Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Báo Sài Gòn Tiếp Thị kích động cư dân mạng???

Đọc cái tin “Không dùng từ “Trường Sa và Hoàng Sa” trên game online” của Sài Gòn Tiếp Thị đã lâu nhưng gần như lướt qua không để ý. Cho đến vừa rồi thấy bà con trên cư dân mạng phản ứng rầm trời mình mới quay lại coi kỹ thì…suýt té ngửa. Cái tin này nó cũng ngắn, tớ trích lại nguyên văn nó thế này:

Theo phản ánh của game thủ khi chơi các game online của VinaGame, nếu dùng những từ ngữ có liên quan đến từ “Hoàng Sa, Trường Sa”, “bộ lọc” (hệ thống kiểm soát) của VinaGame sẽ cảnh báo: “ngôn ngữ không phù hợp”, không cho hiển thị những từ ngữ trên trong nội dung chat giữa các game thủ. Theo tìm hiểu của SGTT, việc VinaGame đưa vào bộ lọc ngăn chặn những từ ngữ trên là thực hiện thông tư 60 do liên bộ Công an, Văn hoá thông tin và Bưu chính viễn thông ban hành ngày 1.6.2006, trong đó có việc nghiêm cấm dùng một số từ ngữ nhạy cảm về chính trị, thuần phong mỹ tục… trong game. Được biết, trong thông tư 60, không có quy định cụ thể những từ “nhạy cảm”.

Tại sao tớ lại “suýt té ngửa” với cái tin như vậy?

- Ở đoạn thứ nhất của tin: Theo phản ánh của game thủ khi chơi các game online của VinaGame, nếu dùng những từ ngữ có liên quan đến từ “Hoàng Sa, Trường Sa”, “bộ lọc” (hệ thống kiểm soát) của VinaGame sẽ cảnh báo: “ngôn ngữ không phù hợp”, không cho hiển thị những từ ngữ trên trong nội dung chat giữa các game thủ.

Tớ cho rằng nếu chỉ lướt qua thì người đọc sẽ đơn giản hiểu rằng VinaGame đã “cấm không cho hiện từ Trường Sa, Hoàng Sa” lên trong các trò chơi của VinaGame, như vậy là không cho các game thủ Việt Nam thể hiện lòng yêu nước và tình yêu biển đảo vô cùng của họ. Nhưng đọc kỹ thêm một chút chắc hẳn các bạn sẽ đồng tình với tớ rằng đây là việc làm hết sức bình thường của VinaGame bởi vì đơn giản là: Khi các bạn tham gia chơi các game online của VinaGame thì chắc chắn rằng các bạn phải đồng ý với những “điều khoản sử dụng” kiểu như thế này của VinaGame hay đơn giản hơn là: Tuyệt đối nghiêm cấm mọi hành vi tuyên truyền, chống phá và xuyên tạc chính quyền cũng như tuyên truyền văn hoá phẩm đồi trụy dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp phát hiện, không những bị xóa bỏ tài khoản mà chúng tôi còn có thể cung cấp thông tin của người đó cho các cơ quan pháp luật và Tuyệt đối không bàn luận về Chính trị.”…Mấy cái chuyện liên quan đến chính trị như Trường Sa, Hoàng Sa thì chả cớ gì mà các game thủ bàn luận trong trò chơi (trừ khi muốn rủ nhau đi biểu tình)…


- Ở đoạn tiếp theo của tin: “Theo tìm hiểu của SGTT, việc VinaGame đưa vào bộ lọc ngăn chặn những từ ngữ trên là thực hiện thông tư 60 do liên bộ Công an, Văn hoá thông tin và Bưu chính viễn thông ban hành ngày 1.6.2006, trong đó có việc nghiêm cấm dùng một số từ ngữ nhạy cảm về chính trị, thuần phong mỹ tục…trong game. Được biết, trong thông tư 60, không có quy định cụ thể những từ “nhạy cảm”.

Tớ cho rằng việc thông tư 60 không có quy định cụ thể về những từ nhạy cảm là đương nhiên, tớ đố bạn nào lên được cái list những từ nhạy cảm đấy, muốn quy nó có nhạy cảm hay không thì phải đặt vào trong một điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Đọc kỹ đoạn này hơn chút thì tớ tự hỏi: Thông tư này có giá trị từ năm 2006 mà đến bây giờ VinaGame mới áp dụng hay là VinaGame đã áp dụng việc cấm các từ “Trường Sa, Hoàng Sa” này từ năm 2006 nhưng bây giờ các game thủ mới phản ánh và báo SGTT mới nêu? Trả lời câu hỏi này tức là trả lời câu hỏi tại sao báo Sài Gòn Tiếp Thị lại đăng cái tin như thế này vào thời điểm này? Vào cái thời điểm mà tất cả cư dân mạng ở Việt Nam đều đang xôn xao và ồn ào phản ứng với Trung Quốc trong việc ra tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa là của họ và dư luận trong giới trí thức nước nhà đang không đồng tình với Chính phủ về việc triển khai dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên vì các nhà thầu chính là Trung Quốc.

Nếu gộp 2 vấn đề tớ vừa nêu trên lại thì nó sẽ là gì nhỉ: Nhân cái thờI điểm mà cư dân mạng đang quan tâm đến Trường Sa, Hoàng Sa hay lớn hơn là chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc thì báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đăng cái tin VinaGame cấm không cho các game thủ được sử dụng từ “Trường Sa, Hoàng Sa” ở trong các game online của mình. Mà cái việc cấm ấy lại hoàn toàn nhằm mục đích tuân thủ các quy định của pháp luật và hoàn toàn chính đáng. Có ý đồ chính trị gì sau việc này không thì tớ không dám chắc nhưng rõ ràng tớ phảI đặt câu hỏi: Báo Sài Gòn Tiếp Thị có ý định kích động cư dân mạng???

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Tớ đi học lái xe ô tô

Ý định học lái xe thực ra đã có từ lâu nhưng cứ lần lữa mãi vì lười và vì ngại rằng biết lái xe sếp sẽ...bắt lái xe chở sếp đi nhậu. Đã nhiều lần sếp mắng: Tao là sếp mà toàn phải lái xe chở nhân viên đi nhậu, đến chỗ nhậu thì nhân viên không biết uống bia rượu sếp phải uống thay, tàn tiệc thì sếp lại lái xe chở nhân viên về...hi hi. Mãi đến đợt vừa rồi, mấy người rủ rê nên quyết định đi học cũng vì tính rằng sắp tới phải mua cái xe ô tô chở bọn trẻ con vì nhà đông người quá, xe máy chở không hết và thời tiết TPHCM thì chỉ hai mùa mưa nắng, nắng thì bụi bặm mưa thì áo mưa không che hết bọn nhỏ rồi thì không khéo lại ốm đau chết tiền thuốc thang.

Mang tiếng là đi học lái xe nhưng từ khi khai giảng lớp đến kết thúc phần học lý thuyết chả có mặt buổi nào. Đến khi dưới Trung tâm đào tạo lái xe báo là sang phần thực hành thì bắt đầu mới lò dò đi học. Thời gian học thực tế là cả tuần không kể thứ bảy và CN nhưng mình chỉ có thể tranh thủ ngày thứ bảy và sáng CN mới mò đi học. Túm lại là 01 ngày thực hành số nguội (tức là ngồi trên xe giả vờ bật máy, đạp côn rồi vào số)còn lại thì chưa đầy 10 buổi leo lên xe chạy thật vì học viên đông mà xe thì ít. Nếu tính giờ ôm vô lăng chạy thật trên xe thì chắc mình chưa đủ nổi 24 tiếng. Ấy thế rồi mà thi vẫn đỗ, chắc khoảng 1 tháng nữa thì có bằng B2 (lái xe 9 chỗ)...he he.

Thi lái xe ô tô gồm 3 phần chính:
- Thi lý thuyết (gồm 30 câu hỏi mỗi câu 1 điểm, nếu đạt 26 điểm là đạt). Thi trên máy vi tính và máy tự động chấm điểm. Trước hôm thi mình có thử cài phần mềm và trả lời thử nhưng chỉ đạt nổi 17 điểm...he he. Lúc vào thi thật thì mình tự làm được 5 câu đầu, 25 câu sau nhờ mấy giám thị đứng sau lưng đọc hộ câu trả lời. Cuối cùng đạt 29/30. Sai đúng câu số 4.
- Thi trên sa hình. Là hình thức lái xe theo sa hình có sẵn vượt qua 1 cái dốc, vài cái cua và re vào chuồng. Phần này tính thang điểm 100, nếu đủ 80 điểm là đạt. Phần thi này thực ra chỉ khó ở 2 chỗ là dừng xe ở gần đỉnh dốc rồi tiếp tục đi. Dừng xe nhưng không được chết máy. Dừng thì chắc cũng dễ nhưng khó ở lúc tiếp tục đi, nếu không biết cách thì xe sẽ bị tụt dốc (xe mà tụt dốc thì coi như bị loại luôn khỏi phần thi sa hình). Mẹo ở đây là: dừng xe rồi kéo phanh tay, khi tiếp tục đi thì nhấn ga lên, hơi nhả côn ra nếu thấy xe rùng mình chuyển động thì mới nhả phanh tay. Phần khó thứ 2 là re vào chuồng. Với người chịu khó tập nhiều thì chắc cũng chả khó lắm. Thi hình này còn khó ở chỗ là thi cảm ứng (cái khóa học lái xe của tớ là khóa cuối cùng thi bằng người chấm). Trên xe ô tô sát hạch có gắn 1 máy cảm ứng, ở các điểm chốt của các phần thi sa hình cũng gắn máy tương tự. Cứ đi sai hoặc phạm lỗi là máy tự động báo về trung tâm và phát loa báo lỗi.
- Thi đường trường: Phần này cũng dễ thôi, lái xe ra ngoài đường, đi đúng phần đường của ô tô và vào từ số 1 đến số 5 rồi từ số 5 về lại số 1, xi nhan tấp vào lề là xong. Phần này 20 điểm, chỉ cần đủ 16 điểm là đạt.

Đi học lái xe mới thấy nhu cầu học lái xe ở VN bây giờ tăng lên khủng khiếp. Các trung tâm đào tạo chật ních hồ sơ. Học viên có nộp hồ sơ thì ít nhất 6 tháng sau mới được gọi nhập học và ít nhất phải 1 năm mới được cầm tới cái bằng lái xe...híc híc.

Truyền đạt lại vài cái kinh nghiệm con con cho các bạn chưa học lái. Nếu muốn cụ tỉ hơn thì gặp tớ nhá...he he.

Bộ máy tổ chức của KGB

Đọc cuốn sách Putin bắt gặp những đoạn nêu rất đầy đủ và rõ ràng về bộ máy tổ chức của KGB, copy có chọn lọc về blog để làm tư liệu:

Tháng 3/1953, Stalin qua đời, Beria nhân cơ hội sáp nhập Bộ An ninh quốc gia vào Bộ Nội vụ, miễn chức của Krulov (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và Ignatev (Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia), tự nắm Bộ Nội vụ, từ đó bị bắt, cuối năm xử bắn. Sau đó, Khrusov thành lập bộ máy mới là KGB, tên gọi là "Ủy ban An ninh quốc gia" chuyên trách các nghiệp vụ an ninh quốc gia là tình báo, phản gián, bảo vệ, an ninh chính trị quốc nội và bảo vệ biên giới. KGB trên danh nghĩa chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, nhưng trên thực tế chịu sự kiểm soát của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thực tế là chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho nên KGB trùm lên cả Chính phủ Liên Xô, trên cả quân đội, trên cả tổ chức Đảng, thực chất là một quốc gia trong quốc gia, chính quyền trong chính quyền, nên được gọi là "Siêu Bộ".


Ở Liên Xô, KGB mở hơn 200 trường đào tạo, đều là những "thành đặc vụ", không có ghi trên bản đồ. Có 7 trường loại lớn, đó là:


"Kaduma" nằm ở đông nam cách Kubyshev khoảng 200 km, trường chia thành các bộ phận: Anh, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi.


"Chitaitskaia" ở phía nam Yarkusk khoảng 75 km, gần hồ Baical, giáp biên giới Liên Xô - Mông Cổ, trường chia thành các bộ phận Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.


"Prakhovka" ở đông bắc thành phố Minsk khoảng 70 km, trong trường chia làm mấy bộ phận: bộ phận Bắc là 4 nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan); Tây Nam là bộ phận Hà Lan; Nam là Thụy Sĩ và Áo; Đông Nam là Đức.


"Sukivnaia" cách Chicalop 110 km, chuyên huấn luyện gián điệp quốc gia ngữ hệ Latinh gồm: Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp.


"Ostodonaia" phía đông Khabarovsk 105 km, huấn luyện điệp viên Liên Xô ở các nước châu Á khác ngoài trường Chitaitskaia.


"Novaia" ở tây nam Tasken khoảng 90 km, đối phó với các nước châu Phi.


"Suidonaia" ở đông nam thành phố Tula khoảng 85 km, chuyên nhằm vào các nước Đông Âu, gồm: bộ phận Tây Bắc là Tiệp Khắc; Bắc là Ba Lan; Nam là Rumania; Đông Nam là Albania và Nam Tư.


Tiền thân của KGB vốn là “Ủy ban đặc biệt trấn áp phản cách mạng và lãn công” được thành lập ngày 20/12/1917, gọi tắt là "Che ka". Lúc đó chủ yếu là để đối phó với những hoạt động bạo loạn, gây rối, phá hoại và ám sát của bọn cựu sĩ quan quân đội Sa hoàng và giai cấp tư sản. Về sau căn cứ vào tình hình thay đổi và nhu cầu của cuộc đấu tranh, tên gọi và chức trách của bộ máy "Che ka" cũng thay đổi nhiều lần: tháng 2/1922 được đổi thành Cục bảo vệ Chính trị Bộ Nội vụ, tháng 11/1922 tách khỏi Bộ Nội vụ; đổi thành Tổng cục Bảo vệ Chính trị; tháng 7/1934 đổi thành Tổng cục An ninh Quốc nội, lại sáp nhập vào Bộ Nội vụ; năm 1942 lại tách ra độc lập, mở rộng thành Bộ An ninh Quốc gia; tháng 6/1942, Bộ An ninh Quốc gia nhập với Bộ Nội vụ, đồng thời thành lập riêng bộ phận trừ gian làm công tác phản gián, trấn áp phản cách mạng và bọn Nga gian hàng Đức (còn có tên là Cục Diệt gián điệp); tháng 4/1943, Bộ An ninh Quốc gia lại tách khỏi Bộ Nội vụ, cho đến khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ 2.


Tháng 10/1946, nhân việc Mỹ rậm rịch thành lập Cục Tình báo Trung ương, Liên Xô hợp nhất toàn bộ các bộ phận đặc vụ tình báo đối ngoại trong bộ máy Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và cả Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội, thành Ủy ban Tình báo Trung ương thống nhất, hùng mạnh thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1952, Ủy ban Tình báo Trung ương lại giải tán, các thành viên thuộc bộ nào lại về bộ cũ, làm việc theo chức năng riêng. Tháng 3/1954, căn cứ vào tình hình ngày càng nghiêm trọng của cuộc chiến tranh lạnh Xô - Mỹ, Khrusov lên nắm quyền sau khi Stalin qua đời, đã lệnh cho các ngành Đảng, Chính quyền, Quân đội điều các cán bộ nòng cốt, tổ chức ra Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, gọi tắt là KGB do Tchelov làm Chủ tịch đầu tiên. KGB là một bộ máy công tác đặc vụ được thành lập có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người, cơ quan tổng bộ hơn 1 vạn người, nhân viên các ngành tình báo, phản gián và trinh sát kỹ thuật, phân bố trong và ngoài nước hơn 20 vạn người, còn có 30 vạn bộ đội biên phòng, đầy đủ các quân chủng hải, lục, không quân. Tổng quân số của bộ máy này vượt quá 50 vạn người, tổng kinh phí hàng năm tới 110 tỷ USD, nên người ta gọi nó là “khủng long” trong bộ máy công tác đặc vụ thế giới. Căn cứ vào Điều lệ Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, nhiệm vụ của KGB là:


1. Làm công tác tình báo, gián điệp đối ngoại, gồm cả những hoạt động đặc biệt như ám sát, lật đổ, phá hoại và tuyên truyền kích động.


2. Phụ trách công tác phản gián trong nước, gồm theo dõi, giám sát người nước ngoài đến Liên Xô, kiểm soát các ngành trọng yếu của chính phủ và quân đội.


3. Đấu tranh với những phần tử có chính kiến khác, các phần tử dân tộc ly khai, các nhân vật tôn giáo hoạt động ngầm, gồm cả những hoạt động khống chế giám sát làm mất danh dự, đưa vào bệnh viện tâm thần, bỏ tù, bắt lao động cải tạo.


4. Bảo vệ an toàn cho những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gồm cả cử bảo vệ tiếp cận chuyên trách cho những người lãnh đạo từ Ủy viên Bộ Chính trị trở lên, bảo vệ các chính khách quan trọng nước ngoài đến thăm.


5. Giám sát và kiểm soát thông tin liên lạc, gồm bảo đảm an toàn cho thông tin mật mã trong nước, và kiểm soát thu nghe, mã thám mật mã thông tin nước ngoài.


6. Bảo vệ đường biên giới quốc gia của Liên Xô.


7. Chấp hành các nhiệm vụ đặc biệt mà Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giao cho.


Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, KGB đã lập ra 4 Tổng cục (tương đương cấp bộ), 7 cục quản lý và 5 phòng độc lập. Bốn tổng cục là:


* Tổng cục 1 phụ trách công tác tình báo đối ngoại, dưới có 4 cục, 3 văn phòng và 16 phòng.


* Tổng cục 2 quản lý công tác phản gián, chống lật đổ trong nước, dưới có 3 cục nghiệp vụ, 8 phòng nghiệp vụ và 8 phòng khu vực.


* Tổng cục 3 chủ quản bộ đội biên phòng, dưới có Bộ Tư lệnh, Cục Hậu cần, Cục Hải quân, Cục Không quân, phòng Nghiên cứu kỹ thuật biên phòng. Tổng cục này có 30 tổng đội lục quân, 7 đội tuần tiễu hải quân 5 liên đội không quân, tất cả tới 30 vạn người.


* Tổng cục 4 là Tổng cục Cảnh sát Mật, làm nhiệm vụ “trấn áp mọi phần tử phản động và những hoạt động phản động trong nước và đến từ nước ngoài”. Nó là quả tim của ý thức hệ KGB, chuyên hoạt động chống chiến tranh tâm lý. Dưới có 9 cục đánh số thứ tự từ 1 đến 9, ngoài ra còn có một số phòng trực thuộc.


* Bảy cục quản lý gồm: Cục Quản lý Quân đội (Cục 3); Cục Quản lý Kỹ thuật (Cục 6); Cục Theo dõi Giám sát (Cục 7); Cục Quản lý Thông tin (Cục 8); Cục Quản lý Cảnh bị (Cục 9); Cục Quản lý Hành chính và Cục Quản lý Nhân sự.


* Năm phòng độc lập gồm: Phòng Điều tra vụ việc đặc biệt; Phòng Phân tích kinh nghiệm hoạt động; Phòng Thông tin quốc gia; Phòng Bảo vệ; Phòng Đăng ký hồ sơ.


Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Con người và thiên kiến

Theo Wikipedia thì "thiên kiến" là: ý kiến thiên lệch, không đúng, thiếu khách quan. Với hàm nghĩa này thì rõ ràng "thiên kiến" là để diễn giải theo nghĩa xấu. Nhưng tớ có cảm giác rằng "thiên kiến" không phải là một hàm ý xấu. Theo góc nhìn của cá nhân tớ thì "thiên kiến" là một ý nghĩ chủ quan của một cá nhân, thực thể nào đó về một vấn đề nào đó. Chỉ có 2 loại người không có "thiên kiến" đó là: trẻ sơ sinh và thánh thần. Trẻ sơ sinh khi ra đời trong trắng nó không thể có "thiên kiến" về bất cứ những gì nó thấy, nó nghe hay nó cảm nhận. Thánh thần (như Phật hay Chúa) thì phải trải qua một thời gian rất dài có "thiên kiến" rồi mới đi tới được "cõi niết bàn" hay "thiên đường" và chỉ ở đó mới không có thiên kiến.

Con người sinh ra không có "thiên kiến" nhưng theo thời gian cùng với tác động của gia đình và xã hội đã làm nẩy sinh "thiên kiến" của mỗi người. Tớ có thể ghét bạn này vì bạn này hay yêu quý bạn kia chỉ vì những lý do nhỏ nhặt đó chính là "thiên kiến". Thiên kiến của mỗi người là khác nhau tùy vào mức độ tác động của gia đình và xã hội. Nếu tớ sinh ra trong gia đình Công giáo thì nhiều khả năng tớ không thể ghét Công giáo, còn một số ít khả năng tớ có thể ghét Công giáo nếu Công giáo gây ra những tác động xấu tới gia đình tớ hoặc cá nhân tớ. Thiên kiến của mỗi người cũng phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Nếu là người hiểu biết về Công giáo tớ cũng có thể có "thiên kiến xấu" hoặc "thiên kiến tốt" về Công giáo. Thật khó để phân biệt rõ điều gì tác động tới "thiên kiến" của mỗi cá nhân, chắc hẳn phải là sự tác động nhiều chiều, nhiều mặt. Có thể mặt này mạnh hơn mặt kia nhưng để nói mặt nào, chiều nào tác động quyết định đến "thiên kiến" của mỗi người là điều bất khả. Vì "thiên kiến" của mỗi người là sự tác động nhiều chiều, nhiều mặt theo thời gian nên "thiên kiến" của mỗi người cũng có thể thay đổi. Nhưng chắc hẳn "thiên kiến" của một người già sẽ khó thay đổi hơn một người trẻ. Để thay đổi "thiên kiến" của một người già chắc rằng phải có một tác động rất lớn đến tư duy và suy nghĩ của người già. Đó hẳn phải là một "bước ngoặt" của cuộc đời con người đó. Ở tuổi nào thì "thiên kiến" của mỗi người được định hình? Chắc rằng là tùy người và tùy từng hoàn cảnh của mỗi người, có thể sớm hơn, có thể muộn hơn nhưng theo tớ "thiên kiến" của mỗi người thường sẽ định hình vào độ tuổi từ 25 đến 30.


Thôi, viết lung tung thế chán rồi! Đi chơi thôi, nghĩ ngợi viết lách mệt quá!