Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

Báo Tết

Phải khẳng định ngay là báo Tết là đặc sản của Việt Nam và chắc là chỉ ở Việt Nam mới có loại báo Tết như thế. Món gì cũng có nhé: Năm nào nói chuyện ấy (rõ rồi, thành template mất rồi); Thơ, Nhạc, Hoạ, văn chương, bài phân tích, bài bình luận....và đặc biệt là quảng cáo cực dày. Và nói cho hết nhẽ thì thực ra báo Tết là cái loại gộp 4 - 5 số vào ra luôn trong một kỳ cho gọn. Càng ngày báo Tết càng tệ. Chẳng biết đổ tại ai, thôi thì đổ tại ....kinh tế thị trường vậy! Kiểu gì mà chả trúng...híc híc.

Mấy hôm rồi có lướt thấy mấy bài "hay hay" trên báo nên bình loạn về nó cho bà con nghe chơi vậy:

1./"Hướng đến thương hiệu toàn cầu" của tác giả Patt Cottingham và Lê Chí Công. Tớ thích nhất những kinh nghiệm cụ thể như thế này: Thành công của chuỗi cà phê Starbucks như lời của ông Howard Schultz, Tổng giám đốc: “Không thể mong nhân viên làm những điều vượt mức trông đợi của khách hàng nếu bạn không làm những điều tương tự đối với nhân viên”. Với quan niệm này, công ty đã chi tiền cho việc “giao tiếp” với nhân viên nhiều hơn ngân sách quảng cáo sản phẩm. Tại Starbucks, mọi người trong công ty đều được “thấm” tất cả khía cạnh của thương hiệu và tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Từ đó, hình thành ra phong cách phục vụ khách hàng thông qua hành vi ứng xử của nhân viên.... Và khái quát như thế này: Suy cho cùng, việc triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu dựa trên phương thức cơ bản là giao tiếp giữa con người với con người. Giao tiếp phải được chuẩn hóa ngay từ bên trong nội bộ công ty, và ra bên ngoài khách hàng và cộng đồng xã hội.


Đọc bài này để hiểu phải làm thương hiệu bài bản như thế nào.

2./ "Không gian mới của trí thức" của tác giả Huy Đức - Mỹ Lệ: Tớ không đồng ý lắm với một số ý trong bài viết này. Tuy nhiên có thể sau khi tìm hiểu với tác giả của nó xong, biết đâu tớ lại đổi ý nhỉ ?

3./ "Xin - cho" quảng cáo: Kéo lùi bước tiến truyền thông" của tác giả Đức Chính: Điều tớ quan tâm ở bài này là: Ở rất nhiều nước, các cơ quan giám sát độc lập như văn phòng kiểm toán lượng phát hành và công ty nghiên cứu thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Giới báo chí và quảng cáo cần bỏ tiền ra để thành lập những tổ chức như vậy. Muốn sinh lợi thì phải đầu tư trước chứ!"

4./ Liều thuốc đắng của tác giả Hải Lý. Điểm mà theo tớ là rất hay, chứa nhiều thông tin trong bài viết này là: Bất chấp sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, dòng vốn đầu tư tài chính vẫn chảy vào Việt Nam. Hiện còn khoảng 300 triệu đô la Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài nằm trong tài khoản ở ngân hàng nước ngoài chờ được chuyển đổi sang tiền đồng. Thiếu tiền đồng, một số tổ chức nước ngoài đành “lướt sóng”. Họ bán ra cổ phiếu để có tiền đồng và để VN-Index xuống điểm, sau đó mua vào ở một mức giá rẻ hơn. Vừa qua, họ đã thành công. (khà khà...nhà đầu tư nước ngoài cũng "lướt sóng" như ai nhé!)


Nói chung là nên mua tờ báo Xuân của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cũng chỉ cần đọc tờ ấy trong dịp Tết mà thôi.


Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Chứng khoán đêm...


Một ngày qua chẳng làm được việc gì bởi đầu óc trống rỗng. Đêm ngủ không được đành dậy ngồi online. Lướt qua tin tức trên các báo thấy tình hình thị trường chứng khoán đang rớt thê thảm, chợt nảy ý định điên rồ là đầu tư vào chứng khoán chơi. Lướt web để coi ý tưởng điên rồ ấy có khả khi để trở thành hiện thực không thì mới thấy báo chí nhà ta toàn ăn ốc nói...lung tung. Chả thấy có thằng cha chuyên gia nào phát biểu cả mà toàn các đồng chí nhà báo nhà ta tự nghĩ, tự cảm. Rồi thì Quản lý Nhà nước lúng túng. Thị trường trông chờ vào may rủi (???). Thực tế thì chẳng có thước đo nào tương đối chuẩn có thể lấy ra để tính toán, cân đo: Chính sách quản lý của Nhà nước thì hô hào (cũng có lẽ do cái bộ máy hành chính công văn giấy tờ còn rất cồng kềnh) nhưng chưa thấy chuyển động gì, nhà đầu tư nhỏ lẻ thì như những con nai vàng ngơ ngác chạy theo tâm lý đám đông. Nhà đầu tư nước ngoài thì quá nhiều kinh nghiệm và cũng thừa vốn để...chả bao giờ thua thiệt. Humm, chuyện Chứng khoán Việt Nam cứ như là cái câu mà mấy anh, chị bán bánh mỳ rong ngày nào đi qua nhà tớ cũng léo nhéo "Bánh mỳ bơ sữa một ngàn một ổ", nghe thì khoái đấy nhưng có tin được không nhỉ ? Bơ sữa đâu mà rẻ thía ? Vẫn chưa biết sẽ thế nào...để đấy đã nhỉ ! Loanh quanh qua mấy cái mảng kinh tế thì tớ lại nhớ đến vụ "Thế giới phẳng", tớ rất ghét cái trò mấy anh nhà báo hô hào "thế giới phẳng", bởi tớ cho rằng về bản chất nó cũng chỉ là sự thay đổi về hình thức và cách thức bóc lột của tư bản mà thôi. Nhưng thôi, vụ đó để sau, tớ sẽ dành 01 entry riêng cho nó.

Đang mệt mỏi và nhức đầu vì chứng khoán thì vớ được cái entry mới của Cam Ly về não đàn bà, hay phết. Chị em ngó thử mà coi. Cứ như cái nghiên cứu khoa học nọ thì hoá ra không phải như Kinh Thánh vẫn nói "đàn bà sinh ra từ cái xương cụt của đàn ông"....hê hê.

(Ảnh VN Express)

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008

Cảm nhận khi xem DDVN 19


Tối qua tớ được mời đi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam 19 do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề "Phố". Chương trình là sự quy tụ của những tên tuổi đạo diễn show lớn như: Ý tưởng và tổng chỉ huy của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, cùng với biên tập âm nhạc Lê Quang, đạo diễn Đinh Anh Dũng. Ngoài ra cũng còn phải kể đến hàng loạt các ngôi sao trong hàng ca sỹ tham gia chương trình như: Mỹ Linh, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đoan Trang, Tùng Dương, Ngọc Khuê...và Lê Uyên, Thu Phương từ Hải ngoại về và tất nhiên cũng không thể thiếu những người mẫu thời trang nổi tiếng tham dự chương trình này.

Trước khi đi xem tớ không để ý đến ý tưởng đạo diễn của chương trình, nhưng sau khi đi xem về và để viết entry này tớ bắt buộc phải đọc lại những gì mà đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đã phát biểu: "Từ phố xưa đến phố hội nhập sẽ làm nên một Phố Duyên dáng tuổi mười chín"...và ..."Sao mình không kết nối những con phố vào âm nhạc? Trong khi có bao nhiêu người gắn bó với phố, bao nhiêu ca khúc hay về phố...?". Thế là Điền quyết tâm đưa khán giả về với phố: "Những thao thức hoài niệm, những ám ảnh đau thương mất mát của chiến tranh, lời nguyện cầu an lành và hòa bình... Phố của DDVN 19 sẽ có những buồn, vui; hạnh phúc và khổ đau; hoài niệm quá khứ và hướng đến tương lai - buổi bình minh tuyệt đẹp cho Tổ quốc thăng hoa". Sẽ có những bức tranh: "Phố mà thiếu Phố Phái thì sẽ rất thiếu vắng. Nhưng tôi muốn tạo cho khán giả cảm giác đó là một Phố Phái sống động, tươi mới chứ không thể đóng khung một cách cũ mòn. Bên cạnh đó còn có những bức tranh tuyệt đẹp của Hà Nội 1946 được vẽ 3D đầy xúc cảm"....

Nếu đọc sớm những dòng này thì chắc tớ sẽ không thể đi xem DDVN bởi chính những gì đạo diễn đã nêu ở trên thì đạo diễn đã quá tham lam khi bắt 01 chương trình ca nhạc phải gánh chịu và hậu quả là những gì tớ được xem chỉ có ý nghĩa tất yếu.

Buổi biểu diễn bị biến thành một chương trình tạp kỹ. Chỉ với cái lý do "Phố" mà đạo diễn đã đưa vào chương trình những bài hát: Làng tôi nghèo lắm, Hà Nội ngày trở về, Phố mùa đông cùng nằm trong 01 chương trình với 04 bài Da vàng của Trịnh Công Sơn như Ngủ đi con, Người già và em bé, Xin cho tôi, Huế - Sài Gòn - Hà Nội và cả mấy bài nhạc ngoại như Sunset Boulevard, Nắng New York, Imagine ...

Chương trình DDVN 19 đã quá dựa vào sự hoành tráng của sân khấu, vào sự phối kết hợp của âm thanh với ánh sáng hiện đại mà quên đi sự cần thiết của chương trình ca nhạc chính là các giọng ca. Đi vào cụ thể thì tớ thấy: Tạ Minh Tâm đã lâu không luyện tập nên thoáng thấy sự "già đi" của anh với bài Huế - Sài Gòn - Hà Nội, lớp ca sỹ hàng sao của TPHCM như Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm thì đã trở nên quá kinh nghiệm và khéo léo trong sử dụng kỹ thuật, Phương Thanh thì quá đuối với Người về bỗng nhớ và lập tức bị khán giả quên ngay bởi tiết Lê Uyên hát tiếp sau bài Vũng lầy của chúng ta....Với các ca sỹ hàng sao của Hà Nội thì tình hình cũng gần như vậy, Thanh Lam đang cố làm mới mình nhưng vẫn chưa thể vượt qua nổi cái bóng ngày xưa, Mỹ Linh thì chẳng có gì mới, Tùng Dương - Ngọc Khuê thì vẫn cái tủ "Ôi quê tôi"...Tất nhiên tớ ghét nhất là mấy cái phần được gọi là Phố nay hay Phố hiện đại gì đấy với các thể loại như Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Đoan Trang...nhảy nhót linh tinh và chỉ giỏi khoe đùi khoe ngực...híc híc. Tí nữa thì quên chứ, không thể không nhắc đến ca sỹ Thu Phương mới từ Hải ngoại về hát bài "Em nằm mơ Phố" của Việt Anh. Hát thì cũng bình thường nhưng tớ ghét nhất là màn cảm ơn và xin lỗi với mấy giọt nước mắt...sao tớ thấy nó giả cầy làm sao ấy. DDVN 19 diễn ra trong 04 đêm mà đêm nào cũng thía thì mệt phết nhỉ?

Đi xem về, bức xúc tớ treo Blast rằng "DDVN là món lẩu thập cẩm, nói cho có tí văn hoá thì nó là chương trình tạp kỹ". Ấy nhưng rồi nghĩ lại thấy thế có vẻ như mình chỉ chê cái xấu mà không nhìn thấy cái hay của chương trình lại thành ra là phiến diện nên sáng ra phải trèo lên dỡ cái blast đã treo, nó nặng quá, tí nữa thì tớ ngã. Quả thật, trên đường về tớ cũng chợt có ý nghĩ hay là đạo diễn chương trình này muốn đưa cả lịch sử cận đại của VN vào trong chương trình bởi "Phố" từ những năm 45 đến "Phố" hội nhập hào nhoáng xe hơi và nhà cao tầng cùng những cô nàng nhảy nhót. Trong "Phố" nay và "Phố" hiện đại có ẩn chứa hàm ý rằng: Xã hội VN khi hội nhập đã mất đi những gì thuộc về xưa cũ và đang du nhập những thứ văn hoá "rác rưởi" của phương Tây. Thế nhưng, khi về xem lại thì hoá ra không phải, ý tưởng của đạo diễn khác cơ: "Từ phố xưa đến phố hội nhập sẽ làm nên một Phố Duyên dáng tuổi mười chín" cơ mà ? Thế là tớ lại "bé cái nhầm"...híc híc.

(Ảnh: Báo Thanh Niên)

Nông thôn hoá đô thị


Có lần một người em hỏi tớ về đề tài cho 01 chương trình truyền hình của nước ngoài quay về Việt Nam với tiêu chí là đề tài về văn hoá mang tính giải trí nhưng phải độc đáo chỉ VN mới có...híc híc. Đề tài rất khó với cá nhân tớ bởi tớ chưa được đi ra nước ngoài lần nào, chả lấy gì làm mốc để so sánh và khẳng định được nó là độc đáo và chỉ Việt Nam mới có. Hỏi quanh bạn bè và những người quen biết nhưng không tìm được câu trả lời thực sự thoả mãn bởi chẳng biết thế nào là thoả mãn được cả....

Trong lúc loay hoay như thế tớ chợt nghĩ đến 01 ý: Đoàn làm phim sẽ quay về nông thôn miền Bắc (có lẽ tại tớ sinh ra ở miền Bắc nên hiểu về nông thôn miền Bắc nhiều hơn và tớ cũng cảm nhận là nông thôn miền Bắc mới đậm đà cái chất "văn hoá" này hơn) quay cảnh bà con nông dân ra đồng làm ruộng. Đến trưa, khi nắng đã lên bà con nông dân nghỉ trưa sẽ ghé quán nước ở cây đa đầu làng, ngồi ở đấy uống chén chè mạn, rít điếu thuốc lào (giờ chắc chỉ còn thuốc lá) và bàn tán chuyện trên trời dưới biển: từ chuyện nhà hàng xóm thế nào, thằng cháu đi học ở phố ra sao, cô em đi làm ở tỉnh kiếm được nhiều tiền thế nào, ông bác ông chú làm quan ở tỉnh quyền cao chức trọng ra sao....(ấy là tớ tưởng tượng ra thế còn ít chứ thực tế thì nhiều chuyện hơn nhiều...). Kết thúc vài ngày quay cây đa quán nước đầu làng ở nông thôn miền bắc như vậy xong thì đoàn làm phim sẽ quay về thành phố HN và chọn lấy vài "điểm" cũng là quán nước vỉa hè ở đầu ngõ, góc phố....Tớ dám chắc rằng bà con công chức trước giờ làm việc, mấy anh xe ôm, chị buôn hàng chợ....cũng sẽ buôn những câu chuyện trên giời dưới biển chẳng khác cái quán nước ở cây đa đầu làng là mấy. Đấy chỉ là một trong số những ví dụ bạn có thể thấy và so sánh giữa nông thôn và đô thị ở Việt Nam (đặc biệt là ở phía Bắc). Vâng, vậy nếu khái quát (hơi liều một tí) thì đó là chuyện gì? Tớ nghĩ đơn giản rằng: Việt Nam đã có một xu hướng văn hoá rất độc đáo và chẳng giống ai đó là "Nông thôn hoá đô thị".

(Ảnh: www.ptthlamson.net)

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

Đại chiến lược hai hướng (tiếp theo)

Quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng VIII chứng kiến một vòng tranh chấp mới giữa những người chống chủ nghĩa đế quốc và những người ủng hộ hiện đại hóa. Tháng 8/1995, Thủ tướng Kiệt chuẩn bị một biên bản bí mật để trình Bộ chính trị xem xét, trong đó ông trình bày một phân tích mới về “cục diện thế giới hôm nay” và gợi ý những thay đổi căn bản trong đại chiến lược của Việt Nam. Theo ông Kiệt, động lực của thế giới không còn bị chi phối bởi mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc mà bị chi phối bởi sự đa dạng của lợi ích quốc gia, khu vực và toàn cầu và bởi tính đa cực của các mối quan hệ tương quan giữa các siêu cường. Giống ông Thạch, ông Kiệt coi phát triển theo hướng hiện đại hóa là ưu tiên cao nhất của đất nước. Ông nhấn mạnh rằng nguyện vọng lớn nhất của người Việt Nam là trở nên “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”, và kiến nghị hiểu chủ nghĩa xã hội theo cách phù hợp với mục tiêu này. Ông tiến xa tới mức thúc giục Đảng xóa bỏ nguyên tắc tổ chức “tập trung dân chủ” và xác định lại biểu ngữ của Đảng từ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” thành “dân tộc và dân chủ”.

Bức thư của ông Kiệt gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ những người chống chủ nghĩa đế quốc. Trong nhiều cuộc họp kín giữa cán bộ nòng cốt của Đảng, Nguyễn Hà Phan, cùng Bí thư thường trực Đào Duy Tùng, được xem là nằm trong danh sách những người chống chủ nghĩa đế quốc sẽ thay thế ông Kiệt và ông Mười làm người đứng đầu chính phủ và Đảng, gọi quan điểm của ông Kiệt là “đi trệch khỏi chủ nghĩa xã hội”. Những người chống chủ nghĩa đế quốc cũng lưu hành trong hàng ngũ cán bộ cấp cao tài liệu nhan đề Chiến lược của Mỹ nhằm thay đổi Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ để buộc tội ông Kiệt, mặc dù gián tiếp, làm lợi cho các lực lượng thù địch, hay “tự diễn biến hòa bình”. Tài liệu này lập luận rằng việc Việt Nam mở cửa và hội nhập vào thế giới tư bản hoàn toàn phù hợp với một chiến lược khôn ngoan hơn của Mỹ nhằm biến Việt Nam thành một nước phi cộng sản, thân Mỹ và chống Trung Quốc bằng cách khuyến khích sự chống đối trong nội bộ đảng và bằng đầu tư nước ngoài cũng như “ngoại giao thân thiện”.

Sự phản công của những người ủng hộ hiện đại hóa khi ấy tập trung vào con người, chứ không phải là hệ tư tưởng. Tại một trong những hội nghị cuối cùng để chuẩn bị cho Đại hội VIII, cả ông Phan và ông Tùng đều bị hất ra khỏi danh sách đề cử vào ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ tiếp theo do nhiều nỗ lực khác nhau của những người ủng hộ hiện đại hóa. Tuy vậy, các ứng cử viên của những người ủng hộ hiện đại hóa cho các vị trí hàng đầu - ông Kiệt và con trai của cố Tổng bí thư Trường Trinh và Giám đốc Học viện Tư tưởng Hồ Chí Minh Đặng Xuân Kỳ - không thể giành được sự ủng hộ của Bộ chính trị. Trong các ứng cử viên tiếp theo của những người chống chủ nghĩa đế quốc, ông Nông Đức Mạnh từ chối tranh cử còn ông Lê Khả Phiêu, người được ông Anh bảo trợ, bị xem là quá thiếu kinh nghiệm cho vị trí này. Do đó tình trạng bế tắc hình thành. Khi Đại hội Đảng VIII được tổ chức, Đại hội đã bổ nhiệm lại bộ ba lãnh đạo hiện tại. Tại Hội nghị 6 tháng 12/1997, khi việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo đã quá hạn, những người chống chủ nghĩa đế quốc có thể đặt ông Phiêu vào vị trí Tổng bí thư - vì ông này đã thu được kinh nghiệm nhất định khi làm Uỷ viên Thường trực Bộ chính trị trong 18 tháng trước đó. Bộ ba lãnh đạo trước đó gồm ông Mười, ông Anh và ông Kiệt được bổ nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Trên cương vị mới, họ tiếp tục được mời tham dự mọi cuộc họp của Bộ chính trị cũng như của Ban Chấp hành Trung ương, tại đó họ có thể lên tiếng góp ý. Vì bộ ba nắm cơ sở quyền lực lớn nhất trong tất cả các lãnh đạo của ĐCSVN, nên thế lực của họ bao trùm việc hoạch định chính sách của Việt Nam ngay cả sau khi đội ngũ lãnh đạo đã thay đổi.

Bộ ba lãnh đạo mới gồm một người ủng hộ hiện đại hóa (Thủ tướng Phan Văn Khải), một người chiết trung về hệ tư tưởng (Chủ tịch nước Trần Đức Lương) và một người chống chủ nghĩa đế quốc (Tổng bí thư Lê Khả Phiêu). Sự tồn tại của hai phe lớn trong nội bộ Đảng và nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã đặt ông Phiêu vào tình thế mong manh. Nay người chống chủ nghĩa đế quốc phải đóng vai trò người điều tiết giữa hai phe nếu ông không muốn mất ghế của mình. Mặc dù thế giới quan của ông về cơ bản vẫn không thay đổi, nhưng ông Phiêu cố gắng xây dựng cơ sở quyền lực của mình với những người, không nhất thiết là người trung thành với việc chống chủ nghĩa Đế quốc. Hơn nữa, ông Phiêu nhất quyết hạn chế quyền lực của các Cố vấn, do đó rơi vào tình trạng mâu thuẫn nghiêm trọng với các Cố vấn. Cuối cùng, các Cố vấn đã tìm cách hạ bệ ông Phiêu tại Đại hội Đảng IX tháng 4/2001.

Tuy nhiên, việc loại ra những người chống chủ nghĩa đế quốc như ông Tùng, ông Phan và ông Phiêu không có nghĩa là những người ủng hộ hiện đại hóa có thể giành được thế trên trong đội ngũ lãnh đạo Đảng. Bên dưới sự thay đổi nhân sự trên bề mặt, cán cân quyền lực giữa những người chống chủ nghĩa đế quốc và những người ủng hộ hiện đại hóa vẫn còn nguyên. Từ đầu thập kỷ 1990, cán cân quyền lực này đã được củng cố làm cấu trúc quyền lực cơ bản trong đội ngũ lãnh đạo ĐCSVN nhờ cam kết phổ biến là giữ gìn sự thống nhất của Đảng, và cũng nhờ tác phong ra quyết định của ĐCSVN, dựa trên cơ sở lãnh đạo tập thể và đồng thuận, cũng như tác phong lựa chọn nhân sự của Đảng, ủng hộ “sự liên tục” hơn là “đổi mới”. Được hình thành những năm cuối thập kỷ 1980, cân bằng quyền lực này đảm bảo sự cân bằng nhất định tuy không bình đẳng giữa hai phe. Giống như sự pha trộn chính sách mà nó tạo ta, cân bằng quyền lực này gán cho những người chống chủ nghĩa đế quốc và những người ủng hộ hiện đại hóa các vị thế khác nhau: những người chống chủ nghĩa đế quốc bảo vệ nguyên tắc, còn những người ủng hộ hiện đại hóa thì có chiến thuật. Chính sự cân bằng quyền lực này đã ngăn chặn tất cả những người bị xem là ủng hộ hiện đại hóa cấp tiến, như ông Kiệt năm 1996 và ông Nguyễn Văn An năm 1997 và năm 2001, không nhận được vị trí cấp cao trong Đảng. Một lần nữa tại Đại hội Đảng IX, ĐCSVN đã chọn ông Mạnh, một người chống chủ nghĩa đế quốc có chừng mực hay đúng hơn là một người chiết trung, người có thể điều tiết hai phe, làm Tổng bí thư tiếp theo.

Như Brantly Womack chỉ ra, việc kháng lại sự vượt ra ngoài cơ sở đồng thuận cấp trung là do sự tương tác của ba yếu tố. Một mặt, cải cách chứng tỏ là chính sách kinh tế thành công nhất trong lịch sử của ĐCSVN, nhưng mặt khác lại có nhiều hậu quả không mong muốn. Ngoài ra, sự thành công của cải cách và môi trường quốc tế yên bình đã làm mất đi tâm trạng khủng hoảng lớn mà đã chiếm ưu thế hồi cuối thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990. Do vậy, Việt Nam đã bị mắc kẹt trong một “trạng thái bất động về cải cách”, mà hậu quả của nó là “sự lãnh đạo theo lối mòn”. Do vậy, không có sự đổi mới đáng kể nào trong chính sách đối ngoại diễn ra kể từ cuối thập kỷ 1980.

Việc đánh giá tình hình thế giới cũng như các chỉ thị về chính sách đối ngoại được thông qua tại Đại hội IX dựa trên cùng cơ sở như những chỉ thị đã được phê chuẩn tại Đại hội VII và VIII. Tất cả các chỉ thị này đều mô tả một thế giới trong đó cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, tại tất cả mọi nước trên thế giới và khơi mào cho một quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa, là một trào lưu thế giới mạnh mẽ. Đồng thời, các chỉ thị này cũng công nhận rằng thế giới đang trong quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Điều này có nghĩa là “những mâu thuẫn căn bản” do hoạt động của chủ nghĩa tư bản gây ra vẫn tồn tại và để giải quyết những mâu thuẫn này, “các cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc” đang được tiến hành một cách mạnh mẽ. Quan hệ quốc tế được đánh dấu bởi cả hợp tác và đấu tranh trong bối cảnh này. Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, mục đích của chính sách được xác định là kết hợp việc duy trì môi trường quốc tế yên bình với việc tạo lập các tập hợp có lợi cho phát triển kinh tế xã hội trong nước và quốc phòng với đóng góp tích cực vào “cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” - những từ chuẩn mực trước đây của Việt Nam về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản đế quốc.

Định hướng địa chính trị và quan hệ đối ngoại chính

Để triển khai các nhiệm vụ nói trên, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã tuyên bố trong một cuộc họp báo, là một phần trong Đại hội IX, rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục coi trọng việc tôn trọng và phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, láng giềng và các nước mạnh”. Tiếp đó ông nói thêm “Việt Nam sẽ củng cố và mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển, độc lập dân tộc và bạn bè truyền thống. Đồng thời Việt Nam sẽ đa dạng hóa quan hệ với các nước phát triển và các tổ chức quốc tế và khu vực”. Danh sách của ông Niên, theo thứ tự được nêu, phản ánh rõ ràng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển từ khi bắt đầu đổi mới, định hướng địa chính trị của Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thứ tự ưu tiên này.

Năm 1987 - 1988, Việt Nam vẫn định hướng mạnh theo Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu. Nhưng Nghị quyết 13 sớm khởi xướng một sự “đa dạng hóa” định hướng quốc tế của Việt Nam. Năm 1989, tỷ lệ các bài báo về châu Á Thái Bình Dương, Đông Nam Á và các nước tư bản trong khu vực (không tính Mỹ) xuất hiện trên tạp chí Cộng sản của Đảng, so với những bài báo về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là 4: 5, trong khi đó năm 1988, tỷ lệ này là 1:13. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh của sự chú ý của Hà Nội, chuyển từ Đông Âu sang châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xu hướng này bị ngưng lại đầu năm 1990, bề ngoài là để phản ứng trước sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu. Từ đó cho đến cuối năm 1991, tờ báo này không xuất bản bài báo nào về châu Á Thái Bình Dương, nhưng dành chỗ chính cho việc lên án chủ nghĩa đế quốc và Mỹ, cũng như bày tỏ tình đoàn kết với những người cộng sản ở Đông Âu.

Thời kỳ từ năm 1989 đến năm 1991 là quãng thời gian quan trọng hơn hẳn, khi Việt Nam đang tìm kiếm một định hướng địa chính trị mới. Những người ủng hộ hiện đại hóa dựa vào sự hội nhập khu vực vào châu Á Thái Bình Dương đồng thời tìm cách bình thường hóa quan hệ với “hai nước lớn” - Trung Quốc và Mỹ - một cách cân bằng. Tuy vậy, những người chống chủ nghĩa đế quốc thay vì đó lại ủng hộ một “giải pháp đỏ” - liên minh với Trung Quốc chống Mỹ và phương Tây. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại cuộc họp ngày 10/4/1990 của Bộ chính trị “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa chống lại âm mưu của chủ nghĩa đế quốc nhằm xóa sổ chủ nghĩa xã hội. [Chúng ta] phải cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc”. Theo Thứ trưởng Ngoại giao khi ấy là ông Trần Quang Cơ, giải pháp đỏ này giành được thế trên trong Bộ chính trị tại Hà Nội từ khoảng tháng 3/1990. Nỗ lực của Việt Nam nhằm khôi phục quan hệ với Trung Quốc trong năm 1990 - 1991 được một số người ủng hộ hiện đại hóa xem là một nỗ lực nhằm “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế của Việt Nam theo tinh thần của chính sách đối ngoại “đa dạng hóa và đa phương hóa”. Nhưng như ông Anh giải thích vào năm 1990, động cơ thực sự thúc đẩy những người như Tổng bí thư Linh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, và đa số ủy viên Bộ chính trị xúc tiến việc thiết lập lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là như sau:

Mỹ và phương Tây muốn khai thác cơ hội này [sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh] để nhổ tận gốc chủ nghĩa cộng sản. Họ [Mỹ] đang trừ tiệt [chủ nghĩa cộng sản] ở Đông âu. Họ đã tuyên bố nhổ tận gốc chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng là đây là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta phải tìm kiếm [một] đồng minh. Đồng minh này chính là Trung Quốc.

Tuy nhiên, đề nghị thiết lập một liên minh chống chủ nghĩa đế quốc của Việt Nam đã bị Trung Quốc từ chối thẳng thừng nhiều lần. Trong chuyến viếng thăm của Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Bắc Kinh tháng 11/1991 , khi quan hệ giữa hai nước và hai đảng đã chính thức bình thường hóa, Trung Quốc đã trả lời Việt Nam rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể là “đồng chí nhưng không phải là đồng minh”. Với việc đề nghị của những người chống chủ nghĩa đế quốc đã bị mất uy tín, chương trình nghị sự của những người ủng hộ hiện đại hóa đã giành lại được đà. Tháng 3/1992, tạp chí Cộng sản của Đảng xuất bản bài báo nhan đề Việt Nam trong xu thế chung của châu Á Thái Bình Dương của Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm. Ông Liêm không công khai xác định phạm vi địa lý của khu vực mà nhắc tới “Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, In-đô-nê-xia, và các nước ASEAN khác” là các nước trong khu vực. Ông lập luận rằng vì mục đích an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không thể không coi quan hệ của mình với khu vực châu Á Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao. Thừa nhận rằng việc này khá mới lạ đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông quả quyết rằng “việc xây dựng và bảo vệ Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa không mâu thuẫn với lợi ích của các nước trong khu vực”. Ông Liêm cũng khẩn thiết yêu cầu có “tư duy thực sự mới về chính sách đối nội và đối ngoại” và xác định phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu cao nhất của đất nước. Ông kết luận “Theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, dân tộc chúng ta sẽ xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, trở thành một thành viên xứng đáng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương yên bình, độc lập và phát triển”. Năm sau, tờ báo này xuất bản êu cường và các nước trong khu vực là hai “đ�ạnh Cầm, trong đó ông chỉ ra rằng quan hệ với các siêu cường và các nước trong khu vực là hai “định hướng lớn” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng Đông Nam Á sẽ là chiếc “cầu” đưa Việt Nam hội nhập với thế giới. Vài tháng sau, ông Vũ Khoan, một trong các phó của ông Cầm ở Bộ Ngoại giao, lặp lại lời của ông Cầm, trong tạp chí Cộng sản của Đảng với một bài báo nhan đề Châu Á Thái Bình Dương: Định hướng chính trong chính sách đối ngoại của nước ta. Sau năm 1995, khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, một chủ thể ASEAN mới được bổ sung vào định hướng châu Á Thái Bình Dương của nước này.

Mặc dù có chủ thể ASEAN chưa bao giờ vững chắc hơn, nhưng Việt Nam không coi quan hệ với ASEAN là định hướng địa chính trị quan trọng nhất của mình. Trong kế hoạch về nơi nương tựa trên thế giới của Việt Nam, xuất phát từ sự chồng chéo của hai đại chiến lược, ASEAN là chiếc cầu nối chứ không phải là một điểm đến. Do vậy, sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn tìm kiếm một cơ sở mới cho quan hệ ngoại giao của mình. Sau khi ông Lê Khả Phiêu trở thành Tổng bí thư vào cuối năm 1997, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc. Năm 1999, số lần các chuyến viếng thăm cấp cao giữa hai nước tăng vọt lên 80, với việc bản thân ông Phiêu tới thăm Trung Quốc. Đầu năm 2000, ông lại thăm Trung Quốc lần nữa để tham dự một cuộc họp không được công khai với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Các nguồn tin không chính thức từ Hà Nội đưa tin ông Phiêu gặp ông Giang với đề nghị tổ chức họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc. Nỗ lực này bề ngoài vẫn không thành công, nhưng vào giữa năm 2000, một phái đoàn Việt Nam do nhà lý luận chính của Việt Nam, Nguyễn Đức Bình, làm trưởng đoàn đã tới Trung Quốc tham dự “hội nghị chuyên đề về hệ tư tưởng”, buổi tham vấn đầu tiên của các nhà lý luận chính của hai nước kề từ năm 1975.

Cho dù tham vọng cá nhân của ông Phiêu là gì, thì nếu đề nghị này của ông được chấp nhận, Việt Nam sẽ được nâng thành một “cực” trong trật tự thế giới đa cực của Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người thừa kế từ người tiền nhiệm, trọng trách về các vấn đề quốc phòng, nội vụ, và ngoại giao trong Bộ chính trị, cũng đang theo đuổi giải pháp riêng của mình. Cụ thể là ông Lương được cam đoan lần nữa trong chuyến viếng thăm năm 1998 tới Mát-xcơ-va rằng “Nga sẽ vẫn coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và quan hệ Nga-Việt là một cực trong thế giới đa cực”. Việc lập lại quan hệ hữu nghị Nga-Việt lên đến đỉnh điểm trong tuyên bố về “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai đồng minh trước đây, trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên trong lịch sử của nhà lãnh đạo tối cao của Nga tới Việt Nam vào năm 2001.

Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi vĩnh viễn kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001. Diễn biến trong quan hệ giữa các siêu cường sau đó đã làm cho các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhận thức rằng Mỹ không có quan điểm bình đẳng với các cường quốc lớn khác. Cùng với triển vọng về một thế giới đa cực, hy vọng của Việt Nam sẽ được Trung Quốc hoặc Nga nâng lên thành một cực trong trật tự thế giới đa cực nào đó đã trở nên xa xăm hơn bao giờ hết. Tháng 7/2003, Hội nghị 8 Ban chấp hành Trung ương IX đã thông qua một nghị quyết về "”Chiến lược phòng vệ trong nước trong tình hình mới”, trong đó Việt Nam từ bỏ mệnh đề ý thức hệ trong việc phân biệt “đối tác” (về mặt hợp tác) và “đối tượng” (trong chiến đấu) trong quan hệ quốc tế của mình. Việc này đã mở đường cho việc tăng cường tiếp xúc với Hoa Kỳ, đáng chú ý là chuyến viếng thăm lần đầu tiên trong lịch sử của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà tới Washington và việc tàu chiến của Mỹ lần đầu tiên cập cảng nước Việt Nam cộng sản, cả hai sự kiện này đều diễn ra trong tháng 11/2003. Tuy nhiên, liệu những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Việt trong thời kỳ sau sự kiện ngày 11/9 có lên đến mức trở thành một định hướng địa chính trị mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hay không vẫn còn chờ xem.

Quan hệ của Việt Nam với các nước khác trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh dường như đã theo một số chiến lược địa chính trị ở nhiều mức độ khác nhau. Tùy thuộc vào tình hình tạm thời, tuy nhiên, các chiến lược địa chính trị được định hình bởi các đại chiến lược, tạo cho các chiến lược này mục đích và nguyên tắc. Mục đích của đại chiến lược chống chủ nghĩa đế quốc là chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, và nguyên tắc là “khai thác các mâu thuẫn”. Có sự thay đổi chiến thuật trong chiến lược này trong “những năm 1990 dài dằng dặc”. Trong nửa đầu thập kỷ này, mâu thuẫn chính được cho là giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, thể hiện về mặt địa chính trị qua căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ tiếp sau sự kiện Thiên An Môn. Nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế truyền thống, khi ấy Hà Nội đã cố cân bằng Washington bằng cách lôi kéo Bắc Kinh. Nhưng tình hình đã thay đổi lớn trong nửa cuối thập kỷ này. Quan hệ Trung-Mỹ đã được phục hồi. Đồng thời, một mâu thuẫn mới đã xuất hiện giữa “đơn cực hóa” trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và phong trào đối lập “đa cực hóa”. Nhận thức rằng đây là mâu thuẫn chính trong thời điểm đó của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập Trung Quốc, Nga và Pháp, các cường quốc lớn ủng hộ một trật tự thế giới “đa cực” bằng nhiều nỗ lực nhằm chống lại sự “đơn cực hóa”.

Mục đích của đại chiến lược hiện đại hóa là nhằm đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp và bắt kịp các nước phát triển trong khu vực lân cận. Nguyên tắc được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu này là "tận dụng" các nguồn lực và xu thế bên ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trong nước. Theo nguyên tắc này, những người ủng hộ hiện đại hóa cố gắng xây dựng quan hệ thân thiết với các trung tâm tài chính - công nghệ thế giới, cụ thể là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước công nghiệp tiên tiến khác ở châu Âu và châu Á, là các nguồn tiềm năng cả về vốn và công nghệ. Đồng thời, những người ủng hộ hiện đại hóa cũng khuếch trương sự tham gia của Việt Nam vào hợp tác khu vực và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, trong đó ASEAN đóng vai trò quyết định. Trong báo cáo năm 1995 trình lên.Bộ chính trị, ông Kiệt nhấn mạnh đến việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, một khuôn khổ hợp tác với Liên minh châu Âu, và việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ như "tập hợp lực lượng" mới của Việt Nam. Đồng thời, ông bác bỏ khả năng tập hợp lực lượng trên cơ sở ý thức hệ với Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Đáng lưu ý là ông Kiệt đãkhông đề cập đến quan hệ Trung-Việt, được khôi phục trước tiên, như một trụ cột nơi nương tự của Việt Nam trên thế giới.

Sự chồng chéo của hai đại chiến lược tạo cơ sở cho ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, và sự pha trộn hai đại chiến lược này xác định chính sách của Việt Nam đối với các cường quốc nước ngoài. Trong khuôn khổ này, Mỹ vừa được cho là nguồn trung tâm phá hoại - "kẻ thù cơ bản" - vừa là nguồn vốn và công nghệ tiềm năng có giá trị nhất - "đối tác lớn nhất". Thái độ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ do vậy còn nước đôi. Thái độ này được đánh dấu bằng cả sự ngưỡng mộ lẫn sự thù địch. Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Hà Nội, cũng là một cố vấn cho ông Đỗ Mười, phân biệt bốn khả năng tiếp cận đối với siêu cường này trong cái mà ông gọi là một "thế giới đa tâm". Khả năng thứ nhất là liên minh, khả năng thứ hai là quan hệ đối tác chiến lược, thứ ba là kết hợp có chọn lọc giữa hợp tác và đấu tranh và thứ tư là đối đầu. Ông đánh giá rằng ngay hiện tại rất hiếm có nước nào vẫn tiếp tục chọn giải pháp thứ tư, và dường như nói bóng gió đến Nhật Bản đại diện cho giải pháp thứ nhất, Trung Quốc đại diện cho giải pháp thứ hai và Việt Nam đại diện cho giải pháp thứ ba.

Nhận thức của Việt Nam về Trung Quợi giải quyết cùng một vấn đề về Trung Qlược. Tuy nhiên, cả hai đại chiến lược đều phải giải quyết cùng một vấn đề về Trung Quốc. Vấn đề này gồm có sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, có thể dẫn đến sự quyết đoán và sức ép, và các xung đột về lãnh thổ của nước này với Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh là một vấn đề lớn đối với những người Việt Nam chống đế quốc, vì họ coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược. Tuy nhiên, họ giải quyết vấn đề này bằng cách chỉ ra Hoa Kỳ như "kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp cơ bản và lâu dài", nhờ vậy chuyển vấn đề Trung Quốc thành mối đe đọa thứ cấp. Trái lại, đối với những người ủng hộ hiện đại hóa Việt Nam, Trung Quốc là mối đe dọa nhiều hơn là cơ hội. Nhiều người ủng hộ hiện đại hóa Việt Nam không ưa Trung Quốc và ủng hộ phương Tây. Họ thấy trong sự quyết đoán của Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ và biên giới có mối đe dọa lớn hơn so với các sức ép của phương Tây đòi dân chủ và nhân quyền.

Đại chiến lược tạo khuôn khổ để nhận dạng tác động tới lựa chọn chính sách đối ngoại. Trái lại, những người chống chủ nghĩa đế quốc sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc, như họ đã từng làm ở Hội nghị thượng đỉnh Thành Đô (1990) và các hiệp định về đường biên giới năm 1999 và 2000, nhưng vẫn cứng rắn trong việc xử lý vấn đề với Mỹ, như thể hiện rõ ràng trong việc họ phong tỏa hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1999. Điều ngược lại thì đúng đối với những người ủng hộ hiện đại hóa. Họ sẵn sàng thỏa hiệp trong vấn đề thương mại với Washington trong khi lại trì hoãn việc phê chuẩn hiệp định đường biên giới về Vịnh Bắc Bộ với Bắc Kinh. Điều này là do những người chống chủ nghĩa đế quốc gắn bản thân với chế độ chứ không phải là với đất nước hiểu theo nghĩa lãnh thổ, còn những người ủng hộ hiện đại hóa thì lại gắn bản thân với quốc gia theo ý nghĩa truyền thống chứ không phải là với chế độ theo kiểu Xta-lin-nít. Những người ủng hộ hiện đại hóa như ông Thạch hay ông Kiệt đang thúc đẩy nhằm thay đổi bản sắc của chế độ trong khi vẫn giữ nguyên tên gọi của nó. Họ lo ngại về lãnh thổ đất nước nhiều hơn là về các nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản.

Mặc dù có những điểm tương đồng nổi bật về thế giới quan giữa những người ủng hộ hiện đại hóa của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng những người ủng hộ hiện đại hóa hàng đầu của Việt Nam như ông Thạch và ông Kiệt lại không coi Trung Quốc là mô hình phát triển. Cơ sở của họ là: Nếu có nước nào đó thành công hơn Trung Quốc, thì tại sao lại phải đi theo Trung Quốc? Nếu Trung Quốc đang theo một nước nào khác, thì tại sao lại không theo ngay chính nước mà Trung Quốc đang đi theo? Do đó, mô hình “tự nhiên” của họ là các “con hổ” tư bản châu Á. Thực ra, mô hình của Thủ tướng Kiệt chính là Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự cải cách khu vực nhà nước của ông Kiệt năm 1990 - 1991 là nhằm thành lập các công ty lớn giống với các chaebols zaibatsus. Mô hình này phù hợp với hệ tư tưởng của ông. Ông muốn có các tập đoàn hùng mạnh để dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam trên thị trường thế giới. Đối với ông, các mô hình của Hàn Quốc và Nhật Bản với các tập đoàn lớn có sức hấp dẫn hơn so với các mô hình của Xing-ga-po hay Đài Loan với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng tất cả điều đó đã bị tấn công mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Trong những năm 2000, với việc quan hệ Trung - Việt đang trong thời kỳ bình thường, những người ủng hộ hiện đại hóa không hề sợ việc đi theo con đường của Trung Quốc và họ đang nhìn vào Trung Quốc để rút ra bài học.

Các cách khác để đối phó với Trung Quốc được xây dựng trong hai đại chiến lược. Đại chiến lược chống chủ nghĩa đế quốc đưa ra khả năng là tình hữu nghị với Trung Quốc có thể giảm bớt sức ép của Trung Quốc và giảm sự quả quyết của họ. Đại chiến lược hiện đại hóa đưa ra hai phương pháp tiếp cận khác nhau đối với vấn đề Trung Quốc. Một cách tiếp cận là Trung Quốc sẽ được cân bằng hoặc bị cản trở bởi sự “tập trung lực lượng” của Việt Nam từ các đối tác hùng mạnh và có ảnh hưởng khác. Cách tiếp cận khác, có thể được gọi là “giăng bẫy”, dựa trên cơ sở phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và mạng lưới hợp tác khu vực dày đặc. Theo một quan chức bộ ngoại giao Việt Nam giải thích “Quan hệ Trung - Việt sẽ ăn khớp nhịp nhàng với nhau trong mạng lưới lợi ích kinh tế và chính trị đan xen của khu vực lớn hơn nhiều. Đây là một sự dàn xếp trong đó bất kỳ nước nào muốn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đều được xâm phạm tới lợi ích của các nước khác nữa”. Tuy nhiên, mỗi chiến lược trong ba chiến lược này đều có sự bất lợi riêng. Đối với chiến lược thứ nhất, Trung Quốc từ chối tham gia vào bất kỳ liên minh chính thức nào với Việt Nam và vẫn cứng rắn khi giải quyết tranh chấp về lãnh thổ. Đối với chiến lược thứ hai, không chắc chắn là các cường quốc khác, trong đó Hoa Kỳ là nước có tiềm lực nhất, sẽ nghiêng về Việt Nam hơn nếu Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa thực sự. Đối với chiến lược thứ ba, còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có để mình bị “mắc lưới” trong sự bố trí của khu vực hay không. Liệu sự kết hợp nào đó của ba chiến lược này có thể trung hòa sự bất lợi của mỗi chiến lược hay không? Tình hình trong những năm 2000 dường như thuận lợi cho một triển vọng như vậy. Trong thập kỷ này, quan hệ Trung - Việt đã tiến vào một thời kỳ bình thường. Việc Chủ tịch nước Giang Trạch Dân tặng “16 chữ” (láng giềng thân thiện, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và hướng tới tương lai) trong chuyến thăm của ông Phiêu tới Trung Quốc năm 1999 và phương châm “bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt) cũng của ông Giang trong chuyến viếng thăm của ông tới Việt Nam năm 2002, đã tạo khuôn khổ cho quan hệ giữa hai nước. Khuôn khổ này là dấu hiệu cho phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo ở Hà Nội thấy một liên minh với Bắc Kinh trên cơ sở ý thức hệ không được chào đón, đồng thời là dấu hiệu cho những người không ưa Trung Quốc thấy họ phải tránh phản kháng “láng giềng tốt” ở phía Bắc. Do đó, trong những năm 2000, các phe phái đấu đá nhau trong giới lãnh đạo ở Hà Nội có thể thương lượng các phương pháp tiếp cận khác nhau của họ về Trung Quốc trên nền tảng bình thường hóa vững chắc, chứ không phải như trong thập kỷ 1990, trong một khe hẹp giữa “giải pháp đỏ” ở một phía và phe đối lập ở phía bên kia, làm cho phản ứng của Việt Nam với Trung Quốc chịu ảnh hưởng của sự đấu đá giữa các bè phái, chứ không phải là sự cân nhắc thận trọng khôn ngoan, và do vậy không phải tối ưu.

Chính sách của Việt Nam đối với các nước công nghiệp tiên tiến ở phương Tây ngoài Mỹ cũng như đối với ASEAN chủ yếu được định hình bởi đại chiến lược hiện đại hóa nhưng chịu tác động lớn của chiến lược chống chủ nghĩa đế quốc. Do vậy, Hà Nội giang tay hợp tác đồng thời theo dõi một cách ngờ vực các nước này, mà hoặc là các nước tư bản hoặc là cựu đồng minh của Mỹ. Việc ưu tiên hóa các nước trong những nhóm này tuy nhiên lại chịu sự chi phối của đại chiến lược hiện đại hóa. Một hệ thống thứ tự không chính thức được áp dụng vào quan hệ của Việt Nam với các nước trong những nhóm này, phản ánh quy mô, mức độ công nghiệp hóa, và sự gần gũi về không gian khác nhau với Việt Nam. Thực ra, các quan hệ quan trọng nhất là với các "cường quốc lớn” Nhật Bản và Pháp và “các nước láng giềng” ASEAN và Hàn quốc. Tuy nhiên, có sự thay đổi cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam và các nhóm này. Tiếp sau việc bình thường hóa với Trung Quốc, quan hệ của Việt Nam với các nước này cũng đã đạt được mức độ bình thường vào đầu thập kỷ 2000. Một tuyên bố chung về "quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” với Hàn Quốc đã được công bố năm 2001. Năm sau, Việt Nam và Nhật Bản đạt được khuôn khổ quy phạm cho quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ 21. Sau đó, các khuôn khổ về hợp tác lâu dài với In-đô-nê-xia, Thái lan, Xing-ga-po và Ma-lai-xia cũng được ký kết. Từ bạn bè, trước thường được dùng riêng để chỉ các nước “bạn bè truyền thống” như An-giê-ri hay Ấn Độ bắt dầu được dùng cho một số nước ASEAN và phương Tây. Hệ thống thứ tự không chính thức đề cập trên đây vẫn còn nguyên. Thực ra, hiệp định khung với Nhật Bản được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký kết, các hiệp định với Hàn Quốc và In-đô-nê-xia do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký kết, còn Thủ tướng Phan Văn Khải, người đứng hàng thứ ba trong danh pháp của ĐCSVN, thì ký kết các hiệp định khác.

Kết luận

Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi đổi mới không được chỉ đạo bởi một hệ thống tư duy thống nhất, mà là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa hai đại chiến lược khác nhau, mỗi đại chiến lược hình thành trên cơ sở tầm nhìn khác biệt về thế giới. Chính sự xung đột và thỏa hiệp, và sự pha trộn và phân công lao động giữa hai đại chiến lược đã dựng nên quan hệ của Việt Nam với thế giới bên ngoài cũng như việc đặt thứ tự ưu tiên về các nước và các vấn để. Để làm sáng tỏ điểm chính của câu chuyện, hãy để chúng tôi ẩn dụ chính sách đối ngoại như một chuyến đi và nhà nước như một con tàu. Như vậy, con tàu Việt Nam có hai thuyền trưởng, với hai tấm bản đồ khác nhau và hai điểm đến khác nhau. Những đích này bản thân không xung khắc nhau. Nhưng trong tình hình khi các nguồn lực bên ngoài then chốt cần thiết cho hiện đại hóa trong nước được tập trung trong tay các cường quốc tư bản lớn nhất, thì các mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc lại xung đột với các mục tiêu của hiện đại hóa. Do vậy, hai thuyền trưởng phải thương lượng lại đích đến của mình: Thực ra, không ai trong số họ chịu từ bỏ mục tiêu của mình, nhưng họ nhất trí về một định hướng được thỏa hiệp. Do đó, con tàu không tiếp cận được bờ biển nào mà các thuyền trưởng muốn nó đáp vào. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các thuyền trưởng là nếu họ muốn đạt được mục tiêu tương ứng của mình thì họ phải chia thủy thủ đoàn (giả sử là việc chia con tàu không phải là một giải pháp), nhưng nếu thủy thủ đoàn của học bị chia nhỏ ra, thì có khả năng sẽ có bên thứ ba chiếm lĩnh vai trò lãnh đạo.

Do vậy, việc hoạch định chính sách của Việt Nam mang đặc điểm đồng thuận chính thức và chia rẽ bè phái không chính thức. Đại chiến lược là một khuôn mẫu trong đó thế giới quan, bản sắc và lợi ích được kết nối và củng cố. Nhưng vì cả việc chống chủ nghĩa đế quốc và mở cửa ra với thế giới đều là một phần chính thống công khai, nên hai chiến lược này ít được dùng làm định hướng chính sách mà nhiều hơn làm “lá cờ được dán trên mớn nước chung để củng cố các bè phái bên dưới”. Sự chồng chéo của hai mô hình này mang lại cái mà những người ủng hộ hiện đại hóa xem là đánh mất mô hình. Điều này phản tác dụng đối với mục đích của hiện đại hóa nhưng thực ra lại phục vụ chương trình ngầm của phe chống chủ nghĩa đế quốc . Khi kẻ thù không đợi trời chung (Mỹ) vẫn còn rất mạnh và đồng chí mạnh nhất (Trung Quốc) vẫn tiếp tục từ chối hợp tác trong các vấn đề chiến lược, thì việc duy trì quan hệ rộng rãi nhưng hời hợt với các chủ thể khác trên thế giới là cách tốt nhất để bảo vệ mình và chờ cơ hột tốt.

Tuy nhiên chính sách phải đối đầu với thực tiễn. Thực tiễn là Bắc Kinh nhiều ấn dứt khoát từ chối đề nghị của Hà Nội về một liên minh hình thành trên cơ sở ý thức cho thấy sức ép mạnh đòi hỏi có sự thay đổi căn bản trong mô hình chống chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, sức ép này cũng ảnh hưởng tới cân bằng quyền lực giữa hai đại chiến lược chống chủ nghĩa đế quốc và hiện đại hóa. Tóm lược mâu thuẫn của hai đại chiến lược này là về vấn đề: Cái gì quan trọng hơn - lợi ích quốc gia hay lợi ích giai cấp? Từ năm 1990 đến năm 1997, cuộc tranh luận bị chi phối bởi những người ủng hộ đấu tranh giai cấp. Bất kỳ ai lập luận ủng hộ tầm quan trọng hơn hay sự trội hơn của lợi ích quốc gia đều phải làm một cách bí mật. Một ví dụ là bức thư của ông Kiệt trình lên Bộ chính trị. Tuy nhiên, “chiều hướng của cuộc chiến đấu” bắt đầu đổi chiều vào năm 1998. Từ cuối năm 1998, luận điểm về tầm quan trọng hơn hay sự trội hơn của lợi ích quốc gia trở nên có ảnh hưởng át trội hơn trong cuộc tranh luận. Một trường hợp thú vị - và có tính chứng minh - là Quang Cận, người đã từng là chiến sĩ chống chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ trước. Tháng 7/1999 và tháng 8/2000, rõ ràng dự báo được Đại hội IX, ông đã đưa ra hai bài báo đăng trên tạp chí Cộng sản của Đảng, thúc giục Đảng “giương cao ngọn cờ dân tộc”. Hơn nữa, ông Cận lập luận rằng mâu thuẫn căn bản nhất nằm giữa sự hiện đại và lạc hậu. Xin nhớ lại rằng đây là hai ý tưởng cốt lõi trong thư của ông Kiệt năm 1995.

Từ bên ngoài, những thay đồi trong ưu tiên địa chiến lược của Mỹ tiếp sau “cuộc chiến chống khủng bố” có thể tạo thuận lợi hay thậm chí có thể tạo điều kiện cho một số thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Lãnh đạo ở Hà Nội có thể phải tin rằng do mối lo ngại chính là về chủ nghĩa khủng bố, nên Mỹ sẽ “từ bỏ tham vọng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội của mình”. Hơn nữa, Washington có thể để Hà Nội có được vị trí cao hơn nhất định trong bàn cờ thế giới của mình. Trong những tình hình này - vẫn mang tính giả thuyết, một đại chiến lược mới và mạnh mẽ của Việt Nam có thể xuất hiện; mạnh mẽ vì đại chiến lược này có khả năng mang lại câu trả lời rõ ràng và tương quan cho cả bốn vấn đề quan trọng nhất mà người nào điều hành Việt Nam cũng phải giải quyết, cụ thể là duy trì chế độ, phát triển kinh tế, chỗ đứng của quốc gia trên thế giới, và Trung Quốc.

(Hết)

Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi Đổi mới

(Bài viết này được copy từ Blog của BaSàm - nhằm mục đích tham khảo)

Đại chiến lược hai hướng:

Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi Đổi mới

Alexander L Vuving

Đại học Cornell

av222@cornell.edu


Tài liệu trình bày tại Hội nghị

“Cập nhật thông tin về Việt Nam năm 2004: Quan hệ chiến lược và Quan hệ đối ngoại”

Singapore 25 - 26 tháng 11 năm 2004

Đây là tài liệu dự thảo được chuẩn bị để phát cho các đại biểu tham dự hội nghị. Các lập luận chỉ phù hợp nhất thời và tôi mong sẽ có thảo luận về các vấn đề này.

Ngày trình: 03 tháng 10 năm 2004

Giới thiệu

Mục đích của tài liệu này là trình bày một cách dễ hiểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ cải cách được biết với tên gọi đổi mới, bắt đầu vào cuối năm 1986 và vẫn đang tiếp tục diễn ra cho đến ngày nay. Để đạt mục đích này, tôi sẽ cố gắng trả lời hai câu hỏi chính: Điều gì chi phối việc thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ này? Chính sách này đã có tác động như thế nào đến định hướng địa chính trị và quan hệ ngoại giao của Việt Nam?

Việc phân tích các vấn đề ngoại giao và xem xét chính sách đối ngoại cũng sẽ dựa trên hình ảnh nhất định về chính sách ngoại giao. Trong nghiên cứu này, chính sách ngoại giao được cho là sự hợp thành của nhiều hành động. Các hành động này định hướng lẫn nhau và đan xen vào nhau trong nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực truyền thông và quyền lực. Nhóm người hoạch định chính sách ngoại giao có thể xem là người hành động tập thể với tư duy có tính chất xã hội. Tính chất tập thể của nhóm này hàm ý mâu thuẫn nội bộ vốn có trong đó, hình thức và thành viên của nhóm sẽ thay đổi, trong khi đó vai trò hành động của nhóm này thường xuyên được thương lượng thông qua các quá trình giành quyền lực. Tính chất xã hội trong ý kiến này cho thấy nhóm này hoạt động thông qua trao đổi, được định hình chủ yếu bởi hệ tư tưởng, và có thể tiếp cận được bằng diễn giải.

Nghiên cứu này do vậy là sự tìm hiểu sâu về hai lĩnh vực có liên quan với nhau, nội dung hệ tư tưởng và quyền lực, của quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ các diễn văn lớn và các trò chơi quyền lực đã tạo nên chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi đổi mới. Đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại là đại chiến lược. Đại chiến lược là một quá trình trong đó các mục tiêu dài hạn, quan trọng nhất và đóng vai trò trung tâm được xác định và có liên quan tới các nguồn lực chính và các phương pháp chủ đạo để đạt được các mục tiêu này. Đối với một chính thể, quá trình này gồm việc trả lời bốn câu hỏi căn bản. Câu hỏi thứ nhất là về bản chất của thế giới và câu trả lời cho câu hỏi này là về triển vọng thế giới theo cách nhìn của nhà hoạch định chính sách. Câu hỏi thứ hai là về bản sắc của chính thể còn câu trả lời là về việc các nhà hoạch định chính sách nhận thức mối đe dọa đối với sự tồn tại của chính thể đó như thế nào. Câu hỏi thứ ba là về các tham vọng của chính thể đó và câu trả lời là về chỗ đứng trên thế giới mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn giành được cho chính thể của mình. Cuối cùng, câu hỏi thứ tư là về cách thức và phương tiện để đạt được các mục đích và mục tiêu xác định trong câu trả lời cho câu hỏi thứ hai và thứ ba. Về mặt địa chính trị, câu này xác định vai trò mà các chủ thể khác trên thế giới sẽ đóng trong kế hoạch tổng thể nhờ vậy đã hoàn tất và các chiến lược mà các chủ thể này phải đối diện.

Tôi sẽ bắt đầu bằng bốn bước. Thứ nhất, tôi sẽ phác họa các đại chiến lược phổ biến trong giới hoạch định chính sách của Việt Nam. Tiếp đến, tôi sẽ phân tích các cuộc tranh luận về các vấn đề căn bản trong chính sách ngoại giao của Việt Nam cũng như cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhà hoạch định chính sách Việt Nam từ khi bắt đầu đổi mới. Tiếp theo, tôi sẽ chứng minh sự kết hợp đặc biệt và sự phân công lao động giữa các đại chiến lược chiếm ưu thế đã định hình định hướng địa chính trị của Việt Nam và quyết định chính sách của nước này đối với các đối tác nước ngoài lớn như thế nào. Trong phần kết luận, tôi sẽ đánh giá hiệu quả của chính sách đối ngoại của Việt nam, tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc hoạch định chính sách này và triển vọng thay đổi chính sách này.

Thế giới quan theo chủ nghĩa Mác-xít - Lê-nin-nít và đại chiến lược chống chủ nghĩa đế quốc

Ngay từ thời kỳ phôi thai, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã lấy hai luận cương chính làm cơ sở lý thuyết về chính trị thế giới cho mình. Luận cương thứ nhất là học thuyết "đấu tranh giai cấp" của Mác, khẳng định rằng đấu tranh giai cấp là động lực của lịch sử và do vậy, lịch sử nhân loại tiến triển qua năm “hình thái kinh tế xã hội,” mỗi hình thái mang đặc điểm của một hình thức đấu tranh giai cấp riêng biệt - từ chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy cho đến chế độ nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và cuối cùng là đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, khi đấu tranh giai cấp không còn tồn tại. Giả thuyết cốt lõi thứ hai về thế giới quan của ĐCSVN là sự quả quyết của Lê-nin rằng “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản”. Luận điểm này về chiến tranh và cách mạng trong chủ nghĩa tư bản được những người Lê-nin-nít coi là sự bổ sung then chốt cho tầm nhìn về lịch sử của Mác. Theo Lê-nin, chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn phát triển cao nhất của mình sẽ trở thành “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” và mang hình thức chủ nghĩa đế quốc, đây là nguồn chính gây ra chiến tranh trong thời đại lịch sử này, và cách mạng vô sản là cách duy nhất để giữ gìn hòa bình trên thế giới. Sau đó, những người Mác-xít - Lê-nin-nít nhận thức thời đại lịch sử là khi cuộc đấu tranh trên toàn thế giới giữa các lực lượng “tiến bộ” của chủ nghĩa xã hội và chế độ “phản động” của chủ nghĩa tư bản/chủ nghĩa đế quốc. Cuộc đấu tranh giai cấp này liên tục nổ ra không chỉ trong từng nước mà còn trên toàn thế giới. .

Những niềm tin này tạo cơ sở lô-gíc cho việc chia thế giới thành “hai phe” - một là phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ, đứng đầu là Liên Xô, còn lại là phe tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa, đứng đầu là Hoa Kỳ - một học thuyết Xô-viết mà ĐCSVN ngay lập tức đi theo năm 1948, khi bắt dầu Chiến tranh Lạnh, và đi theo trong suốt cuộc xung đột này.

Theo tư tưởng Mác-xít - Lê-nin-nít, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam coi chìa khóa để hiểu được chính trị thế giới nằm trong việc xác định các mâu thuẫn căn bản. Công thức gồm bốn mâu thuẫn căn bản trong nền chính trị thế giới về bản chất vẫn không thay đổi từ thời kỳ trứng nước của ĐCSVN. Trong số bốn mâu thuẫn này, thứ nhất là mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa. Các mâu thuẫn còn lại là giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, giữa chủ nghĩa đế quốc và các nước thuộc địa và phụ thuộc, và giữa bản thân các nước đế quốc.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cơ sở thứ ba, có nguồn gốc từ thời Liên Xô, được bổ sung vào thế giới quan này. Cơ sở này cho rằng mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc phải được giải quyết bằng cuộc đấu tranh “ai thắng ai” xảy ra giữa các lực lượng cách mạng trên thế giới và chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội., mà từ năm l970 được gọi là “các dòng” (currents) được xác định là gồm có ba bộ phận, cụ thể là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, phong trào của giai cấp công nhân theo cộng sản tại các nước tư bản chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc.

Động cơ của việc Việt Nam tán thành các khái niệm về lực lượng cách mạng thế giới và ba dòng thác cách mạng nằm ở các tham vọng lâu dài của ĐCSVN chứ không phải là ở tính toán mang tính cơ hội nào đó. Do vậy, Hà Nội nhất trí với Mát-xcơ-va rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới là lực lượng quyết định trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, nhưng đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Thế giới thứ ba bất lợi cho phong trào dân chủ của công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa. Trong tầm nhìn về thế giới này, Việt Nam sẽ đóng vai trò quyết định - nước này sẽ vừa là “tiền đồn” của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam á vừa là “mũi nhọn” của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Được hình thành bởi chính cuộc đấu tranh giành quyền lực của ĐCSVN trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lại bắt nguồn từ những lời giáo huấn trước đó của chủ nghĩa Mác-Lênin, một hệ thống tư tưởng đã xuất hiện để chỉ đạo chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong hệ thống tư tưởng này, thế giới quan, sự tự nhận thức về bản thân và tham vọng dân tộc củng cố lẫn nhau, làm cho toàn bộ hệ thống trở thành một hệ thống tự cường. Hệ tư tưởng này vẫn ổn định và chặt chẽ trong suốt bốn thập kỷ, từ cuối thập kỷ 1940 cho đến cuối thập kỷ 1980, mặc dù đã có nhiều thay đổi lớn diễn ra trong môi trường quốc tế.

Tuy vậy, việc mất quyền lực của đảng cộng sản tại một loạt các “nước anh em” năm 1989 chứng tỏ là ngày tận số. Nhiều người cộng sản Việt Nam thấy trong những sự kiện này, âm mưu và hoạt động của các lực lượng đế quốc và tư bản nhằm xóa sổ chủ nghĩa xã hội. Những sự kiện này do vậy chẳng làm được gì ngoài việc củng cố thêm thế giới quan Mác-xít Lê-nin-nít trong mắt những người trung thành với nó. Tại Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng VI tháng 8/1989, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh khẳng định lại lý thuyết “hai phe, bốn mâu thuận”, và cho rằng việc phủ nhận những lời giáo huấn trước đây “đã khiến một số người tin một cách sai lầm rằng bản chất của chủ nghĩa đế quốc đã thay đổi”. Ông phát biểu: “Thực ra, chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại và chừng nào cách mạng xã hội chủ nghĩa còn chưa giành được thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới, thì các luận điểm Lê-nin-nít đề cập trên đây vẫn giữ nguyên giá trị.” Lặp lại lời ông Linh, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lên tiếng cảnh báo về một “chiến lược diễn biến hòa bình,” đang được “các lực lượng phản động quốc tế và chủ nghĩa đế quốc” tiến hành nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Sau Hội nghị này, tạp chí Cộng sản của Đảng lần đầu tiên nêu các tham vọng của Mỹ muốn giành quyền bá chủ vùng Đông á kể từ Đại hội Đảng VI (1986), trong sự phối hợp với tờ báo của quân đội và tờ báo tháng của quân đội nhằm đổ trách nhiệm cho chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các lực lượng tư bản chủ nghĩa.

Với việc Tổng bí thư Đảng và Bộ trưởng Quốc phòng đóng vai trò khuếch trương chính, tân đại chiến lược cổ về chống chủ nghĩa đế quốc được xây dựng. Chiến lược này dựa trên những lời giáo huấn Mác-xít - Lê-nin-nít chính thống về đấu tranh giai cấp như là động cơ của lịch sử và chủ nghĩa đế quốc là bản chất của chủ nghĩa tư bản.

Chiến lược này nhìn nhận thế giới qua lăng kính của cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa các lực lượng “độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa” và “đế quốc chủ nghĩa/tư bản chủ nghĩa.” Tương ứng, mục tiêu lâu dài cơ bản của những người cộng sản Việt nam trong thời đại sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới sụp đổ là phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chống lại chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới. Vì mối đe dọa thực sự được nhận thức là xuất phát từ các nỗ lực nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa đế quốc, nên trọng tâm của an ninh quốc gia được đặt vào việc phòng thủ chống “diễn biến hòa bình”. Vì việc phân biệt bạn thù là một nguyên tắc cơ bản trong hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, nên hiện nay Việt Nam phải coi Trung Quốc, siêu cường xã hội chủ nghĩa duy nhất còn lại, là đồng minh chiến lược, và Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu trong thế giới tư bản chủ nghĩa, là kẻ thù chính của mình.

“Thế giới quan mới” và đại chiến lược hiện đại hóa

Trong thập kỷ 1980, một thế giới quan mới dần xuất hiện trong các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự thay đổi này buộc phải diễn ra do tình trạng bế tắc về kinh tế mà Việt Nam gặp phải khi ấy, được thôi thúc bởi thành công kinh tế của các nước công nghiệp mới trong vùng châu Á Thái Bình Dương, chịu tác động của “tư duy mới” của Goóc-ba-chốp ở Liên Xô, nhưng có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc, và được thúc đẩy bởi một số nhà lãnh đạo trong nhóm hoạch địch chính sách ngoại giao của Việt Nam, đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Khác với thế giới quan đã được xác lập, thế giới quan mới của Việt Nam không được nhà nước thần thánh hóa và chuẩn mực hóa. Do vậy, thế giới quan mới này còn lâu mới trở thành một tập hợp tư tưởng thống nhất mà vẫn là một nhóm hệ thống niềm tin mang đặc điểm giống nhau thuộc cùng một họ.

Tuy nhiên, một thế giới quan chặt chẽ có thể chắt lọc được từ những điểm giao nhau và chồng chéo trong các hệ thống niềm tin này. Thế giới quan mới này gồm có hai chiều, một là về kinh tế và một là địa chính trị. Về kinh tế, nó nhận thức thế giới không còn bị chia thành hai phe đối kháng nữa, mà đúng hơn là đã được thống nhất thành một thị trường thế giới thống nhất, trong đó đặc điểm trung tâm là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước và các xu thế lịch sử toàn cầu hóa và hội nhập khu vực. Về địa chính trị, thế giới quan này không tập trung vào cuộc đấu tranh trên toàn thế giới giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích giai cấp và sự đối đầu về ý thức hệ, và thay vào đó, coi lợi ích quốc gia và quan hệ tương quan giữa các siêu cường là các yếu tố quyết định của nền chính trị thế giới. Theo thế giới quan này, thế giới là một đấu trường trong đó các nước cạnh tranh trên cơ sở sức mạnh và sự phồn thịnh của mình. Khát vọng cơ bản và lâu dài của người Việt Nam, do vậy, là trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh.

Xét từ quan điểm chiếm ưu thế nói trên, vị trí của một quốc gia trên thế giới được xác định về mặt khu vực địa lý hơn là về mặt ý thức hệ và được nhìn nhận trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như mối quan hệ giữa các siêu cường. Do vậy, mục tiêu của Việt Nam trong thời kỳ hiện nay là hiện đại hóa, công nghiệp hóa, và bắt kịp các nước phát triển hơn trong khu vực lân cận. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải hội nhập vào khu vực và nền kinh tế thế giới, tận dụng các trung tâm tài chính - công nghệ trên thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu), và đảm bảo một vị trí cân bằng giữa các siêu cường (đáng chú ý là Trung Quốc và Mỹ) bằng các cơ chế song phương và đa phương.

Một yếu tố khác trong đại chiến lược này là nhận thức về mối đe dọa. Nguy cơ “tụt hậu” so với các nước khác được xem là mối đe dọa chính đối với sự tồn vong của đất nước này. Do vậy, an ninh quốc gia phải tập trung vào cuộc đấu tranh chống sự kém phát triển về kinh tế.

Các yếu tố trong “thế giới quan mới” của Việt Nam và đại chiến lược gắn liền đã được phổ biến trong nhiều tài liệu của các nhà hoạch định chính sách và học giả từ cuối thập kỷ 1980. Việc xây dựng thế giới quan mới có tính hệ thống và toàn diện nhất là trong sách của Nguyễn Cơ Thạch nhan đề Thế giới trong 50 năm qua (1945 - 1995) và Thế giới trong 25 năm tới (1995 - 2020), được xuất bản ngay trước khi tác giả mất vào năm 1998. Ông Thạch là kiến trúc sư của định hướng chính sách đối ngoại mới của Việt Nam cuối thập kỷ 1980. Thực ra, ông là người vận động chính của đổi mới cả chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngay từ giữa thập kỷ 1980, ông đã lo ngại về các vấn đề kinh tế và được Bộ Chính trị giao nghiên cứu chính sách giá cả và tiền tệ. Quyết định then chốt đánh dấu bước ngoặt vào cuối thập kỷ 1980 trong quá trình cải cách của Việt Nam, cụ thể là sự thay đổi từ cơ chế giá do nhà nước áp đặt sang cơ chế giá do thị trường quyết định, ban đầu diễn ra nhờ các nỗ lực của ông Thạch và ông Đỗ Mười, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ, trước sự phản đối kịch liệt của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Trong cuốn sách này, ông Thạch ngầm bác thế giới quan Mác-xít -Lê-nin-nít một cách hoàn toàn. Đối với ông, không phải đấu tranh giai cấp mà là cách mạng công nghệ trong đời sống kinh tế mới là động cơ của lịch sử. Thay vì tiếp cận lịch sử theo cách Mác-xít tiêu chuẩn, do vậy đặt Việt Nam vào quá trình quá độ từ tư bản chủ nghĩa lên xã hội chủ nghĩa, ông mô tả lịch sử nhân loại trải qua thứ nhất là cách mạng nông nghiệp, tiếp đến là hai cuộc cách mạng công nghiệp và nay đang tiến tới một giai đoạn mới, cách mang khoa học công nghệ hay cách mạng thông tin. Theo quan điểm của ông Thạch, cuộc cách mạng mới nhất này đã dẫn tới việc hình thành các quan hệ sản xuất mới dựa trên cơ sở trình độ lực lượng sản xuất rất cao. Kết quả là một xã hội, nhờ vào nền kinh tế tri thức, khác về mặt định tính với xã hội công nghiệp. Do đó, nhân loại đang tiến vào một kỷ nguyên mới, “thời đại thông tin” đã bắt đầu từ đầu thập kỷ 1980 và sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế. Sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh trong con mắt ông Thạch là hậu quả cần thiết của sự xuất hiện của cách mạng khoa học công nghệ, vì cuộc cách mạng này đã dẫn tới sự tăng trưởng to lớn của lực lượng sản xuất thế giới, tiếp đến sự tăng trưởng này lại đẩy mạnh hơn nữa các xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Trong tình hình này, hai siêu cường - Mỹ và Liên Xô - nhận ra rằng họ sẽ thua trong cạnh tranh kinh tế với Tây Âu và Nhật Bản. Do vậy, hai nước đã thay đổi đại chiến lược của mình để tập trung vào một cuộc “chạy đua kinh tế” chứ không phải là chạy đua vũ trang. Đối với ông Thạch, thách thức kinh tế của Tây Âu và Nhật Bản là “thách thức chiến lược hàng đầu” đối với Hoa Kỳ. ông. Thạch mô tả đặc điểm của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là sự giảm căng thẳng trong quan hệ giữa các siêu cường, một sự “phân công lao động quốc tế mới” tiếp theo sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế quốc gia, và là sự gia tăng toàn cầu hóa và hội nhập khu vực. Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau đang ngày càng thu được đà lớn hơn trên thế giới, nhưng mâu thuẫn toàn cầu lớn nhất vẫn là khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo. Do đó, các mâu thuẫn chiến lược lớn không còn mang tính chất quân sự nữa mà diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy, “nhân loại sẽ thoát khỏi chiến tranh thế giới và hưởng hòa bình lâu dài. Thế giới đang chuyển dần từ chạy đua vũ trang sang chạy đua kinh tế”. Nói cách khác, số phận của các quốc gia sẽ được định đoạt bởi chạy đua kinh tế chứ không phải là quân sự.

Là một người cộng sản lão thành, ông Thạch nhìn nhận cuộc sống dưới góc độ đấu tranh. Tuy vậy, đó không phải là đấu tranh giai cấp mà là đấu tranh nhân loại nói chung và đấu tranh dân tộc trên phạm vi quốc tế, điều này tạo nên chủ đề nền tảng vững chắc xuyên suốt cuốn sách của ông. Đối với ông Thạch, nền chính trị thế giới là một đấu trường diễn ra các cuộc đấu tranh và hợp tác giữa các quốc gia, nhưng không phải là đấu tranh giai cấp. Ông viết:

Đặc tính nổi bật của quan hệ quốc tế trong 50 năm qua là lợi ích quốc gia ngày càng trở thành các yếu tố mang tính quyết định. Các nước, đặc biệt là các nước lớn, đều xác định chính sách đối ngoại của mình trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam nên xác định các mục tiêu quốc gia dưới góc độ lợi ích quốc gia, trái với lợi ích quốc tế hay lợi ích giai cấp. Do vậy, ông Thạch tin rằng mục tiêu chính của Việt Nam là phải phát triển đất nước về mặt kinh tế, hiện đại đất nước, chứ không phải là bảo vệ chủ nghĩa xã hội hay chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản. Ông chỉ ra để đạt được mục đích đó, Việt Nam nên tận dụng nguồn nhân lực và trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tóm lại, nước này nên giành “vị trí tối ưu” trong phân công lao động quốc tế, chứ không phải là ở tuyến đầu trong chiến dịch chống chủ nghĩa đế quốc.

Cuộc đấu tranh gay gắt về ý thức hệ, tranh giành quyền lực và sự pha trộn chính sách

Đại hội Đảng VI, tuyên bố sự nghiệp đổi mới của Việt Nam vào tháng 12/1986, đã tạo ra bầu không khí đổi mới trong tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị. Ngay sau khi cuộc tranh luận của Đại hội về các vấn đề căn bản trong chính sách đối ngoại được đưa lên mặt báo của tạp chí Cộng sản, số tháng 5/1987 của tờ báo này, một bài báo của Phan Doãn Nam, trợ lý của ông Thạch tại Bộ Ngoại giao, đã yêu cầu khẩn thiết phải đổi mới trong tư duy về chính sách đối ngoại. Bài báo cho rằng bắt đầu từ đầu thập kỷ 1970, cả nền chính trị và kinh tế thế giới đều đã trải qua những thay đổi sâu sắc. Trong nền chính trị thế giới, bài báo khẳng định, “thời gian mà chủ nghĩa đế quốc còn dựa vào sự trội hơn về quân sự để đe dọa đã ra đi vĩnh viễn”. Cuộc đấu tranh giai cấp trên phạm vi quốc tế đã thay đổi hình thức từ đối đầu quân sự sang thi đua và cạnh tranh một cách hòa bình trong lĩnh vực kinh tế. Nền tảng của những thay đổi lớn trong đời sống xã hội là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần hai, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như quan hệ quốc tế và nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện được đánh dấu bởi các quá trình quốc tế hóa, hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, có tính chất khách quan và do vậy, là các hiện tượng có tính quy luật. Các đặc điểm mới này của thế giới đòi hỏi, theo bài báo lập luận, tư duy mới và cách thức hành động mới trong chính sách đối ngoại. Theo tinh thần này, bài báo phác họa khái niệm mới về an ninh quốc gia, theo đó không còn tập trung vào riêng khía cạnh quân sự mà cố gắng toàn diện đồng thời vẫn coi phát triển kinh tế là ưu tiên. Bài báo cũng xem xét lại khái niệm cũ về độc lập quốc gia, lập luận rằng độc lập phải có đồng thời với việc tiếp tục phụ thuộc lẫn nhau, vì “chính sự phụ thuộc lẫn nhau này làm cho quan hệ quốc tế bình đẳng”.

Bài báo dũng cảm của ông Nam, chắc chắn cũng phản ánh suy nghĩ của ông Thạch, tuy nhiên, được dẫn trước bằng việc xem xét lại tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản của Lê-nin, khẳng định lại “bản chất không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc”. Tuy nhiên, tất cả các bài báo khác liên quan tới quan hệ quốc tế xuất hiện trên tạp chí Cộng sản năm 1987 dường như đều lặp lại mô tả đặc điểm mới về thế giới như được miêu tả trong bài báo của ông Nam.

Tháng 5/1988, Bộ Chính trị bí mật thông qua Nghị quyết 13, nhấn mạnh đến một định hướng chính sách đối ngoại “đa dạng và đa phương hóa”. Theo lời của Gareth Porter, “đây là một phân tích mới dũng cảm và sâu rộng về các động lực của nền chính trị và kinh tế toàn cầu có biểu hiện rõ ràng chịu ảnh hường của Nguyễn Cơ Thạch”. Nghị quyết này không được công khai, nhưng các nền tảng về hệ tư tưởng của nó được tiết lộ ba tháng trước đó trong một bài báo của trợ lý của ông Thạch. Trong bài báo này, ông Nam nhắc lại sự mô tả đặc điểm thế giới như được miêu tả trong bài báo năm 1987 của mình, nêu bật xu hướng phụ thuộc lẫn nhau và sự cần thiết phải hợp tác giữa các dòng ý thức hệ trong quan hệ quốc tế. Điều mới mẻ trong bài báo năm 1988 là sự phản đối công khai lý thuyết “hai phe, bốn mâu thuẫn” và sự phê bình xu hướng của Đảng “buộc tất cả các sự kiện quốc tế thành các mô hình chuẩn mực”. Hơn nữa, bài báo này còn xác nhận rằng sẽ là sai lầm chết người nếu sự phân biệt bạn thù của đấu tranh giai cấp trong một nước được áp dụng vào quan hệ quốc tế. Ngay lập tức, tư duy mới này, xuất phát từ Bộ Ngoại giao, bị Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh tấn công trong một bài báo nhấn mạnh tới hai điểm. Thứ nhất, “bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng toàn dân, chứ không phải công việc của riêng lực lượng vũ trang”. Thứ hai, chủ nghĩa đế quốc, do Hoa Kỳ cầm đầu, vẫn chưa chịu từ bỏ mục tiêu loại bỏ chủ nghĩa xã hội, do vậy, không thể loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược toàn cục do các lực lượng đế quốc gây ra xuất phát từ tính toán an ninh quốc gia của một nước.

Bài báo của ông Anh, xuất hiện ngay trước khi thông qua Nghị quyết 13, cho thấy vẫn còn sự bất đồng lớn về các vấn đề tư tưởng hệ căn bản trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam mặc dù đã phê duyệt ý kiến trên về định hướng chính sách đối ngoại bằng nghị quyết này. Tuy nhiên, “thế giới quan mới” có thể vẫn giữ được thế trên cho đến khi chế độ thay đổi ở Đông Âu. Tháng 1/1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết một bài báo trên tạp chí Cộng sản của Đảng, xác định sự tụt hậu về kinh tế và công nghệ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quốc gia và đề ra mục tiêu quốc gia là làm dân giàu và nước mạnh. Tháng 8, một bài báo của ông Nguyễn Cơ Thạch phác họa các ý tưởng cốt lõi trong đại chiến lược hiện đại hóa đã xuất hiện trên cùng tờ báo. Nhan đề của bài báo là Tất cả vì hòa bình, Độc lập dân tộc và Phát triển đất nước.

Nhưng năm 1989 cũng đánh dấu sự kết thúc của sự cai trị của cộng sản ở Đông Âu và vụ thảm sát ở Thiên An Môn, Trung Quốc. Các cuộc tranh luận gay gắt nổ ra trong các nhóm hoạch định chính sách của Việt Nam về vấn đề cái gì là nguyên nhân thực sự gây ra sự sụp đổ của các chế độ xã hội chủ nghĩa này và cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra ở Việt Nam. Một lập trường nhìn nhận trong các sự kiện xảy ở Đông Âu có bằng chứng rõ ràng của các nỗ lực của chủ nghĩa đế quốc nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới và kết luận rằng sự bền chí về tư tưởng hệ là yêu cầu cấp bách nhất trong tình hình này. Một lập trường khác xác định những sai lầm của “chủ nghĩa chủ quan và ý chí luận” của các lãnh đạo Đảng cũng như sự thất bại của họ trong việc mở rộng hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa chính là nguyên nhân gây ra sụp đổ. Các bài học mà lập trường này rút ra được từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu là mô hình chủ nghĩa xã hội hiện nay là chưa hợp lý, cải cách là cần thiết, dân chủ là một yêu cầu cấp bách và việc mở cửa với thế giới bên ngoài là phù hợp với trào lưu của thời đại. Khi ấy Đảng phải mất đến 7 tháng đề khôi phục trật tự trong hàng ngũ của mình. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3/1990 Ban chấp hành Trung ương đã đạt được sự thống nhất về đẩy nhanh tốc độ cải cách đồng thời xác định “ổn định chính trị” là ưu tiên chính. Hơn nữa, Hội nghị đã khai trừ ra khỏi ban lãnh đạo ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách, người đi đầu ủng hộ đa nguyên hình trị. Nhờ vậy, Hội nghị ngay lập tức đã tạo được sự đồng thuận và cảnh cáo, mà sẽ đặt ra điều kiện cho tranh luận công khai về các vấn đề tư tưởng hệ nhiều năm sau đó.

Đại hội Đảng lần VII tháng 6/1991 không đạt được gì ngoài việc củng cố xu hướng đã đề ra trong Hội nghị Trung ương 6 (tháng 3/1989), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 8/1989) và Hội nghị Trung ương 8. Đây là thắng lợi của những người nhấn mạnh đến việc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc trước những người coi hiện đại hóa và mở cửa với thế giới là một ưu tiên. Đại tướng Giáp, một người ủng hộ hiện đại hóa nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các dòng tư tưởng hệ khác nhau, đã bị Đại tướng Lê Đức Anh qua mặt, một người chống đế quốc hàng đầu. Những người lớn tiếng nhất phản đối Bách tại Hội nghị Trung ương 8 - Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hà Phan, và Nông Đức Mạnh - tất cả đều là các ủy viên được bổ nhiệm của Bộ chính trị hoặc Ban Bí thư. Tuy nhiên, song song với xu hướng này cũng là một sự nhân nhượng vì yêu cầu cải cách và mở cửa, nhất là từ dân chúng, ngày càng mạnh. Điều này được phản ánh trong bộ ba lãnh đạo xuất hiện từ đại hội. Đại tướng Anh được nhận chức Chủ tịch nước. Võ Văn Kiệt, một người ủng hộ hiện đại hóa hàng đầu, trở thành Thủ tướng. Còn ông Đỗ Mười, người chiết trung về cả hai đại chiến lược, đã thay thế ông Linh làm Tổng bí thư mới của Đảng.

Cũng vậy, các chỉ thị về chính sách ngoại giao của Việt Nam được tán thành trong đại hội này là một sự pha trộn giữa hai đại chiến lược. Do đó, một mặt ĐCSVN tuyên bố “Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Tuy nhiên, mặt khác ĐCSVN khẳng định lại bốn mâu thuẫn cơ bản và nêu rằng “mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đang bộc lộ một cách sâu sắc”. Sự pha trộn chính sách này là kết quả của sự kết hợp giữa “sự kiên quyết về nguyên tắc với sự linh hoạt chiến thuật”. Qua đó chính sách này đã gán cho mỗi đại chiến lược một vị trí khác nhau - chống chủ nghĩa đế quốc là để bảo vệ các nguyên tắc này, đồng thời hiện đại hoá là để cũng cấp chiến thuật. Hình thức phân công lao động nhất định cũng được dàn xếp giữa bộ ba lãnh đạo. Sau Đại hội VII, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người chống chủ nghĩa đế quốc, giám sát vấn đề quốc phòng, ngoại giao và nội vụ, còn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người ủng hộ hiện đại hóa, điều hành vấn đề kinh tế và Tổng Bí thư Đỗ Mười, “người nhanh chân về tư tưởng hệ” đóng vai trò người điều tiết hai lập trường.

Vì Đại hội VII được tổ Chức trong thời kỳ xáo động, nên chỉ vài tháng trước khi xảy ra sự tan rã của Liên bang Xô Viết, hội nghị Đảng giữa nhiệm kỳ được tổ chức như một đại hội bổ sung. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị này, năm 1993, một loạt bài báo với đề tài chung là chống “diễn biến hòa bình” được tung ra trên tạp chí Cộng sản của Đảng. Điều này cho thấy việc chống diễn biến hòa bình sẽ là siêu vũ khí của những người chống chủ nghĩa đế quốc tại Hội nghị giữa kỳ. Nhưng những người ủng hộ hiện đại hóa cũng có lá bài chủ của mình. Một mặt, họ lập luận rằng việc “tụt hậu” so với các nước khác là mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước và cách duy nhất để xóa bỏ mối đe dọa này là phải tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Mặt khác, họ cho thấy tồn tại các điều kiện cần thiết để tiến vào thời đại hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Tình hình của Việt Nam vào thời điểm đó dường như ủng hộ cả hai phe. Nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, siêu lạm phát phần lớn đã bị chặn lại, và đầu tư nước ngoài đang đổ vào trong nước. Nhưng đồng thời lệnh cấm vận đã kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ vẫn còn có hiệu lực, và Mỹ đang ủng hộ sự chống đối chế độ bằng sức ép về tôn trọng nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Trong tình hình này, đại hội Đảng kết thúc với một sự nhân nhượng trớ trêu. Đại hội tuyên bố rằng Việt Nam đang tiến vào một thời đại mới và xác định rằng công nghiệp hóa và hiện đại hóa là mục tiêu tổng quát của đất nước trong thời đại mới này. Tuy nhiên, những người chống chủ nghĩa đế quốc có thể tương đối hóa mối đe dọa của sự “tụt hậu”. Mặc dù Báo cáo chính trị dự thảo trình bày tại Hội nghị 6 tháng 11/1993 vẫn nhắc tới sự tụt hậu như là một “thách thức lớn” và không đề cập đến diễn biến hòa bình, nhưng Báo cáo chính trị cuối cùng được thông qua tại Hội nghị giữa kỳ tháng 1/1994 nhấn mạnh rằng việc tụt hậu và đi trệch khỏi chủ nghĩa xã hội, tham nhũng, cũng như diễn biến hòa bình đều nguy hiểm như nhau. Hơn nữa, trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị, hai nhà chống chủ nghĩa đế quốc - Chính ủy Quân đội Lê Khả Phiêu và Trưởng ban kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Nguyễn Hà Phan - được bầu vào Bộ chính trị đầy quyền lực, trong khi chỉ có một người ủng hộ hiện đại hóa - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - được bầu vào Bộ chính trị.


(Còn tiếp)