Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Câu chuyện phiên âm trên báo chí

Gần đây thấy chị Cầm họ Phan (nhưng tên đệm đếch phải là Lương) và bác Hà Nguyên cứ "gầm gừ" cái vụ phiên âm trên báo chí. Tớ thì không phải chuyên gia về ngôn ngữ học nên cũng chả dám lạm bàn nhiều nhưng theo tớ thì sẽ cần phải có một sự đầu tư nghiêm túc về thời gian và công sức thì mới có giải pháp khả thi. Không chỉ đơn giản bê nguyên chữ Tây mà xong bởi có những thứ chữ Tây rắc rối như giun như dế, chả nhẽ cứ lấy bọn Anh bọn Mỹ làm chuẩn? Rồi còn cách đọc cho bà con nhà ta nữa chứ....cũng rắc rối phết đấy ạ. Tớ nhớ là lâu lâu rồi có bài của bác Danh Đức viết về vụ phiên âm mà giờ tìm lại không được. Thôi thì post tạm cái bài "Loạn phiên âm" của bác Minhlq lên đây để các bác thấy cái sự phức tạp của phiên âm.

LOẠN PHIÊN ÂM

Trong bối cảnh không có chuẩn nào về phiên âm, may lắm thì có vài cơ quan báo chí ra quy định riêng (tuy không phải lúc nào cũng được các biên tập viên nghiêm chỉnh thực thi). Hình như các cơ quan “chính thống” như TTXVN, báo Nhân Dân hay Quân đội Nhân dân thì “chơi” kiểu phiên âm có gạch nối, các báo khác thì cứ nguyên chữ Tây mà... phệt.

Nguyên tắc chung là thế, nhưng ngay như trong đại bản doanh của TTXVN chúng tớ cũng mỗi ban mỗi kiểu. Chẳng hạn tin dịch của Ban Tin Kinh tế thì cứ để nguyên tên riêng, còn tin dịch “phổ biến” của Ban Thế giới thì khá quán triệt vấn đề phiên âm, tuy nhiều khi nghe hơi tức cười vì... ứ thống nhất tí nào, thậm chí nhiều khi còn sai. Lin-zi với Lin-xi (Linsey), Tếch-dát với Tếch-dớt (Texas), Ca-li-pho-ni-a với Ca-li-phoóc-ni-a (California) là những cái lỗi quá vặt, nhỏ như con thỏ. Ngay cả khi phiên âm tương đối đúng thì nhiều chữ nhìn thật ngô nghê: Đê-la-oe, Gơ-ri-phít, Tờ-ri-pô-li, Chư-cư-ba, Kếp Thao chẳng hạn. Hic, hic...

Không ít người kêu gọi giữ tiếng Việt trong sáng và phất cờ kêu gọi thực thi triệt để trong cả “khoản” phiên âm. Nghe thì cũng hợp lý bởi xét tình hình dân trí chung, nếu cứ để Vajpayee, Chicago, Chrysler... thì quá bằng đánh đố bà con. Nhìn loáng thoáng thì không sao, bảo đọc lên thì ối người tắc tị. Ngay cả chúng ta, tự dưng có người hỏi “Chicagô” hay “Sicagô,” “Đilân” hay “Đailân” mới đúng thì chắc cũng mất kha khá thời gian suy tưởng. Nhưng nói cho mà biết là sẽ có nhiều rắc rối kèm theo: Ví dụ điển hình là lâu nay chúng ta quen gọi “nước Mêhicô” nhưng cái thành phố quỷ quái lại là “Mexico City”, chẳng lẽ bây giờ phiên âm ra là “Mêhicô Xiti.” Không được! Và thế nào cũng có người hỏi: “Cùng một chữ Mexico, tại sao lúc thì phiên là x, lúc thành h.” Tịt ngòi luôn? Chưa kể là cùng 1 chữ nhưng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc phiêm âm khác nhau – nghe người Nhật nói thế (chữ “Lee”), chưa được ai xác nhận lại điều này – thì càng hóc búa hơn.

Mà không phải là TTXVN chúng tớ không có người thích để nguyên chữ Tây, mỗi tội là người thì thích dùng tiếng Anh, kẻ lại ưa tiếng Pháp. Vậy mới chết dở! Tưởng Eltsine là ai, hóa ra ông béo Yeltsin, Cisjordan thì thật ra ta vẫn gọi là Bờ Tây sông Jordan. Nhiều vị vẫn nhất quyết viết là Iraq hay Israel tuy anh em đều viết là Irắc và Ixraen.

Phiên âm như TTXVN lâu nay có ổn không? Có một chức năng của tin TTXVN là cung cấp cho đài truyền hình và phát thanh, và thực tế rõ ràng là nếu không phiên âm thì nhiều đồng nghiệp xướng ngôn viên không biết đọc thế nào. Nhưng nếu chỉ để phục vụ tầng lớp “ngại nhìn chữ Tây” thì trong thời buổi hội nhập quốc tế hiện nay, tin của chúng ta sẽ đầy những Gơ-rin-xpan, Gô-ran-xơn, Van Nít-xtơ-roi, Che-ni trông thật lủng củng. Và nhiều chữ phiên âm xong trông... lạ hơn để nguyên.

Thêm vào đó, tiếng Việt hiện đại không dùng dấu gạch nối trong một chữ. Bây giờ chẳng ai viết Hà-nội hay Hải-phòng như hồi đầu thế kỷ trước. Từ phiên âm tiếng nước ngoài nói chung cũng thế, trừ tin phổ biến của TTXVN phát ra và tin trên báo Nhân dân. Đến 85-90% những chữ để gạch nối như vậy chỉ tổ làm cho dài dòng. Bỏ quách đi là hay nhất. Nhưng cũng phải nói luôn là trong cái hay cũng có cái dở: những chữ phiên âm có nhiều nguyên âm cạnh nhau mà không có gạch nối thì thế nào cũng bị đọc nhầm. Đêlaoe mà lại đọc thành “đê-lao-e”, Xuraoan thành “xu-rao-an” thì hỏng, Boócneo mà lại thành “boóc-neo” thì... teo.

Vậy để nguyên chữ Tây có phải là phương án khả thi? Xem ra số đông các báo đang theo cách này - khỏi cần suy nghĩ, cứ nguyên chữ của Tây mà “choảng”. Nhưng thực ra không đơn giản chút nào vì khó có thể thống nhất lấy tiếng Anh hay tiếng Pháp làm chuẩn. Kể ra vài chữ cho chư vị tranh cãi nhé: nên viết là Palestin hay Palestine, Thủ tướng Qorei hay Qureira, Tổng thống Kaddafi, Khadafi, hay Qadhafi? Ngay như tên riêng đã quá quen lâu nay như Mátxcơva cũng bắt đầu bị bỏ để viết bằng Moscow, nhưng có người lại thích viết thành Moscou thì... giết người ta à?

Thôi thì đề ra quy định nước nói tiếng Anh thì viết chữ tiếng Anh, nước nói tiếng Pháp thì theo chữ tiếng Pháp vậy, nhưng những nước dùng ngôn ngữ khác, nhất là những thứ tiếng như giun như dế thì “làm thế nào đây hả Giời.” Chẳng nói đâu xa, chữ Tây để viết tên các bác cao cấp bên Lào thì ít ra đã quen, nhưng mấy cái xã, huyện nhỏ hay hợp tác với Việt Nam và phải đưa tin thì viết thế nào, nếu không tự tin thì kiểm chứng với ai? Quá mệt!

Nếu tên riêng nào cũng như là chữ “Iran” thì tốt quá, khỏi phải cãi nhau, mỗi một kiểu viết. Nhưng đã không được như thế thì phải tìm ra một con đường chung khả dĩ. Xét cho cùng, mỗi tờ báo không có cách nào khác là phải làm một cuốn Style Guide để ít nhất thì cũng thống nhất trong phạm vi tờ báo của mình: như thế nào thì phiên âm, phiên âm như thế nào. Đương nhiên, việc lập ra các tiêu chuẩn nội bộ cũng không thể phớt lờ những gì đang phổ biến bên ngoài. Nhiệm vụ bất khả thi – song vẫn phải làm./.

(Nguồn: VJ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét