Thứ Ba, 17 tháng 10, 2006

Xem Phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông…rồi Xuân”


Mời các bạn xem một bài viết giới thiệu về bộ phim "Xuân, Hạ, Thu, Đông...rồi lại Xuân" (tựa đề tiếng Anh là Springs, Summer, Fall, Winter...and Springs):

Mở

-Phim màu Hàn Quốc (Sony Pictures Classics), dài 103 phút;

-Xếp loại R (có cảnh khỏa thân, làm tình…);

-Nói tiếng Hàn Quốc với phụ đề Anh ngữ;

-Đạo diễn : Kim Ki Duk.

-Kỹ thuật và quay phim (Cinematographer/ Cameraman): Baek Dong Hyeon. Phim được dàn dựng và quay tại Hồ Pusan là một hồ nhân tạo có trên 200 năm, phía Bắc tỉnh Kyungsang.

-Thành phần tài tử và diễn viên: Sư ông (Oh Young Soo). Chú tiểu trải qua bốn chặng đường thế hệ: tiểu (Kim Jong Ho) – thiếu niên (Sae Jae Kyung) – thanh niên (Kim Young Min) – Sư trung niên (đạo diễn Kim Ki Duk). Cô gái đẹp ở lứa tuổi chín muồi của dậy thì, mang bệnh trầm uất (Ha Yeo Jin).

Kim Ki Duk là một đạo diễn tự học, nhưng đã chứng tỏ tài năng qua 7 cuốn phim đủ loại. Năm 2000 với phim “Hòn Đảo” (The Isle) đã tạo sự chú ý của giới thưởng ngoạn điện ảnh quốc tế tại đại hội phim quốc tế ở Venise. Phim “Địa chỉ vô danh” (Address unknown) 2001 là một phim chính trị về cuộc chiến Hàn quốc năm 1950, đã làm cho ông trở thành một đạo diễn lừng danh ở nước ông. Và năm nay 2004, phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông.. rồi Xuân” – là một bài thơ tuyệt tác, một bản kinh Bát Nhã Ba-la-mật.

Đi Vào Nội Dung Phim:

--Xuân

Image

Một ngôi chùa nhỏ nổi lên giữa mặt hồ rộng, cách chừng 100 thước có cổng chùa vẻ hai vị Hộ pháp đứng hai bên cánh cửa. Chung quanh rừng cây thâm u. Mùa Xuân về cây cối xanh tươi, mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Bầu trời trong, nắng nhẹ. Đêm xuống, những ngọn đèn cầy trong chùa thắp sáng, nhìn từ xa như một viên kim cương khổng lồ giữa đêm rừng u tịch.

Có hai thầy trò, sáng tối cùng nhau kinh kệ. Có hôm cả hai cùng chèo thuyền nan lên rừng hái dược thảo đem về làm thuốc chữa bệnh cho chúng sinh. Trong những giây phút nhìn Sư chèo thuyền, lòng chú tiểu tràn ngập yêu thương…

Ngoài việc học Sư tụng kinh, gõ mõ, tiểu còn học Sư về cách chèo thuyền, biết nhận dạng những cọng lá dược thảo nào là tốt nên giữ, lá xấu bỏ đi.

.........................

--Nhân chi sơ tánh bản thiện ?

Image

Ở lứa tuổi lên bảy, lên tám, tiểu thể hiện bản năng của một đứa bé thích vui đùa, ngỗ nghịch. Do vậy, tiểu có thể làm việc “ác” vô tư lự như bắt cá rồi dùng sợi dây cột cục đá nhỏ quấn vào mình cá, xong thả xuống dòng suối bắt cá lội. Bắt con ếch, làm tương tự rồi thả xuống nước bắt ếch bơi. Bắt rắn quấn vào đầu sợi dây cột đá, bắt rắn bò. Nhìn những con vật khốn khổ này cố bơi, cố chống chọi với dòng nước, cố trườn mình tới, tiểu cười thỏa thích. Sư Ông bắt gặp, đứng nhìn trộm vài phút rồi lắc đầu bỏ đi.

Tối đến, tiểu ngủ say. Sư Ông dùng dây cột quanh mình chú tiểu với một phiến đá to cỡ bằng cái đầu chú. Sáng ra, tiểu thức giấc đứng dậy bước ra sân trong sự khó khăn, xiêu vẹo rồi ngã nhào xuống sàn.

Thấy vậy, Sư Ông hỏi chú tiểu :

“Con khổ sở vì cục đá quấn vào thân lắm phải không?”

“Dạ Bạch thầy, có” Chú tiểu đáp.

“Vậy con đã làm tương tự cho rắn, cá, và ếch phải không?”

“Bạch thầy, phải ạ”

“Con thử đứng dậy rồi bước đi xem sao!”

Với phiến đá còn đè nặng trên lưng, tiểu đứng dậy loạng quạng vài bước rồi ngã nhào lần nữa.

“Con không thể đi được Sư Ông à” Chú tiểu nhăn nhó nói.

“Như thế những con vật mà con hành hạ, làm sao chúng chịu thấu hỡ con?” Sư Ông nói.

“Bạch thầy, con đã làm việc sai trái”

“Vậy thì con phải đi tìm những con vật kia để tháo dây cho chúng, xong rồi ta sẽ tháo dây cho con. Nhưng nếu có con vật nào bị chết, con sẽ mang nặng cục đá vào TÂM con suốt đời” Sư Ông truyền lệnh.

Chú tiểu vâng lời, với phiến đá cột sau lưng vất vả trở lại chỗ ngày hôm qua đã đùa nghịch. Tìm thấy cá, cá đã chết. Tìm thấy ếch, may thay nhờ bản năng thích ứng môi trường sống của nó, ếch còn sống. Ếch được tháo gỡ dây, phóng mình vượt theo dòng suối. Nhưng con rắn không đủ sức trườn mình lên phía trước, rắn bị dập dầu vào các mũi đá nhọn, máu me lênh láng, nằm chết. Thấy rắn chết, chú tiểu nức nỡ khóc trong cảm xúc của một đứa bé. Vậy là, trong bản năng của đứa bé -ngoài mặt ác vô tư lự, tiểu còn mang tính thiện. Thiện/ Ác là hai mặt đã đeo đẳng trong con người, từ lúc ý thức chưa được phát triển.

--Hạ

Rồi bao mùa Xuân đi qua, mùa Hạ đến. Chú tiểu đã trở thành một thiếu niên. Ở vào lứa tuổi 17 dậy thì, một hôm vào rừng hái thảo dược, tình cờ tiểu chứng kiến hai con rắn trong hốc đá đang quấn quít làm tình. Một phát hiện mới của tiểu ở cõi trần gian này: có đực thì có cái, có dương thì có âm. Âm Dương giao hòa.

..........................

--Nhân duyên trùng ngộ !

Một sáng mùa Hạ, chú tiểu chào đón người mẹ dẫn theo con gái đến chùa nhờ Sư chữa trị cho chứng bệnh “trầm uất” (“spriritual ill” –là thứ bệnh thời đại : ‘depression/ anxiety v.v…’). Đưa tay đỡ cô gái xuống thuyền, chú chợt bàng hoàng với lần đầu tiếp cận bất ngờ giữa âm dương, một sóng điện cảm len vào da thịt.

Giữa chốn cô liêu tĩnh mịch ấy, âm và dương thu hút nhau như một quy luật tự nhiên của trời đất. Chiếc cầu thời gian nối hai miền cảm xúc; chú tiểu và cô gái chia xẻ những cảm nhận mới về nụ cười và sự âu yếm lạ. Như một buổi, cô gái ngồi tư lự nhìn xuống mặt hồ dưới cơn mưa phơ phất, chú tiểu mang nón tre đứng che đầu cho tóc cô khỏi ướt. Rồi có hôm vô tình, chú mở cửa phòng ngỡ ngàng nhìn cô gái đang thay áo với chiếc lưng trần. Chú sững sờ trong vài giây, khẽ đóng vội cánh cửa lại.

Một buổi khác, cô gái đến quỳ lễ Phật nơi chánh điện. Lễ xong, cô buồn ngủ, ngã xuống chiếu ngủ vô tư như nàng Bạch Tuyết nằm ngủ quên giữa rừng xanh. Chú tiểu bất ngờ hiện đến. Sợ cô gái nhiễm lạnh, chú lấy chăn đắp lên người nàng. Bất giác, chú cúi xuống nhìn ngắm khuôn mặt khả ái, dịu hiền của cô. Lòng chú rạo rực, sai khiến hai bàn tay thò vào cái vú nhô nhô mời gọi. Cô gái chợt thức giấc, tát cho chú một cái nên thân. Chú hoảng lên, hồn xiêu phách tán, chạy vội lên phía trước chánh điện, chấp tay khấn vái ăn năn. Cô gái như động lòng với sự hoảng sợ của chú, để nhẹ bàn tay lên vai chú như thầm tha thứ.

Ngày lại ngày, tình cảm giữa chú tiểu và cô gái nảy sinh tự nhiên như chiếc nụ đến lúc nở hoa, như cái bào thai tới ngày phải đập bầu. Có dịp, chú mời cô gái cùng chèo thuyền trên hồ, lội xuống suối tung tăng bắt cá. Nước ướt đẫm thịt da mơn trớn…

Và, giữa trời đất bao la, da thịt dính chặt vào nhau đến bốc hơi. Như hai con vịt kêu cạp cạp trên mặt hồ bên gốc cây Phong, như hai con rắn quấn quyện vào nhau bên hốc đá. Có lẽ đây là một trong vài cảnh làm cuốn phim được xếp vào loại R (cấm trẻ em dưới tuổi vị thành niên). Nhưng, cảnh làm tình được quây từ xa, đạo diễn không khai thác kỹ thuật “cận ảnh” (gross plan) làm tình như phim Tây phương. Đó là một bài thơ về cảnh làm tình, một án triết văn về “hiện tượng luận của da thịt”.

Thế rồi, bệnh tình của cô gái dường như thuyên giảm. Một sáng trời trong xanh, Sư Ông ngồi trước hiên chùa bốc từng hạt đậu cho con gà trống ăn. Bên cạnh, chú tiểu đùa nghịch bắt con châu chấu để trên vai cô gái, làm cô la hoảng. Hai trẻ đuổi bắt nhau quanh hòn non bộ. Nhìn đôi bạn trẻ đùa giỡn với nhau, Sư Ông nở nụ cười độ lượng.

Image

Và, lạ lắm. Với thảo dược của Sư, với âm dương hòa khí, cô gái đã hoàn toàn bình phục. Sức sống của đôi trẻ chợt bùng lên.

Tình ơi réo gọi, phút giây không rời.

Đạo diễn lại cho đôi trẻ làm tình thêm lần nữa, trên chiếc thuyền nan. Lần này Sư Ông bắt gặp đôi trẻ với chiếc áo choàng hờ lên người, ôm nhau ngủ say sau cuộc mây mưa.

Bằng một trừng phạt “đáng yêu”, Sư Ông “tinh nghịch” kéo dây cho thuyền vào sát rồi rút lỗ mối cho nước tràn vào thuyền để đánh thức đôi trẻ.

Nước tràn vào thuyền thấm lưng ướt lạnh, chú tiểu và cô gái thức giấc, hoảng lên… Chú vào chánh điện tìm Sư tạ lỗi.

“Con đã làm sai, xin Ông tha cho con.” Quỳ xuống cạnh Sư, chú tiểu ngập ngừng van xin thầy tha thứ.

Sư đang điềm nhiên tọa thiền niệm chú, cất tiếng :

“Đó chỉ là chuyện bình thường trong nhiên giới”

Rồi quay qua cô gái, Sư hỏi:

“Con đã hết bệnh ?”

Cô gái trả lời bằng cái cúi đầu, im lặng trong e thẹn.

“Thế là bệnh con đã trúng thuốc. Con có thể rời khỏi nơi đây được rồi đó.”

Sư Ông lại răn dạy thêm chú tiểu:

“Ái dục đánh thức khát vọng chiếm hữu, và đồng thời nó cũng khởi vọng đưa tới việc ác”.

Hôm sau, cô gái vâng lời Sư, đành từ biệt chùa, Sư Ông, chú tiểu với những giây phút nồng nàn say đắm bên nhau. Âm và dương từ đây cách biệt.

Nhưng, chú tiểu ở lại trong quay quắt. Quỳ lạy trước tượng Phật, nhưng tâm chú cứ vướng vất đến người yêu, chú tiểu nức nỡ khóc như cái khóc ngày chú thấy con rắn nằm chết vì sự tinh nghịch của chú. Nhớ thương thôi thúc chú trốn thầy, bỏ chùa, gói tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) đeo lên vai, cất bước lên đường.

Đang ngủ Sư thức giấc, biết việc đệ tử đang làm, nhưng thản nhiên không cản ngăn.

--Thu

Mấy mùa Hạ trôi qua, mùa Thu đến. Lá cây Phong đỏ ối trên mặt hồ gợn sóng. Đệ tử và cũng là người bạn của Sư bây giờ là con mèo trắng, đi về có nhau.

Một hôm với chú mèo trắng từ rừng về, bụng đói Sư lấy cơm vắt được gói gọn gàng trong tờ nhật trình cũ ra ăn. Vừa ăn, Sư vừa liếc mắt đọc một bản tin án mạng vừa xảy ra. Một người đàn ông 30 tuổi giết vợ phụ tình rồi trốn thóat. Sư Ông bâng khuâng, ngẫng mặt nhìn trời đăm chiêu. Có mối liên hệ nào chăng giữa người đệ tử của Sư với vụ án mạng này?

Thế rồi vào một ngày trời Thu, một thanh niên xuất hiện trước cổng chùa. Sư Ông chèo thuyền nan ra đón vào, mới nhận ra là người đệ tử năm xưa của mình. Giờ đây chàng là một đấng mày râu trong lứa tuổi ba mươi chững chạc.

Sư hỏi thăm sự tình của đệ tử trong thời gian qua có gì vui không, không dè động tới niềm khổ đau, uất hận vẫn còn đầy tràn trong tim anh ta.

“Xin thầy hãy để cho con yên, con đang đau khổ lắm thầy biết không ? Tội lỗi của con là chỉ vì yêu. Con không muốn gì cả trên đời này, ngoài nàng. Nhưng nàng đã bỏ con đi theo người đàn ông khác, làm sao con chịu nỗi chứ !” Đệ tử ta thán.

“Vậy là con không biết gì về nam giới trong cõi ta bà này sao ? Đôi khi, ta phải biết từ bỏ một điều gì đó. Những gì con yêu thương ham muốn, kẻ khác cũng có lòng tương tự.” Sư ôn tồn nói.

Nhưng nỗi uất hận cứ dính chặt vào người thanh niên, tuôn tràn ra lời nói.

Image

Tình còn đâu nữa mà thù đấy thôi !

Trong phút giây nào đó, lòng cậu chợt dịu lại, mở tấm vải lấy tượng Phật ngày xưa, đặt tượng vào vị trí cũ. Vậy mà cơn hận vẫn như hỏa diệm sơn phụt lửa. Màu đỏ vấy máu người yêu hằn trên con dao găm vẫn chưa phai.

Hận rồi thù, thù lại hận. Giết người yêu rồi nhưng nỗi hận vẫn chưa nguôi, bởi tình dâng cao trong tim, không chịu cạn.

Đêm về, đôi mắt cậu ráo hoảnh. Sáng dậy, cậu vật vã điên cuồng với suối sông. Cậu muốn tự hủy đời mình. Sư Ông biết được, dùng roi quất cho cậu một trận nên thân.

Cậu lại khóc, dằn vặt, khổ đau. Trong phút giây xuất kỳ bất ý, cậu dùng con dao giết vợ, tự cắt tóc mình. Lòng nguyện nương tựa Phật.

Ngoài sân, Sư lấy bột con sò pha mực Tàu rồi cầm đuôi con mèo trắng chấm mực, viết lên sân gỗ bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật. Viết xong, Sư bảo đệ tử:

“Con có thể giết người dễ dàng, nhưng tự giết con rất khó. Con hãy nghe ta lấy dao khắc từng chữ cho hết bài kinh này và hãy xả cơn giận theo từng chữ khắc xong.”

Cậu vâng lời Sư. Cậu khắc được một phần năm bài kinh, là lúc hai cảnh sát hình sự lù lù xuất hiện trước chùa. Họ đi lùng bắt phạm nhân.

“Bỏ con dao xuống không chúng tôi bắn.” Chĩa mũi súng vào cậu, cả hai ông cảnh sát cùng la lên.

Phạm nhân và cảnh sát gầm gừ nhau. Bên dao găm lăm le, bên hai mũi súng chực chờ nhã đạn.

“Con đang làm gì vậy? Hãy ngồi xuống tiếp tục khắc bài kinh đi.” Sư đưa mắt về phía đệ tử, lớn tiếng.

Trong vài giây cậu trấn tỉnh, nghe lời Sư quỳ gối xuống sàn khắc tiếp.

Quay qua hai người cảnh sát, Sư giải thích:

“Đây là bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật, giúp tái lập sự an bình trong tâm kẻ khổ đau.”

“Thế chừng nào mới xong ?” Cảnh sát hỏi.

“Sáng hôm sau là xong.” Sư đáp.

Có lẽ nào hai ông cảnh sát cũng biết đến sự tinh diệu của bài kinh Bát Nhã? Họ nhìn nhau rồi đồng lòng để cho phạm nhân được khắc tiếp.

Phạm nhân khắc đến tối khuya, đổ mồ hôi trán. Một ông cảnh sát thấy thế động tâm, ngồi bên cạnh cầm hộ đèn cầy soi cho phạm nhân được nhìn rõ. Cậu ta càng khắc càng say mê. Mệt nhoài, cậu nằm lăn ra ngủ. Ông cảnh sát ngủ thiếp một hồi, giật mình thức giấc nhìn phạm nhân ngủ thiếp dưới trời sương lạnh lại động lòng, cởi chiếc áo ấm của mình khóac lên người phạm nhân. Tình người thắm thiết quá, không còn tâm phân biệt thường nhân/ phạm nhân, tốt/ xấu, không còn biên giới giữa bờ Thiện/ Ác nữa.

Sáng ra, thấy đệ tử đã khắc xong bài kinh, Sư lại lấy bột con sò pha mực làm năm màu khác nhau. Hai ông cảnh sát lại tích cực tham gia giúp Sư sơn màu lên chữ, biến thành bài kinh ngũ sắc.

Phạm nhân thức giấc, thời khắc lên đường đã điểm. Cậu chắp tay bái tạ thầy rồi cùng hai người cảnh sát lên đường thụ lý.

Sư đứng nhìn bâng khuâng, dõi theo trong sương mờ cho đến lúc ba người khuất bóng.

Cảnh cửa chùa từ từ khép lại, khuất sau những chùm lá cây Phong vàng đỏ ối.

Những mùa Thu kế trôi qua…

Sức khỏe của Sư Ông cũng bắt đầu tàn tạ. Sư cảm nhận ngày ra đi của mình đã tới nơi. Sư chuẩn bị cho mình một lễ tự thủy-hỏa-táng trên sông. Chất củi theo vòng tròn làm thành đụn cao giữa thuyền. Sư tháo lỗ mối cho nước từ từ tràn vào. Sư viết chữ “Không” trên ba miếng giấy, xong bịt kín mắt, tai, mũi miệng. Sư bước lên ngồi trên đụn củi, tự châm lửa đốt bùng cháy lên. Thuyền chìm dần xuống hồ, Sư trở về với cái KHÔNG.

--Đông

Mùa Đông đến, tuyết rơi phủ trắng ngôi chùa, rừng cây. Nước hồ đóng băng. Trời đất một màu trắng xóa. Một ông trung niên xuất hiện, cất từng bước chân, mắt dõi về ngôi chùa nhỏ. Chú tiểu của thuở xa xưa, phạm nhân của hơn mười năm trước trở về.

Trông thấy chiếc thuyền nan ngày xưa phủ ngập tuyết, ông chấp tay vái lạy; xong dùng búa đập vỡ băng, khoét một lỗ tròn ngay chỗ Sư Ông ngồi hỏa táng, ông tìm thấy mấy viên ngọc Xá-lợi.

Mở cửa đi vào chánh điện, ông thấy y tràng, đôi dày của Sư Ông xếp gọn gàng trên nền nhà, một con rắn quấn tròn nằm yên trên đó. Trong phân đoạn, rắn xuất hiện nhiều lần, có khi nằm trên bàn thờ Phật. Rắn (naga) trong huyền thoại của Ấn Độ giáo là một linh vật, biểu hiện sức mạnh và sự che chở. Ngày xưa lúc Đức Phật ngồi thiền định cũng có chín con rắn hổ mang làm thành chiếc dù bảo vệ cho Đức Phật.

Tìm lại cuốn sách võ đã úa màu với ngày tháng, ông ra đứng giữa trời tuyết luyện tập võ công.

Image

Giữa lúc băng tuyết đang chuẩn bị tan dần, một thiếu phụ quấn khăn kín đầu và mặt, bế trên tay đứa con nhỏ đến chùa. Bà đến lễ Phật, rồi khóc nức nỡ trước khi để đứa con lại cho chùa. Bà lặng lẽ ra đi…

Con ai đem bỏ chùa này,

Nam Mô Di Phật con thầy, thầy nuôi.

Như muốn trả lại nghiệp quả ngày xưa với con rắn, ông cột một tảng đá nặng vào thân, vác tượng Phật Quán Thế Âm (Avaloketeshvara) cố vượt lên đỉnh đồi trong sự khó nhọc, xong tọa vị Phật ngồi trên cao nhìn xuống thế gian, xuống ngôi chùa nhỏ lênh đênh giữa mặt hồ…

…rồi Xuân

lại đến, hoa đào màu hồng tía nở rộ. Cảnh đẹp như một bài thơ. Giờ đây ông đã nghiễm nhiên trở thành một Sư Ông mới. Đứa con bỏ rơi cho chùa lớn lên làm chú tiểu. Bốn mùa xuân hạ thu đông tiếp diễn như một chu kỳ của vạn vật. Sư Ông và chú tiểu lại gánh vác một duyên nghiệp mới…

Kết

Thú thật trong lúc xem cho đến lúc hết cuốn phim, tôi đi từ những xúc động này đến kinh ngạc khác. Trong một thời gian dài hầu như không theo dõi những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật của điện ảnh Á châu nói chung, tôi không ngờ Hàn Quốc đã có đạo diễn thực hiện được một tuyệt tác như thế này. Đúng ra, tôi có biết Trung Hoa (Hồng Kông, Đài Loan, lục địa) đã có những bước tiến rất xa về điện ảnh; riêng Hàn quốc tôi vẫn còn mang một mối hoài nghi. Nhờ qua cuốn phim, tìm hiểu thêm mới biết Kim Ki-Duk đã là một đạo diễn lừng danh trong gần thập niên qua. Thuở nhỏ, ông Kim được huấn luyện trong môi trường giáo dục Ki-tô giáo, ông đã cảm nhận ra đó là một nền giáo dục nhồi sọ, tẩy não tuổi trẻ bằng hy vọng và hứa hẹn vào sự cứu rỗi viễn mơ. Nhưng với ý lực, ông đã thoát ra được tinh thần Ki-tô giáo.

Springs, Summer…” là một cuốn phim đạt cả hai bình diện: nghệ thuật và xiển dương Phật pháp. Về nghệ thuật, đây là bài thơ tuyệt vời kèm trong kỹ thuật “cận ảnh” (‘gross plan’), để diễn ý thay lời. Tài tử diễn xuất nhiều hơn đối thoại. Về “pháp” - như nội dung trong năm phân đoạn đã ghi lại ở trên, không đơn giản là đạo diễn chỉ muốn nói về sự cám dỗ, sa lầy của con người về “ái dục”. Dù trong một cuộc phỏng vấn của ai đó, Kim Ki-Duk đã trả lời khiêm tốn rằng, “Tôi chỉ muốn mô tả sự hỷ nộ ái ố trong cuộc sống của chúng ta qua bốn mùa, và qua cuộc đời của một nhà sư trong ngôi chùa ở Hồ Pusan vây bọc bởi thiên nhiên” , cuốn phim còn chất chứa sự mênh mông và huyền diệu theo với bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật (Prajanaparamita Sutra). Nhưng hiểu Pháp thế nào qua một cuốn phim là sự tùy thuộc vào trí huệ, duyên ngộ Pháp của mỗi cá thể.

(Nguồn:http://www.quangduc.com)


3 nhận xét:

  1. Bac a, E chi muon sua lai 02 chi tiet co dung ngon tu cua nha Phat:
    - Chu tieu k the "Thua ong", ma phai "Bach Thay". The thoi, con thi bai viet rat thu vi va day du.

    Trả lờiXóa
  2. Đ�ng rồi!Sửa ngay, sửa ngay....h� h�.

    Trả lờiXóa
  3. Tat ca la KHONG, vay tai sao ta lai o coi nay de cho vong doi thien/ac hay nhan/qua xoay van....!!!??? Neu the thoi thoi phai the thi co gi phai luan ban ve thien/ac/dung/sai!!?? Gi cung duoc....

    Trả lờiXóa