Nói đến Trần Văn Thủy thì ai cũng sẽ nghĩ đến 02 bộ phim
tài liệu đã làm nên tên tuổi của ông, đó là "Hà Nội trong mắt ai" và
"Chuyện tử tế". Tớ còn nhớ lần đầu tiên được nghe đến bộ phim “Hà Nội
trong mắt ai” là hồi còn học cấp 1-2 Tây Sơn, cô giáo chủ nhiệm xem phim ở đâu
về kể rất hào hứng trong lớp. Nhớ nhất là mấy chi tiết mà cô giáo kể là cảnh
quay hỏi thăm người dân ở phố có biết ông ấy là ai không? Rồi chuyện Ngân hàng
Nhà nước với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân….Mãi cho đến 04 hay 05 năm gần
đây tớ mới xem phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của ông. Và có một
điều chắc chắn là tớ lại được đọc cái tập “Nếu đi hết biển” trước cả khi xem 02
bộ phim trên và sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của ông trên tờ SGTT thì tớ
đã lùng bằng được bộ phim “Chuyện Người Man di Hiện đại” để xem….
Dẫn nhập loằng ngoằng thế để nói rằng cá nhân tớ cũng rất
thích anh Thủy. Sau khi đọc bài giới thiệu sách "Chuyện nghề của Thủy" trên tờ SGTT thì tớ cũng lập
tức lùng cuốn sách để đọc để tìm hiểu thêm về nghề và cái tài của ông. Tuy
nhiên, mặc dù cuốn sách đọc khá trôi nhưng đọc xong rồi thì cũng có 2, 3 phần
thất vọng. Thất vọng thứ nhất là “chuyện nghề” của ông được đề cập hơi ít mà
nặng phần tả về không gian cuộc sống của ông thời những năm 80. Mặc dù được rào
đón là sẽ không phải là cuốn hồi ký nhưng thực tế thì nó là chính là một dạng
hồi ký nửa vời bởi có đến ½ số trang sách là dùng để kể việc kể chuyện khó
khăn, vất vả khi phát hành 02 bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện
tử tế”…; Thất vọng thứ 2 là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp của ông đã
không được nêu lên một cách đầy đủ. Theo hiểu biết của tớ thì nghề điện ảnh là
dấu ấn cá nhân nhưng công sức là của cả một tập thể vì vậy chuyện của những
người phụ trách âm thanh, ánh sáng, quay phim, dựng phim, biên tập….trong các
bộ phim tài liệu của ông Thủy cũng là rất quan trọng đối với người làm nghề
nhưng chỉ được nêu vẻn vẹn đâu chừng có hơn chục trang trong tổng số gần 500
trang sách; Thất vọng thứ 3 là việc đưa các bài viết, bài phỏng vấn anh Thủy đã
đăng trên các báo trong thời gian qua vào trong cuốn sách. Nếu thực sự cần
thiết chỉ nên ghi tiêu đề, ngày đăng, tên cơ quan báo đăng đối với các bài viết
vẫn lưu trên mạng hoặc cùng lắm là đưa vào phần phụ lục chứ không nên để thành
nội dung của cuốn sách.…
Thực ra ý định ban đầu khi viết cái note này chỉ nhằm để
lưu lại cái list phim tài liệu mà ông Thủy đã thực hiện (dựa trên những gì được
kể trong cuốn sách) thế mà cuối cùng lại thành ra tóm tắt cuốn sách. Cái list
ấy đây:
1./ Những người dân quê tôi (Giải
vàng LHP Leipzig 1970)
2./ Nơi chúng tôi đã sống (phim
Tốt nghiệp - làm tại Liên Xô năm 1977)
3./ Phản Bội (Giải đạo diễn xuất
sắc trong LHP quốc gia 1980)
4./ Hà Nội trong mắt ai (1982)
5./ Chuyện Tử Tế (Giải Bồ Câu Bạc
LHP Leipzig 1988)
6./ Thầy mù xem voi (02 tập: tập
1: Chuyện vặt xứ người; tập 2: Chuyện đồng bào - Phim được làm từ năm 1988 đến 1990)
7./ Một cõi tâm linh (1992 -
tên tiếng Anh là "A Spiritual Word làm cùng với Channel 4 của Anh)
8./ Có một làng quê (1992 -
tên tiếng Anh là There is a Village - làm cùng với NHK Nhật Bản)
9./ Chuyện từ góc công viên
(Giải vàng LHP Hội Điện ản 1996)
10./ Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai
(Giải Hạc vàng LHP Châu Á Thái Bình Dương 1999)
11./ Người Man di hiện đại
(Phim được làm từ 2006 đến 2007 về Nguyễn Văn Vĩnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét