Thứ Ba, 26 tháng 12, 2006

Người không có nhiệt tâm


Vừa lên bốn đã là nạn nhân của chiến tranh Việt Nam và phải phấn đấu vượt lên trên bệnh tật và định mạng, vẫn ngồi suốt trên xe lăn, hơn hai mươi năm sau Nguyễn Loan Brossmer đã trở thành phóng viên. Nhân dịp Robert S. McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Đức, nhà báo đã viết thư đề nghị có một cuộc phỏng vấn, và McNamara đồng ý nên đã có hẹn. Nhưng ông ta không ngờ, khi chạm trán mới “vỡ lẽ” phóng viên là một chàng trai Việt Nam, nạn nhân của cuộc chiến tranh tội ác mà ông ta đã một thời là người đạo diễn. Hoảng hồn, ông ta từ chối thẳng thừng.

Sau đây là những cảm nghĩ của phóng viên hôm đó, đăng trên tạp chí Focus của thành phố Munic ngày 18/9/1995:

Có lẽ người ta chỉ có thể chịu đựng và giải thích được số phận bằng nhiệt tâm, bởi vì nếu nhiệt tâm không phải nguyên nhân chính, mọi điều xảy ra chỉ còn là một sự điên rồ.

Cũng như ngày ấy, hơi nóng trong địa ngục xanh ngột ngạt đến mức chỉ sau vài giây, lưng áo kaki của các chàng trai đã thấm đẫm mồ hôi. Tháng 5/1962, một người đàn ông tóc chải ngược mang kính không gọng, bước vào khu rừng. Bộ mặt ông ta là bộ mặt của người không bao giờ sai lầm. Cặp mắt ông ta lạnh lẽo và chính xác như một con diều hâu trước lúc vồ mồi. Không ai còn cảm thấy cái nóng 40 độ thiêu đốt nữa. Trong giây lát, bầu không khí như đông cứng lại. Mọi người có mặt đột nhiên cảm thấy trong cơ thể mình, ngoại trừ cái đầu, không có bộ phận nào khác, kể cả một thứ vẫn thường được gọi là trái tim. Ở một số người, trái tim lạnh lẽo cũng là bản chất đặc trưng hệt như những đường vân trên ngón tay họ vậy. Người mới đến cũng nằm trong số hiếm có đó. Đây là lần đầu tiên ông ta đến thăm Việt Nam. Nhiều năm sau đó, nhà văn Neil Sheehan, vừa đoạt giải Pulitzer, nhớ lại: “Sử dụng vẻ tự phụ ngờ nghệch của mình để làm an lòng tướng lĩnh, (nguyên) Bộ trưởng Quốc phòng McNamara chính là hiện thân của thói xấc xược trong giới chính khách cầm quyền”.

Giờ đây, Robert S. McNamara, người nổi tiếng nhất trong số tất cả các cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ lại xuất đầu lộ diện. Ông lão xuôi ngược khắp thế giới, đến Bec-lin, Hà Nội, Mát-xcơ-va. Ở nơi nào, ông ta cũng phát biểu hùng hồn, nhưng hễ khi có người chất vấn là ông ta lại biến mất. Đã có thời, McNamara, rải chất độc màu da cam lên đất của đối phương, nhưng giờ đây ông ta lại tự coi mình là sứ giả hòa bình - ít ra kể từ tháng tư năm ngoái, khi ông ta tung ra cuốn sách In retrospect (Hồi tưởng) công bố những đánh giá của ông ta về chiến tranh Việt Nam. Một câu trong cuốn sách đó đã bay đi khắp thế giới: “Chúng ta đã sai lầm, hoàn toàn sai lầm”

Mới đây, tôi có gửi cho Mc Namara một bức thư hẹn gặp nhân dịp ông ta đến dự một cuộc hội thảo hòa bình ở Béc-lin. Thường thì người ta không viết thư cho những kẻ người ta coi là tội phạm và giết người. tuy nhiên, tôi có lý do riêng: sinh năm 1964 ở Huế, một thành phố miềng Trung Việt Nam, người ta đã đưa tôi đi Đức vì tôi là nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Tôi đã cho rằng cần nói chuyện với McNamara để cả hai chúng tôi có thể quên đi quá khứ. Tất nhiên trước hết, tôi phải chửi cho ông ta một một trận. Sau đó, tôi sẽ rộng lượng tha thứ cho ông ta, điều mà chỉ các nạn nhân mới có quyền làm. Phóng viên nhiếp ảnh đi cùng hết sức nóng lòng chờ đón giây phút chụp được cảnh hai chúng tôi ôm hôn nhau.

Ở Béc-lin cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài đúng hai mươi giây, không hơn không kém. Tôi ngồi trong khách sạn Martitim chờ đợi ông ta. Rồi ông ta từ trên thang gác đi xuống, người thẳng đờ như khúc gỗ. Lần thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, ông ta lạnh lùng hủy bỏ cuộc phỏng vấn đã hẹn trước với tôi, với một lý do đưa ra là: “Tối nay tôi đi rồi”. Trước đó tôi đã quên mất rừng ông ta là người có thể làm mọi vật xung quanh đóng băng. Khi cái nhìn của ngày McNamara vĩ đại lướt qua tôi, bỗng nhiên tôi bừng tỉnh ra. Cái nhìn ấy giúp tôi hiểu nhiều về chiến tranh Việt Nam hơn là những gì tôi muốn biết.

Hồi tưởng là một cuốn sách tự thú kỳ quặc và không tưởng. McNamara đã phải dùng hết 400 trang giấy để giải thích về tai nạn của Mỹ ở Việt Nam cũng giống như một người vì lơ đãng mà mua lầm phải một chiếc xe hơi tồi. Ông ta ngắn gọn bào chữa cho “sai lầm thực thụ” của ông ta như sau: “Chúng tôi bận tối mắt tối mũi” và “đơn giản là” chúng tôi có quá ít thời gian để cùng nhau bàn bạc mọi vấn đề”.

Không, không hề có một lời xin lỗi. Chẳng cần ông ta phải tuyên bố hùng hồn, có lẽ chỉ nửa câu thôi cũng đủ. Ít ra, hai triệu người đã phải chết chi cuộc - chiến - tranh - như - mua - lầm - hơi ấy.

Có thể là ngày hôm nay, người ta không hề chờ đợi những lời thú nhận đó của McNamara. Vì thế, người ta đã bỏ qua cho ông ta một cách dễ dàng. Tất nhiên, trên báo chí Mỹ cũng có nhiều bài kịch liệt phản đối cuốn sách đáng ngờ của McNamara. Tuy nhiên, chẳng bao giờ chúng ta còn thấy lại phong trào mãnh liệt đấu tranh cho hòa bình hồi cuối những năm sáu mươi của thập kỷ này. Khi ấy, hàng trăm ngàn thanh niên đã xuống đườn biểu tình vì Việt Nam và công lý, hô vang tên Hồ Chí Minh; và khi ấy, những người xa lạ khoác tay nhau thề bảo vệ tình yêu, bảo vệ một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi tự hỏi không biết Mc Namara còn nhớ nhữn điều đó hay không ? Hay chúng đã vuột khỏi trí nhớ của ông ta mất rồi ?

Có một lần, ông ta phải đứng giữa vòng rào bảo vệ. Khi đó người ta phát hiện ra ngài tổng thống yêu quý Lyndon B.Johnson của ông ta phạm tội giết hại trẻ con. Năm mươi ngàn người đã hô vang trước Lầu Năm Góc: “Này, này, L.B Johnson, hôm nay ngàu đã giết được bao nhiêu đứa trẻ rồi ?” Kết cục có thể thấy rõ như lòng bàn tay: dù Mỹ có thắng được trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì cũng không thể nào thắng được công luận.

Nhà “lãnh đạo” vết thương Mỹ bản chất vẫn là một ông tướng như ai cũng biết. Trong bài phát biểu nhân dịp viếng thăm Béc-lin, ông ta thết lên trong micro như thể Việt Cộng đang đứng ngay ngoài cửa.

Lúc đó ông lão chỉ đơn giản muốn truyền đạt đến khán giả nhút nhát một bức thông điệp hoàn toàn vô hại. Trong mắt ong ta đó là một đề nghị hết sức sáng tạo. Nhà cách mạng McNamara kêu gọi: “Hãy loại trừ tất cả vũ khí hạt nhân!” Liếc nhìn người thông dịch, rồi ông ta lại gào lên, vừa buộc tội, vừa thuyết phục: “Và câu hỏi duy nhất của tôi hôm nay là, liệu có ai trong số các anh không đồng ý với lời kêu gọi của tôi không ?” Thấy chưa, ông tướng đâu có chờ đợi ai phản đối ông ta.

Ít có người dám phản đối ông ta: theo nguyên tắc này, ông ta không phải là nạn nhân mà cũng chẳng phải là người có lỗi. Giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ 1961 đến 1968, ông ta là người có quyền lực và sáng chói nhất dưới triều hai vị tổng hống John F.Kenedy và Lyndon B.Johnson.

Suốt một thời gian dài, mọi người chỉ bàn luận về cuộc chiến tranh của McNamara. Nhưng ngay cả vào năm 1967, khi nhà thiết kế cuộc chiến tranh đã hiểu ra rằng Goliah, gã khổng lồ, sẽ thua David, anh tí hon, ngày cũng đâu dám phản đối lại tổng thống của ngài. Ngài đã giải thích: “Kiểu trung thành như vậy là nhãn hiệu thương mại của tôi”. Liệu ngài có bao giờ nghĩ rằng còn có một lòng trung thành khác, lòng trung thành với nhân loại ?

Ông chủ của hãng xe hơi Ford, đại diện cho những thần đồng trẻ tuổi, tinh hoa trong những tinh hoa lãnh đạo, bao giờ cũng chỉ tin vào những con số và năng lực lý trí chứ không tin vào tình cảm.

Cụm từ “đếm xác chết” do ông ta chế tạo ra thực sự là đếm số xác chết của kẻ thù theo đúng nghĩa đen. Trong những chuyến bay thị sát từ Sài Gòn, ông ta đọc tiểu sử cac danh nhân, kể cả Paplo Picasso, trong khi chỉ vài giờ sau đó ông ta sẽ lạnh lùng đong đếm những tổn thất về người, vẻ bình thản cũng giống hệt như khi ông ta, trong vai trò ông chủ hãng xe hơi, tính toán việc sa thải hàng ngàn công nhân.

Kẻ đầy tớ tận tụy đã chấm dứt nhiệm vụ của mình trong nhục nhã. Năm 1968, tổng thống Johnson điều ông ta làm chủ tịch Ngân hàng Thế Giới (World Bank). Ngài chủ tịch nhận xét: “hắn ta là một lão thần kinh”. Còn McNamara lại nói: “tôi chưa bao giờ có ý định tự tử”.

Một cái đầu cứng rắn, một trái tim mềm yếu, một người luôn tính toán, một kẻ mê văn chương - tất cả những mâu thuẫn này chưa bao giờ làm phiền McNamara: “Một cái đầu cứng rắn và một trái tim mềm yếu không có gì là mâu thuẫn với nhau cả”. Sau tất cả, người ta thực sự bị sốc khi thấy những tính cách trái ngược này này cùng đồng thời tồn tại trong một con người.

“Có cái gì đó không ổn đối với ông ta:phong cách của ông ta gây được ấn tượng mạnh, toàn bộ tâm lực của ông ta là dành để thực thi nhiệm vụ, kẻ nào dám cản đường sẽ bị ông ta nuốt chửng... Ông ta mang trong mình mâu thuẫn phổ biến của thời đại đó:mâu thuẫn giữa những ý định tốt đẹp và khát vọng quyền lực”, David Halberstam, một trong những phóng viên chiến tranh đồng thời với thế hệ của Peter Arnett và Sheehan đã nhận xét như vậy về McNamara.

Với cuốn sách của mình, McNamara tin rằng ông ta có thể gấp chương sách nói về Việt Nam lại, cũng giống như một nhân viên kế toán kẻ một được gạch ngang từ trái qua phải dưới những cột số của mình.

“Hồi tưởng” sắp được bày bán ở Đức trong mùa sách sắp tới. Bìa sách trưng ra hình một McNamara đang nhe răng ra. Đó là nụ cười tính toán của một người chỉ muốn hiểu cuộc chiến tranh ấy theo lý trí, một cuộc chiến tranh trong thực tế đã đạt tới “tầm cỡ vĩ đại của Homer về nhiệt tâm và điên rồ” như tờ New York Times Book Review viết. Khi Robert S. McNamara rời khỏi Béc-lin lúc 7 giờ sáng ngày Chủ nhật, một người đàn ông thực sự không có trái tim đã chuồn mất.

(Nguồn: Tạp chí Thuốc & Sức khỏe số 70 ra ngày 15/6/1996)

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2006

Chuyện Tử Tế (phần cuối)

Người quay phim của bộ phim này, một lần đi tìm cảnh ở phố chợ đầu ô, tình cờ gặp lại một người mà thời ngồi trên ghế nhà trường, anh ta hằng kính trọng.


Đó là thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu.


Cũng phải nói ngay rằng : Thầy Chiêu không bằng lòng cho quay những cảnh thầy bán rau. Lòng thầy trong sáng, thầy cho rằng như vậy là bôi bác chế độ.
Do vậy, những cảnh này, trò của thầy không dám bấm máy, mà nhờ một người khác quay lén. Thầy Chiêu đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường này, trường phổ thông Tô Hiệu, huyện Thường Tín. Ở đây, thầy là giáo viên dạy toán giỏi, chuyện luyện cho các em ở cuối cấp đi thi.


Người học trò, cậu bé chăn vịt đểnh đoảng năm xưa, thì trở thành người quay phim.

Người thầy chủ nhiệm, giáo viên dạy toán giỏi, chẳng hiểu đã đi bán rau tự bao giờ.


Bây giờ thầy hiểu rau quả, thời vụ chẳng kém gì hiểu môn toán mà thầy đã yêu. Mùa rau rút, thầy bán rau rút – Mùa cà chua, thầy bán cà chua – Mùa rau muống, thầy bán rau muống.
Chuyện tình cờ, anh xích lô này được mời lên màn ảnh – Cùng một thời với người đạo diễn và biên kịch của bộ phim này, vào những năm đánh Mỹ ác liệt nhất ở miền Nam, vợ chồng anh có mặt ở chiến trường khu 5. Chị là bác sĩ – anh là chiến sĩ an ninh của khu ủy – Năm 1973, anh chuyển sang phái đoàn quân sự bốn bên – Và cuối cùng là vào chiến trường tây Nam.


Anh tên là Trần Thanh Hoài.

Ừ ! Con người ta, sau khi làm tròn bổn phận với Tổ Quốc thì cần phải kiếm sống. Đừng có công thần và mặc cảm. Kiếm sống bằng chính sức lao động của mình là điều trong sạch lắm chứ. Hoài cởi mở và tự tin vào nghề nghiệp hiện tại của mình.


Khác với thầy giáo Chiêu, có lần anh đã hồn nhiên hỏi chúng tôi :


- Này ! Tại sao phim ảnh, văn nghệ các ông không mấy khi lấy đám xích lô chúng mình nhỉ ?


- Thì chúng tôi đang quay phim ông đấy thôi !


Nói thế cho qua chuyện chứ, nghĩ ra cũng lạ.


Lạ vì, khi chúng ta chưa có chính quyền trong tay, thì nhân vật của văn nghệ chủ yếu là những người nghèo khổ : một bác phu xe, một bé bán báo, một bé đi ở, một bà mẹ nghèo, một tiếng rao đêm...


Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dưng biến mất. Y như đồng bào của chúng ta bây giờ rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc giả những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia cả rồi. Ăn ở với nhau như vậy thì, không những chưa được tử tế cho lắm mà còn ... đáng sợ.


(Một người nói):Theo tôi, đáng sợ hơn chính là sự dốt nát. Loài người chưa có bộ luật nào xử lý tội dốt nát – Cũng chưa có một cơ quan thống kê nào tính đến những hậu quả do bệnh dốt nát gây ra – Mà suy cho đến cùng, thì mọi chuyện đau lòng của xã hội nếu có, to nhỏ đều bắt đầu từ sự dốt và nát. Tôi thấy không ai định nghĩa chuẩn hơn người sáng lập ra chủ nghĩa Cộng Sản khoa học :" Dốt nát là sức mạnh của ma quỷ "


(Một ông cao tuổi): - Nếu sa đà vào việc luận bàn về sự dốt nát và sự thông thái, tôi e rằng đó là chuyện muôn thuở. Người đời thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, Bần hàn sinh đạo tặc”. Có thể đó là vấn đề gần với chúng ta hơn – Khi đời sống vật chất tồi tệ, bất công, thì nhân tính bị xói mòn, thiện ác lẫn lộn.

Chống sự suy thoái trong đời sống, chính là chống sự xói mòn nhân tính.
Nếu nhân tính bị xói mòn, con người phải nói thật rằng : không phải trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống tử tế và nghĩ ngợi những điều nghiêm chỉnh được đâu.


Bạn nghĩ gì về chữ "Hạnh Phúc" bán la liệt ở phố Hàng Mã ? Con người đã viết một tỷ cuốn sách để định nghĩa thế nào là Hạnh Phúc và tìm kiếm hạnh phúc.

Sinh thời Mác viết : "Hạnh phúc của một người là làm cho nhiều người được hạnh phúc". Trên lề đường của chúng ta, có rất nhiều người một thời đã hồn nhiên ý thức như vậy - Người chữa xe đạp bình thường này chẳng hạn.

Hãy theo ông ta, ông Trần Xuân Tiến về nhà tìm lại những kỷ niệm quý giá nhất của thời trai trẻ.

- Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

- Vào giải phóng thủ đô năm 1954.

- Có mặt trong đại đội chủ công sư 308 tiến công đầu tiên vào cứ điểm Khe Sanh.

- Được tặng danh hiệu Dũng Sĩ diệt xe cơ giới – Tám lần bị thương.

Dũng sĩ Trần Xuân Tiến đã về già, có cháu nội, cháu ngoại – ông vẫn là người rất mực thật thà và tử tế. Một con người trên mình tám lần mang thương tích, không thể không nói đến nỗi đau thể xác. Nỗi đau thể xác, mối lo về miếng cơm manh áo hàng ngày – Có đấy ! Nhưng thật là nhỏ bé so với nỗi đau tâm hồn, những hiểu biết, nghĩ suy về họ mạc, đất nước, đồng bào.

Từ xa xưa, con người đã luân bàn về Hạnh Phúc. Héraclite, một triết gia cổ Hy Lạp (500 năm, trước Công nguyên) viết : " Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn vật chất thì chúng ta có thể coi con bò là Hạnh Phúc".

(Một bà cao niên): Hạnh phúc của một loài bò sát : Con kỳ nhông – là khi nằm trên lá khô, nó có màu nâu – Khi trườn trên lá tươi, nó có màu lục – Và nhất là biết cách băng qua đám lửa cháy mà không hề bị xây xát. Có những con người giống như loài kỳ nhông : họ vòng vo tinh khôn và chẳng bao giờ bộc lộ cái gì có thể phương hại đến bản thân mình.Chúng ta còn khốn đốn, nếu nhiều người không thật, nhiều điều không thật, nhiều sự việc không được gọi bằng đúng cái tên của nó.

(Một ông cao niên): Cũng chẳng thể khốn đốn mãi được - rất nhiều người và tôi – chúng tôi tin tưỏng một cách sâu sắc, chắc chắn rằng : Dù đông tây, kim cổ thì đạo lý, sự tử tế bao giờ cũng trường tồn, bất biến. Nó luôn luôn có mặt trong đời sống của chúng ta - thiếu hẳn nó thì chúng ta không còn là con người nữa. Một dân tộc, một xã hội dù ở bước vong nô thì sự tử tế, sự hoàn thiện vẫn là cái đích để tập hợp, là tia sáng để vươn tới.

(Cụ già):- Tôi cũng tâm niệm như vậy, nhưng tôi e rằng : khi vươn tới một sự hoàn thiện, sự tử tế như mong muốn, thì tiếc thay, cánh già chúng ta đã rủ nhau sang thế giới bên kia cả rồi. Và cuối cùng thì sau một cuộc đời tử tế hoặc không tử tế, dài lâu hoặc ngắn ngủi, mọi người đều được tạo hoá cho một cái quyền bình đẳng là : Trở về với Đất.

Có người cứ nói bừa rằng : Chết là hết. Nhưng thực ra, chết và con đường đi đến cái chết cũng nhiều chuyện lắm. Ví như trong đám có giọng thành kính xót thương : "Tiếc thay, ông ta là một người ăn ở tử tế" hoặc bật ra "Hừm, cái lão chúa xu thời".

Có lẽ chẳng mấy ai biết lắm chuyện về những người chết bằng người đào mồ. Âu cũng là một dịp để làm quen. Cái công việc nắng mưa, nặng nhọc này, đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội, lại cần cho bất cứ ai. Cho ông, cho bà, cho tôi và cho tất cả". Và không hiểu, bởi một lý do gì, chúng ta thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.

Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại – Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau.
Nhân đây cũng nói thêm rằng : người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.

Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời. Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.

Cùng với người đào mồ có nên nghĩ ngợi rằng : Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.

Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.
Khi bấm những cảnh cuối cùng của bộ phim này, người trông coi mồ mả, giám đốc các nghĩa trang Hà-Nội – cháu gọi nhà văn Ngô Tất Tố là bác, đã chép miệng bảo chúng tôi rằng : "Rõ chán, chuyện các anh cũ như trái đất. Tôi ở với người chết đã lâu, tôi thấy có cái hay là họ chẳng thèm tranh cãi với ai bao giờ. Dĩ nhiên, nếu họ có thể tham gia tranh cãi, thì ối điều phải bác bỏ - kể cả tôi là người quản lý họ và cả cái phim mà các anh đang làm".


Vâng !

Thì có gì mới đâu và có dám tranh cãi gì đâu – khi mà ở đây, trong cái nghĩa trang bình dân này, có mặt rất đông những người giỏi chữ nghĩa : Cụ Nguyễn Huy Tưởng, cụ Vũ Ngọc Phan, cụ Xuân Diệu, cụ Nguyễn Tuân....và nhiều cụ khác.


Có dám tranh cãi với ai đâu và có gì mới đâu, chỉ thương người bạn đồng nghiệp xấu số, lúc sống và lúc chết đều vui lòng để chúng tôi quay phim - Nỗi bất hạnh to lớn trong quá khứ của gia đình cậu ta kể ra ở đây, không tiện - Vậy mà, vẫn đùa bỡn cho đến lời cuối. Cậu ta bảo rằng : " Tớ rất muốn sống, để xem các phim của các cậu làm về cái chết của tớ như thế nào ?"


" Trải qua một thời gian dài, rất dài. Chúng tôi mới nghiệm ra rằng : Để thấu hiểu nỗi đau của người khác, không phải là một việc dễ dàng gì". Vâng ! Không thể là một việc dễ dàng gì, nhất là, khi ta không sống cuộc sống của người đời. Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui của người đời thì may ra tìm được, hiểu được, nghĩ được và làm đúng được đôi điều.


Nhưng, cũng như chuyện, ít có mấy ai lại lẩm cẩm từ chối một cuộc sống đầy đủ hơn, quyền thế hơn để sống cuộc sống như mọi người – Cái nghịch lý là ở chỗ đó và, cuối cùng, dù nhọc lòng, mất công, những điều chúng tôi, những người làm phim biết được chỉ bằng giọt nước ; còn những điều chưa biết lại là biển cả.


Đến đây mới nhận ra rằng, ở bộ phim này quá lạm dụng lời các danh nhân. Lời bình do những người làm phim viết ra, rất có thể là những điều vớ vẩn, tầm phào, làm mệt lòng người duyệt kỹ tính.


Còn lời các danh nhân thì thực yên tâm. Đó là chân lý, là danh ngôn – Vì vậy, trộm nghĩ cũng nên thay chữ "Hết" của bộ phim nhỏ bé này bằng việc nói thêm rằng, cái câu nói nóng nảy, táo tợn : “Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình...”

May thay là của Các Mác tôn kính, chứ không phải là của bạn tôi.

Trần Văn Thủy

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2006

Chuyện Tử Tế (tiếp theo)


Đồ hủi.

Xấu như hủi.

Bẩn như hủi.

Lười như hủi.

Không dây với hủi.

Cũng là để hiểu những người mắc bệnh phong - mà người đời vẫn gọi là người hủi – ăn ở với nhau ra sao, chúng tôi đã gặp vài ba cảnh đời thiết nghĩ cũng nên kể lại.

Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá, mình thì người nhà quê, bố cháu là Chiện, bà gọi cháu là Chiền. Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng mẹ nó là người hủi. Mẹ nó là người hủi thì bố nó bỏ đi luôn. Mẹ nó – chị Nguyễn Thị Hằng - phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền bát gạo, đêm đêm chị lần mò mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định – phải tự vẫn. Nhưng còn thằng Chiền ? Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là, đêm chị lần về và bằng hai bàn tay cùi cụt co quắp không đủ ngón đốt, đã đóng 18.000 viên gạch. Hỡi những người lành mạnh và tử tế! 18.000 viên gạch, đêm, lạnh buốt và đau đớn. Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền – một người hủi – còn có một ước vọng rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng thơ tâm sự. Sổ thơ của “người hủi” có cả ảnh và thơ của Alexander Bloch, chữ viết của người hủi có bao giờ thẳng hàng:

“Túp lều nát rùng mình trong gió rét

Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm đông

Ôi cái rét giá của đêm dài cô quạnh

Của những phần xương thịt rất đau

Bố bỏ đi biệt xứ chẳng một lời

Thế là hết chẳng còn ai chăm sóc con ư ?

Tội nghiệp cho Tú Anh cái tên trong sáng

Như chim non bé bỏng mồ côi.

Mẹ nghĩ phải gắng sống, sống vì con

Gắng làm cho con một nếp nhà xinh

Đó là nếp nhà mẹ chịu nắng sương

Chịu cái rét giá của đêm dài cô quạnh.”

Tạo hóa bao giờ cũng có nhân có quả. Mẹ thằng Chiền đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa và đã qua khỏi. Nhiều lần dắt con đi bên bờ sông Trà Lý, nhắc đến tên các thầy thuốc đã chạy chữa cho mình, chị đã khóc.

Nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi nghĩ ngợi: Thế là mình đã dành gần toàn bộ cuộc đời cho nghề thầy thuốc. Trải qua một thời gian dài, rất dài chúng tôi mới chiêm nghiệm được một điều rằng: “Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì”. Lần tìm truyện về những người phong, cũng nên đến trại điều trị phong Quy Hòa. Ở đây chúng tôi gặp mặt đông đảo các thầy thuốc, câu hỏi của chúng tôi: “Thưa các thầy thuốc, ai là người tận tân chạy chữa, chia sẻ với người phong ạ ?”

- Các bà xơ, chuyện đó phải kể đến các bà xơ. Các thầy thuốc, trong đó có các thầy thuốc từ khi rời ghế Trường Y cho đến bây giờ đã hai thứ tóc làm việc ở các trại phong đều trả lời chúng tôi như vậy. Các xơ cao tuổi rất biết về Hàn Mặc Tử - một thi sĩ thời tiền chiến lâm bệnh hủi đã qua đời tại đây gần nửa thế kỷ trước. Các xơ kể rằng, thời Hàn có hai điều các xơ để tâm: thứ nhất là thời ấy, do thiếu hiểu biết người ta thật tàn bạo với người phong; thứ hai là khi Hàn lâm bệnh rất nhiều người xa kẻ gần kiếm thuốc tìm thầy chạy chữa cho Hàn rất công phu, tốn kém. Nhưng điều đáng nghĩ ngợi là phần lớn họ đều giấu tên để Hàn khỏi mang ơn. Xem vậy thì thời Hàn cũng có những người ăn ở với nhau đến là TỬ TẾ. Gặp các xơ, chúng tôi chợt nhớ lại lời thề Hypocrate treo ở giảng đường Viện Da Liễu: “Tôi xin hứa và thế nhất luật tuân theo những ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình.Tôi chỉ mong mọi người dạy cho lòng quý mến nếu tôi làm đúng lời thề....”. Lời thề Hypocrate là một lời thề TỬ TẾ. Từ lâu lắm, loài người đã cố tìm những lời đích thật để thề, thề vì con người, vì lòng tin và sự đau khổ của con người dần xa lánh những lời thề vu vơ. Chúng tôi hỏi: “Thưa, đâu là nơi bắt đầu để các xơ yên tâm, tận tụy phục vụ người mắc bệnh phong ạ ?”.“Dạ, chỗ bắt đầu của chúng tôi và đồng nghiệp là lòng tin”. Vâng, nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến với lòng tin có chứng cứ. Tin vào những cái đích thật.

“Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt. Lòng tin vốn không thể vay mượn, áp đặt hoặc tước đoạt. Mất lòng tin là mất tất cả. Bi kịch lớn nhất chưa hẳn là do nghèo túng mà là do mất lòng tin. Khi con người không tìm ra cái đích thật để mà tin. Khi giữa cuộc đời và thuyết giáo lại là một khoảng cách quá xa”.

Có muôn vàn ví dụ. Trước ngưỡng cửa cuộc đời những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng: “Các em yêu quý, các em là những đứa trẻ hạnh phúc, vì các em là con Hồng cháu Lạc. Giang sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giầu có, tiền rừng, bạc biển.”. Cũng ở một lớp học như vậy ở nước Nhật thì người ta dạy con em người ta rằng: “Các bạn nhỏ yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi, một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn.” . Giá như một lần chúng ta dạy con em rằng: “Các em ạ, cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền, vì các em ạ, bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.

- (Phỏng vấn một nhóm học sinh đang dán băng rôn có chữ “Vĩ Đại”): Chào các em, theo các em thì xung quanh chúng ta cái gì là vĩ đại ?

- Cháu chịu.

- Nào em ?

- Vĩ đại thì cháu nói thật là cháu chỉ được nghe chứ cháu chưa bao giờ được nhìn thấy.

- Thế thì theo các chú cái gì là vĩ đại cơ ạ ?

- (Một thầy giáo trả lời): Theo tôi, thì vĩ đại, vĩ đại nhất đã được tạo dựng nên trên trái đất này là con người. Chính là con người.

- (Một cô giáo già trả lời phỏng vấn): Nhưng tạo hóa đã không sinh ra một loài sinh vật nào chịu nhiều đau khổ hơn con người và khát khao sự TỬ TÊ hơn con người.

Thật vậy ! Một nhà văn từng viết : "Con người là một sinh vật không bao giờ chịu sống thúc thủ. Nó luôn luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mà mãi mãi không bao giờ đạt tới".


Còn cuộc đời thì biến động, chẳng bao giờ chờ đợi ... con người.

(Còn tiếp một phần nữa)

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2006

Chuyện Tử Tế


Tôi đã xem "Chuyện tử tế" đến 3,4 lần nhưng không hiểu sao vẫn cứ bị ám ảnh bởi những lời bình trong phim, con người sống với nhau cho "tử tế" mà sao khó đến vậy ? Khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến dài nhưng dường như cái đối nhân xử thế giữa con người với con người vẫn chẳng chịu nhấc chân. Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh và gấp gáp làm cho con người ta quên đi những ứng xử của con người. Chép lại lời bình của bộ phim tài liệu này, tôi chỉ muốn tự nhắc nhở mình hãy sống chậm lại, hãy nhìn con người với đôi mắt và tình cảm của một con người.

Lời đầu phim:

Có lần tranh luận về việc làm phim, bạn tôi bực mình mắng tôi một câu nghe rất lạ tai: “Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Chữ nghĩa đến là nóng nảy và táo tợn. Tôi ngờ rằng lời lẽ ấy, bạn tôi đã vay mượn ở đâu đó.

Người biên tập bộ phim này cho hay, từ rất xa xưa cha bác có dạy rằng: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn, đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế. Trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.”

Hôm nay, 20/4 âm lịch, ngày giỗ đầu một bạn đồng nghiệp của chúng tôi. Cũng không hiểu sao, đồng nghiệp của chúng tôi qua đời trong những năm qua phần đông đều do một căn bệnh hiểm nghèo – bệnh ung thư. Nhà quay phim Nguyễn Quý Nghĩa, Nguyễn Quang Trịnh, nhà biên kịch Quang Minh, đạo diễn Tô Cương, nhà quay phim Phan Trọng Quỳ, đạo diễn Trần Thịnh, đạo diễn Xuân Thành và bây giờ là Đồng Xuân Thuyết nữa.

Chúng tôi đã theo Thuyết gần 02 năm trước khi anh qua đời. Vào những giờ phút cuối, anh bình thản nói: Tớ mắc căn bệnh khá là hiểm nghèo,sau những cơn đau xé ruột những lúc tỉnh táo mình đọc và cảm thấy rất thích cuốn sách này. Tớ đọc các cậu nghe một đoạn nhé: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”. Các cậu thấy có lạ không ?

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”

Nếu khỏe mà về với các cậu thì vui như Tết, còn nếu có điều gì bất hạnh thì cũng chẳng có điều gì đáng ân hận lắm, vì khi còn sống chúng mình ăn ở với nhau rất là TỬ TẾ đấy chứ !

- Thế lỡ chẳng may thì cậu có giối giăng gì không ?

- Giối giăng thì có lẽ nhiều việc quá rồi thì cũng quên hết thôi. À này, mình cứ nghĩ là các cậu nên làm với nhau một điều gì đó. Nó có thể bắt đầu từ tình thương yêu con người chăng ? Hoặc là đi từ nỗi đau của con người ?

- Khó đấy.

- Khó cũng phải làm. Còn nếu không làm, các cậu mà vô tích sự, tớ đi trước tớ sẽ kéo các cậu theo sau đấy.

Cũng chẳng có điều gì đáng ân hận lắm, vì khi còn sống chúng mình ăn ở với nhau rất là TỬ TẾ. Tớ cứ nghĩ các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy, một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người.

Không có gì thành thật bằng lời nói của người sắp qua đời. Từ đấy chúng tôi định bụng rủ nhau đi làm một "bộ phim tử tế", tử tế dù là tương đối.

Nhưng việc có lẽ không thành bởi một hôm chẳng rõ vì đâu người làm gạch bất bình săm săm chạy ra xua đuổi chúng tôi té tát. “Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ, không có quay quắt gì ở cái lò gạch của tôi sất cả. Chán cái đám phim ảnh các ông lắm rồi. Có giỏi thì cứ chụp cái cảnh chúng tôi sống thật như thế nào đi. Cứ bày đặt ra mãi thế mà không thấy ngượng hả ? Không thấy ngượng hả ?”. Cũng có lúc ngượng lắm chứ hỡi cái ông có cái lò gạch. Người xưa từng nói: “Lập thân tối hạ kỵ văn chương”, nghĩa là lập thân bằng cái nghề văn chương nghệ thuật là cái nghề thấp kém, hèn mọn nhất. Ừ, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra; Mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến. Ông có cái lò gạch đâu có biết, bấy lâu nay chúng tôi mắc phải một thói quen cố hữu, chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên. Một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim ra đời đâu có mấy phụ thuộc vào sự hữu hiệu của nó với cuộc đời, lại chẳng mấy phụ thuộc vào mong muốn của những người lam lũ như ông mà thường nhất nhất trông đợi ở sự xem xét của bề trên chúng tôi. Bề trên chúng tôi bằng lòng thì được, không bằng lòng ắt phải bỏ. Bề trên của chúng tôi khen thì chúng tôi sung sướng. Bề trên chúng tôi chê thì chúng tôi buồn rầu.

Ngay cái chuyện vào nghề của người quay phim bộ phim này tuy cũ nhưng cũng còn là một thí dụ hay đấy. Thời niên thiếu, anh ta ở nhà quê đi chăn vịt. Cái nghề chăn vịt nào có hứng thú gì. Một trưa hè, mệt quá, anh ta chui bừa vào một cái lều để ngủ. Lũ vịt vô kỷ luật đã sục vào ruộng của Hợp tác. Các bác ở Ủy ban xã giận lắm liền ghi chuyện đó vào lý lịch. Bên cạnh 04 chữ ký của các bác ở Ủy ban xã có cả xác nhận của Huyện và hai chữ “TỐI MẬT”. Thế là đằng đẵng nhiều năm không thể thi vào bất kỳ một trường nào, một ngành nào mà anh ta vẫn mộng mơ. Mãi sau tình cờ có 01 lớp quay phim, anh ta thi đại vào. Vậy là, nghề chăn vịt với nghề làm phim như chúng tôi cũng chỉ cách nhau có gang tấc.

“Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ, không có quay quắt gì ở cái lò gạch của tôi cả”. Gã có cái lò gạch xua đuổi chúng tôi là hắn bậy rồi, chúng tôi ít ra cũng là người của Nhà nước. “Có giỏi thì cứ chụp cái cảnh chúng tôi sống thật như thế nào đi. Cứ bày đặt ra mãi thế mà các ông không thấy ngượng hả ? Hình như hắn có cái lý của hắn. Đến như bọn trẻ con đã có lần toét miệng cười và bảo chúng tôi rằng: “À, các chú quay cái loại phim này, chúng cháu xem là chúng cháu hay buồn ngủ lắm đấy!” . Đâu phải thế ! Chúng tôi từng làm hàng trăm bộ phim nhân dân chiến đấu anh hùng như thế nào, nhân dân quyết tâm sản xuất như thế nào, nhân dân phấn khởi tin tưởng như thế nào....Những bộ phim đó đã đi vào lịch sử và một thời đã mang lại vinh quang cho chúng tôi.

Nhưng phải nhận rằng: Chẳng có mấy bộ phim miêu tả nhân dân ăn ra sao, nhân dân ở ra sao, nhân dân đi lại sinh sống như thế nào và nhất là nhân dân nghĩ ngợi bàn tán những gì. NHÂN DÂN, hai tiếng thật thiêng liêng. Chẳng thế mà NHÂN DÂN có mặt ở khắp nơi, về văn hóa thì có: Nghệ sỹ Nhân dân, hiệu sách Nhân dân, giáo viên Nhân dân, nhà hát Nhân dân, báo Nhân dân; Ở những cơ quan nghiêm mật thì có: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân....Một thời chúng ta đã có những lời ca về nhân dân thực sự xúc động lòng người: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, “Anh em ơi vì nhân dân quên mình”...nhiều khẩu hiệu đã trở thành tâm niệm của một lớp người “Phục vụ nhân dân”, “Đầy tớ nhân dân” và cao hơn nữa là “Hiếu với dân”.

- Trung với Đảng với nước thì đã rõ, còn nội dung cụ thể của “Hiếu với dân” theo anh là gì? (Hỏi một chiến sỹ bộ đội trẻ).

- Cái này, tôi phải nghĩ một tí. Nhưng anh hỏi để làm gì ?

Cứ nghĩ như “Con có hiếu với cha” chẳng hạn, chăm sóc cha lúc tuổi gia, phụng dưỡng cha lúc ốm đau, thờ phụng cha khi qua đời, kế tục những hoài bão mong mỏi của cha còn dang dở. ..Hiếu phải đi đôi với thảo, không thể đẩy cha mẹ ra lề đường kiếm sống mà lại cứ tự xưng rằng “tôi là đứa con có hiếu”. Còn như đạt tới sự hiếu thảo với nhân dân thì ý nghĩa và nhân quả của nó còn to lớn hơn nhiều. Cụ Hồ có căn dặn rằng: “Bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Người có lương tâm đều hiểu, không phải lúc nào và ở đâu nhân dân cũng đã được đền bù xứng đàng. Có thể vì vậy mà ông lò gạch đã đối xử với chúng tôi – những người của Nhà nước – chưa được mặn mà, tử tế cho lắm.

(Phỏng vấn 1 nam người trẻ tuổi): - Chào anh. Theo anh thế nào là sự tử tế ?

- Chịu. Thế nào là sự tử tế bây giờ là khó lắm đấy!

(Phỏng vấn một nữ trung niên): - Ý chị thế nào ạ ?

- Có được phép nói thật không ạ ?

- Xin mời.

- Vâng. Người được mình coi là tử tế thì theo tôi trên thực tế mình nhờ vả một cái gì đó về quyền lực hay là vật chất. Chữ “tử tế” thì thường ở miệng những người có tuổi hoặc những người hơi xưa. Bây giờ thì bận lắm, mấy ai có thì giờ để luận bàn những chuyện xa xôi ấy.

- (Một người bố trẻ tuổi trả lời phỏng vấn): Xung quanh ta có nhiều người tử tế lắm chứ. Những người tử tế là người nhân hậu, thương yêu con người, ham làm điều thiện, lo việc công ích chứ không vì chức vụ hay bổng lộc. Theo tôi, những người bất hạnh, người cô đơn, người nghèo khó và nhất là người trung thực họ chính là người mong mỏi có sự tử tế hơn ai cả.

- (Một anh lái xe trung niên trả lời phỏng vấn): Đây là một câu hỏi lẩm cẩm. Tử tế à ? Các ông thử nghĩ mà xem, người cần sự cứu giúp thì gặp kẻ muốn ban ơn thế là thành sự tử tế. Người sa cơ lỡ vận gặp kẻ cần tiếng thơm để toan tính những việc xa hơn cũng thành người tử tế. Tử tế là một cái gì đó tế nhị, có đi có lại

- (Một cụ già trả lời phỏng vấn): Tử tế các đồng chí làm phim thân mến ạ. Hai cái chữ đó là gốc từ chữ Hán, chữ “Tử” là việc nhỏ nhất, mà “Tế” là cái điều nhỏ nhất. Hai chữ tử tế cộng chung lại nó có nghĩa là “cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất”. Vì chữ tử tế chúng ta hiểu lâu ngày nó sai đi, nó khác đi. Cái tử tế thật sự không thể có tiền mà mua được, không thể mong ước mà có được. Nó phải qua cái học hành, cái rèn luyện, cái giữ gìn, cái kế thừa mà có. Tử tế là bông hoa thơm, bông hoa đẹp của tình người.

- (Một cô gái trẻ trả lời phỏng vấn): Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, là niềm an ủi của người đời. Chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì.

(Còn tiếp)



Thứ Năm, 7 tháng 12, 2006

Lại thơ của vợ...híc híc!


Vô Đề 2

hôm qua mang áo đi giặt

THẤY TRONG TUÍ ÁO CỦA ANH/????

một mảnh giấy gấp làm tư

“Anh yêu, nhớ anh lắm đấy!”

Nét chữ dường như run rẩy

Nét chữ dường như dỗi hờn

Vuốt ve phẳng phiu mảnh giấy

Để vào ngăn kéo bàn anh

áo giặt là xong sạch sẽ

Treo lên trên mắc sẵn sàng

Chỉ có trái tim người vợ

Trống hoang

Một nỗi bẽ bàng

Mảnh giấy chẳng hề có lỗi

Chiếc áo cùng không có tội

chỉ có trái tim con người

chỉ có tình yêu dễ vỡ

trước những đổi thay bất ngờ.

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2006

VÔ ĐỀ


VÔ ĐỀ


thời gian

ngưng lại

người đàn bà

héo mòn

TRONG NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC

người đàn bà

GIƠ TAY

DỐC

THỜI GIAN

VÀO CỐC

ngửa cổ

NGOÀI KIA SÁNG HAY TỐI

NGOÀI KIA NGÀY HAY ĐÊM

NGƯỜI ĐÀN BÀ MẢI MIẾT

CÙNG THỜI GIAN TRỐN TÌM

NẮNG, MƯA CÙNG SÁNG TỐI

ĐÊM

NGÀY SẮP SANG

THỜI GIAN NƠI ĐÁY CỐC

CHỈ CÒN NGÀY HÔM QUA./.

(Mở ngoặc nói rõ hơn: Đây là thơ của vợ Image)

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2006

"Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế"


Hồi tôi còn đang học lớp 6 được nghe mọi người kháo nhau đi xem phim "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm dạy Văn của tôi đi xem về cũng khen và cho rằng đây là một bộ phim mang tính giáo dục cao. Nghe là nghe vậy, nhưng tôi đã được xem đâu. Từ đó, tôi vẫn để ý để tìm kiếm để xem hai bộ phim này. Vì công tác ở Tp.HCM nên tôi đã dò hỏi Fafilm Tp.HCM, Viện Tư liệu phim tại Tp.HCM nhưng câu trả lời là "không có". Một người chị trong giới điện ảnh nói với tôi: "Chị nghe nói là tất cả những phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy thì Nhật Bản đã mua toàn bộ bản quyền và lưu giữ rồi!". Tôi không tin lắm nên vẫn thỉnh thoảng khi có cơ hội vẫn cứ nhờ vả bạn bè và người quen tìm giúp. Và rồi tình cờ, tôi tìm thấy phim "Hà Nội trong mắt ai" ở trên trang web phim trực tuyến www.phim24g.net. Tất nhiên là vội vã tải về máy và ghi sang đĩa CD. Hình như sự may mắn bao giờ cũng rủ nhau đến một lượt: Một người bạn lớn tuổi cho biết là ông có đĩa DVD phim "Chuyện tử tế" được mang từ Mỹ về. Quá tuyệt vời ! Tôi vội vàng hỏi mượn và cũng ngay lập tức sang 01 đĩa copy DVD.

Trong 02 phim trên thì mỗi phim đều có cái hay của riêng nó:
* "Hà Nội trong mắt ai" là tên bản nhạc của Văn Vượng (một nghệ sỹ ghi ta mù mà ở HN gần như ai cũng biết tiếng) được Trần Văn Thủy lấy làm tên của phim. Theo tôi thì điểm nhấn của phim chính là những cái hay, cái đẹp của Hà Nội cổ xưa. Trần Văn Thủy khám phá vẻ đẹp của Hà Nội bằng cách bóc tách những lớp vỏ bên ngoài, đào sâu lịch sử và với cách thực hiện như vậy thì bất cứ ở đâu trên phố phường Hà Nội bạn cũng có thể thấy lịch sử hào hùng và văn hóa của Hà Nội và người Hà Nội, thấy được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong mỗi góc phố, con đường. Không dừng lại với việc khám phá vẻ đẹp của Hà Nội, với mỗi góc của lịch sử Hà Nội ta dường như có thể soi thấy hiện tại: Từ chuyện xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám, sự đối xử của dòng họ Lê với Nguyễn Trãi, chuyện Tô Hiến Thành tiến cử người thay chức quan của mình cho đến chuyện Hồ Xuân Hương ở đền Quan Thánh hay Bà Huyện Thanh Quan thay chồng phê án...Có lẽ nếu ai đó nặng lòng với Hà Nội, muốn hiểu biết sâu về Hà Nội thì xem thật kỹ bộ phim này là điều không thể thiếu.
* Tôi rất thích bộ phim "Chuyện tử tế" bởi nó ẩn chứa bên trong rất nhiều lớp nghĩa. Bắt đầu với chuyện ghi lại hình ảnh và lời nói của một đồng nghiệp - Đồng Xuân Thuyết - trước khi chết: "Tớ cứ nghĩ các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy, một cái gì đấy bắt đầu từ tình yêu thương con người, đi từ nỗi đau của con người...Không có gì thành thật bằng lời nói của người sắp qua đời. Từ đấy chúng tôi định bụng rủ nhau đi làm một bộ phim tử tế, tử tế dù là tương đối..." và bộ phim "Chuyện tử tế đã ra đời. Điều tôi thích nhất chính là lời bình trong phim. Bộ phim được bắt đầu và cũng kết thúc bằng câu danh ngôn:
“Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Dù có viết như thế nào đi nữa, theo tôi, cũng sẽ vẫn là không đủ, bởi "sự tử tế" giữa mỗi con người với nhau có đôi lúc bị mờ nhạt nhưng không bao giờ biến mất!

Tp.HCM ngày 04/12/2006.