Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào và Biển Đông

Bài viết này được copy từ FB cá nhân Nguyen Thanh Tuan


Tháng 1-2011, chỉ vài tiếng trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Gates tới Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc chào đón ông bằng việc bay thử máy bay tàng hình J-20, một chương trình vũ khí bí mật mà Bắc Kinh  vẫn giấu từ lâu. Một động thái khoa trương sức mạnh rõ ràng trong bối cảnh quan hệ hai bên còn căng sau vụ bán vũ khí cho Đài Bắc
 
Điều ngạc nhiên là khi ông Gates đưa chuyện này ra trong cuộc gặp, Hồ Cẩm Đào tỏ ra hoàn toàn bất ngờ và không có câu trả lời. Các quan chức dân sự đi cùng HCĐ cũng hoàn toàn nín lặng và ngạc nhiên về thông tin này (vụ thử tiến hành ở Thành Đô).
 
Vụ việc có thể coi là cú vỗ mặt của giới quân sự với Hồ Cẩm Đào, người hiện giữ chức chủ tịch quân ủy Trung Ương – về lý thuyết phải nắm được toàn bộ quân đội. (Cần nhớ đó là thời điểm chỉ cách một tuần trước khi Hồ Cẩm Đào lên đường thăm Mỹ). Một cách hiểu khác thì các lực lượng cứng rắn trong quân đội Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong các chính sách an ninh và đối ngoại. (Một số quan chức Mỹ cho rằng phe quân sự cáu tiết việc Hồ Cẩm Đào ép bộ quốc phòng phải xuống thang trong quan hệ với Lầu Năm Góc nên cố tình chơi vố này vì ông Gates là khách mời của HCĐ).
 
Đây không phải lần đầu quân đội Trung Quốc tự tung tự tác. Năm 2007, chính quyền Bush nói họ không thể lấy được phản ứng ngoại giao của Bắc Kinh sau vụ bắn hạ vệ tinh ngoài không gian bằng tên lửa. Các nhà lãnh đạo hàng đầu, kể cả ông Hồ Cẩm Đào, đã không được báo trước về vụ thử tên lửa từng dấy lo ngại về cuộc chạy đua vũ khí trong không gian này.
 
GS Joseph S.Nye Jr. của ĐH Harvard và một cựu thứ trưởng quốc phòng đều cho rằng chuyện ông Hồ Cẩm Đào không biết về vụ thử máy bay là bình thường vì “Quân đội Trung Quốc thường hoạt động độc lập hàng ngày mà không cần thông qua các cơ cấu chính trị.” Ngay từ kì đại hội trước, dù tiếp tục làm Tổng bí thư, ảnh hưởng chính trị của Hồ Cẩm Đào không đủ mạnh để kiểm soát quân đội như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân hay trước đó là khủng long Đặng Tiểu Bình.
 
Xung đột Biển Đông vì vậy có nhiều xung lực phức tạp. Trung Quốc đang trước thời kỳ Đại hội đảng và giống như VN, đây là thời điểm để các phe phái tung ra các chiêu đòn để lấy vốn chính trị. Các gây hấn ở Biển Đông, thậm chí là đụng độ, lấy thêm vài hòn đảo sẽ là ván bài chính trị để một số nhân vật tăng thêm uy tín chính trị của mình trước đại Hội. Với phe quân đội, đã có những chỉ trích nhất định là tàu sân bay mà họ đang sắp hoàn tất có chất lượng không tốt. Một cuộc chiến ở biển Đông, nhất là chiến thắng, sẽ giải tỏa chỉ trích này đồng thời giúp họ thêm bánh của ngân sách năm tới.
 
Như các trường hợp kinh điển thì đối ngoại vẫn là sự tiếp nối của đối nội. Một cuộc chiến ở Biển Đông có thể giúp đánh bớt dư luận khỏi các vấn đề đang nóng như nhân quyền,  phân biệt giàu nghèo, lạm phát, hacking với Google,…Một cuộc chiến có thể kích thích chủ nghĩa dân tộc đồng thời giải tỏa sức ép chính trị nội bộ.
 
Nhìn tổng thể, đây là thời điểm thích hợp nhất để Bắc Kinh tiến hành các hoạt động bành trướng. Họ đang mạnh lên như lũ Hoàng Hà và cần mở rộng khu vực ảnh hưởng. Ở bờ kia Thái Bình Dương, Washington đang ở thế yếu, vướng mình trong ba cuộc chiến (Iraq, Afghanistan-Pakistan, Libya) và có quá nhiều vấn đề nội bộ phải đương đầu.
 
Thông điệp hồi tháng 7 năm ngoái của Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định mối quan tâm của Mỹ tới Biển Đông làm nhiều người VN khấp khởi mừng. Có thể thấy rõ báo chí VN cố đưa đậm các thông tin Bộ trưởng quốc phòng và các tướng lĩnh Mỹ tuyên bố về Biển Đông. Điều chúng ta cần hiểu hơn là đây chỉ là những tuyên bố chính trị. Nước Mỹ hiện tại thực tế không có khả năng đưa quân tham gia them vào bất cứ cuộc chiến nào. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Obama phải nhanh chóng rút quân trong cuộc không kích Libya chỉ sau hơn một tuần (do sức ép trong nước).
 
Vấn đề lớn nhất của nước Mỹ hiện tại là vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách – một phần rất lớn vì chính hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Chủ đề nóng bỏng nhất ở Capitol Hill mấy tuần nay (và mùa hè này)  là việc đàm phán tăng hạn mức nợ (ý nghĩa vụ tăng hạn mức nợ này là việc chính phủ Mỹ có thể tiếp tục bán trái phiếu, vay tiền để vận hành nền kinh tế). Theo dõi các bạn sẽ thấy chính quyền Obama yếu thế đến đâu. Nước Mỹ vẫn rất hùng cường nhưng sức mạnh của họ đã bị thu nhỏ rất nhiều so với cái áo siêu cường chúng ta từng biết.
 
Trung Quốc chính là đối thủ lớn nhất của nước Mỹ trong thế kỉ này nhưng thời điểm này, Mỹ đang bị trói tay bởi các mục tiêu ngắn hạn cấp thiết hơn.
 
Cần tỉnh táo hiểu VN đứng rất thấp trong ưu tiên đối ngoại của Mỹ (tôi không nghĩ là chúng ta lọt vào top 15). Chúng ta đã có những kinh nghiệm đau thương với Liên Xô và Trung Quốc thời kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu sau giải phóng. Đã đến lúc chúng ta phải thật sự nghĩ mình sẽ tự đứng trên đôi chân của mình thế nào trước cường quyền.
 
Và cũng cần tỉnh táo hiểu rằng, giống như Trung Quốc, căng thẳng ở biển Đông giúp ta tạm quên đi những nguy cơ kinh tế chùng lại, lạm phát, HỜ RỜ,…Trong cuộc chơi chính trị, chúng ta vẫn luôn chỉ là những con cờ.

4 nhận xét:

  1. :) Có hai ý mới mẻ chưa xuất hiện trên các diễn đàn.
    Thanks anh.

    Trả lờiXóa
  2. Em lai tuong Ho Cam Dao gia ngay de do loi cho he thong chu viec Ho Cam Dao ko biet hoi vo li...

    Trả lờiXóa
  3. Tông đồng ý với anh. Trung quốc bây giờ như quả bóng đang bơm gần đầy và nó cần phải chiếm thêm chỗ để nở to. Nhưng liệu có khi nào nó sẽ nổ...?

    Trả lờiXóa
  4. trung quoc rat tham hiem luon gay su truoc voi vn.vi vay minh phai canh iac

    Trả lờiXóa