Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2007

Cái bàn nơi góc quán dưới tàn cây

Như bài học về tình bạn và sự quen nhau mà con chồn đã dạy cho Hoàng tử bé, tôi đến gần chỗ ngồi bên cạnh gốc cây. Bắt đầu bằng buổi sáng những trái sapôchê nhỏ xíu rơi loay quanh mặt đất. Phía trước là một mái hiên lúp xúp những tán khế xanh và líu ríu sẻ nâu. Ngồi ở đây, có khi chẳng nói chuyện gì, chỉ nhìn bầy sẻ nhảy nhót cũng thấy vui. Phải ngồi đúng góc ấy mới phát hiện ra mình quan sát được nhiều người. Phải ngồi một lần và nhờ cô chủ quán mở cho nghe bài hát mình thích. Và từ lần ấy về sau, mỗi lần đến 27, lại thấy mình được nghe: “Đôi ta chỉ có một mùa hè thôi…”, được nghe “Chiều trên phá Tam Giang…”. Chỉ còn biết nở một nụ cười cám ơn cô chủ quán đã không tình cờ.

Chỗ ngồi ấy đôi khi có một người gầy gò, ốm yếu, nhìn vào ông chỉ thấy một đôi kiếng nâu to. Ông thường ngồi lặng lẽ hút thuốc. Đó là dịch giả Lê Khắc Cầm, người bị bác sỹ cấm hút thuốc. Ở nhà buồn và bị các con “canh phòng cẩn mật”, ông Cầm trốn con ra 27 hút thuốc cùng bạn bè rồi đi xem ôm về. Chỗ ngồi ấy, nhớ ông họa sĩ Đinh Cường mang một ba lô to chậm rãi nhìn vào xem có bạn bè mình không mới vào. Bàn bè ngồi cùng nhau, nhắc lại những ký ức về những ngày lũ lụt ở Huế cùng ông Lê Khắc Cầm chèo thuyền bẹ chuối đi uống cà phê. Quán cũng bập bềnh những chiếc bàn. Người cũng bập bềnh vừa giữ lấy cái bàn có ly cà phê vừa giữ lấy chỗ ngồi. Và cả hai người đều không biết bơi

Nơi ấy – lần đầu tiên tôi bước qua vách ngăn lạnh lẽo thông thường của họa sỹ Bửu Chỉ khi tình cờ nhìn thấy chiếc bật lửa có khắc những chữ la-tinh kỳ lạ: “Mea culpa, mea culpa, mea maxia culpa”. Hỏi ra mới biết đó chính là kinh cáo mình của đạo Công giáo: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Một năm sau, không ngờ chính góc quán ấy, một buổi chiều cuối năm, những người bạn già trầm ngâm cùng nhau, rót một chén rượu dưới đất, nhớ Bửu Chỉ - nhân ngày giỗ đầu.

Tôi không thường đến 27. Những lần đến có khi gặp người lạ, có khi gặp người quen. Có khi chỉ là những người quen mặt nhau và ngoài ra không biết thêm được điều gì. Có một lần tôi gặp ở đây một người lạ. Người lạ ốm, hiền từ, giản dị và dễ gần. Tôi ngạc nhiên khi biết người lạ đó là chủ nhiệm một tờ nhật báo lớn ở Sài Gòn trước 1975. Ông nói chuyện bằng vẻ từ tốn của mình. Tất cả những mảnh chuyện vụn được ông kể bằng giọng điệu đầy trìu mến, dù chúng đã thuộc về 30 năm trước. Mãi đến sau này tôi mới biét ông nhiều bệnh lắm, và có thể ra đi bất cử lúc nào. Thế mà tuyệt nhiên không hề thấy một chút bi quan, sợ hãi nơi ông ngoài sự điềm tĩnh lạc quan và nhẹ nhàng đón nhận.

Chưa thấy ngày nào mà chỗ ngồi bên gốc cây vắng khách. Những người bạn đến và đi. Người có mái tóc giống bờm sư tử vẫn lắc lắc cái bờm của mình đều đặn ngồi ở đấy buổi sáng trước khi đi làm. Không cố ý chờ ai, không cố ý đợi ai. Nhưng những cuộc gặp mặt bao giờ cũng là những niềm vui. Chiếc bàn ở đó theo thông lệ được xếp lại khi không có người tóc bờm và bạn bè mình. Thế rồi ngày nọ, người tóc bờm vào quán và thấy chỗ ngồi quen có ai đó đang ngồi – hẳn là cậu bé phục vụ mới chưa quen nên đã xếp chỗ cho khách lạ. Người tóc bờm hãy còn đang đứng tần ngần chưa biết làm sao thì người khách của chiếc bàn kia đã đứng dậy xin lỗi và trả chỗ ngồi quen lại cho bác.

Đã biết bao người ngồi nơi ấy đã đi xa mãi như nghệ sĩ Hoàng Thư, đạo diễn Bùi Sơn Duân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bửu Chỉ, bao nhiêu người làm khách viễn phương như Vương Đức Lệ, Đinh Cường lâu lâu ghé về thăm một lần…

Vậy có nghĩa là “văn phòng liên lạc” dưới gốc cây của cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu Q3 đã được công nhận rồi chăng ?!

Trần Lê Sơn Ý
(SaiGon City Life 3/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét