Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

Bàn về chuyện đất đai của Tôn giáo

Vụ 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà đã ầm ĩ bấy lâu. Tớ giới thiệu với các bạn 1 bài viết của một người Công giáo - Linh mục Thiện Cẩm - về vụ việc này. Nếu thấy khó đọc thì các bạn cứ việc save as file ảnh (jpeg) về xem trên máy nhé!


From Tu lieu
From Tu lieu
From Tu lieu

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Tản mạn về báo chí TPHCM

Đọc blog của bác Osin đăng entry “Bỗng dưng muốn khóc” kể chuyện Lương Mạnh Hải và Tăng Thanh Hà được lên trang nhất báo Tuổi Trẻ với tâm thế “đau khổ, day dứt”....thấy cũng “thương cho báo TT” quá! Nhưng mà vì ai mà nên nỗi này, ai, vì ai ? Thực ra nếu tinh ý có thể nhận thấy chất lượng của báo TT đã đi xuống từ cách đây cả 5-7 năm rồi. Đội ngũ phóng viên không được đào tạo kỹ, chủ yếu trông vào hàng tiền đạo già. Giờ chỉ là lúc “ngấm” đòn thôi. Không tin sao ? Cứ thử đếm số phóng viên đọc thông viết thạo tiếng Anh, sử dụng Internet (đơn giản như là sử dụng Google thôi nhá!) mà xem, bạn sẽ biết ngay mà !
Báo Thanh Niên mấy năm gần đây tăng cường cạnh tranh vị trí thứ nhất với Tuổi Trẻ. Nhưng Thanh Niên chọn đường “tắt”. Phải thừa nhận đội ngũ phóng viên trẻ của Thanh Niên mạnh hơn Tuổi Trẻ. Nhưng họ lại có một người lãnh đạo gia trưởng, một đội ngũ “Hòa thân” ở giữa ! Hạn chế là đương nhiên. Sau vụ Nguyễn Việt Chiến bị bắt, hàng ngũ “hòa thân” ở Thanh Niên “rúm” hết cả người vào! Số lượng phát hành sụt giảm kinh khủng! Tương lai ra sao chưa ai dám khẳng định...
Kể đến hàng ngũ “báo mạnh” ở TPHCM thì cũng phải kể đến SGGP. Mặc dù được liệt vào hàng ngũ của “Nhân Dân” nhưng không một ai trong làng báo dám “coi thường” anh SGGP về chất lượng tin bài, cũng như khả năng tác nghiệp. Một năm trước đây, tôi thấp thoáng thấy có sự khởi sắc ở báo SGGP, nhưng từ khi TBT mới về, “ánh sáng lấp lóe cuối đường hầm ấy lại tắt lịm”. Cũng có thể không phải do ông TBT thay đổi gì mà do ông ấy chẳng làm gì để thay đổi.
Báo Người Lao Động đã từng có thời “hoành tráng”. Chỉ sau vụ “Lê Công Tuấn Anh” báo NLĐ bật lên “đá sân ngoại hạng”. Công lao ấy không thể không ghi công Tổng thư ký tòa soạn Thẩm Tuyên. Chính anh là người đầu tiên đưa báo NLĐ lên mạng Internet và là một trong những tờ báo giấy xuất bản ấn phẩm online đầu tiên của VN. Nhưng giờ đây, những người tâm huyết của báo hầu hết đã ra đi. Liệu tờ báo sẽ còn đi xuống đến mức nào được nữa ? Khó có thể trả lời dứt khoát.
Phụ Nữ TPHCM thì vẫn vậy. Nói cho công bằng thì chất lượng yếu hơn thời xa xưa rất nhiều. Nhưng với mảng đối tượng bạn đọc riêng, chỉ chuyên sâu đến chuyện tâm sự của chị em nên cũng nhàn nhã hơn. Nói mảng miếng, chuyên mục nào của báo PNTPHCM là mạnh nhất thì tôi chịu không thể chỉ ra được, có lẽ là “Hôn nhân – Gia đình”. Cứ thế cho nó “lành” chả “đánh đấm” gì ai, chỉ thỉnh thoảng nghe lệnh trên “đập ai” thì “đập” thôi.
Báo SGTT là một cô hàng xén. Đấy là góc nhìn của tớ về nội dung của tờ báo. Phải khẳng định rằng mục tiêu ấy được duy trì ngay từ khi tờ báo ra đời và còn ở chung trong nhóm của SG Times Group. Sau khi tách khỏi anh Lanh thì chị Hạnh vẫn thế và cho đến anh Tâm Chánh thì vẫn vậy. Chẳng biết có “phép màu” nào có thể thay đổi điều đó hay không? Với lợi thế “Hàng VN Chất lượng cao” (dù bây giờ không còn cao cao lắm) thì lợi thế kinh doanh của SGTT là rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia HVNCLC đều “phải” tham gia quảng cáo trên SGTT. Trước đây, mảng thông tin Chính trị-XH của báo ít được quan tâm (dù vẫn có) nhưng từ khi anh Huy Đức về thì có vẻ mảng này được “đôn” lên với Tư Giang, Mạnh Quân...Phải công nhận hàm lượng thông tin trên SGTT là rất cao, tuy nhiên, rất tiếc rằng nó vẫn cứ phải lẫn trong cái mẹt hàng xén với “mua sắm tiêu dùng”, “thị trường và doanh nghiệp”...nên khiến nhiều người đọc không khỏi tiếc rẻ, vừa đọc vừa lựa. Có lẽ khẩu hiệu của tờ báo là “Phục vụ cho mọi đối tượng bạn đọc”.
Báo PLTPHCM là cái gai nho nhỏ trong làng báo TPHCM. Một mình ở cái khoảnh “Pháp luật” trên khắp sân chơi từ TPHCM đến Miền Tây, Miền Đông Nam Bộ nhưng vẫn chưa “lớn”. Cho đến hôm nay nó mới “trưởng thành” chính thức đủ tuổi “đi bầu”. Phải nói cho công bằng thì hàng ngũ phóng viên của PLTPHCM vẫn còn phải tăng cường thêm nhiều lắm! Việc ra hàng ngày của PLTPHCM cũng là hơi vội vàng trong khi sự chuẩn bị chưa được vững tạo ra nhiều sức ép khiến chất lượng bài vở cũng không được cao. Thời điểm này có lẽ chính là lúc thuận tiện nhất để PLTPHCM tranh thủ “vượt lên” ngang hàng với mấy ông lớn TT, TN thay đổi “thói quen của người tiêu dùng”. Nếu khéo léo, chỉ từ nay đến sang đầu năm 2009 thì báo PLTPHCM có thể hút khách của TT & TN ở TPHCM. Nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào mong muốn!
Dự định ban đầu chỉ định viết entry này để chúc mừng sinh nhật báo PLTPHCM để "trả nợ" cái lời hứa viết 01 entry về báo PLTPHCM hồi năm trước với Bố Cu Hưng nhưng chẳng hiểu sao lại bị quá đà. Thôi thì tiện thể viết luôn, coi như trả nợ" xong BCH nhá! Xin nói rõ rằng đây chỉ là cảm nhận cá nhân tớ về các tờ báo ở TPHCM thôi nhá, có thể thiếu, có thể thừa. Các bạn cứ “ném đá” thoải mái!

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Con gái, con gái và con trai

Dạo này có nhiệm vụ cao cả là đi "đón con gái tan học". Không thể nói là nặng nề mà phải khẳng định là vinh quang và hạnh phúc. Dọc đường đón con về, hai bố con thường thầm thì to nhỏ nói chuyện. Nhiều câu chuyện vui, hóm hỉnh và bất ngờ đã diễn ra.

Hôm rồi, mải làm nốt chút việc ở cơ quan mà sang Trường mẫu giáo đón con muộn, đi đường về con gái hỏi:
- Sao bố đón con muộn vậy?
- Ừ, bố bận chút việc ở cơ quan, ông sếp chưa cho bố về nên bố đón con muộn, bố xin lỗi nhé!
- Mai con có cánh, con bay sang cơ quan làm việc của bố!
- Con bay sang cơ quan làm việc của bố làm gì ?
- Con bay sang cơ quan bố, gặp ông sếp nói "Sao ông sếp bắt bố làm việc mà không cho bố về đón con sớm?"
Hê hê....bố chịu con.

Có hôm trên đường đi về, con gái hỏi:
- Bố ơi, sao lâu đến ông già Noel thế ?
- Ừ, cuối năm mới đến ông già Noel cơ. Nhưng mà đến ông già Noel làm gì ?
- Để ông già Noel mua quà cho con. Mai con gọi điện cho ông già Noel bảo ông già Noel không chơi với bố nữa.
Nói rồi con bé giả động tác gọi điện thoại và nói:
- Ông già Noel à? Mai ông già Noel đến tặng quà cho Khuê nhé! Ông già Noel đừng chơi với bố nhé! Ừ, ừ...rồi, rồi...
- Ơ, sao con lại bảo ông già Noel không chơi với bố?
- Con giỡn ấy mà
Hê hê...botay.com với con gái luôn.

Một hôm khác trên đường đi học về, đi qua mấy cửa hàng bán đầu lân, đầu ông sư và trống. Con gái bảo:
- Bố ơi, mai bố mua cho con múa lân nhé!
- Ừ, bao giờ bố đi lĩnh lương thì bố mua
- Sao bố lâu lĩnh lương thế? Ông sếp không trả lương cho bố à ?
- Ừ, đầu tháng mới lĩnh lương. Nhưng sao con đòi mua nhiều thế, cái gì cũng đòi mua thì lấy đâu ra tiền mua sữa cho em
- Không, bố phải mua cho con múa lân, mua đầu ông sư cho bố và mua trống cho mẹ.
- Để làm gì vậy ?
- Thì con múa lân, bố làm ông sư còn mẹ gõ trống

Hi hi...cả nhà thành lập đoàn múa lân kiếm tiền được rồi.

Những câu chuyện như thế này còn dài dài. Từ từ em post dần lên.




From YenKhue-KyThu-KhoiNguyen
Yên Khuê
From YenKhue-KyThu-KhoiNguyen
Khôi Nguyên
From YenKhue-KyThu-KhoiNguyen
Kỳ Thư
From YenKhue-KyThu-KhoiNguyen
Và hai mẹ con Yên Khuê đi xem Mummy 3 tại Megastars

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2008

Thời của Thánh Thần!

Mấy hôm nay xôn xao trên mạng về cuốn sách "Thời của Thánh thần" của nhà văn Hoàng Minh Tường. Bài viết giới thiệu cuốn sách này đã đăng trên Viettimes từ rất lâu nhưng chẳng có tí "váng" nào, chỉ sau khi blog của nhà văn Trần Nhương đăng lên vài ý kiến , kèm theo mấy câu "sách thu hồi" thế này: Theo lệnh của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và truyền thông), sáng nay 28-8 hai nhà văn Nguyễn Khắc Trường (tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, phó giám đốc NXB Hội nhà văn) và nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả Thời của thánh thần đã đi tất cả các hiệu sách Hà Nội để thu hồi sách trôi nổi trên thị trường. Cuối cùng lượm được 91 cuốn về nhập kho niêm phong. Tác giả phải bỏ ra 140 ngàn mua 2 cuốn tại cửa hàng bà Mùi để nộp lại cho nhà xuất bản. (xem bài viết tại đây). Tiếp đó, cư dân mạng lại được BBC Việt ngữ "bồi" thêm cho phát nữa khi đăng bài "Thu hồi 'Thời của thánh thần" của Lê Quỳnh cho rằng cuốn sách đã có "lệnh cấm" thế là ...ồn ào! Liên hệ với một anh trong giới văn đàn thì được khẳng định: Cuốn sách không bị thu hồi mà chỉ NXB bị phạt 07 triệu đồng vì lý do vi phạm Luật xuất bản (phát hành sách trước khi nộp lưu chiểu). Kể cũng lạ, hình như đúng là chúng ta đang ở vào "thời của thánh thần" hay sao ấy ? Sao mà ai nói thế nào cũng dễ tin nhỉ ?

Thừa nước đục thả câu, nhà sách Sahara (chuyên bán sách trên mạng) đã đẩy giá bán cuốn sách tới 300.000 VNĐ/cuốn trong khi giá bìa của cuốn sách là 97.000 VNĐ! Có lẽ sắp tới trước khi xuất bản cuốn sách nào đó mình cũng phải "phím" với các bạn nhà báo viết entry trên blog chửi rủa thậm tệ, thư ngỏ lung tung, đề xuất cấm xuất bản...Chắc chắn cuốn sách sẽ bán chạy! Chả cần biết chất lượng nội dung sách thế nào! Hoan hô thế giới ảo !



From Print Screen

Hai nhà báo bị bắt - Hai Tổng biên tập nói gì ?

Bài này đăng trên báo Tiền Phong lâu rồi, giờ post lại cho bà con coi nhá!

Thứ Tư, 14/05/2008, 07:50

Tổng biên tập Thanh niên, Tuổi trẻ nói về việc PV bị bắt

>> Chủ tịch Hội Nhà báo VN: Hội sẽ đứng ra bảo vệ anh em…

TP - Xung quanh việc nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị khởi tố, bắt giam, phóng viên Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Khế - Tổng Biên tập báo Thanh Niên và ông Lê Hoàng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (thứ hai từ trái sang) nhận giải thưởng Hội Nhà văn 2004. Ảnh: Việt Khôi

Thưa ông Nguyễn Công Khế, ông đón nhận thông tin nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam như thế nào?

Tôi rất bất ngờ, trước đây tôi cũng đã nghe nói qua nói lại là sẽ bắt phóng viên một số báo, từ một số người có trách nhiệm, nhưng đó là thông tin không chính thức.

Hôm qua, tôi mới nghe được thông tin chính thức, cơ quan An ninh điều tra đã thi hành lệnh khởi tố, khám xét nơi làm việc của nhà báo Chiến nhưng mà không đọc quyết định. Tôi cho rằng như thế là không đúng.

Được biết, lý do mà cơ quan An ninh điều tra khởi tố nhà báo Nguyễn Việt Chiến là thông tin sai sự thật trong bài báo “Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng”, nhưng báo Thanh niên ngày hôm qua cho rằng những thông tin đó không phải là phóng viên bịa đặt, mà là có nguồn tin cung cấp. Cụ thể như thế nào thưa ông?

Phóng viên của tôi không bao giờ bịa đặt, mà làm báo không cho phép chúng tôi bịa đặt. Chúng tôi chống tham nhũng hay chống tiêu cực phải dựa trên cơ sở của sự thật và được cơ quan chức năng chính thức cung cấp.

Ngay như bài “Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng” đăng trên Thanh Niên có đến hai vị tướng xác nhận, và chúng tôi có băng ghi âm. Và một điều tra viên khác nói hai lần với phóng viên của chúng tôi (có băng ghi âm). Chúng tôi thông tin là có nguồn tin cung cấp, chứng cứ...

Báo Thanh niên sẽ làm gì để có thể bảo vệ quan điểm của mình và bảo vệ nhà báo Nguyễn Việt Chiến?

Tôi được biết, sáng nay có một đồng chí lãnh đạo của cơ quan truyền thông nói, lực lượng CA học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bác có nói một ý, nếu việc gì đáng bắt thì phải kiên quyết bắt, nếu không đáng bắt thì không bắt.

Và khi bắt phải cân nhắc rất kỹ, vì nó quyết định đến số phận của một con người. Nhưng tôi rất tiếc việc này đã xảy ra với hai nhà báo (Nguyễn Việt Chiến-báo Thanh niên và Nguyễn Văn Hải- báo Tuổi trẻ-PV). Ban biên tập, toàn thể phóng viên, chi hội nhà báo của chúng tôi dứt khoát phải bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên. Chúng tôi không được phép làm ngơ việc này.

Hiện có rất nhiều luật sư ở TP HCM và Hà Nội đã tự nguyện xin bào chữa miễn phí cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Chúng tôi sẽ phối hợp với các luật sư để bảo vệ Chiến.

Xin cảm ơn ông !

Hoài Linh
Thực hiện

Trao đổi với Tiền phong, ông Lê Hoàng - Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết: Ban Biên tập (BBT) báo thấy bất ngờ và lo ngại trước sự việc này. Chúng tôi không đồng tình khi cơ quan chức năng khởi tố bị can và bắt giam phóng viên như vậy. Bởi vì, khi vụ PMU18 xảy ra, nhiều tờ báo đều vào cuộc.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào miền núi trong đợt rét đậm đầu năm 2008

Trong “dòng chảy” thông tin ào ạt ấy, có nhiều thông tin chính xác nhưng cũng thông tin chưa chính xác.

Riêng, báo Tuổi Trẻ đã kịp thời đính chính những thông tin này. Phóng viên báo Tuổi Trẻ tham gia viết bài, đưa tin với mong muốn cùng các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc.

Động cơ làm việc hoàn toàn trong sáng bằng chức phận của nhà báo; không cá nhân, vụ lợi. Trong quá trình tác nghiệp, tuy sai sót nhưng tôi nghĩ với mức độ đó có nhất thiết phải khởi tố bị can và bắt tạm giam nhà báo?

Hơn nữa, cá nhân nhà báo Nguyễn Văn Hải là một Bí thư chi bộ Đảng, Phó trưởng Văn phòng đại diện mẫu mực.

BBT báo Tuổi Trẻ sẽ làm gì để giúp phóng viên mình?

Cho dù sắp tới có như thế nào, BBT cũng luôn sát cánh với Hải và Hải mãi là người của Tuổi Trẻ. Trước mắt, chúng tôi sẽ chăm sóc gia đình Hải và thuê luật sư Trần Văn Tạo bảo vệ quyền lợi cho Hải.

Anh chị em phóng viên báo sẽ thay phiên nhau thăm nom, động viên gia đình Hải. Ngoài ra, mọi chế độ của một phóng viên, toà soạn vẫn giữ nguyên cho Hải.

Việc này sẽ tác động thế nào đến các phóng viên Tuổi Trẻ nhất là những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng và tiêu cực?

Trong quá trình tuyển dụng; ngoài việc chúng tôi trao đổi với những phóng viên mới vào nghề về chuyên môn, còn có đạo đức và lý tưởng nghề nghiệp, trong đó có yếu tố dấn thân. Và, như vậy, họ đã phải chia sẻ sứ mệnh với Tuổi Trẻ ngay từ những ngày đầu.

Khi sự việc với Hải vừa diễn ra, anh em bị tác động tới nhận thức và tình cảm. Tuy nhiên, mọi việc lại trở nên bình thường vì sứ mệnh chống tiêu cực là của toàn Đảng toàn dân chứ không riêng gì của nhà báo.

Anh em xốc lại bản lĩnh, rút kinh nghiệm củng cố nghiệp vụ, thận trọng hơn trong quá trình tác nghiệp. Hơn nữa, anh chị em báo Tuổi Trẻ xác định tinh thần làm việc tích cực để thông tin trên mặt báo đầy đặn mỗi sáng mai.

Cám ơn ông!

Đình Thắng
Thực hiện

* Note: Phần chữ đỏ là tớ đánh dấu

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Entry for September 07, 2008

Hôm rồi có đưa vợ con đi xem Mummy 3 ở Megastars. Vậy là đi gần hết các rạp được cho là hiện đại ở TPHCM (chỉ còn thiếu Galaxy Nguyễn Du). Không biết các rạp khác của Megastars thế nào nhưng tớ thấy cái rạp số 1 dở quá, có cái cột tường to đùng ở bên hông chắn 1 phần màn ảnh. Hệ thống âm thanh và hình ảnh ở các rạp nhìn chung là như nhau và theo trí nhớ của tớ thì cũng chẳng hơn gì Fansland 87 Lý Thường Kiệt ngày xưa là mấy! Phim Mummy 3 thì vẫn thế, đúng chất hành động Mỹ nhưng thêm chút gia vị Á đông của Lý Liên Kiệt, Dương Tử Quỳnh cùng bối cảnh Thượng Hải. Nhưng thực sự thì chắc là khó có người Mỹ nào làm phim về châu Á bằng người châu Á được. Trương Nghệ Mưu là một tài năng lớn vì tớ cảm thấy ở trong sâu thẳm con người ông ẩn chứa tâm hồn dân tộc TQ. Phim Anh Hùng là ví dụ tiêu biểu nhất cho cảm nhận ấy! Xem lần đầu thấy hay về hình ảnh, âm thanh, mầu sắc. Xem lần thứ hai thấy nổi hết da gà! Sao mà cái tư tưởng "thống nhất Trung Hoa" nó ăn sâu đến thế được nhỉ? Chỉ với tâm thế "thống nhất Trung Hoa" của Tần Thủy Hoàng mà có thể thuyết phục được cả Tàn Kiếm, Vô Danh và cả "Trương Nghệ Mưu". Có lẽ vì thế mà đây cũng chính là lý do khiến cho blogger bàn luận về bài hát "One World One Dream" trong Olympic 2008 do Trương Nghệ Mưu đạo diễn.


(có phụ đề tiếng Anh của bài hát này ở trên góc phải của màn hình đấy các bạn nhé!)

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Đọc báo - Văn hóa

“...Chưa bao giờ, các cuộc thi hát trên truyền hình lại “được mùa” như hiện nay. Chỉ tính hai đài truyền hình lớn là VTV và HTV, một năm đã có 4, 5 cuộc thi hát. Thử điểm lại chỉ trong năm 2008, vừa Tiếng ca học đường, tiếp ngay đến Sao Mai điểm hẹn, rồi Vietnam Idol và Ngôi sao tiếng hát truyền hình TPHCM cũng đang bắt đầu khởi động. Mỗi cuộc thi kéo dài trên dưới 2 tháng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khán giả cả nước được xem thi hát gần như quanh năm. Cùng với đó còn có các cuộc thi Tiếng hát truyền hình hàng năm, của các đài truyền hình địa phương. Thi hát “nở rộ” trên các đài truyền hình với mật độ ngày càng “dày”, nên thí sinh vì thế cũng tha hồ chạy sô… thi hát. Khán giả vừa thấy thí sinh này tham gia thi trong Sao Mai, Tiếng hát truyền hình của đài truyền hình này, đã lại thấy họ xuất hiện trong Sao Mai điểm hẹn. Hoặc gương mặt này vừa bước ra từ cuộc thi Tiếng ca học đường năm ngoái, năm nay lại tiếp tục thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường năm nay…” (Bài viết “Thi hát trên truyền hình: Bội thu hay bội thực?” đăng trên báo SGGP)

Chuyện 100 kiệt tác sân khấu thế giới được Nhà nước đầu tư đã dấy lên dư luận không mấy vui vẻ. Mới đây, dường như có tiếp thu ý kiến của nhiều người, Cục Biểu diễn nghệ thuật đã phân bổ vở diễn cho các đơn vị sân khấu. Nhưng kiểu phân bổ này vẫn gây hoang mang cho các nhà quản lý và nghệ sĩ. Bởi nó có điều gì đó "bí bí mật mật" không giải thích nổi. Cụ thể, ở phía Nam chỉ có Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM và Kịch IDECAF được "chiếu cố". Còn Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn và Sân khấu Nụ Cười Mới thì không ai chịu ngó tới. Mà chiếu cố theo cách cũng lạ, chỉ gọi điện thoại "thông báo miệng" mỗi đơn vị có 4 vở định sẵn, đồng ý thì làm, không hề có một văn bản chính thức nào. Nhưng cả hai đơn vị đều chỉ chọn được 2 vở phù hợp, mà lại không nghe nói sẽ đầu tư kinh phí bao nhiêu...” (Bài viết “Bí mật?” đăng trên báo Thanh Niên).

“Chỉ còn một hy vọng nhỏ là có một người duy nhất ở Hà Nội may ra còn giữ được bản chép tay toàn bộ 52 bài thơ trong Lưu Hương ký, đó là ông Đào Thái Tôn - một tác giả cũng viết về Hồ Xuân Hương. Trong cuốn Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc có nói rằng Đào Thái Tôn là người đã được giao cho đọc tập Lưu Hương ký và đã dịch trọn vẹn 52 bài. Hy vọng ông Đào Thái Tôn có chép bản chữ Hán và bản Nôm để dùng và kiểm tra bản dịch của ông. Trong đợt về Việt Nam công tác, tôi cũng có yêu cầu được gặp ông Đào Thái Tôn, nhưng không may ông lại đi công tác. Nếu ông Tôn không giữ được bản chép tay Lưu Hương ký thì đây là một tổn thất không thể nào cứu vãn được”. (Bài viết “Xung quanh việc thất lạc “báu vật” Lưu Hương Ký: Vẫn còn hy vọng mong manh” đăng trên báo Gia đình và Xã hội).

“Có thể thấy với sự cố gắng và kinh nghiệm của Ban tổ chức, cuộc thi nhan sắc Việt mang tầm cỡ Quốc Gia đã thành công và gây tiếng vang... Nhưng không thể không phủ nhận rằng cuộc thi gần như ít được công chúng quan tâm, vì cũng chỉ mới đó thôi, họ đã “no nê’ với hai cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và Hoa Hậu Hoàn Vũ thế giới. Đó là chưa kể đến các cuộc thi Hoa hậu khác như: Hoa Hậu đất võ, Hoa hậu du lịch…Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 còn là dịp kỷ niệm 20 năm cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, nhưng rõ ràng dấu ấn 20 năm rất mờ nhạt. Những hạt sạn đọng lại rất nhiều sau cuộc thi nhan sắc này. Trước đó, sự vắng mặt của Hoa hậu Mai Phương Thuý và những thông tin hai chiều dù là chuyện nhỏ cũng để lại một chút gờn gợn. Vấn đề ở chỗ, Giải "Hoa hậu hoạt động từ thiện hiệu quả nhất" vì thế không được trao... Không thể khen đêm Chung kết này hoành tráng và mới lạ, vì nó chẳng khác nào một chương trình ca nhạc, và MC Ngọc Khánh dù đã có kinh nghiệm vẫn liên tục nói vấp. Không hiểu tại sao cách trao giải cho các thí sinh đọat giải cũng như đội vương miện cho Hoa Hậu Việt Nam lại liên tục mắc lỗi. Những người lên trao giải lúng túng, trong khi Ban tổ chức lại không hề sắp xếp một ai đó phụ giúp cho việc đeo dải băng, gắn vương miện hoàn chỉnh và đẹp hơn. Vì thế, một sự cố nhỏ đã xảy ra khi Trưởng Ban tổ chức trao vương miện cho Hoa Hậu Trần Thị Thuỳ Dung vừa quay lưng đi thì chiếc vương miện xinh đẹp cũng … rớt theo. Với ý đồ là lễ trao vương miện không rườm rà như cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2006 tại Nha Trang, đạo diễn chương trình đã thiết kế một hoa sen nở. Chính bông hoa ấy vô tình đã che khuất nền phía sau cần có là 27 người đẹp còn lại để tôn vinh nhan sắc cho Hoa hậu và hai Á hậu. Do đó, ảnh chụp Hoa Hậu khi lên các phương tiện báo chí ngay cả logo của đơn vị tổ chức cũng biến mất, mà nền điểm tô là... các nhà tài trợ! (Bài viết “Nhìn lại một cuộc thi nhan sắc” đăng trên báo điện tử VOV).

“...Mục đích của cuộc thi là tìm những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng của bộ môn kịch nói, thế nhưng đúng như ý kiến của NSND Doãn Hoàng Giang- Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi: Chúng ta chưa có những tài năng trẻ thật sự đáng "vàng mười". Cuộc thi nào cũng lựa chọn ra những nghệ sĩ xuất sắc nhất để trao giải nhất, nhì, ba... nhưng có thể chất lượng của giải này sẽ không bằng chất lượng của giải trước. Ðược gọi là "trẻ" nhưng ba diễn viên thành công nhất tại cuộc thi: Hoàng Lan, Kim Oanh, Kiều Thanh đều thuộc thế hệ đàn chị so với những gương mặt tham dự lần này. Những vai diễn của các nghệ sĩ này đã chinh phục đồng nghiệp bằng một lối diễn đầy bản lĩnh, có chiều sâu và có lửa. Thế nhưng rõ ràng để tìm được một diễn viên vừa trẻ, vừa đẹp lại có tài năng vượt trội hơn hẳn tại cuộc thi lần này thì vẫn chỉ là mong ước mà thôi! Giải A duy nhất dành cho nam diễn viên đó là Quang Ánh xem ra Ban giám khảo có phần "nhượng bộ" bởi lẽ để tìm được một diễn viên nam có tố chất, có hình thức trong tình hình sân khấu hiện nay là vô cùng hiếm hoi....(Bài viết “Những khoảng trống nhìn từ một cuộc thi” đăng trên báo Nhân Dân).

“Qua các cuộc bút chiến trên một số mặt báo nhiều năm qua, bên những mặt được của việc mang đến cho đời sống văn học cũng như bản thân các tờ báo một chút sức sống, cuốn hút thêm sự quan tâm của độc giả đối với đời sống văn học, cũng lại có mặt chưa được là trong khi mải bút chiến, một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong nhiều trường hợp đã quên mất một điều quan trọng: Đó là văn hóa trao đổi, phê bình. Điều này chẳng có gì mới mẻ, nó đã được nhiều người nói đến, nhưng vấn đề là nó không thực sự được giải quyết, mà chỉ được nêu ra, gióng lên, rồi bỏ đấy. Văn hoá và đạo đức của người cầm bút là một đòi hỏi hết sức nghiêm khắc. Có những việc làm sai, làm ẩu ở các lĩnh vực khác, nhưng không được ai nhìn thấy. Phê bình và sáng tác nghệ thuật đặc biệt hơn, nó cần công chúng và phải phơi ra trước công chúng. Vì thế, nếu người viết làm sai, làm dở, đừng mong công chúng chẳng biết gì. Nếu họ thiếu tự trọng, đừng mong công chúng sẽ tôn trọng mình...” (Bài viết “Thử bàn về văn hóa phê bình” đăng trên báo CAND).

“Không bất ngờ khi có tới 40 tác phẩm ảnh chụp cảnh muối và làm muối được gửi tới tham dự cuộc thi Triển lãm Ảnh nghệ thuật lần thứ 25, cũng không bất ngờ khi Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 (khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ từ 29/8) không chọn được Huy chương Vàng, nếu nhìn nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam độ 10 năm trở lại đây mà cụ thể hơn là qua các kỳ Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc cứ 2 năm tổ chức 1 lần vào các năm chẵn. Không thể bảo đó là những bức ảnh xấu, nhưng nó trùng lặp, nó bào mòn cảm xúc của người xem đến độ không còn rung động và nó đang thể hiện một sự bế tắc trong tìm tòi, khám phá của nghệ thuật nhiếp ảnh... Không dám nói xa hơn mà chỉ qua độ 5 kỳ Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc gần đây thì lần nào quanh đi quẩn lại cũng là ảnh ruộng bậc thang (ở Triển lãm lần thứ 25 này, 1 trong 4 Huy chương Bạc cũng có một bức là ruộng bậc thang), chân dung người dân tộc thiểu số, đàn bà tắm suối, lộc vừng Hồ Gươm, pháo hoa, Hạ Long, Sa Pa, Hà Giang, Mũi Né, Hội An. Tóm lại là đủ hình ảnh về lễ hội, phong cảnh, chân dung con người... Tức là "bám sát chủ đề và đề tài". Nhưng là một sự trùng lặp và khai thác đến cạn kiệt những hình ảnh đã quá quen thuộc. Và kỳ triển lãm nào người ta cũng thấy Ban tổ chức nhận xét là tác phẩm đồng đều những chưa có đỉnh cao. Chưa có những tác phẩm có nội dung sâu sắc và hình thức mới lạ thích hợp!...” (Bài viết “Ruộng bậc thang, thiếu nữ tắm suối = Nhiếp ảnh nghệ thuật” đăng trên báo CAND).

“Bây giờ báo chí quá nhiều, báo mạng, các trang web hoạt động như những tờ báo và còn phong phú hơn rất nhiều. Công nghệ copy - paste của các tờ báo mạng đã đạt trình độ siêu đẳng. Và các mảng giải trí trên báo mạng phần lớn là chuyện ngồi lê đôi mách về đời tư các ngôi sao. Và đã hình thành một nhóm người, chỉ biết làm một công việc duy nhất là gặp gỡ các ngôi sao và sau đó vội vã đưa tin. Họ không cần biết đó có phải là một nghệ sỹ nổi tiếng hay không. Chỉ cần đó là một người đang được quan tâm, nhất là đang có scandal hoặc có chuyện buồn trong đời riêng. Họ đã kiếm được tiền từ những nỗi buồn của người khác... Nhưng cũng thấy rõ sự tàn nhẫn của truyền thông. Chính họ đưa ngôi sao lên mây, rồi lại dìm họ xuống bùn đen. Một biên tập viên của tờ báo mạng Việt Nam có lượng tin về Britney nhiều kỷ lục, nghĩa là mỗi tuần vài tin, thú nhận rằng, độc giả của họ thích thông tin về cô ca sỹ này. Cứ nhìn lượng pageviews là biết. Loại tin lá cải nhảm nhí đời tư luôn là mảng tin "hot" nhất và được đọc nhiều nhất. Không cần biết đó là ai, miễn nhiều người đọc thì sẽ được đáp ứng. "Fastfood" thông tin là thế. Với những trang báo này, chuyện "nhân văn" là khái niệm khá mơ hồ. Và đó không phải là cái mà người làm báo quan tâm. Pageviews, như rating trong truyền hình, phải luôn cao. Đó là đích nhắm cuối cùng...” (Bài viết “Kiếm tiền từ nỗi buồn” đăng trên báo CAND).