phim không đúng "hình hài" của họ. Cũng không thể là văn nghệ sĩ, giới xuất bản, làm sách, vì những gì thể hiện trên phim không phải là hình ảnh thật của họ. Còn khán giả truyền hình, không biết sẽ nghĩ gì về giới văn nghệ sĩ, những "kỹ sư của tâm hồn" lên phim hầu hết là giả dối, tham lam, thủ đoạn, sống gấp...” (Bài viết Vòng nguyệt quế": Phim làm cho ai xem?” đăng trên báo Lao Động).

“...Kinh tế lúc nào cũng lao tới phía trước, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, nhanh hơn mãi, bao nhiêu cũng không vừa, nhất là đối với những đất nước như đất nước chúng ta, đang phải cố đuổi kịp năm châu bốn biển cũng đang lao tới rất dữ dội, phải cố tăng tốc tối đa có thể để đuổi cho kịp. Và lại phải qua cua, liên tục qua cua. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần giữ thật chắc chân thắng. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần văn hóa. Nếu không thì cuộc xông tới có rất nhiều nguy cơ lao luôn xuống vực. Tôi cho rằng ở những đất nước như đất nước chúng ta hình như người ta đang hiểu rất lầm về văn hóa, người ta cho rằng khi đất nước đang phải lao tới trong cuộc đuổi bắt lớn này thì văn hóa cũng phải lao theo, văn hóa phải ra sức cổ vũ, reo hò cho cuộc đuổi bắt say mê ấy. Văn hóa phải ra sức cổ vũ kinh tế và chính trị, chính các nhà chính trị và kinh tế cũng thường xuyên đòi hỏi, thúc giục văn hóa như vậy… Không phải đâu, hoàn toàn ngược lại. Chính khi kinh tế lao tới thì văn hóa, công việc của văn hóa là phải giữ thắng, chính lúc này mới càng thấy vô cùng cần văn hóa, cần phải có văn hóa để nắm chắc cái thắng của xã hội.... Những gì gọi là văn hóa chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hóa thật thì lại không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hóa. Có phải thật thế không? Tôi rất mong được thử trao đổi, để cùng suy nghĩ tiếp. Và để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay, và cả ngày mai nữa, nhanh mà vững, mà bền, và nói cho cùng, để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay thật sự đưa đến sự trong lành cho xã hội và hạnh phúc cho con người....” (Bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc: Văn hóa… để làm gì?” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).

“...Dạo này, các ca sĩ trẻ đua nhau tung ra thị trường những bài hát có chữ "tình". Hết "Tình đơn phương" đến "Tình quay gót", "Tình phai", "Tình yêu mắt nai", lại "Tình ba chấm", "Tình khúc vàng" rồi "Tình ca hồng", "Tình một đêm"...Đặc biệt, bạn sẽ không khỏi giật mình khi nghe các ca khúc này bởi từ ngữ thể hiện các cung bậc cảm xúc của nó quá nghèo nàn, đơn điệu, lặp lại, bắt chước của nhau đến phát nhàm. Hễ yêu là phải thất tình, mà đã thất tình là phải "đau đớn", "rã rời", "buông lơi", "buồn"..., nghe nhiều thành sáo rỗng, nhạt nhẽo. Không những thế, trong bài hát còn đệm một số chữ rất vô nghĩa và "chối tai" như "nà nà nà ná na nà na", "ồ lêu", "ô la, ô la ế"... Hoặc vài ba câu tiếng Việt lại đệm một câu tiếng Anh, tiếng Trung cũng khá phổ biến giống như kiểu "Nếu thích em rồi anh hãy nói ủa ái nỉ". "và em không yêu anh nữa đâu am sò ry (I'm Sory - em xin lỗi)"... nghe cứ như lạc vào một thế giới nào khác chứ không phải là người Việt hát cho người Việt nghe nữa....(Bài viết Ca nhạc: Hội chứng chữ "tình" đăng trên báo Tuổi Trẻ Thủ Đô).

“....Nhiều ca sỹ trẻ khi thực hiện album cố gắng chen vào các yếu tố lạ để thu hút công chúng. Ca sỹ L. gần đây khi thực hiện album với ý tưởng là một bộ phim, đã đầu tư vài trăm triệu cho một cảnh quay với các pha mạo hiểm cháy nổ long trời lở đất do chính mình thủ diễn. Anh cũng mạnh miệng bảo rằng công nghiệp quay phim trong album của mình hiện đại nhất Việt Nam, nước ngoài nhập về chỉ duy nhất một máy quay như thế… Tuy nhiên, dù đầu tư rất hoành tráng và PR rầm rộ nhưng sau khi album phát hành, lượng người mua album cũng không đủ nhiều để L. vững tin về vị trí của mình trên thị trường ca nhạc hiện nay. H. một công tử con đại gia nổi tiếng miền Tây đã chọn cách vừa “tặng vừa biếu” album của mình để quảng bá tên tuổi. H. đã bỏ tiền ra in hàng ngàn album đầu tay của mình, khán giả mua vé vào xem H. hát thì được tặng 1 album. Tặng hoài mà vẫn chưa hết đĩa, H. bèn nảy ra một chiêu rất độc đáo, bất kỳ ai tới mua 1kg gạo ở nhà H sẽ được khuyến mãi 1 album. Với cách “phát hành rộng rãi” thế này, chỉ sau vài tháng tên tuổi H. nổi khắp miền Tây, quán sá, nhà nhà thi nhau mở nhạc H. giúp anh trở thành ca sỹ ăn khách trong các đại nhạc hội, chương trình tạp kỹ ở các tỉnh miền Tây.... (Bài viết Nghệ sỹ và những kiểu "làm lạ" đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam).

“...Nếu tấm bảng khuyến cáo những người bị bệnh tim không nên vào xem hai vở Người vợ ma (Kịch Phú Nhuận) và Quỷ (Kịch Sài Gòn) đã góp phần tạo nên hiệu quả doanh thu cho hai sàn diễn này thì tấm bảng đề “Cấm trẻ em dưới 14 tuổi” xem vở Trinh nữ (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn Ngọc Tưởng – Kịch Sài Gòn) cũng gây tò mò đối với người xem. Trinh nữ kể về nỗi khổ của những cô gái không thể vượt qua quan niệm khắt khe về trinh tiết của những ông chồng cổ lỗ. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, họ phải nhờ đến sự can thiệp của y khoa... Đêm động phòng được dàn dựng quá chi tiết: cảnh cởi áo tắm dưới vòi sen, rồi cùng âu yếm, làm tình... gây phản cảm. Có suất diễn không ngăn được những tiếng la lối, huýt sáo hoặc những trận cười “đắc ý” của một bộ phận khán giả quá khích.... Lâu nay, trong dàn dựng tác phẩm sân khấu, một nguyên tắc đòi hỏi đạo diễn phải tuân thủ đó là sự hợp lý của tình huống. Cảnh mặc trang phục quá mát mẻ, thậm chí cởi áo, hôn môi, làm tình vẫn có thể xảy ra nhưng với liều lượng hợp lý, trong hoàn cảnh hợp lý và nhất là tìm được sự đồng cảm của khán giả. Khi đạo diễn cố tình lờ đi ngôn ngữ ước lệ vốn độc đáo và giàu cảm xúc của sân khấu để mô tả cảnh yêu đương thì yếu tố nghệ thuật của vở diễn không còn được coi trọng.... Nếu biết cách dừng lại và kiểm soát được những tình huống kịch có cảnh gợi tình hợp lý ở mức cần và đủ, nhằm phục vụ tư tưởng chủ đề của vở kịch thì đó là làm nghệ thuật đích thực. Sân khấu, ngoài mục đích giải trí, còn mang nhiệm vụ nâng cao thẩm mỹ, giáo dục. Vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có văn bản nhắc nhở các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương theo dõi và chấn chỉnh kịp thời những tác phẩm nghệ thuật khai thác quá đậm yếu tố sex. Nhưng xem ra lời nhắc nhở này chưa đủ sức ngăn cản được xu hướng khai thác sex đang nảy nở trên các sàn diễn kịch. (Bài viết “Sàn kịch ê chề cảnh gợi dục” đăng trên báo Người Lao Động).

Đến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách. Trước một quyển sách mới, người ta phải xem xét kỹ nếu không muốn lâm vào cảnh mua lấy sự bực mình, vì rất dễ vớ phải một ấn phẩm chỉ đẹp đẽ ngoài bìa mà văn bản bên trong ruột lại là thứ không dùng được hoặc không mấy tin cậy.... Trong hoạt động làm sách hiện giờ, các viên chức NXB biết chắc rằng: chỉ khi sách làm ra bị coi là vi phạm những những vấn đề nghiêm trọng về nội dung thì mới đáng lo ngại (tức là có thể đe dọa cái ghế chánh phó giám đốc, tổng biên tập). Còn lại, những thứ khác, ví dụ những va chạm rắc rối về tác quyền, những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, v.v… đều không đáng ngại, đều có thể biện minh. Người ta biết chắc sách sẽ bị xử phạt hay thu hồi nếu bị kết luận là ”có sai lầm về nội dung” chứ chưa khi nào vì có quá nhiều lỗi in, nói chi đến những kém cỏi về biên tập!...(Bài viết “Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất” đăng trên Tạp chí Tia sáng).

Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và dễ hơn phát triển văn hoá nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giàu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật. Hình như họ không có nhu cầu tự nâng mình lên. Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hoá thì ít người biết đến. Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội... Nếu muốn nhìn rõ sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá thì đơn giản nhất là bạn hãy để ý một chút, trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan mỗi buổi sáng. Chen lấn xô đẩy không ai chịu nhường ai, còi bóp, khói xả, bụi bặm, rác đổ, nước thải tràn lan, kênh rạch ô nhiễm, đường xá xuống cấp, tình trạng đào bới công trình ngầm vô tổ chức, các loại dây điện, điện thoại chằng chịt, các loại biển quảng cáo dọc ngang lộn xộn, kẹt xe, chửi bới, đánh lộn v.v rồi thì bằng giả, thuốc giả và còn nhiều thứ tưởng rằng không thể giả được cũng là đồ giả, trinh tiết giả, tiến sỹ giáo sư giả, chùa giả, đám cưới giả, mộ (liệt sỹ) giả. Tất cả những điều nêu trên là sự mất mát nhìn thấy nhưng đằng sau đó là sự mất mát lớn nhất, khó nhìn thấy hơn là mất đạo đức, mất nhân cách, mất lương tâm, mất danh dự, mất đạo, mất văn hoá. Hiện nay đô thị thì ngày càng nông thôn hoá còn nông thôn thì ngày càng bị đô thị hoá nhưng rất tiếc là hai khu vực này chỉ nhiễm thói hư tật xấu của nhau... Đời sống văn minh không chỉ tạo ra bởi luật mà chính là văn hoá của mỗi công dân tạo nên sự tự giác, tự nguyện cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Nếu chỉ chăm chăm phát triển kinh tế, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không phát triển văn hoá, không thấy lợi ích lâu dài thì phát triển làm gì. Nếu chỉ chạy theo tiền, chạy theo chỉ số kinh tế để đến mức như thế thì phát triển làm gì. Nếu chỉ cần được tiền thì đó chính là được mà mất. Nên chăng trước khi quyết định phát triển kinh tế thì nên học bài học đầu tiên là bài văn hoá của sự phát triển...(Bài viết “Chưa muộn” đăng trên Tạp chí Tia sáng).

...Làng quê tôi vốn rất thuần hậu tươi đẹp. Lũy tre xanh bao phủ xóm làng. Đồng ruộng rập rờn cánh cò bay. Bãi ngô ven sông xanh xa tắp. Cua cá, chim thú đầy đồng ruộng bụi cây, sống hài hòa với con người, thỉnh thoảng bắt ăn không mất tiền. Trong làng có ngôi đình mái cong duyên dáng, có việc làng các cụ và hội đồng kỳ mục kỳ lão tới họp, ngày hội trai gái tới vui chơi. Có ngôi chùa nhiều tượng Phật đẹp, thập phương xa xôi cũng đến hương khói. Có nghề in tranh khắc gỗ dân gian, nghề làm tương, làm bún, làm đậu phụ. Mùa đông có mía ngọt ăn không hết thì kéo mật. Mùa thu có bưởi và hồng. Mùa hạ có nhãn, vải và chuối. Mùa xuân thì đủ các thức bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh giò, bánh gio, chè lam, chè bà cốt. Rượu nấu bằng lá men lá thơm và nồng, có thể ngâm thuốc chữa bệnh. Tất cả những thứ giản dị ấy dần dà chìm vào trong giấc. E rằng mươi năm nữa không biết có còn cái làng cổ truyền từ ngàn đời nữa không? Có còn ai là người nông dân không?... Làng dần thành phố. Thuần phong mĩ tục chẳng còn ý nghĩa gì. Chẳng còn lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn hàng xóm có nhau. Tôi nhớ lắm những ngày chạy ra cánh đồng, triền đê hứng gió thả diều. Những ông đồ cẩn thận điền từng nét chữ Nho vào tờ sớ. Những bà già váy đụp quần chùng gánh nồi đất ra giếng khơi. Nhớ những ngày năm ba đứa trẻ vít dây đạp cối giã gạo. Nhớ hình ảnh mẹ và chị buông mái tóc dài gội nước hoa bưởi và quay tóc nước tung bay như mưa phùn. Nhớ ông già làng đóng dại cửa, đan thuyền thúng, cẩn trọng chuốt từng cật tre quây rổ rá. Nhớ con giẻ cùi màu lông sặc sỡ chuyên ăn cứt chó, nhớ tiếng ễnh ương lộng trong đêm mưa rào. Nhớ căn nhà lá vách đất trộn rơm hăng mùi bùn, mẹ già tựa liếp khóc ngày chúng tôi ra trận. Nhớ những cây đa, cây đề đầu làng, ven đường treo cái bình vôi, cạnh những miếu hoang, không thấy thần linh mà thấy rờn rợn thế nào. Mọi người thường bảo trước đây quê hương nghèo nàn lạc hậu, nay ai nấy đều khá giả, có xe máy ti vi, thóc gạo dồi dào. Thế nhưng để đổi lấy những cái như thế mà thay đổi cả làng cổ xưa thì thật đắt giá. Người nông dân trước thì phụ thuộc vào thiên nhiên, giờ thì phụ thuộc vào biến động xã hội. Văn hóa đất Việt sinh ra từ nông thôn và nông dân. Khi hai cái đó mất đi hoặc biến đổi thì ta sẽ có thứ văn hóa gì....(Bài viết “Thư của một người nông dân” đăng trên Tạp chí Tia sáng).

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2008

Entry for July 02, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“...Gần 2 năm, dốc sức cho Mùi cỏ cháy trên mọi phương diện, khi cái kết có hậu vừa đến - kịch bản được duyệt trợ giá, cũng là lúc Điệp Vân Film phải đối mặt với bài toán “liên kết” không có trong dự tính. Đơn giản, vì theo Luật Điện ảnh, các phim nhận trợ giá của Nhà nước đều phải được “đấu thầu chọn nhà sản xuất”. (Theo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc giao kế hoạch, đặt hàng, đầu thầu sản xuất phim, mua bản quyền phim, tài trợ phim bằng nguồn ngân sách của Nhà nước thì đơn vị muốn tham gia đầu thầu phải chứng tỏ được năng lực về vốn, năng lực kỹ thuật, quản lý, sáng tác… Áp theo tiêu chuẩn này, thì Điệp Vân Film không hội đủ yếu tố để … nhận phim)....” (Bài viết “Phim về anh Thạc... “vướng” luật!” đăng trên báo Thể thao & Văn hóa).

“...Chúng ta đang có cả kênh truyền hình dành cho cái gọi là “ văn hoá” game; băng đĩa lậu thì bày bán tùm lum, những quán trò chơi điện tử mọc khắp hang cũng ngõ hẻm, có những trung tâm để làm giàu cho “văn hoá” game… Trong khi đó thì văn hoá đọc ngày càng trở nên xa vời, “phù phiếm” đối với lớp trẻ. Hiện nay có một mảng sự nghiệp hết sức quan trọng đó là mảng sự nghiệp sáng tác văn học của các nhà văn thì mảng này không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan chuyên trách nhà nước nào. Trong khi đó thì điện ảnh, mỹ thuật, văn hoá quần chúng... đều có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách hàng năm được đầu tư nhiều tỷ đồng từ tiền ngân sách…” (Bài viết “Giới trẻ và cái gọi là “văn hoá” game” đăng trên báo Thể thao & Văn hóa).

“...Hiện nay, có vẻ như một số người làm sân khấu đang chạy theo “mốt” đưa cảnh “nóng” lên sàn diễn vừa làm “tươi mát” vở diễn, vừa tạo sự tò mò, kéo khán giả đến rạp đông hơn. Tuy nhiên, theo một số đạo diễn, cảnh “nóng” là con dao hai lưỡi, nếu xử lý khéo, là nghệ thuật, hấp dẫn và ngược lại. Bởi khác với điện ảnh, sân khấu là nơi giao lưu trực tiếp với khán giả, xử lý sao cho vừa phải, tăng hiệu quả mà không bị trần trụi, gợi dục là điều không đơn giản. Mặt khác, nếu sân khấu lạm dụng cảnh “nóng” để câu khách thì thật đáng buồn. Ngoài ra, sân khấu cũng đang tồn tại một vấn đề, đó là việc một số nam nghệ sĩ thường xuyên đóng những vai nữ trên sân khấu. Hiện tượng này xuất hiện nhan nhản trên sàn diễn. Điều nguy hại hơn là ở sân khấu thiếu nhi. Có thể, qua những vai nữ ấy, các nam nghệ sĩ muốn chứng minh một điều, họ là nghệ sĩ tài năng, có thể hóa thân trong nhiều nhân vật? Nhưng khổ nỗi, cái tài năng õng ẹo, đầy chất nữ tính ấy cứ xuất hiện liên tục trên sàn diễn thì quả thật đáng lo ngại. Nhiều phụ huynh có con em yêu thích các thần tượng nam nghệ sĩ chuyên sắm vai nữ, tỏ ra băn khoăn: trẻ nhỏ thường hay bắt chước, vô tình biến cháu thành một người “nam không ra nam mà nữ không ra nữ”, sau này sẽ rất khổ!...” (Bài viết “Thấy gì ở sân khấu hôm nay?” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

“...Không như những gì qua thông tin mà Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 phía VN từng cho biết, trung tâm báo chí, nhà hát Crown Convention, Diamond Bay resort (khu lưu trú dành cho 80 thí sinh và các quan chức) chỉ gây ấn tượng duy nhất là to lớn. Thay vì thực hiện 7.500 chỗ ngồi như dự tính ban đầu, nhà hát đang xây dựng được nâng số ghế ngồi lên 8.000 chỗ. Cảm giác chung của những người được vào tham quan Crown Convention là choáng ngợp bởi khán phòng rất rộng. Dẫu vậy, bên cạnh sự choáng ngợp đó là nỗi lo ngại tiến độ hoàn thành không kịp. Bởi khi cuộc thi đã bắt đầu, giới truyền thông nước ngoài đã đổ xô về VN để theo dõi cuộc thi nhưng một vài hạng mục vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Dù nhà hát đã làm lễ khánh thành nhưng bên trong khán phòng còn ngổn ngang vật liệu. Sân khấu trống hoác với một phông màu đen. Thảm đỏ lót sàn được cuộn tròn còn nằm trong góc. Đó là chưa kể, trung tâm báo chí xây dựng phục vụ cho một sự kiện tầm quốc tế, với hàng trăm nhà báo trong và ngoài nước nhưng chỉ được trang bị 6 máy vi tính; trạm điện thoại công cộng có 5 máy chưa nối mạng quốc tế (nhân viên điện thoại công cộng cũng chưa biết khi nào được nối mạng, với lời tiên đoán “chắc mai mốt sẽ có”)... Lãnh trách nhiệm đeo bám một sự kiện thu hút sự chú ý của hàng tỉ người trên thế giới, cánh phóng viên báo chí VN rất hăng say làm nhiệm vụ. Niềm hăng say ấy càng tăng lên bội phần khi MUO (Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008) tuyên bố “không có chuyện báo chí tác nghiệp”. Bằng con đường chính thống hay luồn lách, các phóng viên quyết chí “săn” cho được những tấm ảnh lạ, độc quyền. Chính vì thế, dù được mời tham dự những buổi tiệc với tư cách là một khách mời, không ít phóng viên vẫn cứ tác nghiệp với máy ảnh ở chế độ sẵn sàng ghi hình và máy ghi âm sẵn sàng bật mở để phỏng vấn... Một nhân viên của MUO đã dí dỏm rằng: “Sao các bạn lại chăm chỉ làm việc ngay cả khi được mời làm VIP. Sao không nhân sự kiện này để nâng tầm quốc tế cho chính mình”? (Bài viết “Bên lề cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008: MUO siết chặt kiểm soát” đăng trên báo Người Lao Động).

“...Nghe những nhận xét của hội đồng nghệ thuật trong đêm đầu tiên, thấy họ như đang chấm bài trong một kỳ thi tốt nghiệp và các thí sinh đã không hề có bất cứ một ý kiến phản hồi nào ngoài những câu cảm ơn và những nụ cười rất tươi. Đó chính là điều mà đêm đầu tiên của Sao Mai Điểm hẹn 2008 giống hệt những chương trình ca nhạc bình thường khác của VTV3 như Bài hát Việt, như Điểm hẹn âm nhạc…Năm nay, nhạc sỹ Ngọc Châu là nguời quá từ tốn và hầu như thí sinh nào anh cũng có một nhận xét đơn điệu: "Em đã chọn bài phù hợp với chất giọng của mình". Còn ca sỹ Thanh Lam như thể đã "mất lửa". Nếu theo dõi chị nhận xét các thí sinh ở vòng loại thì sẽ đặt nhiều hy vọng vào sự hóm hỉnh và cả những nhận xét chính xác của chị trong vòng chung kết. Nhưng đêm đầu tiên, chị thường xuyên ra dấu cho MC để từ chối nhận xét và những nhận xét của chị khá… tham khảo. Riêng nhạc sỹ Giáng Son đã thẳng thắn hơn. Dẫu vậy, chị đã quá nặng về chuyên môn và kỹ thuật hát. Những thứ đó rất cần, nhưng không phải là tất cả với các thí sinh trong cuộc thi hát như Sao Mai - Điểm hẹn. Còn nhớ, trong cuộc họp báo trước khi diễn ra vòng chung kết Sao Mai - Điểm hẹn 2008, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra với ban tổ chức về hội đồng nghệ thuật. Và câu hỏi được đặt ra là tại sao không có một người làm việc trực tiếp trong công nghệ showbiz, hay một nhạc sỹ đến từ thị trường âm nhạc lớn nhất cả nước là TP HCM để họ có được những nhận xét tốt nhất, phù hợp nhất trong tình hình xu hướng âm nhạc hiện thời của giới trẻ, giúp các ca sỹ dễ hòa mình vào với đời sống âm nhạc sau cuộc thi hơn?...” (Bài viết “Sự “yếu ớt” của hội đồng nghệ thuật Sao Mai - Điểm hẹn 2008” đăng trên báo Công an Nhân Dân).

“...Blog đang trở thành những "nồi lẩu" thông tin và những người ngồi nhậu vô cùng ưa thích những thông tin giật gân, đụng chạm đến đời riêng của người khác. Và nó đã phát huy tác dụng khi có những kẻ mang tà tâm đến với blog. Có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, hoặc được bóp méo theo ý muốn của người viết. Blog sẽ trở thành một vòi bạch tuộc khát máu nếu chủ nhân của nó có ý đồ đen tối trong việc hạ nhục một ai đó....Trên blog, chỉ việc gõ lên những gì mình thích và thỏa mãn với việc người khác sẽ "dính đòn", họ đang dùng một việc làm thiếu minh bạch để phanh phui những việc thiếu minh bạch khác. Về cơ bản, họ làm không vì mục đích cứu giúp ai đó mà chỉ để thỏa mãn những tư thù của mình mà thôi. Blog cũng dành cho những người thiếu tự tin. Trong một công ty, khi thấy đồng nghiệp vượt lên, tạo được uy tín và được sự tín nhiệm của lãnh đạo, ngay lập tức những nhân viên thiếu năng lực sẽ trút tức giận và lòng đố kị lên blog. Thực chất điều này là dễ hiểu và nó thường xuyên xuất hiện trong suy nghĩ của rất nhiều người trong đời sống công sở. Thậm chí từ xa xưa, những điều đó đã được ghi đầy trong những trang nhật ký đau khổ. Nhưng việc viết blog để tìm những đồng minh và xoa dịu nỗi đau thua cuộc của mình thì lại là việc khác. Sẵn sàng dựng chuyện để thóa mạ người khác lại là điều khác nữa. Khi ấy, nó lại thuộc về nhân cách của người viết. Chỉ vì lòng đố kị và sự thua kém mà sẵn sàng đạp bỏ tất cả, phủ nhận mọi thành quả của người khác và sẵn sàng dựng lên những câu chuyện không có thật làm tổn hại người khác. Đó là thực tế đã và đang diễn ra. Đáng tiếc thay, nó đang ngày càng nhiều lên. Blog bẩn hay sạch, chính xác hay nhảm nhí hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng nó. Nhưng blog ở Việt Nam đang giống như một số đám đông, có một vài kẻ luôn thích làm thủ lĩnh ảo, hô hào mọi phong trào. Nhìn những blogger ngây thơ bị hiệu ứng của tâm lý đám đông tác động đã sẵn sàng vào cuộc trong những chuyện biểu tình, lên án, đòi hỏi… mà bất chấp pháp luật, với niềm tin ngây thơ rằng, người khác làm vậy thì mình cũng làm được mà quên mất rằng, chính những kẻ to mồm nhất trên blog sẽ là những kẻ im lặng và đứng trong góc tối nhất của cuộc biểu tình. Và khi có một biến động, ngay lập tức "bang chủ" ấy sẽ biến mất. Và đám đông bơ vơ ấy sẽ phải trả giá vì niềm tin ngây thơ của mình...” (Bài viết “Blog và những "bàn nhậu thông tin" đăng trên báo Công an Nhân dân).

Cuốn sách có cái tên khá giật gân nhưng chỉ là một tập hợp mỏng những bài báo, cả những lời điếu văn chia buồn, phần lớn yếu về tư liệu, cực kì cẩu thả về văn phạm, diễn đạt; chưa kể những sự khó hiểu khác về nội dung, tư tưởng. Có lẽ “bí mật” của vụ việc này nằm ở chỗ làm thế nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra 3200 cuốn sách như thế - với một nhà xuất bản uy tín như NXB Văn học....(Bài viết “Khó hiểu “Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời” đăng trên báo Tiền Phong).

“...Kể cũng lạ, báo chí cứ ra rả rằng Việt Nam thiếu các nhà phê bình điện ảnh mà không biết họ ở đây trong rạp đấy thôi. Tuổi của họ thường là trẻ, dáng ngồi của họ thường là vắt chân lên ghế trước (một số người cá biệt còn đạp), khẩu hình của họ thường là bèn bẹt theo chiều hạt dưa, hoặc nhóp nhép theo chiếc kẹo cao su đang lộn nhào trong miệng. Ngôn ngữ phê bình của họ thì rất phong phú: có đủ cả sinh ngữ thuần văn hóa lẫn thuật ngữ trong giải phẫu cơ thể người. Phương pháp lý luận của họ cũng rất đa dạng. Họ có thể bình luận cảnh cô Kiều (diễn viên Trương Ngọc Ánh, phim Sài Gòn Nhật Thực) đang quay lưng tắm theo phương pháp ngoại suy, kiểu “cảnh này quay từ đằng trước chắc chắn đẹp hơn”, hoặc cảnh Hằng Nga (diễn viên Thanh Thúy, phim Vũ Điệu Tử Thần) nhảy trong quán bar bí mật theo phương pháp tổng hợp, kiểu: “Úi giời, có cả lắc mông như Mỹ lẫn múa bụng như Ả Rập.”...(Bài viết “Văn hóa rạp” đăng trên Tạp chí Sành Điệu).

“...Những bộ phim có số tiền đầu tư lớn để kỷ niệm những ngày lễ phần lớn đều đã gây tranh cãi về nội dung: Ký ức Điện Biên (15 tỷ), Cầu ông Tượng (gần 10 tỷ đồng), Trung úy (6 tỷ đồng)... cái chính là đầu tư cho những bộ phim này nhiều, nhưng lại không có hiệu quả về mặt phát hành. Chúng chỉ được chiếu với số buổi rất "khiêm tốn" ở các rạp thành phố (vì không có người xem) nhân đợt kỷ niệm. Sau đó, có phim được đưa về chiếu ở các địa phương, nhưng có phim đành xếp kho! Đây là một lãng phí không chỉ về tiền bạc, mà buồn hơn là khiến những người nghệ sĩ tâm huyết không khỏi nản lòng! Không ít khán giả đã đặt câu hỏi với các nhà làm phim: Nếu làm phim không hay thì có trả lại tiền cho dân? Các vị giám đốc làm phim thì một mực tuyên bố "chịu trách nhiệm về chất lượng phim". Nhưng khi phim hoàn thành, có lẽ cả hai ông giám đốc hãng phim "ôm" các dự án phim lịch sử 1.000 năm Thăng Long đã... về hưu rồi!...” (Bài viết “Về đâu những bộ phim tiền tỷ?” đăng trên báo Phụ Nữ Tp.HCM).

Bảo tàng Lâm Đồng vừa đem về trưng bày chiếc trống đồng Đông Sơn lần đầu tiên được phát hiện ở Lâm Đồng. Chiếc trống do ông Nguyễn Văn Vinh (thôn 2, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) tình cờ phát hiện trong lúc làm vườn cách đây hai tuần. Qua giám định, mặt trống đồng có đường kính 55cm, hoa văn trang trí có 2 vòng chim lạc và nhiều hoa khác đã bị mờ, ngôi sao ở giữa mặt trống có 12 cánh và thân trống có 4 tai nhưng đã bị vỡ nên không xác định được chiều cao. Theo Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng (Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện KHXH vùng Nam bộ), đây là chiếc trống đồng Đông Sơn Herger loại I và có niên đại cách đây 2.000 năm. (Tin "Lâm Đồng:Phát hiện trống đồng Đông Sơn có niên đại 2.000 năm" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

"...Có dịp xem bản phim Sex and the city mà nhà nhập khẩu là Công ty Thiên Ngân chiếu cho các nhà báo xem trước khi phim ra rạp, sẽ thấy nó... không giống với bản phim đang được trình chiếu chính thức ở các rạp trong cả nước, nói cụ thể là bản mà các nhà báo được xem "nóng" hơn. Đem thắc mắc này hỏi bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, đại diện Công ty Thiên Ngân, bà thừa nhận: "Bản mà công ty chiếu cho các nhà báo xem là bản chưa cắt, vì lúc chúng tôi đem chiếu thì bản cắt theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim chưa chuẩn bị xong. Vả lại chúng tôi cũng muốn chiếu nguyên bản để thăm dò ý kiến của các nhà báo. Cũng có vài nhà báo cho rằng phim có một số cảnh "nóng" quá, không phù hợp với rộng rãi khán giả. Còn bản chiếu rạp là bản mà chúng tôi đã cắt bớt những cảnh nóng theo đề nghị của Hội đồng duyệt phim". "Đã cắt, nhưng vẫn phải cấm khán giả dưới 16 tuổi?". "Đúng vậy, chúng tôi chấp hành yêu cầu của Hội đồng duyệt". Quả là bất ngờ. Đã hạn chế một đối tượng khán giả nào đó thì đừng cắt, mà đã cắt thì đừng hạn chế, nếu bộ phim không vi phạm những "điều cấm" của Luật Điện ảnh. Chứ vừa cắt, vừa cấm như Sex and the city, thì đối tượng bị "cấm" không được xem phim đã đành, mà người được xem lại ngơ ngác: "Thế này thì có cái gì mà phải cấm?"." (Bài viết "Thấy gì từ bộ phim "cấm khán giả dưới 16 tuổi"? đăng trên báo Thanh Niên).