Trong chuyến đi Miền
Tây vừa rồi, tớ chợt nhận ra rằng báo chí Việt Nam chưa hề biết kinh doanh báo
chí theo đúng nghĩa của từ kinh doanh. Vẫn biết rằng "báo chí là một sản
phẩm đặc biệt" nhưng những người đang làm báo vẫn chỉ biết viết ra những
gì mình thích, mình cho rằng là bạn đọc sẽ thích chứ chưa thực sự đáp ứng đúng
nhu cầu của người mua (tức bạn đọc). Theo dõi báo chí trong thời gian gần đây tớ
bỗng giật mình vì có cảm giác "các tờ báo giấy đang chạy theo xu hướng giải
đáp các thông tin của cộng đồng mạng". Thực ra việc các báo đáp ứng nhu cầu
thông tin của "cộng đồng mạng" cũng là một việc làm cần thiết, đáp ứng
nhu cầu thông tin cho người đọc. Tuy nhiên, thực tế lại đang diễn ra hơi khác.
Thực tế đầu tiên phải
nói đến là "số lượng phát hành của báo giấy" đang ngày càng giảm:
Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều nhưng trước tiên thì lại chính là
"báo điện tử". Hầu hết các tờ báo in lớn đều có báo điện tử (hoặc ít
ra cũng là Trang thông tin điện tử như báo Pháp Luật TPHCM) và các tin bài được
xuất bản trên báo giấy cũng đều được các báo điện tử đăng lại (dù có chậm hơn
vài tiếng đến nửa ngày). Chính vì vậy, đa số người đọc là dân văn phòng, công
chức và tầng lớp trung lưu đã ít mua báo giấy hơn vì họ có thể đọc thông tin
trên báo điện tử. Chẳng có lý do gì để tôi phải bỏ ra 3700đ (thực tế báo dạo có
thể lên tới 5000đ) chỉ để mua và đọc mỗi một tờ báo Tuổi Trẻ Tp.HCM trong khi
tôi có thể nhẩn nha cafe và đọc hơn chục tờ báo khác nhau trên mạng, từ VN
Express, Viet Nam Net, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TPHCM hay Người Lao Động....Đó
là chưa kể sau khi báo chính đưa lên mạng thì có vô số bạt ngàn các Trang thông
tin điện tử Tổng hợp "lấy lại" (chẳng cần xin phép và tất nhiên cũng
chẳng trả xu nào) và "xào nấu" với đủ loại tít gợi cảm, xúc động và giật
gân…Ví như buổi sáng, bạn chỉ cần vào Báo mới thì tất tật những gì mới nhất của
báo điện tử lớn đều được cập nhật. Ở một góc nhìn kinh doanh thì báo điện tử của
tất cả các báo đều đang phải chi trả một khoản tiền rất lớn trong khi đó số tiền
thu được từ quảng cáo hầu như chẳng được bao nhiêu. Và như vậy, chính các báo
giấy đang tự "bóp chim" mình.
Thực tế thứ hai là
chính các báo cũng chẳng biết đối tượng bạn đọc của mình là ai. Chắc nhiều bạn
sẽ phản đối mạnh mẽ quan điểm này nhưng các bạn hãy cứ bình tĩnh, tớ giải thích
ngay đây. Đối tượng bạn đọc của báo điện tử chắc chắn sẽ khác với đối tượng bạn
đọc của báo giấy (mặc dù khoảng trùng là có nhưng không nhiều). Đối tượng bạn đọc
báo điện tử chắc sẽ rất ít mua báo giấy và đối tượng bạn đọc báo giấy thường là
do không có điều kiện đọc báo điện tử. Do mức sống và nhu cầu hoàn toàn khác
nhau nên nhu cầu thông tin của 2 đối tượng bạn đọc này cũng sẽ có rất nhiều điểm
khác nhau. Chính vì không biết đối tượng bạn đọc của mình là ai nên nhiều cơ
quan báo chí đã bắt báo giấy đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc báo điện tử.
Kết quả là bạn đọc báo giấy thì không quan tâm nên không mua, còn bạn đọc báo
điện tử thì ung dung mở laptop hay Ipad để đọc mà chẳng phải trả một xu nào cho
cơ quan báo chí cả. Trong khi đó để đáp ứng nhu cầu thông tin thì tòa soạn báo
đã phải huy động cả bộ máy với một nguồn lực tài chính không nhỏ. Kết quả thì
chẳng được bao nhiêu và cứ theo cái đà này thì báo giấy sẽ tiếp tục đi xuống và
báo điện tử chẳng thể đi lên.
Theo con số ước đoán
thì hiện tại toàn bộ TPHCM sẽ nằm trong khoảng 10 triệu người (bao gồm cả dân
thành phố và vãng lai). Đây rõ ràng là một thị trường đầy tiềm năng cho báo
chí. Ấy thế nhưng thực tế thì tờ báo ra hàng ngày có số lượng phát hành lớn nhất
Việt Nam ở vào thời điểm phát hành được cao nhất cũng chưa bao giờ vượt quá nổi
con số 500.000 bản/kỳ. Và nếu cộng tất cả số lượng phát hành của 10 tờ báo lớn ở
TPHCM thì con số phát hành cũng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 01 triệu bản/kỳ,
chỉ bằng 1/10 dân số TPHCM. Nếu cứ trừ đi 50% dân số của Tp.HCM sử dụng báo điện
tử và tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng khác (như
truyền hình, phát thanh…) đi nữa thì rõ ràng khoảng trống trong kinh doanh báo
chí là vẫn còn.
Qua chuyến đi Miền Tây
vừa rồi thì tớ cũng nhận thấy rằng các cơ quan báo chí ở TPHCM đang quá chiều
chuộng bạn đọc ở TPHCM mà quên mất rằng cũng có rất nhiều bạn đọc của họ ở Miền
Đông, Miền Tây, Miền Trung - Tây Nguyên… cũng rất cần thông tin về những gì
đang diễn ra xung quanh họ, có giá trị sát xườn với chính cuộc sống của họ. Đây
cũng chính là "thị trường ngách" có tiềm năng rất lớn nhưng hầu như không
được các báo quan tâm đầu tư.
Vậy kinh doanh báo chí
trong thời gian tới phải như thế nào? Theo tớ cần rõ ràng và rạch ròi giữa báo
điện tử và báo giấy. Bộ phận Báo điện tử phải sản xuất tin bài riêng, hoạt động
kinh doanh riêng và chắc chắn là phải thu tiền người đọc cũng như thu tiền từ tất
cả các trang lấy lại tin bài của mình. Bộ phận báo giấy có thể "bán"
tin bài đã sản xuất cho bộ phận báo điện tử. Mặt khác, có thể tổ chức bộ phận
tòa soạn "độc lập" ở từng khu vực để phát triển "thị trường
ngách" với cái khung là trung tâm thông tin từ tòa soạn chính ở TPHCM.
Và điều quan trọng nhất
là cần phải xây dựng một đội ngũ kinh doanh báo chí thực thụ, tức là biết kinh
doanh, biết làm báo chứ không chỉ biết viết báo.
(Rảnh nhảm thế đã, các bạn có ném đá gì thì em xin nhận tất).
Em thấy báo in hiện nay mà ở TPHCM thì họ đọc chủ yếu là đọc quảng cáo, tìm kiếm thông tin cơ hôi, việc làm, mua bán, kinh doanh, còn báo ĐT thì có đăng quảng cáo ít người đọc quan tâm.
Trả lờiXóa