Tháng 3/1953, Stalin qua đời, Beria nhân cơ hội sáp nhập Bộ An ninh quốc gia vào Bộ Nội vụ, miễn chức của Krulov (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và Ignatev (Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia), tự nắm Bộ Nội vụ, từ đó bị bắt, cuối năm xử bắn. Sau đó, Khrusov thành lập bộ máy mới là KGB, tên gọi là "Ủy ban An ninh quốc gia" chuyên trách các nghiệp vụ an ninh quốc gia là tình báo, phản gián, bảo vệ, an ninh chính trị quốc nội và bảo vệ biên giới. KGB trên danh nghĩa chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, nhưng trên thực tế chịu sự kiểm soát của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thực tế là chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho nên KGB trùm lên cả Chính phủ Liên Xô, trên cả quân đội, trên cả tổ chức Đảng, thực chất là một quốc gia trong quốc gia, chính quyền trong chính quyền, nên được gọi là "Siêu Bộ".
Ở Liên Xô, KGB mở hơn 200 trường đào tạo, đều là những "thành đặc vụ", không có ghi trên bản đồ. Có 7 trường loại lớn, đó là:
"Kaduma" nằm ở đông nam cách Kubyshev khoảng 200 km, trường chia thành các bộ phận: Anh, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi.
"Chitaitskaia" ở phía nam Yarkusk khoảng 75 km, gần hồ Baical, giáp biên giới Liên Xô - Mông Cổ, trường chia thành các bộ phận Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.
"Prakhovka" ở đông bắc thành phố Minsk khoảng 70 km, trong trường chia làm mấy bộ phận: bộ phận Bắc là 4 nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan); Tây Nam là bộ phận Hà Lan; Nam là Thụy Sĩ và Áo; Đông Nam là Đức.
"Sukivnaia" cách Chicalop 110 km, chuyên huấn luyện gián điệp quốc gia ngữ hệ Latinh gồm: Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp.
"Ostodonaia" phía đông Khabarovsk 105 km, huấn luyện điệp viên Liên Xô ở các nước châu Á khác ngoài trường Chitaitskaia.
"Novaia" ở tây nam Tasken khoảng 90 km, đối phó với các nước châu Phi.
"Suidonaia" ở đông nam thành phố Tula khoảng 85 km, chuyên nhằm vào các nước Đông Âu, gồm: bộ phận Tây Bắc là Tiệp Khắc; Bắc là Ba Lan; Nam là Rumania; Đông Nam là Albania và Nam Tư.
Tiền thân của KGB vốn là “Ủy ban đặc biệt trấn áp phản cách mạng và lãn công” được thành lập ngày 20/12/1917, gọi tắt là "Che ka". Lúc đó chủ yếu là để đối phó với những hoạt động bạo loạn, gây rối, phá hoại và ám sát của bọn cựu sĩ quan quân đội Sa hoàng và giai cấp tư sản. Về sau căn cứ vào tình hình thay đổi và nhu cầu của cuộc đấu tranh, tên gọi và chức trách của bộ máy "Che ka" cũng thay đổi nhiều lần: tháng 2/1922 được đổi thành Cục bảo vệ Chính trị Bộ Nội vụ, tháng 11/1922 tách khỏi Bộ Nội vụ; đổi thành Tổng cục Bảo vệ Chính trị; tháng 7/1934 đổi thành Tổng cục An ninh Quốc nội, lại sáp nhập vào Bộ Nội vụ; năm 1942 lại tách ra độc lập, mở rộng thành Bộ An ninh Quốc gia; tháng 6/1942, Bộ An ninh Quốc gia nhập với Bộ Nội vụ, đồng thời thành lập riêng bộ phận trừ gian làm công tác phản gián, trấn áp phản cách mạng và bọn Nga gian hàng Đức (còn có tên là Cục Diệt gián điệp); tháng 4/1943, Bộ An ninh Quốc gia lại tách khỏi Bộ Nội vụ, cho đến khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ 2.
Tháng 10/1946, nhân việc Mỹ rậm rịch thành lập Cục Tình báo Trung ương, Liên Xô hợp nhất toàn bộ các bộ phận đặc vụ tình báo đối ngoại trong bộ máy Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và cả Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội, thành Ủy ban Tình báo Trung ương thống nhất, hùng mạnh thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1952, Ủy ban Tình báo Trung ương lại giải tán, các thành viên thuộc bộ nào lại về bộ cũ, làm việc theo chức năng riêng. Tháng 3/1954, căn cứ vào tình hình ngày càng nghiêm trọng của cuộc chiến tranh lạnh Xô - Mỹ, Khrusov lên nắm quyền sau khi Stalin qua đời, đã lệnh cho các ngành Đảng, Chính quyền, Quân đội điều các cán bộ nòng cốt, tổ chức ra Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, gọi tắt là KGB do Tchelov làm Chủ tịch đầu tiên. KGB là một bộ máy công tác đặc vụ được thành lập có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người, cơ quan tổng bộ hơn 1 vạn người, nhân viên các ngành tình báo, phản gián và trinh sát kỹ thuật, phân bố trong và ngoài nước hơn 20 vạn người, còn có 30 vạn bộ đội biên phòng, đầy đủ các quân chủng hải, lục, không quân. Tổng quân số của bộ máy này vượt quá 50 vạn người, tổng kinh phí hàng năm tới 110 tỷ USD, nên người ta gọi nó là “khủng long” trong bộ máy công tác đặc vụ thế giới. Căn cứ vào Điều lệ Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, nhiệm vụ của KGB là:
1. Làm công tác tình báo, gián điệp đối ngoại, gồm cả những hoạt động đặc biệt như ám sát, lật đổ, phá hoại và tuyên truyền kích động.
2. Phụ trách công tác phản gián trong nước, gồm theo dõi, giám sát người nước ngoài đến Liên Xô, kiểm soát các ngành trọng yếu của chính phủ và quân đội.
3. Đấu tranh với những phần tử có chính kiến khác, các phần tử dân tộc ly khai, các nhân vật tôn giáo hoạt động ngầm, gồm cả những hoạt động khống chế giám sát làm mất danh dự, đưa vào bệnh viện tâm thần, bỏ tù, bắt lao động cải tạo.
4. Bảo vệ an toàn cho những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gồm cả cử bảo vệ tiếp cận chuyên trách cho những người lãnh đạo từ Ủy viên Bộ Chính trị trở lên, bảo vệ các chính khách quan trọng nước ngoài đến thăm.
5. Giám sát và kiểm soát thông tin liên lạc, gồm bảo đảm an toàn cho thông tin mật mã trong nước, và kiểm soát thu nghe, mã thám mật mã thông tin nước ngoài.
6. Bảo vệ đường biên giới quốc gia của Liên Xô.
7. Chấp hành các nhiệm vụ đặc biệt mà Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giao cho.
Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, KGB đã lập ra 4 Tổng cục (tương đương cấp bộ), 7 cục quản lý và 5 phòng độc lập. Bốn tổng cục là:
* Tổng cục 1 phụ trách công tác tình báo đối ngoại, dưới có 4 cục, 3 văn phòng và 16 phòng.
* Tổng cục 2 quản lý công tác phản gián, chống lật đổ trong nước, dưới có 3 cục nghiệp vụ, 8 phòng nghiệp vụ và 8 phòng khu vực.
* Tổng cục 3 chủ quản bộ đội biên phòng, dưới có Bộ Tư lệnh, Cục Hậu cần, Cục Hải quân, Cục Không quân, phòng Nghiên cứu kỹ thuật biên phòng. Tổng cục này có 30 tổng đội lục quân, 7 đội tuần tiễu hải quân 5 liên đội không quân, tất cả tới 30 vạn người.
* Tổng cục 4 là Tổng cục Cảnh sát Mật, làm nhiệm vụ “trấn áp mọi phần tử phản động và những hoạt động phản động trong nước và đến từ nước ngoài”. Nó là quả tim của ý thức hệ KGB, chuyên hoạt động chống chiến tranh tâm lý. Dưới có 9 cục đánh số thứ tự từ 1 đến 9, ngoài ra còn có một số phòng trực thuộc.
* Bảy cục quản lý gồm: Cục Quản lý Quân đội (Cục 3); Cục Quản lý Kỹ thuật (Cục 6); Cục Theo dõi Giám sát (Cục 7); Cục Quản lý Thông tin (Cục 8); Cục Quản lý Cảnh bị (Cục 9); Cục Quản lý Hành chính và Cục Quản lý Nhân sự.
* Năm phòng độc lập gồm: Phòng Điều tra vụ việc đặc biệt; Phòng Phân tích kinh nghiệm hoạt động; Phòng Thông tin quốc gia; Phòng Bảo vệ; Phòng Đăng ký hồ sơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét