Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2007

Entry for March 11, 2007- Bài viết "Nhớ bạn Đồng Đức Bốn" của Nguyễn Huy Thiệp


Nhớ bạn Đồng Đức Bốn



Sinh thời khi còn sống, Đồng Đức Bốn có lần hỏi tôi: “ Văn chương là gì?”. Tôi bảo: “Gần như đạo”. Đồng Đức Bốn quát nhặng lên: “Ông nói chữ, rất khó nghe! Rất khó nghe!”. Tôi bảo: “Đạo rất thường. Tỉ như phụ nữ cũng là đạo, mỗi người phụ nữ đều là một bộ chân kinh”...

1. “Ạ” Sư phụ

Nghe nói thế, mắt Đồng Đức Bốn sáng hẳn lên, ra điều tâm đắc. Sau này, khi viết “Võ lâm ngoại sử” tôi đã dành cho anh cả ba chương lận, trong khi các “anh hùng” khác có người chỉ được một dòng.

Đồng Đức Bốn (giống như nhiều người khác) cho rằng tôi viết nhố nhăng, đùa cợt, khinh thị người đời, song anh lại rất thích nhân vật sư phụ mà tôi miêu tả: “Da hơi đen đen/ Lại hơi tai tái/ Định thần nhìn lại/ Như miếng thịt trâu/ Lún pha lún phún/ Mềm mại tóc râu/ Loà xoà hai mép/ Đen tựa mực tàu/ Môi lớn môi bé/ Chóp chép nhai trầu/ Vui tính hết mức/ Đa cảm đa sầu/ Trán cao hàm bạnh/ Lễ nghĩa trước sau/ Cười nhe cả lợi/ Điên hết cả đầu/ Chỉ ba lạng thịt/ Hoá trăm sắc màu/ Nghìn vàng khôn chuộc/ Đắm chìm khe sâu/ Nghiêng thành nghiêng nước/ Quỷ khóc thần sầu!”

Đồng Đức Bốn bảo tôi: “Đây đúng là bậc sư phụ mà tôi phải “ạ” cả đời!”. Hỡi ơi, các bậc sư phụ còn đó, đạo vẫn còn đây, mà Đồng Đức Bốn nay đã giỗ đầu! Hỡi ơi! Xót thương thay!

2. Lợn hỏi chuyện bò

Trong chuyến đi xuyên Việt cuối cùng với Đồng Đức Bốn, có một người Chăm kể cho chúng tôi nghe về tục thờ bò và chuyện ghen tị của lợn với bò.

Chuyện rằng, một hôm lợn mới hỏi bò: “Này bác bò! Tôi không hiểu sao con người lại bất công và vô lương tâm đến thế? Bác cho họ sữa, tôi cho họ thịt xương. Tại sao người ta thờ bác, cho bác một ngày tế lễ còn tôi lại chẳng có gì? Hơn nữa, hễ mắng nhiếc nhau là họ lại réo là “đồ con lợn?”.

Bò suy nghĩ rồi bảo: “Tôi cho sữa, chị cho thịt xương nhưng khác nhau ở chỗ cách cho của hai chúng ta khác nhau. Tôi cho sữa khi tôi còn sống, còn chị lại cho thịt xương khi chị chết rồi. Sống mà cho nhau thì mới đáng quý đáng trọng, chứ chết rồi mới cho nhau thì cũng bằng không!”. Lợn gật đầu tiu nghỉu.

Nghe xong chuyện Đồng Đức Bốn vỗ tay reo: “Đúng! Đúng!”. Sau đó anh luận đến chuyện phê bình thơ, luận đến chuyện phê bình văn học ở ta. Anh cho rằng những người viết phê bình văn học chỉ biết “ôn cố tri tân”, chỉ biết khen ngợi người chết và dè bỉu người sống mà thôi thì cũng hệt như thế!

Hỡi ơi, Đồng Đức Bốn, anh cũng là “một con bò cho sữa khi đang còn sống”. Còn sống ngày nào thì còn cho sữa. Tập thơ “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” (NXB Hội Nhà văn- 2006 ) của anh là những bát sữa cuối cùng anh dâng cho đời trước khi nhắm mắt. Không ai quên anh! “Chỉ mong ngày ấy mưa to/ Bước chân ai có ngại dò đường trơn/ Tôi về cùng với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi/”.

Hôm đám ma anh trời mưa rất to. Đây là một trong những đám ma đông nhất và gây xúc động nhất ở làng Moi quê hương anh. Hỡi ơi! Xót thương thay!

3. Con vỏi con voi

Nguyễn Huy Thiệp tại góc thơ Đồng Đức Bốn ở Văn Miếu (2006)

Cũng trong chuyến đi xuyên Việt, khi đến bản Đôn xem voi, tôi và Đồng Đức Bốn có nói chuyện với nhau về những đứa con của hai chúng tôi. Anh phàn nàn về sự bướng bỉnh của chúng.

Tôi bảo: “Làm sao được? Vì chúng còn trẻ. Ngày xưa chúng ta cũng thế!”. Đồng Đức Bốn xót xa: “Nhưng những sai lầm của chúng lại không sửa được. Khi chúng nhận ra như tôi với ông thì đã muộn rồi, đã gần đất xa trời!”.

Tôi cười buồn: “Đấy là những bài học đắt giá của nhận thức. Chỉ khi nào cay đắng, vấp ngã, bò lê bò càng người ta mới hiểu được ra. Có một rồi mới có hai, lẽ đời là thế!”.

Đồng Đức Bốn gật đầu: “Đúng rồi! Như con voi này: cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, cái đuôi đi sau rốt. Không thể bắt hai chân sau của nó đi trước được!”.

Sau lần đi xuyên Việt ấy, Đồng Đức Bốn phát hiện ra anh bị ung thư ác tính, còn tôi bắt đầu thấy những dấu hiệu suy tim đầu tiên.

Năm nay lại có người muốn mời tôi đi bản Đôn nhưng tôi từ chối. Hỡi ơi, voi vẫn còn đó, chắc bành voi ta ngồi cũng vẫn còn đây mà Đồng Đức Bốn nay đã giỗ đầu! Hỡi ơi, xót thương thay!

4. Mộ Hàn Mặc Tử

Đáng lẽ ra tôi với Đồng Đức Bốn sẽ đi Nha Trang thăm mộ Hàn Mặc Tử. Từ Đồng Hới trở vào, chúng tôi đã nghe nhiều giai thoại về bậc thánh nhân của thơ Việt này.

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh năm 1912 ở Tam Tòa, theo đạo Kitô, cha là Nguyễn Văn Toàn làm thư ký Thương chính. Khi còn nhỏ, học ở Quảng Ngãi. Năm 1926 theo anh trai vào ở Quy Nhơn. Năm 15 tuổi bắt đầu làm thơ, nổi tiếng trên thi đàn.

Từ năm 1934, Hàn Mặc Tử làm báo ở Sài Gòn. Năm 24 tuổi, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ “Gái quê” lừng danh và cũng là lúc phát hiện ra mình bị bệnh hủi. Một “fan” nữ mới 22 tuổi hâm mộ thi sĩ tên là Mai Đình đã bỏ hết cửa nhà tự nguyện đi vào chăm sóc cho Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử chết ở nhà thương Quy Hòa vào ngày 20 tháng 11 năm 1940 khi ấy mới 28 tuổi.

Khi viết về đời Hàn Mặc Tử nhiều người đã làm thơ, viết kịch hay nói đến nỗi đau khổ của thi sĩ trong khi thật ra phải nói về việc thi sĩ đã chịu đau khổ thế nào. Hai điều này khác nhau: Nói về đau khổ là nói đến sự bất hạnh nhưng nói đến việc con người chịu đau khổ là nói đến lòng can đảm, dũng khí của người ta.

Gần 100 năm trước, một chàng trai sinh ra ở vùng đất cằn, chỉ có một trái tim thật lòng, một mơ ước dâng hiến cho đời. Chàng đã rời quê hương đuổi theo giấc mơ mộng ảo.

Như nhiều người khác, chắc chàng cũng mơ ước công danh, thành đạt, tiền bạc và phụ nữ. Năm 15 tuổi, chàng biến mơ ước ấy thành nguyện ước là làm được cái gì đó (làm thơ?) để cuộc sống có ý nghĩa hơn, để đáng kể là mình đã sống.

Chàng đã dũng cảm vượt qua những nỗi bất hạnh, đau thương, bệnh tật để theo đuổi mơ ước ấy cho đến chết. Chính sự đau khổ và “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đã làm nên thi sĩ, đã làm nên bậc thánh nhân chứ không phải là “những con đường tơ lụa”, những con đường vinh hoa phú quý.

Đó cũng từng là con đường đi của Chúa Giêsu, của Đức Phật, của Khổng Tử, của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử và nhiều bậc “tiểu thánh” khác. “Mục đích của chúng ta là giúp cho mọi người biết đến đấng Tạo hoá và làm cho đấng Tạo hoá được tôn vinh nơi những con người là hình ảnh của Ngài và giống như Ngài”.

Tôi đã được đọc câu ấy ghi trên bia mộ của một bậc thánh nhân thuở xưa. “Con đường của bậc thánh cũng là con đường của Đạo, của các nhà thơ, của Hàn Mặc Tử từng đi”. Tôi đã nói với Đồng Đức Bốn như thế.

Anh ngậm ngùi bảo tôi: “ Thế thì khó quá, khổ quá! Tôi muốn noi theo nhưng chắc tôi không theo được! Muộn quá rồi!”. Nói xong câu đó, Đồng Đức Bốn quyết định không đến thăm mộ Hàn Mặc Tử nữa, anh nằng nặc đòi quay về.

Tới Hải Phòng, anh đãi tôi món sò huyết tuyệt hảo ở nhà hàng đặc sản Thái Bình Dương. Món sò huyết rất ngon nhưng tôi không hợp nên ăn đau bụng. Đó là lần cuối cùng tôi và Đồng Đức Bốn “tiệc tùng” với nhau. Thoắt cái mà đã 2 năm rồi. Hỡi ơi, thương xót thay!

5. Ranh giới của nhận thức

Hơn 10 năm nay, trưa mồng 2 Tết nào nhà tôi cũng làm cơm đãi bạn bè thân thiết, trong đó phần đông là văn nghệ sỹ. Sinh thời Đồng Đức Bốn cũng hay lặn lội từ Hải Phòng lên dự. Tính anh ham vui, thích chiều bạn.

Tết năm nay vắng Đồng Đức Bốn, hầu hết bạn bè của tôi đều ngậm ngùi nhắc đến anh với niềm thương cảm.

Trong câu chuyện đầu năm, nhà văn Nguyễn Việt Hà và họa sỹ Lê Thiết Cương có nói với tôi về nghi lễ phong thánh bên đạo Kitô. Khi một người được thụ phong Hồng y, ngoài các tiêu chuẩn thông thường người ấy phải chứng minh được rằng trong cuộc đời mình đã từng làm ra phép lạ.

“Luật sư của quỷ” là người đứng ra phản biện. Ranh giới giữa ngày và đêm, giữa hay dở, thiện ác, thường nhân và thánh nhân đôi khi rất khó phân biệt. Phép lạ chính là giải pháp cuối cùng.

Trong quy luật nhận thức, bóng tối và ánh sáng đối lập cũng giống như bờ Mê với bến Giác, giống như đêm với ngày. Ranh giới phân biệt ở đây chính là lòng từ bi hỷ xả, nhân ái bao dung đối lập với sự oán thù nhỏ nhen.

Chính điều này làm nên phép lạ. Sống giữa ban ngày mà trái tim trĩu nặng thì vẫn là chìm trong đêm tối. Văn học- với chức năng đặc biệt của nó- là nghề nghiệp duy nhất chỉ nói về tính nhân đạo, sự bao dung và lòng chẳng nỡ.

Có người nói hay, người nói không hay, thậm chí có người nói ngọng. Khi không còn thơ, không còn văn học, khi các nhà văn không được tôn vinh thì đấy là dấu hiệu cho thấy xã hội đang suy đồi, nhân tính mất đi.

Đồng Đức Bốn đã từng là một nhân vật quái kiệt, hoang đường lạ lùng trong làng văn nghệ ở Việt Nam ta. Anh cũng đã nhận ra ranh giới phân biệt giữa thường nhân và thánh nhân, giữa người dưng và “người giời” nhưng tiếc thay, do những cơ duyên nào đó mà phép lạ đã không diễn ra.

Trước khi mất, Đồng Đức Bốn đã dũng cảm đấu tranh với tật bệnh và anh đã dốc hết sức lực đời mình cho thơ. “Hồn thơ lục bát ra đi/ Xin người ở lại sống vì nhau hơn”.

Đó là lời di chúc cuối cùng mà anh để lại cho người đời. Ngày Đồng Đức Bốn buông bút về giời ngẫu nhiên trùng với ngày Thánh Valentine 14 tháng 2, ngày lễ Tình yêu. Hỡi ơi, thương xót thay!

Tôi xin thắp một nén nhang lên mộ anh, người bạn thơ mà tôi yêu quý với lòng thương xót từ đáy lòng tôi.

Mồng 3 Tết Đinh Hợi

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

(Nguồn: Báo Tiền Phong Online)


1 nhận xét: