Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Bong bóng

Truyện ngắn của VƯƠNG KIM THÀNH

1. Anh bất ngờ nhận được tin dữ từ bộ chủ quản: Việc chọn anh thay cho Tổng giám đốc Công Ty Hưng Thịnh chưa chắc đã thành. Tổ chức phân vân vì anh chưa có kinh nghiệm quản lý. Anh là cục phó chỉ phụ trách 3 người, trong khi công ty có đến 500 con người. Anh vẫn được nhìn như một công chức thuần tuý. Ở vị trí ấy, năng lực chuyên môn và khả năng kinh doanh của anh hoàn toàn chưa được thể hiện. Nỗi lo của những nhà tổ chức là có cơ sở. Liệu anh có đủ sức đảm đương gánh nặng mà tổng giám đốc cũ Hưng Thịnh bàn giao? Nghe nói việc anh có nhận chức hay không phụ thuộc rất lớn vào cuộc bỏ phiếu thăm dò tại văn phòng bộ.

Anh nhẹ người. Vậy là vẫn có cơ để cứu vãn. Không phải tổ chức không có lý nhưng làm sao biết anh đủ năng lực hay không khi nhiệm vụ chưa giao? Cờ vào tay ai, người ấy phất. Thời thế sẽ tạo anh hùng. Anh tự tin vào khả năng của mình. Trước khi anh chính thức được đưa vào danh sách tuyển chọn, nhiều người bạn khuyên anh: “yếu thì đừng ra gió”. Có người mạnh mồn hơn còn đe: Hưng Thịnh là đất dữ. Cậu muốn hạ cánh an toàn thì giữ chặt cái ghế Cục phó vào. Về Hưng Thịnh biết đâu cậu chẳng “thân bại danh liệt”. Nhưng anh sợ gì? Chiến tranh chết chóc còn chẳng doạ nổi ai, huống hồ làm kinh doanh. Anh được cử theo dõi các doanh nghiệp nhiều năm, trong đó có Hưng Thịnh làm ăn có hiệu quả. Nhưng không hiếm các doanh nghiệp, ôm khư khư bầu vú sữa bao cấp của nhà nước mà có lờ lãi bao nhiêu đâu? Có doanh nghiệp còn lỗ triền miên. Tiếp quản Hưng Thịnh là anh tiếp quản một cơ ngơi đã được trải thảm đỏ, có gì phải lo ngại?

Vậy thì phải đánh tan sự hoài nghi về năng lực quản lý của anh. Muốn thế, cần tạo ra một sự kiện để thu hút sự quan tâm của dư luận, mục tiêu chính là các quan chức trong Bộ. Với mối quan hệ với giới truyền thông anh dễ dàng tổ chức một bài báo phỏng vấn anh về một vấn đề kinh tế nóng. Dịp may trời cho, trong khi tìm cách khắc phục suy thoái, các chuyên gia lần đầu tiên đặt vấn đề tái cấu túc nền kinh tế đất nước. Cậu đệ tử của anh ở một tờ báo uy tín đã thuyết phục được Ban Biên tập. Cậu lập tức được anh mời thực hiện cuộc phỏng vấn. Mọi chi phí do anh lo. Cái danh nghĩa “chuyên gia kinh tế” mà bài báo phong cho anh cộng với nghệ thuật PR của nhà báo có tên tuổi, trên một tờ báo lớn đã làm lãnh đạo Bộ quan tâm. Cú đánh tỏ ra ép phê. Các nhà tổ chức dường như yên tâm hơn. Vấn đề còn lại là thuyết phục các thành viên khác trong cơ quan Bộ. Đã chắc chắn có một cục trưởng, hai cục phó khác và có thể là cả thứ trưởng ủng hộ anh. Các thành viên khác chắc không khó khăn nếu anh vận động hành lang tốt. Cần thiết, có thể chi phí tốn kém cũng được. Vợ anh, một người rất rành về vụ chạy chọt nơi quan trường bảo, người ta còn chi cả vài tỷ cho một chức danh. Chị bảo anh đừng lo tiền. Đây là một vụ phi đầu tư chắc chắn có lời và khuyên anh lập tức bay ra Hà Nội vận động.

2. Thật ra, anh vốn là người an phận thủ thường. Lên đến chức cục phó, tưởng không còn gì để ước mơ nữa. Có ước mơ cũng viển vông. Anh là cục phó phụ trách phía Nam, không còn đủ quỹ thời gian để tranh chức cục trưởng. Nhưng làm cục trưởng chắc gì đã hơn? Cục phó, tướng ngoài biên ải như anh không hẳn không danh giá. Nhiều doanh nghiệp trong cơ quan Bộ ở phía Nam rất nể trọng anh. Xuất hiện với tư cách long trọng viên ở các hội nghị. Nói vài câu trong lễ lạt. Tham gia cắt băng khánh thành. Đời sống kinh tế thì khỏi bàn. Vợ anh là chủ nhân mấy khách sạn kinh doanh hái ra tiền. Hai đứa con, một du học Pháp, một du học Mỹ. Nhìn lên tuy chưa thể bằng ai nhưng nhìn xuống chẳng mấy ai bằng mình. Có lúc anh đã tự nhận mình là người sung sướng.

Song ý thức tự thỏa mãn chỉ có khi không có cơ hội. Những dích dắc của cuộc đời như với cú va đập cực mạnh như những viên bida đã xáo trộn nếp suy nghĩ bình yên của anh. Việc Tổng giám đốc Hưng Thịnh nghỉ hưu và gợi ý của một quan chức “sao cậu không tranh cử” đã đánh thức khao khát tưởng đã chôn chặt tận đáy lòng anh. Nó như con sóng ăn chìm bất chợt sống dậy. Anh quyết định thử thời vận của mình bằng việc vận động một suất ứng viên. Chưa hẳn anh ham ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh. Cái chính là anh muốn chứng tỏ con người mình. Sao người ta làm được mà anh không làm được ? Anh có kém cạnh gì ai đâu. Vả lại, cũng phải đánh tiếng cho tổ chức biết, việc xếp anh chức cục phó là sai lầm khi anh có thể làm hơn thế. Anh chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Niu tơn. Ông nói gì nhỉ ? “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên”. Ai biết đâu, sự nghiệp cuối đời anh sẽ danh giá gấp bội so với phần đời nhạt nhẽo trước đó. Sẽ có những phút huy hoàng thực sự chứ không phải ngồi gặm nhấm thứ vinh dự hão huyền với cái chức cục phó hữu danh vô thực của anh. Điểm tựa ấy, rất có thể là cái ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh.

Ngay khi quyết định ra tranh cử, anh biết mình đã lựa chọn đúng. Anh phát hiện ra một khả năng chưa từng thấy ở trong con người mình. Hóa ra anh cũng có khả năng vận động, thuyết khách. Có thể là nhờ cái vẻ bề ngoài đĩnh đạc của anh. Có thể là ở cái bộ tóc chải bóng láng, đen mun trời cho: 57 tuổi mà chẳng thấy một sợi tóc bạc nào, không phải nhờ một sự can thiệp của thuốc nhuộm. Nhưng cái chính là nhờ khả năng, mà một ông “vua cửa sau” phải bái phục tài “lốp bi chính trị của anh”. Cũng không ai biết là còn cái gì khác hay không. Chỉ biết, sau nhiều lần, bàn bạc xem xét của cấp trên, người được đề cử duy nhất chỉ còn một mình anh. Khả năng ấy đã được phát huy hết mức trong cuộc vận động cuối cùng. Chẳng hiểu bằng tuyệt chiêu nào, anh đã thuyết phục được các cán bộ cốt cán cơ quan Bộ trong cuộc bỏ phiếu quyết định. Phần thưởng cuối cùng là xứng đáng. Anh trở thành Tổng giám đốc đời thứ 7 của công ty Hưng Thịnh.

3. Người xưa bảo “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Giàu vì bạn, với anh không biết có đúng không, nhưng sang vì vợ là chuyện ai cũng biết. Chị là bà chủ kinh doanh tài ba nhưng cũng là người vợ rất yêu thương chồng. Chị chăm lo cho anh từng ly từng tí. Nhưng có lẽ vì quá yêu nên chị quản lý chồng hơi chặt. Người ta đồn ngày nào đi làm về, chị cũng ngửi cổ áo chồng xem có mùi son phấn lạ không và kiểm tra cả túi áo, túi quần lẫn ví. “Đàn ông nhiều tật lắm. Có tiền trong túi dễ sinh hư” chị bảo thế. Khi có người hỏi, sao chị cho anh mỗi ngày vài chục ngàn, chị cười “tiêu vặt thôi. Nếu tiếp khách, ảnh chỉ cần gọi điện, em sẽ chi”. Nhưng anh chẳng bao giờ mời ai. Mà có mời, bố bảo bạn bè cũng chẳng dám đi. Không ai dám bảo đảm rằng, chuyện chủ chi của chị không gây khó cho cuộc sống gia đình anh. Chị là người nổi tiếng chặt chẽ về tiền bạc. Đó là lý do hồi còn làm cùng cơ quan, anh chẳng bao giờ biết lương mình bao nhiêu và đồng lương tròn méo thế nào.

Những chuyện như thế không làm anh buồn dù đã thành câu chuyện làm quà của bạn bè và nhân viên cơ quan. Anh là người vốn vô tư. Thậm chí tự nhận mình là hội trưởng hội sợ vợ. Anh sợ vợ mình chứ sợ vợ hàng xứ đâu. Anh bảo cả nhà anh gọi chị là gấu mẹ vĩ đại. Anh kể, có lần anh hỏi con: các con có biết chuyện người đẻ ra sư tử không? Bọn trẻ tròn mắt: bố chỉ bịa, làm gì có chuyện người đẻ ra sư tử? Ai bịa? Không tin bọn con đi hỏi bà ngoại xem. Bà đẻ ra không chỉ một mà đến mấy sư tử Hà Đông, trong đó có mẹ các con.

Đó chỉ là chuyện đùa cho vui. Nhưng có chuyện thật một trăm phân trăm. Mà chuyện ấy ai hỏi anh chỉ đỏ mặt cười. Không ra nhận cũng chẳng ra không. Đó là lần anh đi công tác Hà Nội dài ngày. Căn phòng khách sạn làm ăn liên thông với chị, được kiểm tra thường xuyên. Chị điện thoại cho anh một ngày mấy lần. Khi thì hỏi anh ăn uống ngủ ngê ra sao, khi thì nhắn nhe công việc mua sắm. Có một hôm chị gọi điện không theo quy luật. Lúc ấy có một cô gái tới thăm. Anh xin lỗi vào rửa mặt trong phòng tắm. Nghe tiếng chuông điện thoại reo, đang phân vân không biết có nên nhấc máy hay không, cô gái bỗng giật bắn người khi anh từ toa-lét lao vụt ra như một mũi tên. Trên người chỉ độc một chiếc quần đùi, giọng thều thào như người tắt thở: “Đừng nghe, đừng nghe. Chết rồi!”. Bạn bè bảo anh nể chị và chị là thần hộ mệnh của anh. Giang hồ còn đồn vống lên rằng chức cục phó của anh cũng một tay chị sắp xếp. Bây giờ là ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh. Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời đồn đại ấy, nhưng những ngày ấy chị bay ra bay vào như con thoi giữa Hà Nội-Sài gòn. Biết đâu, trong phi vụ này, chị chẳng đóng vai trò kiến trúc sư ?

4. Cú ra chiêu ngoạn ngục của vợ chồng chị đã đem lại kết quả ngoài sức tưởng tượng. Vấn đề bây giờ là củng cố thành quả. Không thể ngồi gặm nhấm vinh quang. Giành được ghế đã khó, bảo vệ ghế sẽ khó hơn là thế. Chuyện làm ăn của Hưng Thịnh vẫn đi trong đường ray, không phải lo lắng gì. Anh chỉ không an tâm với việc quảng bá thương hiệu của công ty. Nhiều người khuyên anh đừng khuyếch trương. Họ bảo hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng anh không nghĩ danh tiếng chỉ nhắm vào chất lượng sản phẩm mà có được. Phải có nhiều phương thức đưa công ty vào những hoạt động được xã hội và dư luận quan tâm. Hoạt động từ thiện cũng là hoạt động có thể quảng bá thương hiệu.

Quyết định mua bức tranh 10 tỷ của anh làm xôn xao dư luận. Danh tiếng Hưng Thịnh bỗng nổi như cồn. Cũng có ý kiến ở công ty bàn ra tán vào. Nhưng bức tranh bán đấu giá công khai trong chương trình văn nghệ trên truyền hình nên không ai nói gì được. Chuyện lãng phí tiền bạc cũng không thể đặt ra. Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung là lý do tuyệt vời khóa mồm những người nhiều ý kiến. Bức tranh do họa sĩ ít trên tuổi vẽ, nhưng bù lại có chữ ký Thủ tướng. Bức tranh sau đó đã được treo trang trọng ở hội trường công ty, không chỉ thể hiện lòng hảo tâm mà minh chứng cho trách nhiệm xã hội một đơn vị kinh tế có tầm cỡ như Hưng Thịnh tiếp tục ủng hộ những phong trào xã hội khác.

Được lời như cởi tấm lòng. Anh đã có tấm vé thông hành để bước vào hành trình mạ vàng tên tuổi nhờ hoạt động phi sản xuất. Hình như con đường này có vẻ ngắn hơn, tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Ý nghĩ ấy củng cố quyết tâm của anh. Với sự môi giới của một người bạn, Tổng biên tập một tờ báo lớn, phối hợp với Hội Nhà văn, anh quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ sáng tác về đề tài chiến tranh”. Hôm ra mắt quỹ, báo chí đăng tin rùm beng. Vị tướng, tư lệnh quân khu đến dự đánh giá cao những ý tưởng của anh. Rằng đây không chỉ là hành động có ý nghĩa về văn hóa, góp phần kích thích một đề tài sáng tác đang bị lãng quên. Những hoạt động sau này chỉ là chuyện tự nhiên nhi nhiên. Trong đó có quyết định tài trợ cho cuộc thi “Bộ đội cụ Hồ”. Mà, khi trao giải cuộc thi, xuất hiện trên truyền hình, được hỏi vì sao Hưng Thịnh tài trợ cho một đề tài quan trọng nhưng ít người quan tâm, anh xúc động suýt muốn khóc. Anh bảo anh luôn nhớ công lao của những người lính, những người đã chiến đấu hết mình vì độc lập tự do. Anh tài trợ cuộc thi vì anh luôn cảm thấy mình còn món nợ chưa trả với những người nằm xuống.

5. Những chương trình xã hội liên tục có thiên hướng văn hóa không chỉ vinh danh Hưng Thịnh. Tên tuổi anh, Tổng giám đốc cũng thường xuyên được nhắc đến trên báo chí. Cậu đệ tử đã viết một bài báo, cao hứng gọi anh là “Tổng Giám đốc yêu văn học”. Cái tít báo đã thành danh. Nhưng anh đâu chỉ là người yêu văn học. Anh vốn là môn đệ của nàng thơ đã in 2 tập thơ ở hai nhà xuất bản mặc dù nó chìm nghỉm trên văn đàn. Bây giờ, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà văn, giấc mơ nghệ sĩ vốn nằm trong máu cứ lớn dần lên. Anh không dấu diếm là mình đã từng khát khao trở thành thi sĩ. Nhưng thơ lúc đó chỉ là thú vui nhàn tản những lúc trà dư tửu hậu. Trở thành nhà thơ là mơ ước bất khả thi. Còn bây giờ? Con đường trở thành “nhà” đang nằm trong tầm tay. Anh có công cụ trong tay. In tập thơ quá dễ, chỉ cần có tiền. Viết bài ủng hộ đăng trên các báo cũng không khó khăn. Anh đủ khả năng tổ chức một đêm thơ, có sự ủng hộ của giới truyền thông. Chỉ cần tranh thủ thêm tình cảm của các quan chức trong Hội. Tiền lệ đã có. Nhiều Tổng Giám đốc không nổi tiếng trong kinh doanh mà nổi tiếng trong văn chương. Bộ anh đã từng có một Thứ trưởng đã được kết nạp vào Hội nhà văn mấy năm trước. Tiếc là ông đã bị...

Cái thú văn chương oái ăm thay, đã làm tiêu ma bao nhiêu sự nghiệp, vẫn có sức quyến rũ như bị ma ám. Mới đây khát khao có cuốn sách để đời của một Tổng Giám đốc đã làm hại chính ông. Cuốn “Từ đứa trẻ chăn trâu thành Tổng Giám đốc” của ông trở thành trận cuồng phong thổi bay cái ghế tưởng vững như bàn thạch. Ông Thứ trưởng, hội viên Hội Nhà văn, vốn là một Tổng Giám đốc danh giá một thời cũng mất chức vì văn chương. Các cụ xưa bảo “lập thân tối hạ thị văn chương” liệu có liên quan gì đến các sự kiện đó? Nhưng anh không lập thân bằng văn chương. Với anh, văn chương chỉ là chức danh cộng thêm cho cuộc đời thêm sang trọng. Cái danh ấy, anh cũng không giành nó cho riêng mình. Hưng Thịnh sẽ danh giá hơn với những hoạt động văn hóa ít doanh nghiệp nào bì kịp. Chất lượng văn hóa Hưng Thịnh sẽ là đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của công ty. Nó sẽ nâng hoạt động của Hưng Thịnh lên một tầm cao mới, tầm cao của nhân văn. Đó chính là cái gốc của một nền sản xuất bền vững. Đấy cũng là lý do anh quyết định làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn. Cái ý nghĩa về một danh thiếp ghi Nhà thơ - Tổng Giám đốc làm anh sung sướng đến mụ cả người.

6. Con đường vào văn chương tưởng dễ ăn hóa ra cũng không kém chông gai. Có khi còn khó hơn việc anh vận động cho chức tổng giám đốc. Bốn lần xét đơn là bốn lần anh tất tả chạy ngược chạy xuôi mà cuối cùng chờ đợi ê chề trong thất vọng. Anh kinh ngạc vì hình như đây là một thế giới khác hẳn. Họ không giống giới quan chức hành chính mà anh quen. Trong quan trường, hứa như đinh đóng cột. Những cuộc vận động hành lang, vì vậy, dễ đoán định kết quả hơn. Còn ở đây, anh bất lực, chẳng bao giờ biết cánh nhà văn nghĩ gì. Những cuộc tiệc tùng sau thi của các ban giám khảo, có anh, đều rất vui vẻ, thân thiết nhưng không để lại một dấu ấn nào trong các cuộc bỏ phiếu. Hình như ở đây: câu có tiền mua tiên cũng được lại hóa câu tổng kết sai của người xưa. Không có những cuộc ký kết trên bàn nhậu như giới kinh tế. Khi anh đặt vấn đề, người ta gật gù và cười rất tươi, nhưng khi bỏ phiếu anh rớt vẫn hoàn rớt. Chưa lần nào tên anh vượt qua cuộc bỏ phiếu dù chỉ ở mức Hội đồng.

Nhưng anh còn làm gì được? Sách đã đưa ra hết trơn rồi còn đâu. Anh uất đến nghẹn lòng khi nghe thiên hạ đồn rầm, hội đồng không bỏ phiếu vì bảo thơ con cóc. Mọi nỗ lực của anh vận động đăng bài quảng bá trên báo, tổ chức đêm thơ hoành tráng và lập quỹ “hỗ trợ sáng tác đề tài chiến tranh” hóa ra là công toi. Vậy phải ra chiêu gì? Hay như câu nói đùa của một anh bạn: Cậu phải kiên trì, học thuộc câu thơ “Chầm chậm đến mình” của Trúc Thông. Trời chắc không phụ người có công. Không lẽ cách duy nhất, như mọi người nói, là mỏi mòn chờ đợi một phép màu?

Khổ nỗi anh không quen há miệng chờ sung. Anh lần tìm hiểu quy trình xét kết nạp hội viên của Hội nhà văn. Hóa ra bỏ phiếu không chỉ khó ở cấp Ban Chấp hành. Vượt qua cấp hội đồng mới là chuyện nan giải và Ban Chấp hành có muốn cũng chẳng cách gì can thiệp được. Ở đây, mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một gu thẩm mỹ riêng không giống ai. Tác động được người này, chưa chắc đã tác động được người kia. Họ cũng chẳng quan tâm đến việc các nhà báo phê bình hay tán dương. Họ luôn có quan điểm nhận định riêng của mình. Họ thích những đột phá sáng tạo. Đó chính là trở ngại lớn nhất của những cây bút không chuyên như anh. Cuối cùng anh đành tìm đến một mẹo vặt mà một bậc đàn anh truyền cho. Anh muối mặt tìm gặp từng vị trong hội đồng: Tôi thì chắc không đủ phiếu rồi. Nhưng xin anh thương bỏ cho một phiếu danh dự để đỡ tủi thân. Mẹo vặt ấy đã lừa được các vị trong hội đồng, đem lại thành công cho bậc đàn anh. Còn với anh? Chết đuối đành bám cọng rơm thôi. Chỉ mong là cọng rơm mỏng manh sẽ không chìm.

*
* *
Thông tin về kết quả bỏ phiếu được chuyển tới lúc anh đang họp Ban Tổng giám đốc. Ai biết đâu chuyện làm ăn của Hưng Thịnh đang ngon trớn là thế bỗng đi xuống một cách bất ngờ. Vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế? hay vì anh quá mải mê chạy theo việc đánh bóng thương hiệu, bỏ bê chuyện kinh doanh? Cũng có thể là cả hai. Đó là cú đòn đau đầu tiên mà anh phải nếm trải từ sau khi nhận chức Tổng Giám đốc. Nhưng làm ăn là chuyện lâu dài, còn rất nhiều cơ hội để sửa sai. Kết quả bỏ phiếu ở hội đồng thơ mới là đòn choáng váng thực sự. Anh bỗng cảm thấy không gian ngột ngạt như không còn không khí để thở. Trước sự ngơ ngác của cả Ban Tổng giam đốc, Anh hấp tấp đứng dậy mở cửa bước ra sân.

Sự thật không thể tin được. Hơn 600 đơn xin vào hội, các hội đồng chọn được 131, chuyển lên chấp Ban chấp hành. Hội đồng thơ chọn 39 người nhưng không có anh. Nghe nói cái mẹo vặt của anh đã bị các thành viên hội đồng phát hiện. Họ đồng loạt gạch tên anh. Số phận bọt bèo của lá đơn đã được quyết định. Anh thẫn thờ ngồi ngấm nháp cái vị đắng chát của thất vọng và rùng mình khi nghĩ rằng cánh cửa của Hội nhà văn, không chỉ đóng lại mà có thể sẽ vĩnh viễn đóng lại. Anh bước đi như người mất hồn, có cảm giác mình đang bước vào một không vô tận và trống rỗng.

Ngoài đường, trời Sài Gòn đang mưa.

(Nguồn: Tạp chí Thế giới PR)

1 nhận xét: