Trong entry “Tiễn Đưa Tổng biên tập” của mình blogger Osin đã rất khéo léo khi chỉ nêu 1 vế - TBT Lê Hoàng – nhưng vẫn khiến người đọc nhận ra bóng dáng của TBT Công Khế ở đâu đó thấp thoáng trong sự so sánh đối xứng. Với entry này Osin đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích nặng nề từ phía các blogger nói chung và các blogger trong làng báo nói riêng. Việc ra đi của 2 TBT này đã được khéo léo “đánh động” trong dư luận từ rất sớm, thông tin “nhiễu” về sự ra đi cũng vì thế mà tăng lên. Ở góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ dù gì đi nữa thì entry này cũng đã đem lại cho người đọc thông tin - còn việc tiếp nhận và xử lý thông tin ra sao là tùy vào điều kiện thông tin và hoàn cảnh tiếp nhận thông tin của mỗi người. Việc ra đi của TBT Lê Hoàng, theo tôi, không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình hoạt động của báo Tuổi Trẻ mà có khi lại làm cho anh Lê Hoàng cảm thấy vui vì được ra đi một cách “anh hùng” như các đời TBT trước. Cái đáng sợ ở báo Tuổi Trẻ bây giờ là sự tự mãn với những gì mình đang có và đã có…sẵn sàng đổ hết trách nhiệm “chất lượng đi xuống” của tờ báo cho những lý do ...vì “cơ quan quản lý” - Điều ấy đúng nhưng không đủ. Việc ra đi của TBT Công Khế theo tôi là cần thiết. Phải thừa nhận anh Khế đã rất giỏi khi thay thế anh Huỳnh Tấn Mẫm chèo lái báo Thanh Niên từ một tờ Bản tin Tuần San vượt lên thành một trong 2 tờ báo có khối lượng bạn đọc lớn nhất cả nước và ảnh hưởng sâu rộng đối với bạn đọc. Nhưng hình như anh Khế đã quá say men chiến thắng của mình và trở thành một người độc tài, gia trưởng. Báo Thanh Niên cũng vì thế mà trở nên có hơi hướng…giật lùi.
Việc ra đi của 2 TBT báo Thanh Niên đáng nhẽ ra phải được thực hiện ngay khi có kết quả của phiên tòa xét xử nguyên 2 nhà báo và 2 cựu sĩ quan, tuy nhiên có lẽ do e ngại vì sẽ gây sốc cho dư luận nên các cơ quan quản lý Nhà nước mới lui việc này lại để thực hiện sau. Về mặt nguyên tắc thì đây là việc làm tất yếu bởi lẽ 02 nhà báo đều có án (ít thì 06 tháng tù treo, nhiều thì 2 năm tù ngồi) chẳng nhẽ các TBT lại vô can? Cũng phải thừa nhận rằng trong năm 2008 các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những biện pháp “siết lại” đối với báo chí từ những văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí…cho tới những biện pháp mạnh như khởi tố và truy tố. Việc tiếp tục đưa ra các văn bản quản lý là cần thiết, việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động của báo chí cũng là cần thiết nhưng đây là việc phải làm hàng năm chứ không phải “dồn ép” vào thực hiện trong 01 năm. Tất cả những sự việc này cho thấy sự lúng túng và xơ cứng của các cơ quan quản lý đối với hoạt động của báo chí nói riêng và quản lý thông tin hiện nay. Sự lo ngại đối với hoạt động “bung ra” của báo chí trong tình hình hiện nay quả là điều cần thiết, nhưng để giải quyết những vấn đề của báo chí nói riêng và quản lý thông tin nói chung hiện nay phải cần có một chiến lược dài hơi (không phải là cái Chiến lược phát triển thông tin đến 2010 của Bộ VHTT nay là Bộ TT&TT đâu nhá) chứ không phải là những liệu pháp tức thì. Điều phải thực hiện ngay để nâng cao chất lượng báo chí hiện nay là nâng cao trình độ cho phóng viên, giúp cho họ những kỹ năng cơ bản nhất của nghề báo mà ở trường báo chí đã không dạy, hoặc đã dạy “chay” lý thuyết mà thiếu thực hành. Chỉ có như vậy thì sự ra đi của 2 TBT mới thực sự có ý nghĩa.
Nhiều người chắc hẳn cũng đang băn khoăn: Tiếp sau những vụ việc xử lý như trên thì báo chí sẽ đi theo hướng nào? Có thay đổi gì lớn chăng? Tôi cho rằng sẽ chẳng đi đến đâu cả và sẽ cũng chẳng có thay đổi gì lớn cả. Việc thay đổi nhân sự TBT của 02 tờ báo lớn chắc chắn đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý những người làm báo nhưng rồi nó cũng sẽ qua, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Các phóng viên và các nhà báo lại sẽ tiếp tục lao vào săn tin, săn bài như họ đã và đang làm hàng ngày. Tất cả mọi sự thay đổi lớn đều có những dấu hiệu báo trước và đều phải dựa trên những cái nền cơ bản. Báo chí Việt Nam hiện tại chưa có được cái nền ấy và cũng chưa hề chuẩn bị cho sự ra đời của cái nền ấy! Mặc dù trong làng báo đã và đang âm thầm có sự thay đổi về hình thức, nhưng về bản chất những con người làm báo vẫn chưa được nâng tầm cho sự thay đổi. Làng báo Việt Nam sẽ còn phải vật vã ít nhất 05 năm nữa…may ra…
Ủng hộ b�i n�y! D� c� nh�n t�i ko đồng � với � kiến phải thay anh Khế!
Trả lờiXóa