Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Nghĩ về trí thức Việt Nam

Ý nghĩ về trí thức Việt Nam đến với tớ khi đọc bài viết "Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao" của GS Nguyễn Huệ Chi. Trong bài viết này GS Nguyễn Huệ Chi kể lại câu chuyện ông cùng với bạn bè của ông là các nhân sỹ trí thức (tất nhiên) như GS Phạm Duy Hiển, GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện…đi gặp Bộ Ngoại giao để nghe giải đáp về những kiến nghị mà các trí thức này đã ký gửi Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên cuộc gặp bất thành vì Bộ ngoại giao chỉ mời 04 người trong số 18 người đã ký tên dưới Bản kiến nghị; Bộ Ngoại giao đã không cử người sang tận quán Café Trung Nguyên (đối diện với Bộ ngoại giao) để mời những người đã cùng ký tên vào Bản kiến nghị sang cùng làm việc; Người trả lời những vấn đề kiến nghị là ông Trần Duy Hải - Phó Ban Biên giới - chứ không phải là Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn….

Đọc xong câu chuyện này tớ cảm thấy thật buồn vì những người được gọi là trí thức ở trên đã làm tớ thất vọng. Với tâm huyết cao cả của mình với tinh thần cao thượng của mình như vì dân vì nước, đại diện cho nhân sĩ trí thức của đất nước (mặc dù chả ai nhờ họ đại diện cả)…họ đã ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao phải cung cấp những thông tin về việc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã bàn thảo những gì với Trung Quốc (đấy là tớ tạm gác chưa bàn việc kiến nghị ấy đã hay chưa, đã đúng chưa…). Và tất cả những tâm huyết ấy, tấm lòng cao thượng ấy đã bị chính họ sổ toẹt chỉ với những lý do tầm thường như trên. Và cũng chính những lý do để từ chối cuộc gặp với Bộ Ngoại giao của họ đã cho tớ thấy chính họ cũng thật "tầm thường" và "thực dụng". Cái tôi của họ quá cao, cao hơn tất cả những tâm huyết và tinh thần cao thượng của chính họ. Mặc dù so sánh luôn là khập khiễng nhưng chính những việc họ đã làm ở trên khiến tớ chợt nghĩ đến một sự kiện vừa mới đây được giới truyền thông VN ầm ĩ, dư luận xã hội lao vào mổ xẻ: "Người mẫu Ngọc Quyên nude vì môi trường".

Thay lời kết cái note này, tớ xin dẫn lại ý kiến của một nhà văn nữ đã từng phát biểu về trí thức Việt Nam từ năm 2000:

"Về chủ quan, người Việt Nam không có truyền thống đem cả một dân tộc ra mà tự phê bình. Một trong những lý do vì sao như vậy cũng là ở chỗ, khi người ta đã suốt cả một số phận luôn luôn đội sổ thì lòng tự tin thực sự chẳng còn gì lớn lắm. Ðấy là tôi muốn nói đến một lòng tự tin thực sự, chứ không phải cái thứ tự tin theo kiểu vừa đánh võ mồm vừa run trong lòng, hoặc là thứ tự tin lưu manh, cứ kích nhau lên để hòng vụ lợi cho mình. Rõ ràng là tự phê bình đòi hỏi một lòng tự tin lớn. Tôi cứ nhìn cái cách tự tra vấn mình, tự hành hạ, tự truy tội, tự xỉ vả mình của một dân tộc như dân tộc Ðức này mà phải nhận ra rằng: phải là một dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu đến mức nào mới dám làm cái việc cũng rất ư quí phái là tự phê bình mình như vậy... Vậy dân tộc Việt trọn gói thì không có lỗi gì đáng kể, nhưng một bộ phận, bộ phận đầu sỏ của nó thì bao giờ cũng luôn luôn là đầu mối của mọi tai họa. Bộ phận đó, như chúng ta thường xuyên được nghe nói, bao giờ cũng là chính quyền, là lực lượng thống trị... Lúc thì chính quyền Bắc thuộc, lúc thì là vua quan nhà Nguyễn chịu trách nhiệm, lúc thì chính quyền thực dân Pháp chịu trách nhiệm, lúc thì bè lũ Mỹ-ngụy. Và bây giờ, không có chính quyền nào khác hơn là chính quyền cộng sản, thì chính quyền cộng sản chịu trách nhiệm. Bảo đúng thì tất nhiên là đúng. Nhưng như vậy có kỳ cục lắm không? Chẳng lẽ trước năm 1945 nạn đói xảy ra là do phong kiến thực dân, còn bây giờ nạn đói xẩy ra là do cộng sản hay sao? Chẳng lẽ cái thói chạy chọt, vây cánh, cửa quan, cửa quyền, bợ đỡ... rất nổi tiếng từ thời cụ Ngô Tất Tố cũng tại cộng sản hay sao? Chẳng lẽ văn chương Việt Nam cả một thế kỷ 15 chỉ được một ông Nguyễn Trãi, cả một thế kỷ 16 hầu như cũng toàn nhạt nhẽo và trung bình cả thì cũng tại cộng sản hay sao? Một trong những nhà phê bình văn học sắc sảo nhất của Việt Nam ở hải ngoại, anh Nguyễn Hưng Quốc, hiện là giảng viên của trường Ðại học Victoria tại Úc, cách đây 10 năm có viết một cuốn sách nhan đề Văn Học Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản. Trong đó anh đi tìm câu giải thích cho tình trạng kém cỏi tẻ nhạt của văn học miền Bắc trong những vấn đề của chế độ xã hội chủ nghĩa và hệ thống lý luận mác-xít. Ðiều đó tất nhiên có nhiều phần đúng, nhưng chưa đủ. Những năm sau này anh Nguyễn Hưng Quốc đi đến một nhận xét hết sức khổ tâm là văn học Việt Nam ở hải ngoại tồn tại ở các chế độ dân chủ, tự do, hoàn toàn không phải dính líu đến hệ lý luận mác-xít, hệ kiểm duyệt cộng sản, hoàn toàn không liên quan đến bộ máy tuyên truyền chính trị chính thống, nhưng cái văn học ấy cũng không khá gì hơn, cũng trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và tẻ nhạt. Tất nhiên là tẻ nhạt theo một kiểu khác. Vậy lời đáp nằm ở đâu?

Việc phê phán cái xã hội nghèo đói, loạn tặc, nhiễu nhương, tạm bợ, không có phương hướng ở Việt Nam, tất nhiên có thể gắn với việc phê bình chính quyền lãnh đạo. Thế cái xã hội của người Việt ở ngoài nước, tại cộng đồng hải ngoại, không có mặt sự lãnh đạo của chính quyền cộng sản mà cũng đủ những phẩm tính tương tự thì chúng ta biết phê phán trên cơ sở nào? Rõ ràng có những vấn đề thuộc về văn hoá Việt Nam, những vấn đề nghiêm trọng, không thể qui vào một chính thể, tập đoàn hay đảng phái thống trị nào, nó là những hằng số xuyên suốt cả số phận dân tộc Việt Nam, bắt đầu thậm chí từ Lạc Long Quân, nếu như có ông ấy và bà Ấu Cơ. Và nếu đã mở hồ sơ văn hoá Việt Nam ra mà xét thì có thể nói là ở ngay trang đầu chúng ta đã gặp một thành phần không thể không gặp, đó là trí thức Việt Nam."...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét