Nếu chỉ tính các chuyến đi thẳng Bảo Lộc rồi về lại Tp.HCM thì lần này là lần thứ 3 lên Bảo Lộc. Mỗi lần đi là một lý do khác nhau, nhưng có lẽ lần thứ 2 là lần đặc biệt ấn tượng nhất.
Tự nhiên đi về muốn Note mấy ý chợt thấy và nghĩ trên đường:
- Đi Bảo Lộc lần đầu là khi vừa mới chân ướt chân ráo vào Tp.HCM. Gặp ông bà (họ hàng bên ngoại) ở Đề Thám, ông bà kêu lên nhà Bảo Lộc có giỗ, thế là xin nghỉ phép đi, ở trên đó 3-4 ngày mới về. Cảm nhận đầu tiên là không khí cực kỳ trong lành, nhà ông bà nằm trong khu vườn rộng trồng sầu riêng và cafe. Bà bảo hồi bà mua chỉ có 1 cây vàng/1 mét ngang, khu này mua hết 45 cây, chạy dài tới tận bờ suối. Trong khu đất đã có sẵn 01 căn nhà gỗ 3 gian của chủ cũ để lại. Chơi quanh nhà chán thì lại lấy xe đạp chạy lên chợ xem người ta buôn bán. Nhớ lời của một ông chú: "Muốn xem chỗ mình đến làm ăn thế nào chỉ cần ghé xem chợ buôn bán ra sao". Chợ Bảo Lộc lèo tèo, chẳng có gì nhiều để bán và để mua.
- Lần thứ 2 lên Bảo Lộc là một lần đặc biệt. Khoảng 10h đêm xuất phát từ Tp.HCM, đi xe khách lên đến chợ Đa Hoai là hơn 2h sáng. Xuống đến nơi tìm mãi mới có chỗ ngủ trọ, phòng trọ là một căn phòng cấp 4 cho thuê tồi tàn, mờ mờ ánh đèn. Ngủ được đến 5h lại phải dậy đi làm. Ngồi vất vưởng đến 10h tối thì lại bắt xe khách ngược về Tp.HCM. Gần 4h sáng mới về đến Tp.HCM, 7h30 vẫn đi làm bình thường!
- Ông mất. Bà bảo đưa ông về trên nhà ở Bảo Lộc để chôn. Vườn cây giờ đã bị chặt đi nhiều dành đất cho 01 căn biệt thự nửa mùa. Căn nhà gỗ được đưa lùi về gần bờ suối. Loáng thoáng chỉ còn vài cây sầu riêng. Bà bảo xây nhà ở Bảo Lộc là tính để ông bà về nghỉ ngơi tuổi già, nhà ở Thành phố cho thuê hết. Nhà xây xong chưa đầy năm, ông mất. Đưa ông đi chôn trên đồi, đếm được hơn chục căn nhà treo biển rao bán nhà, bán đất. Cảm giác nhà cửa xây nhiều hơn, chẳng thấy vườn cây xum xuê như ngày lên Bảo Lộc lần đầu. Đất trống, đồi núi trọc đi nhiều. Giờ mới để ý thấy dân ở đây trồng cây 3 lớp: Lớp trên trồng sầu riêng; lớp giữa là trồng cafe xen, còn lớp dưới cùng là trồng chè.
- Chẳng hiểu sao có suy nghĩ lạ. Nhìn đám tang và tự hỏi: chắc rằng mỗi người dự cái đám tang này đều sẽ có một lý do riêng, một suy nghĩ riêng. Nhưng chưa chắc rằng tất cả sẽ đều đau buồn vì sự ra đi của một người đã chết. Nhìn quanh vài người thân trong gia đình và thắc mắc không biết họ nghĩ gì nhỉ? Hình như từ đám tang của một người chết đã gợi ý cho rất nhiều tác phẩm văn học ra đời. Quả thật, nếu đi sâu phân tích tâm lý của từng người trong một đám tang chắc rằng sẽ có rất nhiều tình huống và điển hình tính cách nhân vật cho một câu truyện hay.
Tháng 4/2009
(Entry này đã đăng trên Facebook, nay đăng lại trên blogspot).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét