Ngày hôm nay là ngày khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, nhận thấy bài viết này vẫn còn giá trị với thời gian tôi post lên để mong Đoàn thay đổi một cách thiết thực hơn trong các hoạt động của mình. Cán bộ đoàn bớt những người bụng bia và nói ít thôi, làm nhiều vào....
Gửi Đoàn của tôi
Thưa Đoàn,
(Mà cụ thể là thưa anh - cái người vẫn hay soạn báo cáo cho Trung ương Đoàn)
Đầu tiên, tôi xin đố anh, lá thư này là của ai:
“Từ tháng 2/1924, tôi được Ban phương Đông và Đảng cộng sản Pháp phái đến Quảng Châu để làm việc cho Đông Dương
… Mặc dù thiếu thời gian về tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đ/c người Nga và An Nam, chúng tôi đã có thể:
Đưa 75 thanh niên An Nam đến học ở trường Tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu,
Xuất bản 3 tờ tuần báo nhỏ,
Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Thành lập một liên đoàn cách mạng do một ủy ban gồm 5 ủy viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó".
Thôi để tôi nói luôn, cái thư này cũng là bản báo cáo của một thanh niên gửi cho tổ chức. Thanh niên đó là Nguyễn Ái Quốc. Và tổ chức đó là Ban Phương Đông quốc tế cộng sản. Bức thư viết vào tháng 6/1927. Chừng đó công việc, viết ra và đọc lên nghe đơn giản nhưng toàn là những việc lớn và cốt tử. Thí dụ, ở mục (I), cái trường Tuyên truyền được nêu rất vắn tắt với 75 học viên đó, lại chính là chậu ươm của Đảng cộng sản Việt Nam. Và Đảng, qua năm tháng, ai cũng biết, có thêm cánh tay phải là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
77 năm sau, “cánh tay phải” đã phải dùng tới 8 trang báo Thanh niên (số ra ngày 18/9/2002), đặc kín chữ, chỉ để đăng cái dự thảo báo công tác của mình trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng sắp tới. Và cái người soạn bài báo cáo này cho Đoàn chính là anh đấy, người thư ký nhiều chữ ạ.
Bản dự thảo báo cáo này có một cái tên dài: “Phát huy truyền thống vẻ vang, tuổi trẻ Việt Nam thi đua học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tôi nói thật, nếu một ngày kia, một đoàn viên bình thường trong 4 triệu đoàn viên trong cả nước, tự nhiên muốn biết, từ năm 1997 – 2002, thanh niên cả nước đã làm được gì và sắp tới sẽ phải làm gì, thì anh ta sẽ phải đọc theo kiểu “dũng sĩ”, nghĩa là kiên trì vượt qua bao nhiêu cửa ải của những câu choang choang trong báo cáo của anh, đã nghe mãi, nghe mãi, trong (gần như) mọi văn kiện, ở (gần như) mọi Đại hội thanh niên, sực nức từ kép Hán Việt.
Thí dụ, nói về nhiệm vụ thời đại của thanh niên Việt Nam, anh viết:
“… ra sức thi đua học tập, rèn luyện, vươn lên nắm vững khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thi đua lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước”.
Còn báo cáo về công tác giáo dục đoàn:
“… được tập trung chỉ đạo và thu được những kết quả quan trọng, nhất là sự chuyển biến tích cực trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lực lượng làm công tác tư tưởng được tăng cường, cơ chế nguồn lực phục vụ công tác tư tưởng, văn hóa được tập trung đầu tư hơn, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Thưa anh, chỉ cần đọc bản Dự thảo báo cáo của Đoàn mà anh viết là biết ngay anh đang sống trong thời bình. Vì chỉ có thời bình thì người ta mới dám dùng nhiều chữ chung chung một cách xa xỉ như thế. Những chữ ấy, anh vặn lại tôi, sai chỗ nào nào, thì tôi thua, vì thật ra chúng chẳng có gì sai cả, nhưng mà anh viết báo cáo thì chắc anh cũng biết, chữ càng to thì che mất những việc làm cụ thể mà đoàn đã làm được những năm qua. Người ta thấy anh “bình” nhiều hơn “báo”. Cứ báo cáo được một dòng thì anh lại bình (có khi) đến cả một cột. Ngay cả phong trào “thanh niên tình nguyện” để tự nhiên đã đẹp đến thế, anh vẫn còn không tự tin mà vẫn phải ca ngợi nó lên đến mức sáo rỗng:
“Màu áo xanh tình nguyện không chỉ thể hiện sự thống nhất về tổ chức, mà còn in đậm trong lòng xã hội về hình ảnh đẹp của người thanh niên Việt Nam tình nguyện, xung kích, sáng tạo trong kinh tế thị trường”.
Quay lại bản báo cáo của thanh niên Nguyễn Ái Quốc ở đầu bài. Chừng đó công việc, nếu giao cho anh – người soạn báo cáo cho đoàn vào những năm 2000, thì chắc đã phải kín 16 trang báo, mà vẫn không biết ai làm được việc nào, việc đã đi cụ thể tới đâu, trong khi Nguyễn Ái Quốc chỉ có 4 cái gạch đầu dòng mà cách mạng vẫn phát triển.
Tôi cũng như anh thôi, tôi làm việc trong một cơ quan đoàn. Đoàn của anh và của tôi mang tên Bác – Người đã mở đầu một cuốn sách mà tôi rất thích - Đường Cách mệnh – gồm những bài học dành cho 75 học viên thanh niên cộng sản của mình, đã viết:
“… nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”. (Quả có vậy, cái cuốn Đường cách mệnh ấy, nếu Bác mà viết theo văn phong của bản dự thảo báo cáo của BCH TW đoàn mới đăng trên báo vừa rồi, thì chắc chắn 75 hạt giống cách mạng đầu tiên trong lớp học ở Quảng Châu đã chịu, không hiểu nổi, thậm chí mật thám Đông Dương có bắt được tài liệu cũng khó lòng mà đọc cho hết được).
Chúng ta vẫn cứ nói là học tập Bác, nhưng chuyện đơn giản nhất là viết cho gần quần chún, thật vắn tắt, thật cụ thể thì hình như chúng ta ít làm theo.
Thế đấy, thưa đồng chí soạn văn bản cho Đoàn. Cứ (viết báo cáo theo) cái đà này, thì càng ngày đoàn càng xa dần, để đến cái bản báo cáo công việc của đoàn viên cả nước không thôi, mà thanh niên bình thường, nếu không quen với từ ngữ hội nghị, cũng không len chân vào (hiểu được).
Từ 8 đoàn viên vào buổi sáng sơ khai, cho đến nay số đoàn viên đã hơn 4 triệu. Vâng, nhưng đâu phải vì thế mà số chữ (cũng như sự cầu kỳ về chữ) trong báo cáo cũng phải tăng theo mức độ đó? Và cái công việc mà đoàn chúng ta làm vào thời bình chẳng lẽ vất vả hơn cái thời sơ khai trứng nước đến thế sao? Hay chỉ vì thời bình thì chúng ta rảnh rỗi hơn, có nhiều thì giờ hơn, cả cho người soạn báo cáo lẫn cho những người ngồi suốt những ngày hội nghị chỉ dể nghe và thảo luận báo cáo.
Thảo Hảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét